Connect with us

Tác giả

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: ‘Tôi không sợ bóng mình’

Được phát hành

,

Đối thoại với một người tĩnh lặng luôn lý thú, bởi người tĩnh lặng luôn có thể khơi gợi những điều mà những người đứng ở bờ bên kia của sự tĩnh lặng không bao giờ thấy được.

Nghĩ về nghề viết và nghiệp viết, từ rất lâu rồi, tôi đã muốn ngồi đối thoại với nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Chẳng phải vì chị là một trong những tên tuổi tiêu biểu của văn chương đương đại Việt Nam, cũng chẳng phải vì những tác phẩm của chị luôn có độ phổ cập lớn, trong đó có tuyển tập truyện ngắn được một nhà xuất bản tái bản tới gần 50 lần.

Đơn giản là vì quan sát chị, tôi thấy ở chị một sự tĩnh lặng, điều mà tôi nghĩ con người ta không dễ gìn giữ sau khi nổi tiếng.

Sự viết tàn lụi từ những điều nhỏ nhặt

– Thưa chị Nguyễn Ngọc Tư, tôi muốn bắt đầu cuộc đối thoại này bằng một ký ức văn chương đeo đẳng kể từ ngày tôi còn là một chú bé. Khi ấy, tôi có xem một cuộc phỏng vấn nhà văn Kim Lân trên Đài Truyền hình Việt Nam và tôi nhớ là khi người phỏng vấn hỏi ông rằng tại sao nhiều năm trở lại đây, ông không viết nữa thì giọng Kim Lân nghẹn lại. Với chất giọng nghèn nghẹn ấy, ông chia sẻ những day dứt về việc sau thời của những truyện ngắn xuất thần như “Làng” hay “Vợ nhặt” ông cứ viết ít đi, rồi không viết nữa. Và, theo cảm nhận của tôi, đến một lúc nào đó, không thể viết được nữa có lẽ là một nỗi buồn ghê gớm của mọi người cầm bút. Theo chị, không viết được nữa có phải là nỗi sợ lớn nhất của một nhà văn không?

Advertisement

Còn tùy vào nhà văn nào. Cách anh/chị ta coi văn chương là gì, dấn thân tận hiến kiểu nào, kỳ vọng vào chính mình tới đâu. Chuyện đó quan trọng, vì một người viết giữ khoảng cách vừa phải với việc viết, cân bằng được nó với những mối quan hệ khác, chắc không đến nỗi vô vọng đâu.

Riêng tôi tin vào duyên. Nhất là văn chương, thứ mà tôi nghĩ ngọt hay đắng đều có phần can thiệp của vô hình. Sao người này viết được, người kia không; người này thở ra thứ văn chương đẹp đẽ, người kia con chữ lục cục như đất cày.

Không phải cứ tích lũy mày mò tháng ngày mà thành, văn chương không tùy thuộc vào sự thuần thục, cũng như ta biết không phải viết nhiều, đều đặn thì là nhà văn.

Đôi khi, trong chúng ta chỉ là người viết sách. Và vì duyên, nên lúc nào đó hết duyên thì ngừng. Giãy giụa chẳng ích gì. Là tôi nghĩ vậy. Kiểu ý nghĩ khi nhìn vào một viễn cảnh còn xa, nỗi buồn, sự bứt rứt cũng chỉ là hình dung mờ mờ.

Nhưng, gặp chuyện rồi tôi buồn rũ cũng nên, ai biết được, dân gian có câu “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ” đó thôi.

Advertisement
Nha van Nguyen Ngoc Tu anh 1

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Ảnh: An ninh Thế giới.

– Có rất nhiều lý do để một người cầm bút viết và trở thành nhà văn. Viết đơn giản chỉ để ghi lại những điều mình thấy và cái điều ấy làm mình day dứt. Viết để xả ra những ẩn ức sâu thẳm trong con người mình. Viết để xây dựng, kiến tạo một giá trị nào đó của đời sống mà mình tin là đúng. Vậy thì ngược lại, theo nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, có bao nhiêu lý do khiến một nhà văn không thể viết được nữa?

– Nhiều. Thật không may là khởi viết, đa phần là từ những viển vông, những khao khát đẹp đẽ, lớn lao. Nhưng, việc viết tàn lụi có thể bởi những điều nhỏ nhặt.

Mở một tài khoản Facebook hay một mạng xã hội nào tương tự. Xuất hiện dài kỳ trên truyền hình. Thường xuyên la cà ở những buổi giao lưu, ra mắt sách, những bữa rượu. Ngẫm ngợi và lên tiếng vào mọi vấn đề của đời sống. Cực đoan hơn, tôi còn ngờ tivi và báo chí cũng là thứ phân tán chữ của người viết, một khi họ quá chú tâm vào. Những thông tin trên đó ít có ý nghĩa với nghề văn.

Theo mường tượng của tôi, từ ý tưởng tới con chữ bày ra trên giấy là sự tuần hoàn trong những động mạch khép kín. Chúng nóng bỏng, sinh sôi, đầy lên đến mức người viết không chịu đựng nổi, chỉ có mỗi cách bày nó ra trang giấy.

Chỉ có mỗi cách viết cho vợi bớt. Và tụ bạ tỉ tê, phơi bày những ý nghĩ dù là không gian mạng hay trực tiếp mặt đối mặt, không phải là nhà văn tự cắt động mạch chính mình sao? Sực nhớ, cuộc trò chuyện này cũng nằm trong hành động dại dột ấy (cười…).

Advertisement

– Đúng là nhiều người thường nói tới sự ồn ào giết chết nhà văn. Áp sát quá nhiều vào đời sống thì rất khó có thể ngồi lại một cách tĩnh lặng để viết một cái gì đó cho sâu sắc. Thực tế, có những người cầm bút trước khi nổi tiếng đã sống với sự tĩnh lặng và đã tạo nên những tác phẩm hay. Nhưng, sau khi nổi tiếng, do không còn đủ bản lĩnh để giữ quanh mình một sự tĩnh lặng sáng tạo như vậy nữa, nên những trang viết cứ nhạt và đuối dần.

– Thế nhưng, ngay cả khi một nhà văn nào đó giữ mình hết sức có thể, lặng lẽ đến cực đoan, đến phát bệnh vì đám đông, vậy mà đến lúc nào đó, anh/chị ấy vẫn có thể không thể viết được nữa. Nên, ở trên tôi mới nói tôi tin vào duyên.

Chuyện buông thả chỉ là khiến cái chết của một nhà văn (đã từng viết rất được) đến sớm hơn, làm cho người đọc nuối tiếc hơn, bởi những ý nghĩ kiểu giá như, phải chi…

– Nhiều người nhận xét, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư ít giao du trong giới. Vậy, những bạn văn thân thiết của chị là ai? Điều thường trực mà chị hay trao đổi với những bạn văn này là gì?

– Đúng là tôi hơi ít thật nhưng chẳng phải kỳ quặc khó ưa đến nỗi chẳng có bạn trong giới văn chương (cười…). Chỉ là bạn đều xa, ít ngồi tụ bạ với nhau, chủ yếu thư qua thư lại, bạn cũng sống và viết âm thầm.

Advertisement

Giữa bọn tôi gần như không có chủ đề nào bị loại trừ, có thể là cuốn sách hay vừa mới đọc, một chỗ hay hay vừa mới đi, chuyện con cái ngày càng xa tầm với của mình, chuyện trai gái nếu có (cười…).

Nhưng, tôi nhận ra, tìm bạn cùng gu để tán chuyện về thơ mới khó. Ngày càng hiếm người thích thơ hoặc chịu được thứ thơ mà tôi thích. Thật may khi bạn bè mình còn có đôi người tôi có thể chụp hoặc gửi đường dẫn tới bài thơ tôi ưng, cùng nhau tấm tắc khen thơ sao mà thần sầu.

“Cánh đồng bất tận” chỉ còn là cái xác ve sầu

– Văn chương của Nguyễn Ngọc Tư, theo đánh giá của nhiều nhà phê bình thực sự là một thế giới sông nước Nam bộ với những phận người rất riêng biệt, giàu bản sắc. Thế giới ấy không lẫn với ai. Giọng văn của chị cũng chẳng lẫn với ai. Nhưng, ở thuở đầu cầm bút hoặc trong một giai đoạn ban sơ nào đó của nghề viết, chị có thần tượng một nhà văn trong nước hoặc quốc tế nào không? Chị nghĩ gì về mối liên hệ giữa một người viết với một thần tượng của mình?

– Hồi tôi bắt đầu viết, văn học Trung Quốc được dịch hàng loạt, làm mưa làm gió trong làng xuất bản. Mạc Ngôn cũng ảnh hưởng tôi ít nhiều, lối văn nói, phong cách hổn hển hơi thở đời sống hay là những nhân vật ông lựa chọn: Những con người nhỏ bé bị quăng quật, va đập không ngừng trong cái hỗn loạn của thế sự.

Đó là thời điểm những anh/chị Phan Triều Hải, Phan Thị Vàng Anh đang đình đám trên văn đàn.Tôi từng mơ được đứng vào chỗ họ. Sự thật là vậy.

Advertisement

Anh chắc hơi lạ vì không có cái tên nào phía Hà Nội nhưng hồi ấy tiếp cận của tôi với văn chương chỉ quanh quẩn trong vùng, qua những tờ báo số cuối tuần có in truyện ngắn, qua những cuốn sách tôi có thể mượn được ở thư viện.

– Sau thời “Cánh đồng bất tận”, tôi thấy chị vẫn viết, kể cả sáng tác lẫn tản văn. Nhưng, ở thăm thẳm bên trong con người chị, có bao giờ xuất hiện một câu hỏi: Phải làm sao để vượt qua cái bóng quá lớn mà “Cánh đồng bất tận” đã tạo dựng trong nghiệp văn của mình hay không?

Cánh đồng bất tận, với tôi, là cái xác ve sầu. Tôi thoát đi rồi nhưng mọi người vẫn chăm chăm trò chuyện, vuốt ve cái xác rỗng. Có thể quan niệm về văn chương mỗi người là khác nhau.

Ý thức văn chương của tôi không đơn giản là viết một cuốn sách được nhiều người ưa chuộng, đồng cảm.

Trong một chia sẻ vài năm trước, tôi có nói mình viết dưới bóng những nỗi sợ nhưng là sợ những ông lớn, ông kẹ của thế giới. Tôi không sợ bóng mình, nếu thật sự có tồn tại thứ đó. Tự mình tạo ra cái bóng nào đó, rồi sợ nó đến tê liệt, không phải kỳ cục và ngu ngốc quá sao.

Advertisement

Nhân tiện, thăm thẳm trong tôi là câu hỏi có phải cạo trọc là cách nhanh nhất để khỏi phải nhìn tóc rụng? (cười…).

– Chị làm tôi chợt nhìn lên đầu mình đấy, theo nghĩa đen thuần túy (cười…). Tôi để đầu trọc từ lâu lắm rồi và với kinh nghiệm của một người trọc, tôi thấy cái khoảnh khắc chuyển đổi từ một người có tóc sang một người trọc cũng chẳng dễ đâu. Bởi khoảnh khắc ấy, người ta phải đối diện với cái cảm giác chấp nhận mất đi một phần nào đó cơ thể mình. Với nghề văn, tôi nghĩ cũng vậy thôi. Nói là muốn cạo trọc và sẵn sàng cạo trọc là nói vậy, chứ làm sao có thể cạo xoẹt một cái là xong. Mỗi tác phẩm dẫu sao cũng là đứa con tinh thần của mình, được mình thai nghén, sinh nở một cách nghiêm túc, sao có thể dễ dàng cạo nó khỏi đời sống tinh thần của mình ngay được. Vì vậy, tôi rất tò mò muốn biết, hành trình “cạo trọc” của chị đã diễn ra như thế nào?

– Chắc anh hiểu lầm rồi. Tôi đơn giản là để nó lại chỗ nó đang nằm lại, rồi đi tiếp. Bộ vỏ tôi để lại đó, nếu may mắn, sẽ được hóa thạch với thời gian, không thì thành vụn bụi.

Một tác phẩm đem tới vinh quang nhiều chừng nào thì phải tạo khoảng cách với nó sớm chừng ấy, tôi nghĩ vậy. Ở lâu với nó lại ngủ quên, lại thỏa mãn, lại lười nhác.

Dĩ nhiên, với góc nhìn của người khác, cụ thể ở đây là anh, hay những bạn đọc trung thành với phong cách viết cũ của tôi, họ có quyền nghĩ tôi còn loay hoay dưới cái bóng của một tác phẩm nào đó, rằng chỉ tác phẩm ấy là đáng kể nhất.

Advertisement

Nhưng, ở vị thế của nhà văn và người đọc, đôi bên có những nhu cầu, đòi hỏi khác nhau. Không gặp nhau ở những thời điểm này kia là lẽ thường nhưng tôi tin cứ đi thôi, loanh quanh rồi sẽ gặp.

Phải phân thân với hai con người cùng lúc

– Nếu không có gì quá bí mật, chị có thể chia sẻ xem một ngày của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư bây giờ diễn ra như thế nào không? Chị thường viết vào lúc nào trong ngày và trung bình mỗi ngày, mỗi tuần viết bao nhiêu tiếng?

– Ôi trời, tôi đâu nề nếp, kỷ luật cỡ vậy. Có khi vài ba tháng tôi không viết gì. Ấy là tôi nói trạng thái vật lý ngồi vào bàn, mở máy tính và gõ phím. Tôi xem phim, mua sắm, la cà chỗ này, lang thang chỗ nọ.

Nhìn vào mọi người, có thể nói tôi đang không viết. Nhưng, sự thật, không viết chẳng bao giờ xảy ra với nhà văn.

Những ý tưởng, câu chuyện vẫn động đậy trong đầu như thường, giống như một phản xạ tự nhiên, khi ta nghe một câu chuyện bên đường, não thể nào cũng nhói lên ý nghĩ vụ này viết gì thì được? Với nó, ta sẽ bày gì ra giấy đây?

Advertisement

Tôi tin một nhà văn nói mỗi ngày viết dăm ba giờ đồng hồ gì đó, một con số cụ thể, chỉ là thỏa mãn trí tò mò của bạn đọc. Một nhà văn sao có thể đo đếm được thời gian mà anh/chị ta làm việc thật sự. Bởi, những ý tưởng vẩn lên trong đầu, bởi họ vẫn sắp xếp câu chuyện trong lúc nấu ăn, đưa đón trẻ, làm vườn, ăn cưới.

– Vì cùng lúc phải phân thân với 2 con người như vậy, con người văn chương và con người đời thực nên không tránh khỏi đôi khi nhà văn khiến những người sống cạnh mình cảm thấy ít nhiều khó chịu. Vừa nấu cơm cho chồng, vừa đau đáu với những ý tưởng viết lách nên cái nồi thịt kho tàu trên bếp bị cháy từ lúc nào rồi cũng nên. (Cười lớn…). Có bao giờ chị rơi vào những cảnh đó hay chưa? Những người thân thiết nhất, ở gần chị nhất có bao giờ phàn nàn về chị hay chưa?

– Chuyện gần như xảy ra mỗi ngày, mở tủ lạnh và quên không nhớ mình muốn lấy gì (cười…).

Nhưng, khiến mình mất công nhất là để tràn nước, thu dọn tàn tích rất mệt. Người nhà tôi quen rồi, họ mặc định lơ đãng là một phần của tôi, như thể là cái mũi, con mắt.

Tôi cũng bao dung cho chính mình, nuông chiều mình, cho mình cái quyền quên trước quên sau, không nhớ cũng không sao. Gì cũng nhớ răm rắp cũng bất hạnh lắm, chứ không phải chơi, tôi nghĩ vậy.

Advertisement
Nha van Nguyen Ngoc Tu anh 2

Nguyễn Ngọc Tư và các tác phẩm đã xuất bản. Ảnh: An ninh Thế giới.

– Có 2 quan niệm về câu chuyện sáng tạo văn học mà tôi thường nghe. Quan niệm thứ nhất: Viết là cuộc chơi của cảm hứng. Hãy cứ sống, cứ trải nghiệm, cứ vui buồn, hạnh ngộ, đau đớn, hạnh phúc với cuộc đời, đến khi nào cuộc đời tự nó ép mình phải viết và cho mình nguồn cảm hứng lớn lao nhất để viết thì hãy ngồi xuống bàn để viết. Quan niệm thứ hai: Viết văn phải là một nghề chuyên nghiệp. Nhà văn phải rèn luyện, chiến đấu một cách nghiêm túc với con chữ, để cố gắng làm sao mỗi ngày cũng có thể viết ra một chút gì gọi là tâm đắc. Chị nghiêng về quan niệm nào hơn?

– Tôi coi viết là công việc mình làm có thể làm tốt, trong khả năng mình và sống được bằng nó. Chữ “sống” không có hàm nghĩa gì ghê gớm đâu (tôi hay ghê ghê sự trịnh trọng), tôi chỉ muốn nói tới thu nhập. Đủ để đi chơi, sắm sửa cho mình và gia đình, dành dụm một khoản cho những biến cố bất ngờ vẫn luôn xảy đến.

Và, văn chương giúp tôi thoát khỏi sự tẻ nhạt thường ngày. Nói vậy không có nghĩa trong mối quan hệ với văn chương, tôi toàn nhận lấy. Cũng phải lao động, nghề nào cũng vậy thôi.

Nhưng, tôi không chắc mình là dân chuyên nghiệp, bởi sự chuyên nghiệp người ta vẫn thường lầm tưởng là mỗi ngày ngồi vào bàn viết bao nhiêu giờ và viết được từng nào trang.

Tôi nghĩ, chuyên nghiệp trong viết chính là ý thức về sự vô biên của nghề, về sự cao rộng của văn chương, về khả năng có hạn của chính mình.

Advertisement

– “Sự vô biên của nghề”, tôi rất muốn chị nói sâu thêm về chỗ này…

– Không có bến bờ, dấu mốc gì. Viết được một cuốn sách chỉ có mỗi ý nghĩa là viết được một cuốn sách. Nó ở đâu giữa thế giới mênh mông này, ta không biết được đâu.

Một giải thưởng cũng có giá trị trong phạm vi nào đó. Truyền thông khi ấy có thể rao rằng đây là dấu ấn, hay đây là cú chuyển mình của nhà văn A, B, C hoặc kêu hơn là một đỉnh cao mới.

Nhưng, lấy gì đo, dùng mốc nào để xác định đỉnh với ngọn? Tôi tin thời gian mới là thứ xác định giá trị văn chương. Mình có thể đợi được không, sau mấy mươi năm nữa?

Tôi không chắc, ngay cả vỡ ra tác phẩm của mình là bụi hay vàng thì cũng chẳng thể trở tay. Một người thợ thủ công biết mình đã ở bậc nào, tùy vào món đồ mà anh ta chế tác. Một anh viên chức biết mình đang ở đâu nhờ vào vị trí anh ngồi.

Advertisement

Một nhà văn thì khó xác định chỗ của mình, tôi nghĩ vậy, ít nhất là nghĩ về tôi. Dĩ nhiên, không phải người viết nào cũng đủ tỉnh táo mà nghi ngờ có bầu trời khác bao trùm cả bầu trời mà mình nhìn thấy.

Không tránh được những lúc chán nghề

– Có một khoảnh khắc nào đó, chỉ là một khoảnh khắc thôi, chị thấy sợ chữ nghĩa và chán viết hay không? Lúc ấy, chị làm gì?

– Tôi đi chơi. Tôi đi chợ. Tôi cày phim. Rồi một câu nói tình cờ nghe được, một hình ảnh tình cờ nhìn thấy khiến tôi muốn viết trở lại.

Thật lòng, chán mình và nản chữ mình vẫn thường xuyên xảy ra và nó hoành hành cũng lâu chứ chẳng phải chỉ một vài khoảnh khắc. Nhưng, tôi nghĩ, thứ tình cảm (có vẻ tiêu cực) ấy cần thiết cho việc một nhà văn nhìn nhận lại mình, tỉnh táo lại, đối diện với câu hỏi rằng, mình đã làm hết khả năng chưa?

– Từ nãy tới giờ chúng ta đã nói rất kỹ lưỡng tới chuyện viết lách nói chung của các nhà văn. Bây giờ, tôi muốn hỏi rất cụ thể rằng, theo dõi văn học Việt Nam trong khoảng 10 năm trở lại đây, chị thấy mùi vị cơ bản của những trang viết ấy là gì? Có gì để một người như chị kỳ vọng không?

Advertisement

– Mùi máu, mùi ghế bọc da trong máy điều hòa, hay mùi nước lã, thật tình là mùi nào tôi cũng ngại. Có thể không máu me, bạo lực, không cần phải làm những chiêu trò hấp dẫn để níu kéo người đọc, mình chỉ cần viết một cách ung dung. Ờ, như Orhan Pamuk, vậy được không?

Tôi từng tin, nếu trừ chiến tranh ra, trừ bạo lực ra, mình không còn bao nhiêu thứ để đào xới. Ờ thì mình đâu có nền tiểu họa lẫy lừng mà viết được thiên truyện như Tên tôi là Đỏ, hay mình đâu có sống ở một quốc gia cửa ngõ Á Âu, đâu có phải con dân của một đế chế chịu nhiều hưng vong, thăng trầm như Thổ Nhĩ Kỳ mà viết được “Istanbul”.

Nhưng, đó là những ý nghĩ kiểu tránh né thôi, một cuốn sách của Orhan Pamuk, chỉ là câu chuyện về thầy trò người đào giếng. Sự thật, không có chủ đề, hay con người nào là ngoại lệ của văn chương, quan trọng là tài năng tới đâu và nhà văn nhìn thế giới bằng con mắt nào.

Sống trong đời sống với rất nhiều va đập của xã hội hôm nay, sự va đập giữa cái cũ với cái mới, giữa những thế hệ đầy hoài niệm với một thế hệ mới trưởng thành cùng sự bùng nổ của công nghệ thông tin, mạng xã hội và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, có bao giờ trong chị xuất hiện những băn khoăn nhoi nhói nào đó hay không? Và, nếu có thì chị có bao giờ thắc mắc là tại sao những điều như thế chưa được chuyển tải vào những trang viết hay không? Nếu mỗi thời đại đều luôn cần những nhà văn đại diện cho nó thì một thời đại với đầy những va đập, day dứt như hôm nay đã có những nhà văn đại diện như thế hay chưa?

– Tôi vốn ít băn khoăn nhoi nhói vào văn chương chung quanh, trừ một vài nhà văn mà tôi đặc biệt cảm tình. Nhìn ra toàn cảnh của văn chương Việt càng hiếm khi, trừ lúc làm công việc gì đó liên quan đến đọc giám khảo, lúc đó phải đặt tác phẩm A, B, C nào đó vào cái nền văn học nước mình mà đắn đo.

Advertisement

Tôi có nói ở đâu đó, rằng tôi quan niệm não mỗi người chỉ có từng này, chỉ chăm chú vào một ít thứ thôi thì sẽ sâu thấu hơn là gì cũng ưu tư. Nhưng, anh hỏi rồi, tôi buộc nghĩ rồi, để nói luôn.

Va đập cũ/mới, giàu/nghèo của thời này, tôi thấy sao bằng những va đập ý thức hệ của những thế hệ trước kia, khi cha ông tụi mình phải đem súng ống, mạng sống ra giải quyết.

Tụi nhỏ dùng điện thoại thông minh thì ông bà chúng cũng thành thạo, còn biết đăng bài lên mạng xã hội. Lúc này đây, tôi không thấy khoảng chênh nào đáng kể cho văn chương khai thác, trừ khi người viết phải làm quá lên.

Nhưng, sự quá lên thì lại có vẻ đen tối quá, đồng nghĩa với gồng, không tự nhiên. Còn sao chép y sì như hiện thực thì lại nhạt nhẽo vô thưởng vô phạt, vì tự đời sống ngoài kia nó nhạt.

– Câu hỏi sau cuối: Điều gì sẽ xảy ra nếu văn chương không còn tồn tại trong đời sống con người?

Advertisement

– Ôi! Tôi toàn nghĩ những chuyện kiểu như sáng mai nấu món gì, xăng còn lên giá nữa không, ông con ra trường thì có tìm được việc ổn định không, cuốn sau viết về gì, rạp đang có phim nào mới.

Tôi không bao giờ nghĩ một ý nghĩ quá sức viển vông như là giả định văn chương sẽ không tồn tại. Bởi, văn chương chắc không phải là khối vật lý nằm trong một xác sách nào mà người ta đốt trụi là xong. Má tôi đi chợ thấy một vụ ẩu đả, về kể tôi nghe.

Và, tôi như thể tận thấy cuộc tranh chấp đó bởi những chi tiết, hình ảnh mà má tôi – bằng cái duyên kể chuyện vốn có – truyền tải lại.

Tôi nghĩ ấy là văn chương rồi. Còn lời là còn văn chương. Giờ ta ra một giả định khác, là loài người mắc cúm câm không nói được nữa nhưng giả định ấy là kiểu cho tiểu thuyết, tôi sẽ đặt gạch để dành đây.

– Xin cảm ơn chị!

Advertisement

Nguồn: https://zingnews.vn/nha-van-nguyen-ngoc-tu-toi-khong-so-bong-minh-post1312138.html

Tác giả

Để dòng chảy văn hóa đọc luôn được khơi thông, tiếp nối

Được phát hành

,

Bởi

Khẳng định sách có vị trí trung tâm trong đời sống văn hóa, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nói cần tiếp tục tạo môi trường thuận lợi nhất để khuyến khích mọi người đọc sách.

Zing News giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Phó thủ tướng Trần Lưu Quang tại lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai, chiều 21/4.

Hôm nay, chúng tôi rất vui mừng khi đến tham dự Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai tổ chức tại thành phố Huế, một vùng đất có nhiều truyền thống lịch sử và rất đậm đà bản sắc Việt Nam. Tôi nhiệt liệt chào mừng và thân ái gửi đến quý vị đại biểu và các vị khách quý tham dự lễ khai mạc, cũng như bạn đọc cả nước lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Truyền thống hiếu học, trọng sách của dân tộc ta

Thưa quý vị đại biểu, khách quý và bạn đọc cả nước! Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nói về vai trò của sách đã nhấn mạnh: “Bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc sách. Người mới học chữ cần đọc để không mù lại, người làm công an cần đọc để nắm tình hình. Những người làm công việc chuyên môn cần phải đọc để nâng cao trình độ. Người làm quản lý lãnh đạo cần phải đọc để quản lý, lãnh đạo tốt hơn. Làm nhà báo, nhà văn lại càng phải đọc”.

Advertisement

Cách đây hơn 2 thế kỷ, đại thi hào Nguyễn Du, danh nhân văn hóa thế giới từng khẳng định: “Sách vở đầy bốn vách / Có mấy cũng không vừa”.

Những lời khẳng định này đã phần nào đúc kết được truyền thống hiếu học, trọng sách của dân tộc ta.

Để tiếp tục khẳng định vai trò của sách và đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc trong đời sống cộng đồng, ngày 24/2/2014, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam.

Thời gian qua, Ngày Sách Việt Nam đã ngày càng khẳng định được ý nghĩa, vị trí, vai trò, nhiệm vụ và từng bước đi lên một tầm cao mới. Cụ thể là năm 2021, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 1862/QĐ-TTg, lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Thực hiện các Quyết định của Thủ tướng, những năm qua, cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, cộng đồng, địa phương, các nhà xuất bản, các đơn vị phát hành, các thư viện và những doanh nghiệp, cá nhân đã nhiệt tình tham gia hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, giúp cho công tác xuất bản có bước phát triển nhanh, làm cho văn hóa đọc có sự tiến bộ đáng được ghi nhận.

Advertisement

Phong trào đọc sách, tặng sách đã đến được nhiều nơi trên cả nước, góp phần thực hiện nhiệm vụ mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021: “Phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là ‘nền tảng tinh thần’, ‘động lực phát triển’, và ‘soi đường cho quốc dân đi’; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc”.

Vai trò trung tâm của sách trong đời sống

Năm nay, tại thành phố Huế, trung tâm văn hóa đặc sắc của cả nước, vùng đất giàu tính lịch sử, nơi hội tụ nhiều di sản văn hóa giá trị của Việt Nam, lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai cùng Hội sách chào mừng đã được các đơn vị phối hợp tổ chức trang trọng, đảm bảo xứng tầm với sự mong đợi của bạn đọc trong cả nước.

Sự kết hợp giữa nét văn hóa truyền thống cùng yếu tố hiện đại là một cách để chúng ta tôn vinh sách và khẳng định vai trò trung tâm của văn hóa đọc.

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang

Sự kết hợp hài hòa giữa những nét văn hóa truyền thống cùng những yếu tố hiện đại là một cách để chúng ta tôn vinh sách và khẳng định vai trò trung tâm của văn hóa đọc trong đời sống văn hóa để dòng chảy văn hóa đọc luôn được khơi thông, tiếp nối.

Chúng tôi tin tưởng rằng các chuỗi hoạt động và sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai được tổ chức hôm nay và trong những ngày tới tại thành phố Huế cũng như khắp mọi miền Tổ quốc sẽ thực sự phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống: Tôn vinh sách và những người làm sách, phát triển phong trào đọc sách.

Advertisement

Chúng tôi đề nghị cả hệ thống chính trị các cấp, các bộ ngành, cộng đồng, địa phương luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đơn vị xuất bản phát triển theo hướng tinh gọn, chất lượng và hiện đại hóa; đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp, tập trung đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc, đưa sách vào cộng đồng; các bộ, ngành, địa phương tích cực lồng ghép văn hóa đọc trong tất cả phong trào như: Xây dựng văn hóa, khuyến học…; tiếp tục tạo môi trường thuận lợi nhất để khuyến khích mọi người tham gia viết sách, đọc sách nhằm tạo ra tác phẩm tốt, làm phong phú thêm nguồn sách; tôn vinh các tác giả, văn nghệ sĩ, những tấm gương vì cộng đồng đã đưa sách, văn hóa đọc đến với mọi người, mọi nhà.

Nhân dịp này, đề nghị Bộ Ngoại giao, các tổ chức người Việt Nam ở nước ngoài tăng cường cả sự gắn kết, làm cầu nối cho hành trình Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lan tỏa đến bà con người Việt đang ở xa Tổ quốc nhưng rất gần về tâm hồn và văn hóa của quê cha đất mẹ Việt Nam.

Một lần nữa, xin được thay mặt Chính phủ, xin chúc các vị đại biểu, khách quý và bạn đọc luôn hạnh phúc và nhiều niềm vui!

Chúc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai và các hoạt động chào mừng trên cả nước thành công tốt đẹp!

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai khai mạc ngày 21/4 tại Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên – Huế, kéo dài đến hết ngày 25/4. Trong khuôn khổ chương trình, bên cạnh hội sách, còn có nhiều sự kiện đáng chú ý như: Tọa đàm “Chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản và nền tảng hỗ trợ xuất bản, phát hành” sáng 22/4; tọa đàm “Dư luận nữ quyền tại Huế xưa và nay” chiều 22/4; tọa đàm giới thiệu sách “Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc trong tiến trình đổi mới xây dựng đất nước phồn vinh hạnh phúc” sáng 23/4…

Advertisement

Nguồn: https://zingnews.vn/de-dong-chay-van-hoa-doc-luon-duoc-khoi-thong-tiep-noi-post1424222.html

Tiếp tục đọc

Tác giả

Hiểu về ngành xuất bản qua ‘Những con chữ ngoài trang sách’

Được phát hành

,

Bởi

Ông Trần Đình Ba, tác giả sách “Những con chữ ngoài trang sách”, nhận định rằng in ấn, xuất bản thời nay đã là thời của khoa học công nghệ; các hoạt động cũng được chuyên môn hóa.

Trần Đình Ba là tác giả đã có những tác phẩm nghiên cứu ấn tượng như Việt án – Lần theo trang sử cũ, Đằng sau mặt báo – Hồi ký chân dung báo chí Việt buổi ban đầu đến 1945.

Với kinh nghiệm nghiên cứu lịch sử của mình, kết hợp cùng hiểu biết của một người làm trong ngành xuất bản (là một trong những người làm xuất bản tiêu biểu trong dịp kỷ niệm 70 năm ngành Xuất bản, in và phát hành Việt Nam), ông đã thực hiện cuốn sách Những con chữ ngoài trang sách, trưng ra những mảnh nhỏ về in ấn, xuất bản và phát hành sách từ khi có kỹ thuật in chữ rời người Pháp du nhập đến 1945.

Trao đổi với Zing, tác giả chia sẻ về quá trình nghiên cứu, thu thập tư liệu, đồng thời cung cấp góc nhìn đối chiếu, so sánh xuất bản xưa và nay.

Advertisement

Nỗi tò mò từ khi ngồi trên ghế nhà trường

Điều gì khiến ông nghiên cứu về sách vở, xuất bản giai đoạn trước 1945?

– Lý do thì rất nhiều. Trước hết thời gian nửa cuối thế kỷ XIX đến 1945 có nhiều tác giả, tác phẩm hay, nổi tiếng, để lại dấu ấn lớn trong sự phát triển văn học, lịch sử và nói chung là văn hóa Việt Nam một thời như Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Vĩnh…

Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta đã được đọc nhiều tác phẩm liên quan của Hồ Biểu Chánh, Khái Hưng, Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng… nhưng số đó còn quá ít so với kho tàng đồ sộ họ để lại.

Đó là lý do thôi thúc tôi phải tìm đọc thêm và không chỉ ở mảng văn học, mà những tác phẩm lịch sử, địa chí của Diệp Văn Kỳ, Đặng Thúc Liêng, Cao Hải Để, Đào Trinh Nhất, Ngô Vi Liễn, Huỳnh Thị Bảo Hòa…

Thêm nữa, sách vở, hoạt động xuất bản thời gian nửa cuối thế kỷ XIX đến 1945 hiện nay lưu trữ, còn lại không đầy đủ. Hoạt động xuất bản thời gian này rất ít sách viết. Chẳng hạn sách Lịch sử xuất bản sách Việt Nam năm 1996, nội dung dành cho thời gian cuối thế kỷ XIX đến 1945 chỉ hơn 40 trang, không bao quát được diện mạo xuất bản thời gian đó và chỉ tập trung mảng xuất bản.

Advertisement
con chu ngoai trang sach anh 1

Tác giả Trần Đình Ba. Ảnh: Thanh Trần.

Việc cần có tài liệu tìm hiểu, bổ khuyết một mảnh nào đó cho hoạt động in ấn, xuất bản, phát hành sách từ khi có kỹ thuật in chữ rời của phương Tây du nhập vào theo bước chân người Pháp cho đến 1945, là rất cần thiết không chỉ đối với người trong nghề nói riêng, mà cả với độc giả nói chung.

Qua đó, chúng ta hình dung rõ hơn về in ấn, xuất bản, phát hành sách ở Việt Nam trong một khoảng thời gian gần cả 100 năm còn chưa có nhiều người tìm hiểu hệ thống.

Tất nhiên, để thực hiện được một tác phẩm thiên về in ấn, xuất bản, phát hành như thế, cần nhiều thời gian, công sức và nhất là nguồn tài liệu liên quan.

Lợi thế của tôi là người làm trong nghề, hiểu biết mức độ nhất định về lĩnh vực này. Trước khi thực hiện tác phẩm này, tôi đã dành thời gian rảnh rỗi ít ỏi có được để đọc, gạn lọc, tìm hiểu, viết bài đăng liên quan đăng rải rác ở các báo, tạp chí: Thanh niên, Phụ nữ TP.HCM, Pháp luật TP.HCM, Văn nghệ TP.HCM, Zingnews… Trong đó có những chuỗi bài dài kỳ “Phía sau trang sách”, “Mở trang sách cũ”.

Từ một dung lượng nội dung nhất định đã thực hiện rời rạc, tôi tạo động lực cho bản thân xây dựng đề tài, dựng khung đề cương và từ đó viết, bổ sung để tạo thành tác phẩm Những con chữ ngoài trang sách.

Advertisement

Ông đã thu thập, tìm kiếm tài liệu về tiến trình phát triển của ngành xuất bản như thế nào?

– Tư liệu cho đề tài có hai nguồn chính.

Một nguồn là ghi chép, hồi ký, hồi ức của những người thời ấy hoặc liên quan Trương Vĩnh Ký, Hồ Biểu Chánh, Đặng Thúc Liêng, Vũ Bằng, Ngọc Giao, Nguyễn Công Hoan, Vũ Ngọc Phan, Đào Duy Anh, Hồ Hữu Tường… Những hồi ký, hồi ức đó đề cập nhiều đến hoạt động báo chí và xuất bản sách dù chỉ viết xen lẫn vào trong hồi ký của họ.

Bên cạnh đó là báo chí khắp ba kỳ cuối thế kỷ XIX cho đến 1945 thỉnh thoảng vẫn đề cập đến xuất bản sách hay giới thiệu sách mới như Thông loại khóa trình (Sự loại thông khảo), Nam Kỳ, Dân báo, Nông cổ mín đàm, Công luận báo, Phong hóa, Điễn tín, Tràng An báo, Sài Gòn

Từ những sách hồi ký, hồi ức mà bản thân có được, cũng như nguồn file báo chí liên quan tiếp cận được, tôi lần về những tài liệu sách vở liên quan được họ đề cập.

Advertisement

Nhưng trong khi sử dụng tài liệu, tôi cũng phải vất vả để đối sánh giữa ghi chép trong hồi ký, hồi ức theo trí nhớ của người liên quan với thực tế đã xảy ra. Vì có những ghi chép các tác giả nhầm thời gian, sự kiện hoặc nhầm tên tác giả, tác phẩm.

Chẳng hạn Nguyễn Công Hoan nhớ tác phẩm Thế lực Khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ của Đào Trinh Nhất là do nhà in Nghiêm Hàm thực hiện, nhưng thực tế là do Nhà in Thụy Ký in năm 1924; hay cuốn Loạn Thái Nguyên của Trần Huy Liệu in năm 1935, trong khi bản thân ông lại nhớ nó ra đời sau khi Tiếng vang làng báo đình bản, mà Tiếng vang làng báo đình bản năm 1936…

Ngoài nguồn nguồn tư liệu trên, thì quan trọng hơn nữa phải có tài liệu thực chứng là chính những sách đã được xuất bản.

Bản thân tôi hay tìm tư liệu để phục vụ công việc biên tập, đối sánh việc sử dụng tài liệu tham khảo, trích dẫn của các tác giả cũng như có nguồn tài liệu sử dụng viết báo (Nhờ nguồn ebook có được từ Thư viện quốc gia Pháp, Thư viện quốc gia Việt Nam và nhiều nguồn khác với khoảng 2 vạn tài liệu khác nhau, trong đó một lượng lớn là những sách xuất bản 1945 trở về trước); nên khi triển khai đề tài này, mình có thể đọc được những tài liệu liên quan đó để dẫn chứng.

Nhưng với quỹ thời gian hạn hẹp, cũng như viết dạng khái quát theo chủ đề, nên không thể nào bao quát hết được tất cả sách, tài liệu liên quan mà tôi được tiếp cận, đó là chưa kể còn thiếu rất nhiều tác giả, tác phẩm mà bản thân chưa thể tiếp cận. Trong tác phẩm Những con chữ ngoài trang sách, tôi chỉ có thể điểm qua được vài trăm đầu sách cùng các tác giả liên quan trong đời sống xuất bản thời gian đó.

Advertisement

Trong quá trình nghiên cứu, có điểm gì về ngành xuất bản ông cảm thấy đặc biệt thú vị?

– Một cách bao quát và chung nhất, thì ngành nào cũng có những nét riêng biệt làm nên đặc trưng so với ngành nghề khác. Hoạt động xuất bản cũng vậy.

Những điểm thú vị nếu gạn lọc, tôi có thể là nói đến những nét riêng nho nhỏ, khác biệt của xuất bản 1945 về trước như việc in giá trên bìa 1, có sách đưa cả mục lục hoặc yếu mục lên bìa 1; hay không như bây giờ có trang lưu chiểu ghi rõ người chịu trách nhiệm xuất bản, biên tập, dàn trang, vẽ bìa và số lượng in, đơn vị in… thời đó trang này chủ yếu chỉ ghi địa điểm in ấn, số lượng bản in, bản thường, bản đặc biệt nếu có mà thôi; và sách thời đó cũng như báo, đăng rất nhiều quảng cáo cho đủ thứ nhãn hàng, không chỉ ở bìa 4 mà cả có ở trong trang nội dung.

Còn về tổng quan, dẫu mỗi thời, hoạt động in ấn, xuất bản, phát hành có khác nhau, vẫn có những mẫu số chung như trong xuất bản vẫn có những ông lớn – cả nhà nước và tư nhân; sách cũng đa dạng thể loại, phân nhiều cấp độ như sách bản phổ thông, sách đặc biệt cho người chơi sách; có những giai đoạn sẽ có những dòng sách được độc giả ưa chuộng, trở thành trào lưu như hiện tượng tiểu thuyết Tàu đầu thế kỷ XX, tiểu thuyết ba xu giữa những năm 1930, cũng như xuất bản thời nay từng có dạo tiểu thuyết đam mỹ tạo sóng trong làng xuất bản…

con chu ngoai trang sach anh 2

Sách Những con chữ ngoài trang sách của Trần Đình Ba cung cấp nhiều thông tin thú vị về ngành xuất bản Việt Nam. Ảnh: ĐB.

In ấn, xuất bản và phát hành ngày nay được chuyên môn hóa

Đâu là điểm khác biệt lớn nhất giữa xuất bản ngày nay so với giai đoạn ông nghiên cứu trong sách?

Advertisement

– Nếu nói về khác nhau, có lẽ phải có cả một nghiên cứu đối sánh, thống kê mới hợp lẽ được. In ấn, xuất bản thời nay đã là thời của khoa học công nghệ rồi.

Đơn cử như việc in sách không còn phải tỉ mẩn nhặt từng con chữ bỏ vào khuôn in như trước nữa, mà đã tiến tới bước máy móc được lập trình theo sự điều khiển của con người để in ấn. Hay phát hành thời xưa để sách đến được với người đọc, phải thông qua hệ thống đại lý là các cửa hàng sách lớn nhỏ ở các tỉnh thành.

Ngày nay việc kinh doanh, phát hành sách theo cửa hàng sách truyền thống nhỏ lẻ theo hộ gia đình thậm chí đang thui chột, các cửa hàng sách gia đình chủ yếu bán sách giáo khoa, sách tham khảo và văn phòng phẩm cho học sinh, còn các hiệu sách lớn cũng phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt với các sàn thương mại điện tử mà người có nhu cầu, chỉ cần cài đặt ứng dụng trên thiết bị điện tử cá nhân, thực hiện vài thao tác là có thể ngồi chờ sách được giao đến tận tay trong dăm ngày hay thậm chí là trong 2 giờ (ở những thành phố lớn).

Như trên chỉ là hai khác biệt cơ bản về in ấn, phát hành của ngày xưa so với ngày nay.

Lại có những sự khác biệt cũng rất đáng kể như khoảng thời gian từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, khi việc in ấn, xuất bản nằm trong tay các nhà in công tư. Phải đến cuối thập niên 1920, đầu thập niên 1930, mô hình nhà xuất bản mới hiện diện và vươn lên thực hiện vai trò xuất bản, phát hành, các nhà in dần lui về hậu trường chuyên trách chức năng in ấn.

Advertisement

Còn hiện nay, hoạt động in ấn, xuất bản và phát hành được chuyên môn hóa hơn. Nhà in thực hiện nhiệm vụ nhà in, nhà xuất bản thực hiện việc xuất bản (khai thác bản thảo, biên tập, thiết kế, xuất bản sách).

Trong hoạt động này, các công ty sách tham gia năng động và có vai trò lớn. Việc phát hành, kinh doanh tập trung vào các công ty nhà nước, tư nhân.

Thời gian 1945 trở về trước, các nhà xuất bản tư nhân mọc lên rất nhiều. Thậm chí có những nhà xuất bản trở thành thế lực lớn của làng xuất bản như Tân Dân, Mai Lĩnh, hay Đời Nay…

Nhưng cũng có những nhà xuất bản tư nhân được lập nên với quy mô nhỏ phải giật gấu vá vai như đơn vị của Huy Cận – Xuân Diệu, Nguyễn Đức Chính. Thời nay, nhà xuất bản là của nhà nước, tư nhân tham gia hoạt động xuất bản phổ biến ở hình thức các công ty sách…

Ông nhận xét thế nào về tiến độ phát triển của ngành xuất bản thời gian gần đây và ngành sẽ đi theo hướng nào trong thời gian tới?

Advertisement

– Ngành xuất bản thời gian gần đây rõ ràng là phát triển nhanh, mạnh về số lượng đầu sách được xuất bản, đa dạng thể loại sách xuất hiện trên thị trường.

Ngành xuất bản thời gian gần đây phát triển nhanh, mạnh về số lượng đầu sách, đa dạng thể loại trên thị trường.

Trần Đình Ba

Có những dòng sách đang thực sự nhận được sự quan tâm của các đơn vị xuất bản và độc giả như sách về chuyển đổi số, sách về chữa lành, sách văn học kinh điển của Việt Nam và thế giới…

Còn vế sau của câu hỏi “ngành sẽ đi theo hướng nào trong thời gian tới?”. Đây là một câu hỏi mang tính dự báo. Mà dự báo thì luôn có xác suất đúng sai như dự báo thời tiết vậy. Nó phụ thuộc vào định hướng của cấp quản lý, vào đường hướng phát triển của các đơn vị xuất bản góp phần tạo nên tổng thể bức tranh chung về hoạt động xuất bản Việt Nam.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News

Advertisement

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Từ ngày 21/4, Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Nguồn: https://zingnews.vn/hieu-ve-nganh-xuat-ban-qua-nhung-con-chu-ngoai-trang-sach-post1422238.html

Advertisement
Tiếp tục đọc

Tác giả

MC Phan Đăng: ‘Đọc sách cũng giống như yêu’

Được phát hành

,

Bởi

“Nếu không có phương pháp, không có mục tiêu thì ngay cả khi chúng ta yêu sách, chúng ta đọc sách cũng là một tình yêu lầm lạc”, tác giả Phan Đăng nhấn mạnh.

Chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, nhà báo – tác giả Phan Đăng tổ chức buổi talk show với nội dung “Đọc sách rất nguy hiểm nếu…”, tập trung vào các vấn đề độc giả quan tâm: Nên đọc sách như thế nào? Phương pháp đọc? Lựa chọn sách phù hợp với lứa tuổi, đối tượng?…

“Nếu như thời ấy có ai đó nói cho tôi biết, đọc sách là rất tốt, nhưng phải có mục đích đọc, phải có phương pháp đọc, phải có kỹ thuật đọc thì con đường tôi đi sẽ được rút ngắn lại rất nhiều. Phải đến bây giờ – 39 tuổi, tôi mới thật sự hiểu thế nào là ‘đọc quên để nhớ’, thế nào là ‘đọc của người để trở thành mình’ chứ không phải ‘đọc của người để trở thành nô lệ cho người’. Điều này thấm thía và quý giá vô cùng. Nó thực sự làm tôi như được bung ra, vỡ ra để nhìn thấu cả một chân trời mới”, tác giả Phan Đăng chia sẻ.

Tac gia Phan Dang anh 1

Tác giả Phan Đăng.

Phan Đăng so sánh rất dí dỏm, yêu mà không có phương pháp cũng chết, yêu không có phương pháp, cái giá phải trả rất đắt, có khi đừng yêu còn đỡ hơn, đọc sách cũng vậy.

Theo anh, có nhiều hệ lụy của việc đọc không có mục tiêu, thứ nhất đó là “tầm chương trích cú”, trong đầu lúc nào cũng sống bằng ý nghĩ của người khác mà cứ tưởng đấy là của mình.

Advertisement

Thứ hai là tin hết vào sách. Như vậy, dễ trở thành một kẻ độc tài tri thức, thấy ai đó nói không giống kiến thức mình đọc được tỏ thái độ cực đoan.

Hệ lụy thứ ba, đem mớ lý luận đọc được “tấn công” đối tượng nào đó nên mới có những cuộc bút chiến trên mạng xã hội khiến nhiều độc giả tin một cách mù quáng. Thực tế, có không ít người vẫn tin những chuyện hàn lâm, nhưng thật ra chẳng phải để cùng khai phóng, trao đổi về chân trời tri thức mà mục tiêu là đem mớ lý thuyết đấy “mài” thành lưỡi lê sắc bén cứa vào da thịt người khác nhằm chứng tỏ cái tôi hơn người.

Cái tôi là ảo tưởng của lầm lạc

Về phương pháp đọc, tác giả Phan Đăng cho rằng đọc sách phải có chiến lược, mục tiêu đọc chứ không bạ đâu đọc đấy, không lan man.

“Khi xây dựng mục tiêu đọc, phải trả lời được hai câu hỏi. Câu hỏi thứ nhất là chúng ta muốn phát triển ngách tri thức nào? Bể tri thức của nhân loại mênh mông vô tận, bạn có mười đời cũng không đọc được hết nhưng có quyền chọn một ngách để đào sâu tát cạn. Không hẳn vì mong muốn trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực đấy mà đơn giản thỏa mãn tận cùng những khát vọng của bản thân. Muốn làm được điều đó, phải phát triển kiến thức nền, phông văn hóa cho chính mình. Như vậy, mới có một lộ trình đọc tốt”, tác giả Phan Đăng khẳng định.

Tac gia Phan Dang anh 2

“Ai cũng phải có một cuốn sổ đọc của riêng mình”, tác giả Phan Đăng bày tỏ.

Tuy nhiên, Phan Đăng cho rằng nếu chỉ có kiến thức ngách mà không có kiến thức nền thì chỉ thấy vài giọt nước chứ không thấy được cả dòng sông… và ngược lại. Để vừa cảm nhận được sự cô đọng, tinh túy của một giọt nước hay sự mênh mang, rộng lớn của dòng sông phải đọc cả tri thức ngách lẫn tri thức nền. Điều đó giúp cho các bạn có thể chia sẻ với con cái, cùng hoạch định một chiến lược đọc rõ ràng.

Advertisement

“Ai cũng phải có một cuốn sổ đọc của riêng mình”, tác giả Phan Đăng bày tỏ.

Theo anh, khi đọc cần một đầu óc khai phóng và kỹ thuật hoài nghi. Thậm chí, đọc trong sự trăn trở lật đi lật lại không ngừng nghỉ.

“Đọc sách rất nguy hiểm nếu… không cẩn thận thì càng đọc càng nuôi nấng cái tôi của mình, mang cái tôi để hơn thua với cuộc đời. Trong khi cái tôi theo quan điểm của Phật giáo, vốn dĩ nó không có thật, là một ảo tưởng của lầm lạc mà thôi. Đọc sách mà mang kiến thức của mình để coi thường người khác thì đọc làm gì. Đây là những hệ lụy rất nguy hiểm. Nếu không có phương pháp, không có mục tiêu ngay cả khi chúng ta yêu sách, chúng ta đọc sách đó cũng là một tình yêu lầm lạc”, tác giả Phan Đăng nhấn mạnh.

Phan Đăng từng công tác tại báo An ninh Thế giới. Anh được nhiều người biết đến trong vai trò một bình luận viên thể thao, MC chương trình Ai là triệu phú. Phan Đăng từng ra mắt các cuốn sách: Ở trong đầu tri thức, Ơ kìa, làng bóng trong mắt tôi, 39 câu hỏi cho người trẻ

Nguồn: https://zingnews.vn/mc-phan-dang-doc-sach-cung-giong-nhu-yeu-post1422829.html

Advertisement

Tiếp tục đọc

Xu hướng