Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh. |
Nhân kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã phối hợp với Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM tổ chức buổi giới thiệu cuốn sách Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng của GS.TS, nhà văn Trình Quang Phú.
Buổi tọa đàm diễn ra vào sáng ngày 19/5/2023, vào đúng ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890) tại Đường sách TP.HCM với nhiều chia sẻ xúc động từ chính tác giả Trình Quang Phú. Chia sẻ câu chuyện về Bác, ông đồng thời cũng gửi lời nhắn nhủ đến thế hệ trẻ về tinh thần học tập và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Những câu chuyện chân thực về Bác
Từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, vì một lần nhặt được đồ rơi trả lại mà tác giả Trình Quang Phú được Bác Hồ gửi huy hiệu khen tặng. Từ đó, ông cho biết bản thân đã có một thôi thúc được hiểu về Bác, viết về Bác.
Sau này, ông làm công tác đối ngoại của Ban miền Nam trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương, có nhiều dịp tham dự cuộc họp cùng Bác và vài lần được gặp riêng. Những lần được gặp Bác đều để lại trong ông rất nhiều kỷ niệm sâu sắc.
“Khi đoàn đại biểu miền Nam đầu tiên ra thăm Bác, tặng cho bác các tặng phẩm, trong đó có một bản thảo viết tay của nhà thơ Trọng Tuyển viết trước khi hy sinh, Bác nhận lấy và ấp vào ngực mình. Bác nói: Bác không có gì để tặng lại, Bác chỉ có cái này “Miền Nam ở trong trái tim tôi”. Câu nói đó khiến tôi xúc động vô cùng. Và mỗi lần gặp Bác tôi đều có những xúc động khác nhau”, ông kể lại.
GS.TS, nhà văn Trình Quang Phú trong buổi giới thiệu sách sáng ngày 19/5. Ảnh: Thanh Trần. |
Được chiến trường miền Nam – cụ thể là nữ tướng Nguyễn Thị Định – yêu cầu viết về Bác cho miền Nam, ông bắt đầu viết những bài đầu tiên ngay sau lễ tang Bác và được phát trên Đài Phát thanh Giải phóng. Ngoài những lần gặp mặt và làm việc cùng Bác, nhà văn Trình Quang Phú còn tìm hiểu nhiều câu chuyện kể về Bác từ các nhân chứng, tư liệu. “Những câu chuyện nhỏ, xúc động như vậy, từ từ đến với tôi. Tôi viết thành những bài báo nhỏ, rồi từ những bài báo đó hình thành cuốn sách này”, ông nói.
Sau ngày đất nước thống nhất, ông tiếp tục những chuyến đi khảo cứu về tuổi trẻ của Bác, từ Huế đến Phan Thiết, Sài Gòn. Ông chọn viết theo thể loại ký không hư cấu bởi vì ông cho rằng: “Viết về Bác, chỉ cần viết đúng, nói đủ sự thật về Bác thì đã rất hấp dẫn rồi”.
Kể từ lần xuất bản đầu tiên vào năm 1996, đến nay, qua 27 năm, cuốn sách đã được tái bản và chỉnh sửa nhiều lần. Tuy vậy, lần xuất bản thứ 22 này được cho là có nhiều bổ sung, chỉnh sửa nhất. Đầu tiên, tác giả sắp xếp lại thứ tự các bài viết ở từng phần cho phù hợp hơn. Ngoài ra, ông còn bổ sung 5 bài viết, trong đó có bài Bông Huệ thơm viết về bà Lê Thị Huệ ở Sài Gòn trước lúc Người ra đi tìm đường cứu nước.
Với lối kể chuyện chi tiết, tình cảm dạt dào và quá trình khảo cứu, đối chiếu tài liệu, những trang viết của GS.TS, nhà văn Trình Quang Phú không chỉ đem lại cảm giác chân thực như được chứng kiến tuổi trẻ của Bác từ Làng Sen đến bến Nhà Rồng, mà còn giúp làm rõ một số vấn đề, những mốc thời gian liên quan đến Bác Hồ ở miền Nam mà trước nay vẫn còn nhiều ý kiến chưa thống nhất.
Tác phẩm Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng được xuất bản lần thứ 22. Ảnh: Thanh Trần. |
Độc giả sẽ bắt gặp nhiều thông tin mới thú vị như về thời gian Bác vào trường Quốc học, thời gian Bác tham gia phong trào chống thuế, về phương tiện đi vào Nam của Bác, về việc Bác vào Quy Nhơn, vì sao Bác xuống tàu ra đi tìm đường cứu nước…
“Cốt lõi của tác phẩm là rất thực tế, từng bước đi của Bác được ghi trong sách rất rõ ràng, cảm giác được mình sống trong đó, nhất là những khoảnh khắc chia xa mà có lẽ ai cũng từng trải qua, khiến tôi cảm nhận được những cảm xúc rất thật”, một độc giả nhận xét.
Nhà văn 83 tuổi vẫn viết không ngừng nghỉ
Đi qua thời kỳ chiến tranh chống Pháp, chiến tranh chống phá hoại ở miền Bắc, chiến tranh chống Mỹ ở miền Nam, sau này, GS.TS, nhà văn Trình Quang Phú tiếp tục gắn bó với những cuốn sách viết về Bác Hồ. Cho đến nay, ông đã xuất bản 7 tác phẩm viết về Bác và vẫn tiếp tục viết mỗi ngày. Ông cho biết vì năm nay đã 83 tuổi, ông muốn tranh thủ thời gian viết càng nhiều càng tốt.
“Ngày xưa muốn có ảnh Bác để ngắm thôi đã là khó lắm, ngày nay có rất nhiều ảnh, sách viết về Bác và tôi nhìn thấy trên gương mặt các bạn thanh niên trẻ có một niềm hăm hở không khác với chúng tôi ngày xưa. Thế hệ chúng tôi với thế hệ các bạn trẻ ngày nay vẫn tràn đầy hy vọng. Với không gian văn hóa Hồ Chí Minh đang phát triển sâu rộng tại mỗi nhà, mỗi cơ quan, tôi nghĩ tình cảm đó sẽ được nhân lên, giúp cho việc học tập, làm việc và sống theo Bác sẽ được sâu sắc hơn”, ông chia sẻ.
Hiện nay, tư liệu về Bác ngày càng nhiều, sách báo trên thế giới, tài liệu của mật thám cũng được giải mã… Với ông, đây vừa là thuận lợi vừa là khó khăn cho người cầm bút.
“Viết văn, viết ký là phải chi tiết, không chỉ viết về những gì người ta kể mà còn phải đối chiếu với tất cả thông tin của thời kỳ đó. Để tác phẩm của mình đã đưa đến với công chúng có được sự chính xác. Các nhà văn cần phải viết đúng, viết đủ về Bác, đó là trách nhiệm của nhà văn”, ông nói.
Ông cũng cho rằng đã là nhà văn, dù chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp, thì sự cần mẫn, miệt mài, đam mê là yếu tố tất nhiên và cần có của nhà văn. Nếu không miệt mài thì không ra tác phẩm được.
Qua tác phẩm viết về tuổi trẻ của Bác Hồ, tác giả muốn gửi thông điệp đến với mọi người, đặc biệt là tuổi trẻ: “Phải có tình yêu, phải có khát vọng. Nếu không có khát vọng, không có tình yêu và không có ý chí thì không thể thành công được”.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng
You must be logged in to post a comment Login