Ẩm thực tại lễ hội bánh dân gian Nam Bộ năm 2022. Ảnh: Việt Tường. |
“Một trong những dấu ấn văn hóa vừa thể hiện nét đẹp ứng xử của người bình dân miền Tây Nam Bộ vừa thể hiện sự phong phú của sản vật vùng đất này chính là nghệ thuật ẩm thực. Cụ thể hơn là các món quà quê như bánh, chè đã theo chân người xa xứ đến đây và tồn tại đến tận hôm nay”, tác giả Trần Minh Thương đã chia sẻ như thế trong tác phẩm Vấn vương hương vị bánh quê do Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM ấn hành.
Rảo quanh 13 tỉnh, thành miền Tây Nam Bộ chằng chịt sông nước, kênh rạch, vùng đất của chim trời cá nước được thiên nhiên ban tặng biết bao nhiêu vật phẩm để từ đó, với sức sáng tạo, ứng dụng khôn cùng, văn hóa ẩm thực của miệt đất này cũng trở nên phong phú, đa dạng và đặc sắc.
Đúng với tinh thần “hương vị bánh quê”. Đọng lại trong tác phẩm, là những món ăn được chế biến “theo những đặc điểm truyền thống vừa thể hiện sự sáng tạo sao cho phù hợp với những gì thiên nhiên ban tặng” vừa dân dã, dung dị, mà chất chứa bao nhiêu công sức, tấm lòng của người chế biến.
“Bánh đúc mà đổ ra sàng / Thuận em em bán, thuận chàng chàng mua”. Bánh đúc là thức ăn vặt đâu hiếm ở ba miền. Ấy nhưng không như suy nghĩ thông thương về chiếc bánh đúc bột gạo đơn thuần, bánh đúc miền Tây đủ loại: bánh đúc khoai môn, bánh đúc đậu phộng, bánh đúc bắp, bánh đúc dừa… Mỗi loại, lại có cách chế biến nêm nếm khác nhau tí chút.
Còn khoai mì (củ sắn) vào tay người nội trợ miệt sông nước, đã thành đủ sản phẩm ngon và bắt mắt. “Khoai mì có thể nấu canh, hấp cơm, hay nấu để ăn chơi. Có thời gian rảnh rang hơn, người ta lại đào khoai mì vô để… làm bánh”. Bánh khoai mì là bánh nào? Thì đây, bánh tằm khoai mì, bánh khoai mì nướng, bánh khoai mì chiên, bánh ít trần khoai mì… đủ loại quanh khoai mì.
Tác phẩm Vấn vương hương vị bánh quê mới được NXB Tổng hợp ấn hành. |
Vẫn ở Vấn vương hương vị bánh quê, ta còn bắt gặp nào bánh bò, bánh cam, bánh còng… cho tới bánh cống, bánh xầy, bánh vá… Rồi lại đến những thứ thức uống thanh mát nghe tên thôi mà dịch vị dạ dày đã muốn “bắt thèm” như chè ô môi, chè hột sen, chè vỏ bưởi, cơm rượu… Có những thứ bánh khi đến miền Tây, đã được chế biến cho phù hợp với phong vị ẩm thực của xứ này, như bánh bao, cháo Quảng…
Sự “bắt thèm” giác quan luôn hiện diện trong tác phẩm khi các món ăn được miêu tả cả về hương vị, chế biến. Tỉ như miêu tả về chén chè ô môi: “Lúc cần nấu chè thì đem hột đó ngâm trong nước nóng, giữ ấm, để qua đêm cho hột mềm. Sau đó, dùng mũi dao nhọn tách bỏ vỏ hột và cả nhụy ở bên trong. Cơm hột ô môi có màu trắng, giòn, dai, rửa qua nước lã cho sạch, để ráo. Đậu xanh nguyên hột cho vào cối, xay bể đôi, rồi ngâm hồi lâu với nước lạnh cho tróc vỏ.
Bắc nồi lên bếp, thêm ít lá dứa nấu cho ra nước vừa lấy màu xanh, vừa tạo mùi thơm. Sau đó, người nấu chè sẽ vớt lá dứa ra và dùng nước ấy nấu nhừ đậu xanh, trút cơm hột ô môi đã chuẩn bị sẵn vào, dùng vá đảo đều. Cuối cùng, là mấy thẻ đường thốt nốt, nước cốt dừa xiêm vừa đủ độ ngọt béo, là xong!”.
Nguồn: https://zingnews.vn/dam-tinh-huong-vi-banh-que-dat-mien-tay-post1436666.html
You must be logged in to post a comment Login