Sách Nhật ký Anne Frank. Ảnh: Thanh Loan. |
Chưa có quyển sách nào mà tôi lại không mong kết thúc đến vậy. Từng trang nhật ký là những chuỗi ngày mà 8 người Do Thái lẩn trốn, họ trốn cuộc truy lùng của quân Phát xít, họ cùng nhau trải qua cuộc sống ở nơi trú ẩn. Mà khi quyển sách không còn được viết nữa cũng là lúc cả cô bé Anne Frank và những người còn lại cận kề cái chết. Họ bị bắt đưa đến trại tập trung, bị chia cắt với gia đình, và cuối cùng là cái chết.
Cô bé ương bướng với khát khao hòa mình vào thiên nhiên
Anne Frank viết nhật ký vào ngày đầu cô bé cùng gia đình đi trú ẩn vào năm 1942, khi đó cô bé 13 tuổi, đến năm 1944 thì kết thúc cũng là lúc cô bé tròn 15 tuổi. Ngày 1/8/1944 là ngày cuối cùng cô bé viết trong nhật ký. Ngày 4/8/1944, tức sau đó 3 ngày, cả 8 người bị bắt giữ, đưa đến trại tập trung, trong 4 người giúp đỡ che giấu họ có 2 người bị bắt vào tù, nhưng sau đó họ được thả ra và trốn thoát.
Trong 8 người bị đưa đến trại tập trung thì 7 người chết, chỉ có một người duy nhất sống sót là ông Otto Frank, cha đẻ của Anne Frank. Và cô bé Anne cũng chỉ vừa mới trải qua sinh nhật lần thứ 15 của mình. Ông đã đưa quyển sách đến với độc giả, như muốn để hoàn thành ước mơ của cô con gái nhỏ, muốn trở thành một nhà văn.
Đọng lại trong tâm trí tôi là một cô bé với tình yêu thiên nhiên xiết bao, qua những lần cô bé ngắm nhìn bầu trời xanh, những đám mây, khao khát được hòa mình với thiên nhiên, lắng nghe tiếng chim hót, cô bé có thể ngồi nhiều giờ trên gác mái để ngắm nhìn bầu trời, cả buổi ngày hay buổi đêm mà không biết chán, có những lúc cửa sổ cũng không được phép mở ra để tránh sự chú ý của người khác.
Vì như cô bé nói (tôi gọi là cô bé vì nhân vật lúc này mới 13,14 tuổi) đó là lúc trái tim và tâm hồn cô bé được chữa lành, nó còn hữu hiệu hơn cả những thang thuốc nữa, nó rất hữu hiệu cho người đau khổ.
Cả 8 người sống ở nhà phụ, là 3 tầng lầu trên một công ty sản xuất gia vị nơi bố Anne Frank làm việc, 8 người với những tính cách khác nhau, họ phải đặt ra các quy tắc chung, buộc phải tuân thủ để tránh bị phát hiện.
Ra ngoài là điều tuyệt đối không thể, đôi lúc cũng không được ồn ào, không được xả nước, không được gây tiếng động khi có người lạ, và nhiều quy tắc khác. Ở đây không thiếu những xung đột, cãi vã, chật vật để thích nghi với hoàn cảnh, những tình huống họ trải qua, mối nguy hiểm từ bên ngoài, việc sống nhưng phải giả vờ để những người bên ngoài không biết họ tồn tại.
Không thiếu những trận cãi nhau kịch liệt, giữa những người hàng xóm với nhau, giữa vợ chồng, giữa bố mẹ với con cái. Tôi như bị cuốn đi trong những cảm xúc của họ. Bên dưới họ là công ty sản xuất gia vị vẫn hoạt động bình thường, và có 4 người nhân viên tốt bụng thường xuyên cung cấp thực phẩm, chăm lo cho cuộc sống của họ. Anne đã rất biết ơn những người giúp đỡ gia đình cô trong cơn nguy khó.
Tôi không đánh giá ai, bởi trong hoàn cảnh như vậy, làm sao đòi hỏi họ phải cư xử như thế này, hay thế kia. Anne bị coi là cô bé ương bướng, hay cãi, hay nói luyên thuyên, cư xử không phải phép. Cô bé cũng có những xung đột với mọi người trong nhà phụ, cả bố, mẹ, chị gái, hàng xóm của cô.
“Không ai hiểu con hết”, sau những xung đột cãi vã là một tâm hồn muốn sửa lỗi, muốn hoàn thiện chính mình, muốn nhìn hết mọi khía cạnh của mình và đánh giá khách quan. Càng về sau, cuốn nhật ký càng sâu sắc và rất giá trị bởi thông điệp nó đưa ra.
Phải mất gần nửa cuốn sách để dẫn dắt mọi người vào bối cảnh của Nhà Phụ, rất chầm chậm, làm sao đòi hỏi sự sôi động hấp dẫn khi họ đang đi trốn kia chứ. Nhưng nhờ vậy lại càng khắc hoạ được tính cách của từng nhân vật trong sách. Càng về sau, tôi càng cuốn theo từng lời văn của tác giả.
Sách Nhật ký Anne Frank. Ảnh: Thanh Loan. |
Tôi như sống trong những hoàn cảnh mà nhân vật trải qua
Quyển nhật ký không thiếu những câu chuyện thể hiện tính cách của một cô bé, những câu chuyện xung đột của nhân vật chính và bố mẹ, câu chuyện học hành, chia sẻ về quá khứ, về mơ ước, về các tác phẩm truyện mà cô bé sáng tác, cả những thay đổi cơ thể ở tuổi dậy thì, những tìm hiểu về giới tính, về hoàn cảnh cô bé đang sống, cuộc chinh chiến, những trận đánh, những điều tự học, về sở thích, suy nghĩ của cô bé về những người khác, cả chuyện tình cảm cá nhân, cô bé chẳng kể cho ai ngoài quyển nhật ký “người bạn yêu dấu của mình, bạn thật là nhẫn nại và biết lắng nghe, còn ai nhẫn nại hơn những trang giấy chứ”. Ngoài ra, không thiếu những suy nghĩ của cô bé về tình hình chính trị, bối cảnh của thời kỳ cô bé đang sống.
Quyển sách này tôi đọc được một nửa, rồi tạm ngưng, sau đó mới tiếp tục dành thời gian đọc hết nửa còn lại. Khi đã hòa với giọng văn của tác giả, tôi như sống trong những hoàn cảnh mà nhân vật trải qua, hoàn toàn cuốn theo nhân vật. Không đánh giá hay xen ý kiến chủ quan của mình vào.
Có những quyển sách tôi có thể bắt nhịp và đọc say mê ngay từ khi mở đầu nhưng có những quyển phải đọc dần dần mới cảm nhận được cách viết của tác giả.
Nếu như Chiến binh cầu vồng là Lòng dũng cảm, thì với Nhật ký của Anne Frank không có từ nào mô tả vì nó khá đa dạng. Ước muốn của cô bé hoàn thiện chính mình, nhiều lần cô bé đề cập luôn muốn mình trở thành người tốt đẹp. Có lần đọc lại quyển nhật ký của mình, cô bé còn tự trách bản thân bởi những tật xấu và những lời gay gắt khi nói về người khác.
Khám phá quyển sách, đôi lúc chúng ta sẽ thấy mình trong đó. Chúng ta chỉ là những người đọc nhật ký của cô bé, thậm chí còn không biết cô bé có đồng ý chưa, dù lúc còn sống cô bé cũng có ý “ biết đâu sau này con sẽ công bố”.
Bài viết của độc giả Vũ Thị Thanh Loan, được gửi từ hòm thư vu…[email protected].
Nguồn: https://zingnews.vn/nhat-ky-cua-anne-frank-cuon-sach-toi-khong-mong-ket-thuc-post1435472.html
You must be logged in to post a comment Login