Suốt đời học Bác là cuốn sách của nhà báo Kiều Mai Sơn mới ra mắt, kể những câu chuyện dung dị, sâu sắc về Bác qua 16 nhân vật. Được sự cho phép của NXB Kim Đồng, Zing trích đăng phần nội dung theo lời kể của cụ Hoàng Thị Đào, dân tộc Tày, quê xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, phu nhân của đồng chí Lê Quảng Ba.
Vào tiết cuối năm Canh Thìn (1940), trời rét, Lê Quảng Ba dẫn cả đoàn gồm 41 người được huấn luyện trong lớp quân sự của Trương Bội Công (do Lê Quảng Ba và Hoàng Sâm làm trợ giáo), đi gấp về phía biên giới. Quá trưa thì đoàn đã gần tới Lục Tùng cách Tĩnh Tây (Quảng Tây, Trung Quốc) trên hai mươi cây số.
Hai ngày sau đoàn về đến vùng hoạt động cũ của các đồng chí Hà Quảng và được lệnh dừng chân lại ở hai làng của Trung Quốc là Nậm Quang và Ngàm Tẩy sát gần biên giới Việt – Trung để tuyên truyền vận động quần chúng.
Sách Suốt đời học Bác. Ảnh: NXB Kim Đồng. |
“Bác trò chuyện thân vui, thoải mái như cha con một nhà”
Gần một tháng sau Bác cũng về tới Nậm Quang. Tại đây đoàn được dự một lớp huấn luyện chính trị do Bác đặt chương trình và trực tiếp chỉ đạo. Các đồng chí Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, biên soạn chương trình và trực tiếp giảng dạy.
Nhớ lại ngày “Bác Hồ về nước”, Thiếu tướng Lê Quảng Ba đã kể lại cho nhà văn Hà Minh Tuân ghi và được in trong tập hồi kí Đầu nguồn (NXB Văn học, 1975):
Vào kì hai tám, ba mươi Tết ở Nậm Quang, nhà nào cũng giết lợn. Có ngày hai ba nhà cùng mời ăn; Bác đến thăm hỏi từng gia đình, nói chuyện thân mật vui vẻ với người già bằng tiếng Pạc Và.
Phong tục người Nùng ở Ngàm Tẩy không để khách ngủ ở nhà từ đêm ba mươi Tết đến trưa ngày mồng một, Bác khuyên anh em lên lán ở. Ngày Tết người ta thường đưa tiền phong bao cho các cháu. Bác đã chú ý sớm đến tục lệ này. Bác cho đổi sẵn tiền xu. Tết đến, tất cả các cháu ở hai làng Nậm Quang, Ngàm Tẩy đều nhận được tiền phong bao của cán bộ Việt Nam, mỗi gói một xu đồng.
Tôi không quên được những buổi chiều lành lạnh, cơm nước xong, Bác ung dung dạo chơi với chúng tôi ở các nương sau làng. Trò chuyện thân vui, thoải mái như cha con một nhà.
Bác hỏi thăm từng người, chăm chú lắng nghe tôi kể về bước đầu giác ngộ cách mạng của tôi. Bác mỉm cười, nhìn tôi âu yếm, khi tôi kể lại buổi lễ tuyên thệ vào Đảng cách đây đã bảy năm. Bác hỏi:
– Thế ngày ấy chú có tin là cách mệnh rồi sẽ thành công không?
– Cháu có tin nhưng thấy còn xa xôi lắm. Cháu cứ nghĩ: Chắc chắn mình sẽ được một phen sống mái với quân thù. Có thể mình chết mà chưa nhìn thấy cách mạng thành công.
Lớp huấn luyện kết thúc vào ngày cuối năm, các đồng chí Dương Hoài Nam (bí danh của Võ Nguyên Giáp) và Lâm Bá Kiệt (bí danh của Phạm Văn Đồng) trở lại Tĩnh Tây. Năm đồng chí: Phùng Chí Kiên, Thế An, Đặng Văn Cáp, Hoàng Văn Lộc và Lê Quảng Ba được theo Bác từ Nậm Quang về nước…
Tiết xuân trời đẹp.
Chúng tôi ăn cơm sớm ở Nậm Quang, chào bà con, rồi lên đường.
Trong bộ quần áo chàm Nùng, Bác như gầy hơn. Ngước nhìn gương mặt sạm sương gió của Người, lúc này tôi mới chỉ nhận thấy một dáng vẻ ung dung, điềm tĩnh, rất thân quen.
Tôi dẫn Bác theo những vệt đường mòn, lượn giữa các nếp núi tiếp nối nhau ở vùng biên giới hướng về Cao Bằng. Bác cầm một cây gậy nhỏ nhưng chỉ khi xuống dốc Bác mới chống, chân Bác bước mau lẹ, dẻo dai như một thanh niên.
Bác vừa đi đường vừa nói chuyện. Tôi kể lại với Bác tin tức mới nhận được qua thư các đồng chí Cao Bằng gửi sang…
Vượt lên một đoạn dốc ngắn rồi xuống một sườn núi dài lởm chởm đá, hoa lau dọc sườn núi phớt nâu rung rinh trong nắng. Đồng chí Lê Quảng Ba đã nhận ra cây mậy rẫy (cây si) xum xuê như một cây đa cổ thụ, mọc không xa mốc đá 108. Mốc đá như một tấm bia, hai mặt có khắc chữ Trung Quốc và chữ Pháp.
Bác dừng lại cúi đọc những chữ khắc sâu trên đá. Rồi Người hướng tầm mắt nhìn vọng hồi lâu về dải đất Tổ quốc trùng điệp… Bác dừng lại một chút nữa bên một dãy ghế đá thiên nhiên có nhiều hình dạng. Người nhìn sâu vào khoảng đất trời Tổ quốc biết bao đẹp đẽ nhưng đang đầy đau thương.
Người đã xúc cảm những gì, đã suy nghĩ những gì trong giây phút lịch sử đó?
Đứng cạnh Bác trên cái mốc biên giới đã quen biết ấy, nghĩ tới quê hương thân thiết ruột rà, tôi cảm thấy mình vô cùng gần gũi Bác như đứa con yêu quý ở bên cha, như người chiến sĩ đứng sau lá cờ người tổng chỉ huy sẵn sàng nhận lấy nhiệm vụ khó khăn nhất.
Từ cột mốc 108 nhìn về Nam chỉ thấy những ngọn núi nhấp nhô.
Tranh vẽ Bác Hồ về thăm lại Pác Bó. |
Tấm ván lót cót và lá cây để nằm của Bác
Đồng chí Lê Quảng Ba dự định sẽ đưa Bác về ở tạm nhà sàn của gia đình ông Máy Lì, người dân tộc Nùng, cơ sở cách mạng. Nhà ông đơn sơ gồm hai gian nhỏ và một gian mới làm thêm. Đến trưa Bác tới nơi. Ông Máy Lì ân cần đón tiếp Bác và cả đoàn. Bác ngồi uống nước, trò chuyện thân mật với ông Máy Lì như một người nhà vừa đi xa về.
Chợt Bác quay sang đồng chí Lê Quảng Ba nói nhỏ:
– Ta nhiều người nên ở trong núi thôi.
Ông Máy Lì nghe rõ, liền năn nỉ:
– Cụ và các bác cứ ở nhà đây tiện hơn, không sao đâu mà.
Bác mỉm cười với chủ nhà, tỏ ý cám ơn. Trong thâm tâm mình, Bác thương gia đình ông Máy Lì, không muốn gia đình ông phải ở chật chội.
Bác nói có ý dứt khoát:
– Thôi, sảu sán! (Thôi, ở rừng!)
Không giữ được đoàn ở lại nhà mình, ông Máy Lì nói:
– Ở ngọn núi kề đây có hang kín đáo lắm, chỉ khi có thổ phỉ chúng tôi mới chạy tới thôi.
Ông Máy Lì dẫn đoàn đi về phía hang núi. Leo lên một đoạn đá lởm chởm thì mọi người đến cửa hang.
Đang trưa, nắng xuân. Nắng lọt qua các kẽ lá lọt vào hang. Một cái hang nhỏ nhưng đủ chỗ ở cho mấy người. Gần kề vách hang bên trong nổi lên một tháp đá thiên nhiên cao vượt đầu người; nước mưa bao năm đã mài gọt phần ngọn tháp trở thành một nhũ đá trắng. (Ít hôm sau Bác tạc nhũ đá này thành tượng Các Mác).
Gió khô và lành lạnh vi vút cửa hang. Vào sâu trong hang không khí ẩm hơn. Hang ăn thông ra một con đường kín dẫn sang bên kia biên giới. Người ta gọi đó là hang Cốc Bó tức hang Đầu nguồn. Bác bằng lòng ở tạm đây.
Ông Máy Lì đem tới bốn tấm ván dài ngắn khấp khểnh, và một tấm cót rách. Ván kê lên chỗ lõm phía trong, phía ngoài nền hang bằng phẳng hơn, chúng tôi lót cót, cắt lá mạy téc rải đệm nằm cho đỡ lạnh và đỡ đau lưng. Tay chúng tôi rải lá mà lòng cứ chộn rộn xót thương! Bác ra đi lúc đương thì trai tráng, nay tóc Người đã có phần bạc, mà chúng tôi không xếp đặt được cho Người một tấm giường êm, một mái nhà ấm!
Giữa khi ấy Bác từ dưới suối lên.
Bác gọi tôi, bảo dẫn Bác và anh Phùng Chí Kiên đi xem xét địa thế quanh hang. Bác lanh lẹ tươi tỉnh tưởng như không phải vừa đi bộ từ sáng tới đây. Chúng tôi dừng lại bên bờ suối, rửa tay rửa mặt. Bác hồn nhiên nói với hai chúng tôi:
– Mình vừa nẩy ra cái ý này: Dòng suối của ta đẹp quá, trong xanh như ngọc ấy, lại bắt nguồn từ đây, nên đặt tên là suối Lê-nin. Còn ngọn núi hùng dũng kia, (Bác chỉ tay về phía sau bên trái) chúng ta gọi là núi Các Mác, các đồng chí thấy có được không?
Anh Kiên và tôi cùng cười, tán thưởng ý kiến của Bác.