Chia sẻ với Tri Thức – Znews, các bạn Đoàn viên, Đảng viên trẻ tiêu biểu cho biết Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “kim chỉ nam soi đường” để họ phấn đấu học tập, công tác, trau dồi bản thân và góp phần xây dựng tập thể vững mạnh, đóng góp cho xã hội và đất nước.
Lời Bác dạy là “kim chỉ nam soi đường”
Nguyễn Thanh Hà (24 tuổi, Hà Nội) là cựu sinh viên chuyên ngành Triết học tại Đại học Sư phạm Hà Nội. Thanh Hà đã đạt nhiều thành tích nổi bật trong quá trình công tác tại Liên chi Đoàn khoa Triết học và Hội Sinh viên trường, Hội Sinh viên Việt Nam TP Hà Nội và Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam.
Nhìn lại hành trình trưởng thành của một Đoàn viên, Đảng viên trẻ, Thanh Hà luôn khắc ghi lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa, thì không thành trời. Thiếu một phương, thì không thành đất. Thiếu một đức, thì không thành người”.
Thanh Hà luôn khắc ghi tư tưởng “Tứ đức” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong học tập và công tác. Ảnh: NVCC. |
Trong đó, tư tưởng về “Tứ đức” – Cần, Kiệm, Liêm, Chính được đề cập đến trong nhiều tác phẩm, bao gồm bản Di chúc lịch sử mà Người đã để lại cho dân tộc, là lời dạy, lời căn dặn mà Thanh Hà luôn ghi nhớ trong suốt quá trình học tập, công tác và rèn luyện của mình.
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Đảng viên trẻ Thanh Hà luôn tự nhủ về ý thức trách nhiệm của mình trước nhất là đối với bản thân: phải luôn chăm chỉ, cố gắng trau dồi về kiến thức, trình độ, kỹ năng chuyên môn; đồng thời phải biết rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, xây dựng lối sống tiết kiệm, trong sáng, ngay thẳng. Từ đây, Thanh Hà vận dụng những gì mình học được, làm được, có được để giúp đỡ những người xung quanh, giúp đỡ gia đình và lớn hơn là xã hội.
Với vai trò là một Đoàn viên, Đảng viên trẻ, Thanh Hà chia sẻ niềm vinh dự được góp một phần công sức, tiếng nói của mình tại các diễn đàn, các hoạt động dành cho thanh niên, thể hiện sức mạnh đoàn kết, sáng tạo, tiên phong của thế hệ trẻ thời đại mới.
Đọc Di chúc của Bác, hai sinh viên 21 tuổi của ngành Giáo dục mầm non tại Cao đẳng Sư phạm Trung ương Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Huỳnh Trúc Phương và ngành Luật khoa Khoa học Quản lý Đại học Thủ Dầu Một Nguyễn Hoàng Phát đều tâm đắc với lời căn dặn: “ĐOÀN VIÊN VÀ THANH NIÊN ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khǎn, có chí tiến thủ”. Nhờ đó, cả hai bạn đều luôn phấn đấu trau dồi bản thân trong cả học tập lẫn công tác.
Theo lời dạy của Bác, Trúc Phương đặt mục tiêu cho mình và luôn chăm chỉ cố gắng, không chỉ bồi đắp kiến thức chuyên ngành để phục vụ chuyên môn công việc, mà còn tích cực hoạt động phong trào. Cô sinh viên sư phạm từng nhận được nhiều khen thưởng cấp trường, cấp thành phố vì hoạt động tích cực trong các phong trào của Đoàn, Hội…
Trúc Phương luôn cố gắng không chỉ bồi đắp kiến thức chuyên ngành để phục vụ chuyên môn công việc, mà còn tích cực hoạt động xã hội. Ảnh: NVCC. |
Là một sinh viên Luật, Hoàng Phát tâm niệm rằng vai trò trước tiên của một Đảng viên, Đoàn viên ưu tú là phải phấn đấu trở thành công dân gương mẫu, tuân thủ Hiến pháp – Pháp luật của Nhà nước và quy định của trường, lớp, các cơ quan khác. Song song với việc học tập và tham gia nghiên cứu khoa học, Hoàng Phát còn tích cực góp mặt trong các hoạt động như Xuân Tình nguyên, Mùa hè xanh, Chủ nhật xanh, Thứ bảy tình nguyện,… với mong muốn mang lại những giá trị có ích cho cộng đồng.
Với bề dày thành tích hoạt động, Hoàng Phát và Trúc Phương đều vừa được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam khi còn rất trẻ (Hoàng Phát vào năm 2023 khi 20 tuổi và Trúc Phương vào tháng 6 năm nay ở tuổi 21).
Vượt lên chính mình, đoàn kết để vững mạnh
Thanh Hà tâm niệm “Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình”, bởi cái tôi cao, sự kiêu ngạo hay định kiến cá nhân luôn là chướng ngại vật lớn nhất trong quá trình học hỏi và phát triển bản thân. Ngẫm những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi gắm trong Di chúc, Thanh Hà nhận thấy lời căn dặn “phải thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình” rất khó để thực hiện nếu chúng ta không thể vượt qua được những chướng ngại kể trên.
Mỗi khi gặp thử thách trên chặng đua vượt qua chính mình, cô sẽ luôn nhớ lại và làm theo lời Bác: phải “luôn luôn cầu tiến bộ; luôn luôn tự kiểm điểm những lời mình đã nói, những việc mình đã làm, để phát triển điều hay của mình, sửa đổi khuyết điểm của mình. Đồng thời phải hoan nghênh người khác phê bình mình”.
Hoàng Phát ghi nhớ những lời Bác dạy, lấy những thử thách làm động lực để vượt qua khó khăn, từ đó gặt hái nhiều quả ngọt trong học tập, công tác. Ảnh: NVCC. |
Hoàng Phát cho biết bên cạnh những quả ngọt sau quá trình phấn đấu, trước đó anh đã trải qua nhiều khó khăn, đặc biệt là nỗi lo lắng, hoang mang dẫn đến rụt rè khi tiếp cận với những thử thách mà bản thân chưa từng được trải nghiệm.
Những lúc ấy, để vượt qua, anh luôn hướng mình đến những điều tích cực nhất, ghi nhớ những lời Bác dạy, lấy những thử thách làm động lực để vượt qua khó khăn.
Trúc Phương chia sẻ rằng thử thách lớn nhất trong quá trình thực hiện những lời căn dặn của Bác là thiếu kế hoạch cụ thể cho từng mục tiêu, đôi lúc khiến cô mất định hướng, gặp khó khăn và mất nhiều thời gian để loay hoay tìm cách giải quyết vấn đề. Nhận thấy được khuyết điểm này, Trúc Phương khắc phục bằng cách lập sơ đồ mục tiêu cụ thể, vạch kế hoạch, lộ trình rõ ràng cho từng mục tiêu, các bước thực hiện.
Song song với trau dồi, rèn giũa bản thân, cả Thanh Hà, Trúc Phương và Hoàng Phát đều tâm đắc với lời dặn dò trong Di chúc của Bác: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta… cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
Trúc Phương cho biết luôn đề cao tinh thần làm việc nhóm, đoàn kết giữa các thành viên với nhau, biết lắng nghe, tôn trọng quan điểm cá nhân, ý kiến của người khác và chia sẻ những kiến thức của mình để cùng nhau đạt được mục tiêu chung, từ đó tạo nên một tập thể lớn mạnh, góp phần xây dựng một môi trường học tập, làm việc tích cực và sáng tạo. Bản thân cô sinh viên sư phạm luôn không ngừng nỗ lực học tập, nâng cao hiểu biết và học hỏi kinh nghiệm của thế hệ đi trước để ngày càng trưởng thành hơn.
Theo Thanh Hà, để hiểu rõ hơn và thực hiện tốt hơn những lời căn dặn của Bác, mỗi đoàn viên thanh niên cần đọc và tìm hiểu các bài viết, tác phẩm về tư tưởng Hồ Chí Minh, suy ngẫm và vận dụng những bài học, những lời dạy của Người vào chính bản thân và cuộc sống của mình, phát huy những giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực tiễn để có thể hoàn thành vai trò “những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội” và hiện thực hóa mong muốn cuối cùng của Bác:
“Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
You must be logged in to post a comment Login