Bốn văn nhân, nghệ sĩ nổi tiếng tài hoa của Hong Kong thời hiện đại gồm Kim Dung (nhà báo, sáng lập Minh Báo, viết tiểu thuyết võ hiệp), Nghê Khuông (viết tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, Hoàng Triêm (viết nhạc) và Sái Lan (MC, nhà sản xuất phim, viết về ẩm thực).
Kim Dung được công nhận là một trong những nhà văn lớn nhất trong nền văn học Trung Quốc. Các tác phẩm của ông được đọc, chuyển thể thành phim truyền hình yêu thích ở Trung Quốc, Việt Nam và nhiều nước khác cho đến ngày nay. Bộ phim dài tập Thiên Long Bát Bộ: Kiều Phong truyện (ngôi sao võ thuật Chung Tử Đơn thủ vai Kiều Phong) chuyển thể từ tiểu thuyết võ hiệp Thiên Long Bát Bộ của Kim Dung đang được chiếu trên nhiều nền tảng trực tuyến.
Tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung thường xoay quanh những kỳ nhân võ thuật, những cuộc phiêu lưu lạnh sống lưng và những trận đấu long trời lở đất. Kim lão gia đã tạo ra nhiều nhân vật phức tạp, đa chiều, đồng thời truyền tải giá trị về tình yêu, lòng nhân ái, công lý và đạo đức.
Các tác phẩm của ông không chỉ mang tính giải trí cao mà còn thể hiện sự phân tích sâu sắc về con người và xã hội.
Có người đã khéo léo ghép những chữ đầu tiên của tựa đề 14 tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung thành hai câu thơ từa tựa một vế đối. Đó là Phi Tuyết Liên Thiên Xạ Bạch Lộc / Tiếu Thư Thần Hiệp Ỷ Bích Uyên (tạm dịch: Tuyết bay liền trời bắn hươu trắng / Sách cười thần hiệp dựa uyên xanh).
Các từ trong hai câu thơ này chỉ 14 tác phẩm: Phi hồ ngoại truyện (1960), Tuyết sơn phi hồ (1959), Liên thành quyết (1963), Thiên Long Bát Bộ (1963), Xạ điêu anh hùng truyện (1957), Bạch mã khiếu tây phong (1961), Lộc Đỉnh ký (1969-1972), Tiếu ngạo giang hồ (1967), Thư kiếm ân cừu lục (1955), Thần điêu đại hiệp (1959), Hiệp khách hành (1965), Ỷ Thiên Đồ Long ký (1961), Bích huyết kiếm (1956) và Uyên ương đao (1961).
Từ năm 1993, nhà văn-nhạc sĩ-nhà báo Vũ Đức Sao Biển (quê Quảng Nam) viết bộ biên khảo về tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung từ phong cách xây dựng nhân vật, võ công, tình yêu, rượu, âm nhạc đến pháp luật. Bộ sách Kim Dung giữa đời tôi của ông gồm 5 tập, có tựa đề Kiều Phong – Khát vọng của tự do, Thiên hạ đệ nhất mỹ nhân, Từ AQ đến Vi Tiểu Bảo, Thanh kiếm và cây đàn và Nhân vật Kim Dung nhìn qua lăng kính pháp luật. Ở lần tái bản, ngoài phần in gộp 5 tập sách trên còn có thêm nội dung cuốn mới. Cuốn thứ sáu có tựa đề Những vụ án kinh điển trong tiểu thuyết Kim Dung.
Ngoài độc giả, fan điện ảnh mê các tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, nhiều sinh viên chuyên ngành Hán Nôm, Đông phương học, Trung Quốc học cũng tìm đọc tác phẩm của ông vì đây là một trong những nguồn tư liệu quý giúp tìm hiểu văn hóa Trung Quốc nói chung và văn học Trung Quốc cận đại nói riêng.
Kim Dung từng nói: “May mắn nhất là yêu từ cái nhìn đầu tiên đến cuối cùng là… cùng nhau già đi. Nhưng tôi đã không làm được điều đó”. Theo báo chí Trung Quốc, ông yêu 4 người phụ nữ và kết hôn với 3 người. Người phụ nữ đầu tiên là Đỗ Dã Phân (Đỗ Trị Phân).
Năm 1947, Kim Dung làm phóng viên của Đông Nam Nhật báo ở thành phố Hàng Châu, gặp một độc giả trẻ tên là Đỗ Dã Thu. Đến thăm nhà Dã Thu, Kim Dung mê mẩn trước sắc đẹp của cô em gái 17 tuổi tên là Dã Phân vừa từ Thượng Hải trở về.
Thời điểm đó, Hàng Châu đang công diễn kịch của nhà soạn kịch, nhà thơ, nhà sử học lừng danh Quách Mạt Nhược và “cháy” vé. Kim Dung tìm cách mua được cả xấp vé để mời gia đình Dã Thu đi xem và tiểu thư nhà họ Đỗ dần xiêu lòng.
Năm 1948, Kim Dung tham gia Đại Công báo và được điều tới Hong Kong làm việc. Ông vội vàng tổ chức đám cưới hoành tráng với Dã Phân tại Thượng Hải rồi hai người cùng đi.
Lúc ở Hong Kong, Kim Dung chưa nổi tiếng, lương tháng chỉ có 200 nhân dân tệ (666.000 đồng), trong khi Dã Phân quen sống trong nhung lụa từ bé rồi ngôn ngữ, nơi ở mới không quen nên gặp nhiều khó khăn. Để cải thiện cuộc sống, Kim Dung tập trung viết lách, ít dành thời gian bên vợ.
Cuối cùng, hai người ly hôn, Dã Phân trở lại Đại lục. Vài năm sau, Kim Dung gặp người vợ thứ hai – Chu Mai (Chu Mân).
Năm 1955, Kim Dung xuất bản cuốn tiểu thuyết võ hiệp đầu tiên Thư kiếm ân cừu lục và nổi tiếng từ đây. Đến khi Thần điêu đại hiệp trình làng năm 1959, danh chấn giang hồ, Kim Dung trở thành bậc thầy của tiểu thuyết võ hiệp và tích lũy khối tài sản lớn.
Nhưng ông tin rằng, viết tiểu thuyết kiếm hiệp không được tao nhã nên trở lại Đại Công báo làm biên tập viên. Vì những ý tưởng không nhất quán, ông không được hoan nghênh tại đây.
Khi phải đối mặt với sự lạnh nhạt ở Đại Công báo, một phụ nữ ân cần xuất hiện. Đó là nhà báo Chu Mai – người thấu hiểu, hỗ trợ và tin tưởng Kim Dung. Chính vì sự hết lòng ấy, ông đã yêu Chu Mai và ngày 1/5/1957, hai người kết hôn.
Lúc đồng sáng lập Minh Báo năm 1959, là tổng biên tập đầu tiên của tờ báo này, Kim Dung gặp nhiều trở ngại về kinh tế và Chu Mai đã bán trang sức của mình để trợ lực. Chu Mai đồng cam cộng khổ, cùng chồng. Kim Dung dựa vào Chu Mai để xây dựng nhân vật Triệu Mẫn xinh xắn, linh lợi trong Ỷ Thiên Đồ Long ký.
Thế nhưng, trước khi cưới Chu Mai, Kim Dung đã phải lòng người phụ nữ khác – minh tinh Hạ Mộng, mỹ nhân của Công ty Điện ảnh Trường Thành. Nhằm tiếp cận người trong mộng, ông đến Trường Thành, chấp nhận làm một nhà biên kịch bình thường.
Để lấy lòng Hạ Mộng (nghệ danh lấy từ tên vở kịch Giấc mộng đêm hè của William Shakespeare), Kim Dung ngày đêm viết kịch bản, phần lớn là “đo ni đóng giày” cho nàng thơ của mình. Năm 1953, Kim Dung (lúc đó 29 tuổi) viết kịch bản Mỹ nhân vô song dành cho Hạ Mộng (20 tuổi).
Một ngày nọ, Kim Dung mời Hạ Mộng uống cà phê và tỏ tình nhưng bị từ chối. Nàng chỉ coi ông là bạn và kết hôn với một doanh nhân. Lúc đó, Kim Dung cưới Chu Mai được 2 năm. Bị từ chối nhưng nhà văn vẫn không ngừng theo đuổi Hạ Mộng, vẫn coi nàng là người tình trong mộng. Hạ Mộng chính là nguyên mẫu của nhân vật Vương Ngữ Yên trong Thiên long bát bộ.
Dù Kim Dung không bỏ vợ vì Hạ Mộng nhưng cuối cùng ông chọn ly hôn Chu Mai vì một người phụ nữ khác – Lâm Lạc Di.
Kim Dung và Chu Mai có 4 người con (2 trai 2 gái), cuộc sống ban đầu êm ấm, hạnh phúc. Khi Minh Báo bị một số đối tượng trong xã hội thời bấy giờ tẩy chay, nhà văn có lúc rơi vào trầm cảm.
Một hôm, ông chán nản đến quán bar uống rượu một mình, thu hút sự chú ý của cô phục vụ Lạc Di (lúc đó 23 tuổi). Lấy hết can đảm, cô bước đến trước mặt Kim Dung và nói: “Em rất thích tiểu thuyết võ hiệp của anh. Chúng em đều chờ đợi anh viết tác phẩm mới”. Hai người trò chuyện rồi trở thành bạn bè.
Sau đó, có lần Kim Dung bị ốm và Lạc Di chủ động chăm sóc hết lòng khiến ông cảm động. Tình cảm với Lạc Di và những nguyên nhân khác khiến Kim Dung muốn chia tay với Chu Mai.
Con cả của Kim Dung là Tra Truyền Hiệp lúc đó là sinh viên năm thứ nhất Đại học Columbia (Mỹ) đã gọi điện cho cha thuyết phục không ly hôn, nhưng ông không động tâm. Một ngày tháng 10/1976, Truyền Hiệp treo cổ tự tử sau khi cãi nhau qua điện thoại với bạn gái. Tuy nhiên, một số người cho rằng, nguyên nhân sâu xa do Kim Dung ly hôn với mẹ của Truyền Hiệp.
Khi biết tin con trai chết, Kim Dung bàng hoàng. Ông đau đớn, khóc lóc trong vô vọng. Ông từng muốn trở về với Chu Mai và xé tờ giấy ly hôn, nhưng bà không đồng ý vì quá đau lòng trước sự ra đi của con trai.
Chu Mai quyết tâm ly hôn và nêu điều kiện nếu Lạc Di lấy Kim Dung, cô sẽ không sinh con với ông. Lạc Di đồng ý và lên xe hoa trong năm 1976, trở thành người vợ thứ ba của ông.
Bốn người phụ nữ đi qua đời Kim Dung nhưng con trai Tra Truyền Hiệp mới là người khiến ông nặng lòng, day dứt nhất. Truyền Hiệp thông minh từ nhỏ, 4 tuổi đã thuộc làu Tam Tự Kinh. Trước khi tự sát, cậu gọi điện cho cha nhưng Kim Dung cúp máy vì bận viết bài. Điều này trở thành nỗi ân hận lớn nhất trong đời ông.
Trong một cuộc phỏng vấn, Kim Dung nói: “Người tôi yêu nhất trong cuộc đời mình là con trai. Đáng tiếc, cháu đã tự sát ở Mỹ”.
Nguồn: https://zingnews.vn/kim-dung-ba-nguoi-vo-va-mot-nguoi-tinh-trong-mong-post1435089.html
You must be logged in to post a comment Login