Trần Tùng Chinh là cái tên quen thuộc trên văn đàn của hơn 30 năm qua. Sau các tập sách gây được dấu ấn trong lòng bạn đọc như: Trại mùa xuân (Nhà xuất bản Kim Đồng, 2017),Ba kể con nghe (Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, 2018), Anh em… hô biến (Nhà xuất bản Kim Đồng, 2019),… thì vào tháng 5 vừa qua nhà văn đã cho ra mắt tập truyện ngắn Mùa hè năm ấy có cơn mưa rào do Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành (2023).
Trong mỗi chúng ta, ai cũng từng trải qua cái thời sinh viên vô ưu, vô lo, cái tuổi đẹp nhất của mỗi đời người, khoảng thời gian đó ta có biết bao kỷ niệm vui buồn, bao ký ức hồn nhiên, ngờ nghệch bên thầy cô, bạn bè. Và nắm bắt được tâm lý chung ấy, quyển sách ra đời như một bản nhạc hòa tấu với muôn vàn câu chuyện đầy hóm hỉnh, tươi sáng và cũng rất sâu lắng đưa người đọc đi vào từng cung bậc khác nhau của thời sinh viên để rồi trong vô thức nào đó ta chợt nhận ra mình trong từng câu chữ.
Ngọt ngào và dễ thương, nhẹ nhàng và lắng đọng là những cảm xúc mà bạn có thể cảm nhận được khi đọc xong tập truyện Mùa hè năm ấy có cơn mưa rào của tác giả Trần Tùng Chinh. Một tập truyện ngắn nói về quãng thời gian trong sáng và đẹp nhất của mỗi người – tuổi học trò – thời sinh viên.
Nếu có những tập truyện ngắn với những câu chuyện mang đậm triết lý nhân sinh, giáo điều, giáo lý và suy ngẫm về cuộc sống một cách nặng nề thì Mùa hè năm ấy có cơn mưa rào là một gam màu hoàn toàn mới lạ dành cho những bạn trẻ và đồng thời cũng là tấm vé trở về tuổi học trò, thời thanh xuân cho những ai đã một thời đi qua và khát khao một lần quay lại.
Xuyên suốt tập truyện là những câu chuyện ngắn mang những thông điệp nhẹ nhàng về tình yêu, tình thầy trò, bạn bè vô tư và trong sáng thông qua lời văn giản dị và mộc mạc đúng chất Tây Nam Bộ đồng thời cũng đúng chất lứa tuổi “nhất quỷ nhì ma”.
Mùa hè năm ấy có cơn mưa rào chỉ vỏn vẹn 10 truyện ngắn nhưng phía sau mỗi câu chuyện là bao cảm xúc bồi hồi, suy ngẫm mà tác giả đem lại cho người đọc. Cứ ngỡ những thứ cảm xúc ganh tị nhau của tuổi học trò, của thuở hồn nhiên vô ưu, vô lo sẽ dừng lại ở ngưỡng cửa đại học, nhưng không cái cảm xúc ấy cứ đeo đẳng theo con người ta từng phút một. Để rồi dù là một sinh viên năm nhất thì Thảo vẫn “khó chịu” khi chứng kiến Thuộc cứ giả chữ ký phụ huynh viết đơn xin cho Bích nghỉ học miết “Ai thèm né ông! Ai mượn để ý tui làm chi! Lo để ý tới mấy người hay nghỉ học kìa, để còn làm đơn xin phép chớ” (Năm nhất).
Đọc tác phẩm, ta sẽ thấy bóng dáng của những con người yêu cuồng nhiệt, khát khao tìm kiếm tình yêu và bộc lộ cảm xúc của mình nhưng trong cái cuồng nhiệt ấy vẫn còn vương vấn sự “trẻ con”, “bồng bột” quyết tâm từ bỏ đam mê chỉ vì hai chữ “thất tình”. Yêu là một thứ cảm xúc thiêng liêng mà tạo hóa ban tặng cho con người nhưng yêu như thế nào cho đúng, cho đẹp thì đối với cô cậu sinh viên năm nhất đôi khi cũng cần đến một “Quân sư Hai Lúa” chỉ dạy “Thầy đề nghị Tân hãy lạnh lùng lên, như kiểu mấy soái ca trong phim Hàn Quốc (…) Rồi thầy chốt hạ một câu: Cái gì của mình tự khắc sẽ thuộc về mình, còn cái gì không phải thì có níu kéo đến mấy cuối cùng vẫn sẽ trắng tay”. (Ông thầy quân sư).
Và rồi ở tuổi trẻ không dừng lại chỉ ở tình yêu mà còn là những tháng ngày học tập, tham gia các hoạt động vì lợi ích cộng đồng, cùng lên đường thực hiện “Chiến dịch Mùa hè xanh” với khẩu hiệu bên mình “Sinh viên ở dân thương. Làm dân tin. Đi dân nhớ. Quyết tâm, quyết tâm,…” (Mùa hè năm ấy có cơn mưa rào).
Trong những cuộc hành quân đáng nhớ ấy là bao mối tình lại chớm nở nhưng cũng lắm trái ngang đoạn trường “… cho mình xin lỗi. Mình chỉ thích con trai” – trong câu nói ấy lại là một khao khát, mong muốn tự do thể hiện bản thân mình trước mọi người, tự do trong tình yêu “Và cũng như bao nhiêu cặp đôi nam nữ khác, tụi con yêu nhau. Mà tình yêu lạ lắm. Con chỉ biết khi đã yêu đúng người rồi thì bất kể người đó là ai, giới tính nào, quê quán ở đâu hay hoàn cảnh gia đình ra sao. Chỉ cần là tụi con yêu nhau. Chỉ cần là tụi con mong muốn và khao khát được ở cạnh nhau. Thế là đủ” (Cả một trời Xuân nhớ).
Đặc biệt, thấu hiểu nỗi tâm trạng chung của những sinh viên xa nhà, tác giả đã gợi về bao hình ảnh quê hương êm đẹp với chiếc xe lôi cọc cạch; tiếng muỗi bay đều vo ve vo ve; mùi nhãn thơm phức tỏa ra trong vườn nhà; hình ảnh ba mặc áo dài đen thắp nhang bàn thờ thiên;… tất cả hòa cùng tiếng con gà hàng xóm gáy vang kiêu hãnh “cái âm thanh bình thường mà khi xa nhà tự nhiên thấy nao nao nhớ nhung quá đỗi…” (Chú gà trống). Những điều bình dị nhưng rất đỗi thân thương.
Khi đọc Mùa hè năm ấy có cơn mưa rào nếu vô tình bạn bắt gặp chính mình trong một hay một vài câu chuyện nào đó thì cũng đừng vội ngạc nhiên bởi những câu chuyện mà tác giả đem vào trong từng tác phẩm đều được khơi nguồn cảm hứng trong chính môi trường học đường năng động, trẻ trung. Với vai trò là một người thầy, tác giả đã chứng kiến biết bao mối tình “lên bờ xuống ruộng, lâm li bi đát, mặn nồng” của những lứa học trò, bao câu chuyện vui buồn thú vị trong từng lớp học đã làm nên nguồn cảm hứng vô cùng tận để tác giả thỏa sức vung bút làm nên bao câu chuyện thú vị về tuổi học trò.
Với lối kể chuyện giản dị, dễ thương, mộc mạc và gần gũi, tác giả đã khiến cho người đọc đôi lúc phải bật cười bâng quơ vì cách dùng từ đầy hóm hỉnh “Xeo-phì”, “ga lăng xăng”, “ngoại hình hoành tráng”,… và những suy nghĩ hồn nhiên của tuổi mới lớn nhưng rồi khi câu chuyện cuối cùng khép lại ta sẽ nhận ra có cái gì đó lắng đọng trong tâm hồn, một chút hoài niệm, một chút luyến tiếc và một chút gì đó của thời gian…
Cuốn sách Mùa hè năm ấy có cơn mưa rào của nhà văn Trần Tùng Chinh là một món quà tinh thần tuyệt vời, là một người bạn đồng hành đầy sâu sắc, là tấm vé khứ hồi đầy ngọt ngào cho mỗi người khi đang khát khao tìm về với những ngày thơ mộng, hồn nhiên và tươi đẹp nhất của tuổi học trò.
Bài viết của độc giả Trương Hoàng Hân, sinh viên khoa Sư phạm, Đại học An Giang
You must be logged in to post a comment Login