Mùa hè là bối cảnh, chủ điểm cho nhiều tác phẩm. Ở đó, các tác giả không chỉ viết về bầu trời xanh, chùm phượng đỏ hay những trận mưa rào bất chợt; mà còn đưa người đọc khám phá nhiều câu chuyện hay về tình người, tình đời.
Bộ sách của nhà văn J.M. Coetzee gồm 3 cuốn. Ảnh: Thu Huệ. |
Mùa hè trên vùng đất xa xôi
J.M. Coetzee là nhà văn đoạt giải Nobel Văn học và hai lần thắng giải Booker. Những cảnh đời tỉnh lẻ là bộ sách gồm 3 tập (Tuổi thơ, Tuổi trẻ và Mùa hè), mang đến cho bạn đọc áng văn chương đan cài giữa thực tại và hư cấu.
Xuyên suốt 3 tập sách là câu chuyện về cuộc đời của cậu bé John sinh ra tại thị trấn nhỏ ở Nam Phi vào những năm 1940. John sống không thoải mái với cha mình nhưng lại nhận được tình yêu vô điều kiện từ mẹ.
Cậu lớn lên, trở thành sinh viên và trốn khỏi quê hương để đến châu Âu, mong muốn trở thành một nghệ sĩ. Tuy nhiên, khi đến London, cậu vỡ mộng và sau đó trở thành một lập trình viên máy tính, sống trong nỗi ám ảnh, cô đơn và sự dằn vặt bản thân vì không thể sáng tác.
Quay trở lại quê hương vào những năm 1970, tập 3 của bộ sách lấy tên Mùa hè, ghi lại những trang nhật ký đi kèm ngày, tháng của John và những lời tự vấn bản thân.
Trong cuốn sách này, dịch giả Hương Châu chia sẻ: “Khi đọc Mùa hè, tôi đã tìm thấy niềm vui được tận hưởng cái đẹp của lối kể chuyện lạ thường, thẳng thắn hóm hỉnh, vượt ra mọi khuôn khổ mình từng biết. Tôi thấy mình đồng cảm với John, với thế giới tự thuật hư cấu của tác phẩm”.
Bằng lối hành văn giản dị nhưng chất chứa sức nặng, nhà văn đoạt giải Nobel Văn học J.M. Coetzee mở ra bối cảnh mùa hạ trên vùng đất xa xôi, khiến độc giả Việt cảm thông cho số phận những mảnh đời cô quạnh đang đi tìm lẽ sống dưới ánh nắng rực lửa, chói chang.
Khát vọng sống
Giữa dòng đời tấp nập, đôi khi người trưởng thành hay tự vấn về ký ức của “mùa hè năm ấy”. Sẽ có những người hoài niệm mãi về kỳ nghỉ hè tuổi thơ, rong ruổi bên chúng bạn; cũng có những người lại nuối tiếc vì đã không sống hết mình cho những năm tháng đẹp đẽ ấy.
Cuốn sách viết về hồi ức mùa hè và khát vọng sống của tuổi trẻ. Ảnh: Bookbuy. |
Mình phải sống như mùa hè năm ấy là tập thơ nhưng cũng chính là lời tự sự của Nguyễn Thiên Ngân. Theo tác giả, “năm ấy” ở đây chẳng phải là một mùa hè cụ thể nào trong đời. Nó chỉ đơn thuần là khoảng thời gian đáng nhớ mà ai nấy đều muốn sống lại một lần.
Mùa hè trong tác phẩm hiện lên như cái nắng chói chang của mặt trời, làm dậy lên trong lòng người khát vọng sống mãnh liệt, hết mình cho tuổi thanh xuân.
Đó cũng là quãng thời gian mà con người ta đã sống và yêu hết mình bằng sự mộng mơ, không toan tính giữa hoa cỏ, mây trời và tiếng chim hót véo von.
Cuốn sách khơi dậy những rung cảm đầu đời khi con người ta chớm biết yêu, rồi nức nở lúc tan vỡ. Nhưng trên tất cả, nó mở ra một bầu trời nhiệt huyết của tuổi trẻ mà đôi khi, giữa sự xô bồ của cuộc sống hiện đại, ta bất chợt muốn níu giữ.
Xuyên suốt tác phẩm, mạch cảm xúc của tác giả Nguyễn Thiên Ngân không thay đổi. Cô đưa người đọc lên những chuyến tàu tuổi trẻ, trở về với “mùa hè năm ấy” và mơ ước được sống hết mình cho trọn cuộc đời này.
Sách về mùa hè của Kim Ae-Ran. Ảnh: Chi. |
Đi tìm mùa hè
Kim Ae-Ran là tác giả của cuốn tiểu thuyết nổi tiếng The youngest parents with the oldest child được chuyển thể thành phim My brilliant life. Nhà văn người Hàn Quốc này được độc giả yêu thích bởi lối viết lạc quan, tràn đầy năng lượng sống tích cực, không chùn bước trước những khó khăn.
Em thấy trong chúng ta một mùa hè cũng nằm trong số đó. Tác phẩm như dòng tự sự nhẹ nhàng về hồi ức mênh mông của mùa hè ở thời niên thiếu với ánh nắng vàng và những cơn gió dịu nhẹ. Bên cạnh đó, các nhân vật trong truyện còn chuyên chở đầy hy vọng vào cuộc sống.
Với mùa hè, con người sẽ luôn có những cảm xúc khác biệt, cho rằng nó tươi đẹp và đôi khi cũng nhuốm màu buồn.
Nhưng khi đọc cuốn sách này, ta hiểu được đối với mỗi người trưởng thành, dù là mùa nào trong năm cũng sẽ để lại những dấu ấn khó quên. Bởi đó chính là một phần rực rỡ của thanh xuân – khoảng thời gian đáng nhớ trong cuộc đời mỗi con người. Nó giúp chúng ta trưởng thành hơn. Khó khăn hay nỗi đau là điều không tránh khỏi nhưng thứ đọng lại duy nhất sẽ là kỷ niệm.