Connect with us

Xuất Bản

‘Cuộc chơi’ sáng tạo bìa sách: Chập chững trên con đường chuyên nghiệp

Được phát hành

,

Cuộc chơi xoay quanh bìa sách trong những năm gần đây đã được “cất cánh” nhờ sự phát triển của công nghệ – điều cho phép các họa sĩ đồ họa được thỏa sức sáng tạo.

Trên fanpage của nhiều đơn vị xuất bản hay của một số tác giả nổi tiếng, thi thoảng lại có một số phiên bản bìa sách được đăng tải để lấy ý kiến độc giả. Giờ đây, một cuốn sách có được yêu thích hay không không chỉ phụ thuộc vào phần nội dung, mà bìa sách, phụ bản, minh họa… đều là những giá trị gia tăng quan trọng dẫn người đọc đến với tác phẩm.

Sang tao bia sach anh 1

Công chúng đến với Triển lãm nghệ thuật bìa sách Việt Nam 2022 được tổ chức tại Hà Nội. Ảnh: Vân Hạ.

Đa dạng “thời trang” bìa sách

Nếu xưa kia, bìa sách chỉ là chiếc vỏ đóng vai trò bảo vệ sách thì theo thời gian, bìa sách ngày càng giữ vị trí quan trọng trong việc truyền đạt nội dung sách và thu hút độc giả. Họa sĩ Ngô Xuân Khôi cho rằng: “Tín hiệu trên bìa đến với độc giả bằng “tốc độ ánh sáng”, đây được xem là cấp độ đọc đầu tiên, có sức lôi cuốn, dẫn dụ người xem đến với nội dung bên trong”.

Advertisement

Nhận ra tầm quan trọng của bìa sách trong việc thu hút độc giả, nhiều đơn vị làm sách ngày càng chú trọng đến khâu thiết kế bìa. Những năm gần đây, có thể thấy sự bùng nổ của nghệ thuật thiết kế bìa sách với sự đa dạng về phong cách. Từ kiểu bìa tối giản, thanh lịch, vào đúng trọng tâm của đề tài, nội dung đến muôn cách tạo hình cho chữ viết tay trong kiểu bìa typography; từ xu hướng hoài cổ retro tinh tế nhẹ nhàng đến cuộc chơi của những mảng màu sắc rực rỡ thời thượng; từ các cuộc chơi ghép ảnh đến những bìa dày đặc chi tiết, hay những bức tranh khiến độc giả yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên…

Không hiếm trường hợp độc giả mua sách chỉ vì thích bìa. Bản Anna Karenina của Nhã Nam liên kết cùng Nhà xuất bản Hội Nhà văn từng khiến nhiều độc giả “ôm tim” khi đơn giản dùng bức tranh Người đàn bà xa lạ của danh họa Kramskoi làm bìa. Tấm bìa sách thu hút độc giả không chỉ bởi sự nổi tiếng của bức tranh hay của truyện, mà còn bởi những giả thuyết xoay quanh tác giả Lev Tolstoy và nguyên mẫu người phụ nữ trong tranh.

Một trường hợp khác, từng có hai nhà sách cùng làm cuốn Đại Việt sử ký toàn thư với nội dung hoàn toàn giống nhau, nhưng cuốn sách được đầu tư kỹ lưỡng về bìa có lượng bán nhiều hơn hẳn. Họa sĩ Tùng Lâm cho biết, khi yêu thích tác phẩm nào đó, nhiều người “chịu chi” để sưu tầm các phiên bản sách với bìa khác nhau.

Nắm bắt tâm lý của độc giả đương thời về bìa sách, các đơn vị làm sách ngày càng quan tâm đến thị hiếu của độc giả. Trên các trang mạng xã hội tương tác cùng bạn đọc, nhiều thiết kế bìa được giới thiệu nhằm trưng cầu ý kiến lựa chọn của độc giả. Biên tập viên mỹ thuật Trịnh Hương Anh của Công ty cổ phần văn hóa và truyền thông Nhã Nam “bật mí”: “Có bìa sách của chúng tôi đã qua hết tất cả các khâu, trong đó có cả khâu duyệt xuất bản của cơ quan chức năng, thế nhưng lại phải làm lại từ đầu vì khi đăng lên mạng xã hội thì độc giả chê nhiều quá”.

Tạo ra sự hài hòa giữa khả năng sáng tạo của bản thân với sự hài lòng của tác giả và thẩm mỹ của thị trường, đó là vấn đề khó nhưng khơi gợi cảm giác muốn chinh phục độc giả của các họa sĩ. Đại diện của Nhã Nam từng chia sẻ với độc giả rằng, khi mua bản quyền cuốn sách Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian, tác giả Ocean Vương yêu cầu đơn vị làm sách phải gửi cho anh 3 mẫu bìa, và trên bìa không được xuất hiện chi tiết chiếc đồng hồ, người đàn ông trẻ hay người mẹ.

Advertisement

Còn nhà văn Milan Kundera thì luôn yêu cầu nghiêm ngặt trên bìa sách của ông không được giới thiệu thêm thông tin nào về tác giả cũng như những lời đánh giá về nội dung.

Sang tao bia sach anh 2

Nhà xuất bản Kim Đồng cho ra mắt nhiều phiên bản bìa tác phẩm “Dế mèn phiêu lưu ký” đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhiều đối tượng độc giả.

Cuộc chơi xoay quanh bìa sách trong những năm gần đây đã được “cất cánh” nhờ sự phát triển của công nghệ – điều cho phép các họa sĩ đồ họa được thỏa sức sáng tạo. Vẽ bìa sách không đơn thuần là công việc làm thêm như nhiều người từng nghĩ, mà còn để thỏa mãn đam mê.

“Trên một phạm vi hẹp chỉ vài trăm centimet vuông làm thế nào để chuyển tải nội dung, vừa hấp dẫn, tạo ấn tượng, vừa có sự khác biệt mà vẫn đảm bảo những giới hạn khắt khe vô hình của các định chế pháp luật, thuần phong mỹ tục là bài toán đối với những người làm thiết kế bìa” – họa sĩ Ngô Xuân Khôi khẳng định.

Mỗi một khổ bìa mà đơn vị xuất bản đặt hàng, mỗi chủ đề nội dung trong cuốn sách mà biên tập viên đã nhấn mạnh đều là một thế giới mới để họa sĩ cảm nhận và thể hiện ra trên bức tranh bìa sách của mình. Người ta bắt đầu coi bìa sách là một tác phẩm nghệ thuật độc lập. Theo họa sĩ Ngô Xuân Khôi: “Bìa sách ngày càng đóng vai trò quyết định với tư cách như sứ giả của sản phẩm văn hóa”.

Cơ hội của ngành thiết kế bìa

Advertisement

Tuy rằng, nghệ thuật bìa sách những năm gần đây phát triển mạnh mẽ, nhưng dường như sự quan tâm của xã hội đến việc thiết kế bìa sách vẫn còn hạn chế. Chị Phạm Phượng, phòng Kế hoạch – sản xuất, Nhà xuất bản Phụ nữ, cho biết: Ở Việt Nam, nghề làm bìa sách còn khá mới mẻ với người dân miền Bắc. Với các họa sĩ, thiết kế bìa đa phần là “nghề tay trái”.

Hiện có rất ít họa sĩ chuyên thiết kế bìa sách, phần lớn các đơn vị xuất bản dựa vào đội ngũ cộng tác viên là các họa sĩ “làm thêm” khi nhận được đơn đặt hàng. Theo họa sĩ Lê Tiến Vượng, thiết kế và sáng tạo bìa sách ở nước ta vẫn đang chập chững trên con đường chuyên nghiệp hóa.

Trong quan niệm của nhiều họa sĩ cũng như đơn vị xuất bản, ngành đồ họa, trong đó có thiết kế bìa sách, dường như vẫn chưa được đánh giá đúng tầm. Ngoại trừ niềm yêu thích từ phía độc giả thì trong giới chuyên môn, gần như không có kỳ cuộc nào về bìa sách được tổ chức.

Trong bối cảnh đó, việc tổ chức Triển lãm nghệ thuật bìa sách Việt Nam 2022 thực sự là một cột mốc để “nhìn nhận, đánh giá và suy nghĩ cho bước phát triển tiếp theo của nghệ thuật bìa sách trong tương lai”. Trước đó, Nhã Nam là đơn vị quan tâm đến mảng bìa sách hơn cả. Bên cạnh sự tương tác thường xuyên cùng độc giả trong khâu chọn bìa thì đều đặn hàng năm, đơn vị này đều tổ chức hoạt động bình chọn Bìa sách của năm.

“Đây cũng là dịp để Nhã Nam gửi lời tri ân tôn vinh công sức sáng tạo của các họa sĩ minh họa và thiết kế, những người đã góp phần làm nên diện mạo sách Nhã Nam ghi dấu ấn trong lòng độc giả từ những ngày đầu cho đến hôm nay. Và không chỉ có Nhã Nam, bạn đọc gần xa cũng có thể gửi gắm tình cảm đến những họa sĩ mà các bạn yêu quý bằng những lá phiếu quyền lực trong tay” – đại diện Nhã Nam cho biết.

Advertisement
Sang tao bia sach anh 3

Đều đặn hàng năm, độc giả của Nhã Nam đều có thể gửi “lá phiếu quyền lực” bình chọn Bìa sách của năm.

Hoạt động bình chọn bìa sách được tổ chức đã đưa độc giả đến gần hơn với đơn vị làm sách, các tác phẩm bìa sách được trân trọng và các họa sĩ thiết kế bìa được biết đến nhiều hơn. Sự ủng hộ từ phía độc giả thông qua hàng nghìn lượt yêu thích, chia sẻ, bình luận là động lực lớn để các họa sĩ thiết kế bìa sách tiếp tục tìm tòi sáng tạo. Tiếc rằng, hiện chưa có nhiều đơn vị làm sách thực hiện được những hoạt động này.

Bên cạnh đó, về khâu đào tạo, tuy rằng Việt Nam có nhiều cơ sở dạy đồ họa nhưng dạy chuyên sâu về thiết kế bìa sách thì rất hiếm. Tại một số cuộc hội thảo về thiết kế bìa sách được tổ chức trong khuôn khổ Triển lãm nghệ thuật bìa sách Việt Nam 2022 – diễn ra cách đây không lâu, có thể thấy rất nhiều bạn trẻ quan tâm đến lĩnh vực này.

Cuộc hội thảo cũng thu hút đông đảo người đến dự, và lượng câu hỏi gửi đến các diễn giả cũng rất phong phú, từ quy chuẩn thiết kế bìa sách, công thức tính gáy sách đến tìm kiếm nguyên liệu thiết kế, phương thức cộng tác với các đơn vị xuất bản, kinh nghiệm đối chiếu giữa thiết kế và in ấn…

Ở những nước có nền xuất bản phát triển, họa sĩ thiết kế bìa sách rất “đắt hàng”. Tuy nhiên, ở Việt Nam, những ngành nghề sáng tạo hình ảnh như truyện tranh, games, thiết kế bìa sách vẫn còn mới mẻ. Để mở ra cơ hội nghề nghiệp cho lớp trẻ, thúc đẩy sự phát triển của ngành Xuất bản và đội ngũ sáng tạo, đã đến lúc câu chuyện về thiết kế bìa sách cần được kể nhiều hơn…

Nguồn: https://zingnews.vn/cuoc-choi-sang-tao-bia-sach-chap-chung-tren-con-duong-chuyen-nghiep-post1343643.html

Advertisement

Xuất Bản

‘Khoác áo mới’ cho tác phẩm kinh điển

Được phát hành

,

Bởi

Thời gian gần đây, ngày càng nhiều tác phẩm kinh điển được làm mới và xuất hiện trở lại.

Điều này không chỉ minh chứng cho sức sống trường tồn của các tác phẩm, mà còn cho thấy “tầm nhìn” liên tục đổi mới của các nhà làm sách trong nước.

Các tác phẩm văn học kinh điển luôn là “kho tàng” mà mọi thế hệ từ đó tìm kiếm. Chúng có giá trị trường tồn cùng với thời gian, do vậy xứng đáng được xuất bản với nhiều hình thức khác nhau, để tiếp cận với nhiều đối tượng độc giả hơn, trong đó có cả trẻ em.

Nếu thời gian trước, các ấn phẩm có sự bắt mắt về mặt ngoại hình, cách trình bày… đều mua bản quyền từ các nhà xuất bản nước ngoài như sách tương tác, sách 3D, sách pop-up… thì giờ đây, các nhà xuất bản và công ty sách đã dần tự mình tạo ra những tác phẩm riêng, không còn phụ thuộc vào đối tác nước ngoài.

Advertisement
Tac pham kinh dien anh 1
Tác phẩm Hai vạn dặm dưới biển của nhà văn Jules Verne là một trong những tác phẩm kinh điển vừa được trở lại trong một diện mạo hoàn toàn mới, do các họa sĩ của Việt Nam thực hiện.

Một trong số đó là các cải tiến về mặt hình ảnh, trình bày cũng như sử dụng tranh minh họa. Có thể thấy rằng những tác phẩm như Alice ở xứ sở diệu kỳ, Tiếng gọi từ hoang dã hay Hai vạn dặm dưới biển… từng rất quen thuộc với nhiều thế hệ độc giả, nhưng trong thời 4.0 với sự sao nhãng cũng như ảnh hưởng từ công nghệ, thì việc làm sao để chúng trở nên cuốn hút với thế hệ trẻ cũng được đặt lên hàng đầu.

Nắm bắt được điều này, Đinh Tị Books đã cho ra mắt những cuốn sách trên với phiên bản kèm tranh minh họa cuốn hút và ấn tượng, có cải tiến thêm về mặt chất liệu, như bìa cứng, giúp tăng thêm nữa tuổi thọ sử dụng.

Không chỉ vậy, đơn vị này còn chú trọng sử dụng các hình minh họa được vẽ bởi các họa sĩ Việt Nam. Giờ đây không còn phải mua bản quyền hình ảnh từ các đơn vị nước ngoài, đội ngũ họa sĩ trong nước cũng đủ khả năng để tạo ra các ấn phẩm riêng biệt, độc đáo, có đủ sức cạnh tranh dù là thị trường ở trong hay là ngoài nước.

Đại diện Đinh Tị Books cho biết: “Sách kinh điển là những cuốn sách có giá trị to lớn về một phương diện nào đó và đã chứng minh được giá trị của mình qua thời gian. Cũng bởi vì có giá trị như vậy, sách kinh điển xứng đáng được xuất bản với nhiều hình thức khác nhau để tiếp cận nhiều đối tượng độc giả hơn. Đó là lý do chúng tôi quyết định xuất bản sách kinh điển kèm tranh minh họa”.

Nói về xu hướng này, đại diện đội ngũ họa sĩ của Đinh Tị Books cũng cho rằng khi sáng tác, họ luôn phải dành khá nhiều thời gian để nghiên cứu về bối cảnh, phong tục, văn hóa… mà các tác phẩm ra đời. Từ đó cho ra đời những tác phẩm vừa khớp với nội dung, vừa thể hiện được tinh thần của nguyên tác gốc, lại vừa phù hợp với bối cảnh lịch sử đặc trưng của dòng văn học kinh điển. Là lớp người Việt sáng tạo cho độc giả Việt, họ cố gắng gửi gắm yếu tố Việt Nam sao cho thật phù hợp nhất, mà không ôm đồm hay cố gượng ép.

Một hướng đi khác cũng rất có thể sẽ phát triển thêm trong thời gian tới là dùng các công cụ trí tuệ nhân tạo cũng như thuật toán học máy để tạo ra hình minh họa có phong cách riêng, bằng Mid Journey hoặc các chương trình tương tự. Tuy nhiên, chia sẻ về khía cạnh này, đại diện của Đinh Tị Books cho rằng “cần phải thận trọng vì các tranh cãi về vấn đề bản quyền của một sản phẩm do AI tạo ra còn chưa ngã ngũ. Do đó, tạm thời chúng tôi chưa có dự định sử dụng sản phẩm do AI tạo ra vào trong xuất bản phẩm của mình”.

Advertisement

Từ những điều trên có thể thấy rằng các nhà xuất bản và công ty sách đang rất nỗ lực để tạo ra đời sống mới cho các tác phẩm văn học kinh điển. Đây không chỉ là những sự cố gắng giúp cho tác phẩm đến đúng đối tượng độc giả, mà còn cho thấy giới xuất bản đang nắm bắt rất gần với sự chuyển dịch của trào lưu thế giới.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Từ ngày 21/4, Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Nguồn: https://zingnews.vn/khoac-ao-moi-cho-tac-pham-kinh-dien-post1426801.html

Advertisement

Tiếp tục đọc

Xuất Bản

Sách ‘cộp mác’ người nổi tiếng không hay như tôi nghĩ

Được phát hành

,

Bởi

Hiện nay, một số bạn đọc cho rằng các cuốn sách của người nổi tiếng đang được đánh giá quá cao trong khi nội dung chỉ chung chung, mơ hồ.

sach nguoi noi tieng anh 1

Chân dung cựu Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Reuters.

Đối với nhiều người nổi tiếng như Warren Buffett, Donald Trump, Steve Jobs… hay một số nhà hoạt động xã hội, doanh nhân thành đạt, ngôi sao Hollywood đều có cho mình những cuốn sách riêng.

Nhiều đầu sách hay đã được chuyển ngữ và ra mắt các độc giả tại Việt Nam. Tuy nhiên, một số bạn đọc phản ánh rằng, không phải tất cả sách của người nổi tiếng đều hay, các cuốn sách được gắn mác người nổi tiếng này không hay như những gì họ nghĩ. Nội dung trong sách hời hợt, dấu ấn của người viết thuê khá nhiều trong khi nhân vật chính chỉ có vài dòng.

Không nên đánh giá một cuốn sách qua các “nhãn dán”

Đối với những người nổi tiếng, xuất bản sách không chỉ để chia sẻ câu chuyện cuộc đời mình. Đây là cách để xây dựng thương hiệu cá nhân. Donald Trump từng kết hợp với nhiều tác giả cho ra mắt bộ sách Trump University. CEO của những công ty công nghệ hàng đầu như Steve Jobs, Bill Gates, Elon Musk cũng đã có cuốn tự truyện của riêng mình. Sách cũng là kênh truyền thông đại chúng được hướng đến bởi các ông trùm kinh doanh như Jeff Bezos, Warren Buffett… Vì vậy những đầu sách gắn mác người nổi tiếng ngày càng mở rộng.

Advertisement

Bùi Ngọc Long (23 tuổi, hiện là một nhân viên thẩm định tại Hà Nội) chia sẻ rằng bộ sách của Trump đã được Long mua với giá hơn 400.000 đồng. Long rất kỳ vọng bộ sách này có thể đem đến cho mình những hiểu biết mới, đặc biệt là kinh nghiệm trên thương trường của Donald Trump.

Khi đọc hết cuốn sách Bất động sản căn bản, Long thấy nội dung cuốn sách viết hời hợt. Thậm chí các kiến thức cơ bản về chuyên ngành bất động sản còn không có.

sach nguoi noi tieng anh 2

Bộ sách Trump University.

“Mình mua cuốn sách này vì muốn xem Donald Trump viết những gì. Ai ngờ toàn người khác viết, chỉ có vài dòng là trích lời của Donald Trump nhưng những câu nói đấy cũng chung chung, mơ hồ và thậm chí là sáo rỗng”, Long chia sẻ.

Bạn đọc này cũng cho biết các cuốn sách khác trong bộ Trump University có tiêu đề hay, lôi cuốn nhưng nó chỉ dành cho những ai hoàn toàn không biết bất kỳ một cái gì về chủ đề đưa ra trong sách. Những ai biết rồi hầu như cảm thấy bộ sách không có nhiều tác dụng.

Tình huống này không chỉ xảy ra với Long và bộ sách của Donald Trump, Nguyễn Bảo Ngọc (24 tuổi, trú tại quận 4, TP.HCM) cũng cảm thấy rất thất vọng khi tìm đọc những cuốn sách về đầu tư của doanh nhân Warren Buffett.

Advertisement

Ngọc thấy rằng có những tác giả khác, không nổi tiếng bằng cũng viết hay hơn. Đặc biệt là về lĩnh vực chứng khoán. “Mình đọc hai cuốn sách về đầu tư của Warren Buffett và mình cảm thấy người viết chưa chăm chút cho nội dung. Họ mất cả nửa cuốn sách chỉ để nói về xử lý tài chính cá nhân và một số câu hô hào trong khi không đưa ra tình huống cụ thể nào trên sàn để phân tích”, Bảo Ngọc cho biết.

Không phải cuốn sách nào cũng hay

Theo độc giả Hoàng Anh (một nhân viên ngân hàng tại Hà Nội), nếu ai đó muốn đọc sách của người nổi tiếng, đừng đánh giá toàn bộ nội dung bên trong chỉ qua những tiêu đề, đầu chương mục. Chúng được thiết kế hấp dẫn và nổi bật ngay khi nhận được cái nhìn đầu tiên của người đọc.

Bạn đọc có thể xem trước một số bài review trên mạng, hỏi một số bạn bè để xem họ đánh giá như thế nào về cuốn sách bản thân định mua. Hoàng Anh thường đề cao các cuốn sách kinh doanh, kinh tế được viết bởi học giả trong nước hơn bởi họ đưa ra các lý thuyết rõ ràng và nhận định gần với thực tiễn Việt Nam.

Tuy nhiên, không phải cuốn sách nào “cộp mác” người nổi tiếng cũng đều đáng chán hoặc hoàn toàn là lời văn của người viết thuê.

Lê Minh Anh (23 tuổi, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) đặc biệt ấn tượng với các cuốn tự truyện của một số doanh nhân đến từ xứ sở kim chi. Tiêu biểu là Chung Ju Yung (founder tập đoàn Hyundai) với tác phẩm Không bao giờ là thất bại, tất cả chỉ là thử thách và Lee Kun Hee với cuốn Những lựa chọn và chiến lược kỳ tích của Samsung.

Advertisement
sach nguoi noi tieng anh 3

Cuốn sách Không bao giờ là thất bại, tất cả chỉ là thử thách của Chung Ju Yung. Ảnh: Geta.

“Hai cuốn mình đọc đều kể về câu chuyện của các tập đoàn lớn. Mình không rõ những doanh nhân nổi tiếng này tham gia viết bao nhiêu phần trăm. Nhưng điều cốt lõi là câu chuyện trong đó rất chân thực và có nhiều chi tiết hay. Cuốn sách đưa ra các bài học về thương trường thông qua kinh nghiệm cá nhân. Mình nghĩ nó truyền cảm hứng khá nhiều đến bản thân mình hiện tại”, Minh Anh chia sẻ. Bên cạnh đó, Minh Anh nhận thấy một số cuốn tiểu sử của người nổi tiếng cũng khá thú vị. Chẳng hạn cuốn Những điều tôi biết chắc (Oprah Winfrey), Vàng Anh và Phượng Hoàng (Hoàng Thùy Linh)…

Theo các độc giả chia sẻ, việc chọn sách không nên quá tin tưởng vào những bảng xếp hạng hay độ nổi tiếng của tác giả. Mọi thứ chỉ mang tính chất tương đối để tham khảo. Độc giả nên lựa chọn các kênh thông tin cung cấp rõ ràng nội dung, có những đánh giá một cách khách quan về cuốn sách.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Từ ngày 21/4, Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Advertisement

Nguồn: https://zingnews.vn/sach-cop-mac-nguoi-noi-tieng-khong-hay-nhu-toi-nghi-post1426179.html

Tiếp tục đọc

Xuất Bản

Ý kiến trái chiều về việc ‘phạt’ học sinh đọc sách

Được phát hành

,

Bởi

Nhiều độc giả cho rằng đọc sách là việc cần phải xuất phát từ nhu cầu cá nhân, “phạt” học sinh đọc sách có thể là ý kiến hay nhưng còn nhiều khía cạnh để bàn quanh “hình phạt” này.

phat doc sach anh 1

Học sinh Trường Bùi Thị Xuân bị “phạt” bằng cách đọc sách. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Đọc sách và viết cảm nhận là một “hình phạt” mới đang được áp dụng đối với các em học sinh tại trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TP.HCM). Thay vì viết bản kiểm điểm, lao động công ích… học sinh vi phạm nội quy sẽ lựa chọn một cuốn sách trong bộ Hạt giống tâm hồn để đọc và viết một bài cảm nhận nộp lại cho giáo viên. Người đưa ra hình thức phạt này là ông Huỳnh Thanh Phú, hiệu trưởng nhà trường.

Trước thông tin trên, nhiều ý kiến tranh luận đã nổ ra. Phần đông cho rằng đây là hình phạt nhân văn. Tuy vậy, có người nêu cần phải xem xét thêm các khía cạnh của hình phạt.

Độc giả Quang Minh nêu bình luận: “Biết đâu đây lại là cơ hội để học sinh vi phạm nhiều hơn vì hình phạt này quá lỏng. Nghe có vẻ hay chứ không thiết thực”.

Advertisement

Nhà văn Tống Phước Bảo chia sẻ rằng: “Tôi không thích hình phạt này. Bởi có rất nhiều hình phạt để giáo dục các em, không cứ phải là đọc sách Đắc nhân tâm hay Hạt giống tâm hồn. Có thể giáo dục các em bằng những công việc cộng đồng như làm vệ sinh, nhổ có, thực hiện các việc cộng đồng hướng thiện theo các chương trình của đoàn trường. Sách không phải là lựa chọn duy nhất để giáo dục. Nhất là từ việc đọc đến nhận thức và hành động lại là một quá trình”.

Theo Nguyễn Quốc Vương (tác giả của cuốn Đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam, Đọc sách và con đường gian nan vạn dặm), việc phạt học sinh bằng cách đọc sách là một con dao hai lưỡi. Đặc biệt khi trẻ còn chưa hình thành nhận thức rõ ràng về cả tầm quan trọng của sách lẫn định nghĩa của cụm từ “bị kỷ luật”. Học sinh sau khi bị phạt có thể ghét, có thể yêu sách. Vì vậy biện pháp này nên áp dụng cho người lớn, những công ty, tổ chức, đoàn thể nhằm thúc đẩy văn hóa đọc lan rộng.

Nhiều giả thiết được các độc giả đưa ra. Sau một thời gian hình phạt được áp dụng, thư viện có thể sẽ bị coi là nơi kỷ luật các học sinh mắc lỗi. Nó không còn giữ nguyên tính chất là một không gian đọc.

Với “hình phạt” đọc sách, đọc xong phải viết một bài cảm nhận là các em học sinh đã hoàn thành một công việc và đưa ra được các sản phẩm. Điều này coi như một thành công của nhà trường khi học sinh đã thu hoạch kiến thức từ một cuốn sách. Đó gọi là tỷ lệ đọc thành công, độc giả cho rằng tỷ lệ này không liên quan đến tỷ lệ học sinh sẵn sàng tái phạm mắc lỗi.

Dù vậy, cũng có rất nhiều người yêu sách hưởng ứng việc đổi mới hình phạt này. Họ cho rằng đây là hình thức giáo dục sáng tạo và có ích trong bối cảnh học sinh ngày càng lười đọc.

Advertisement

Hình thức này nên được chỉnh sửa lại là cho đọc các cuốn sách học sinh yêu thích trong thư viện nhà trường chứ không ép buộc các em đọc cuốn nào cụ thể. Nhà trường nên sáng tạo hơn trong việc gửi lại bài cảm nhận trong cuốn sách, học sinh có thể sử dụng các phương tiện hỗ trợ trên mạng để hoàn thành bài viết.

“Hình phạt tiêu cực như gây đau thương sẽ khó mang lại tác dụng khuyến khích con người sửa đổi. Hình phạt mang tính chất cải tạo tư duy thì xã hội này sẽ tốt hơn. Trường THPT Bùi Thị Xuân đã tạo nên chuẩn mực mới trong việc phạt học sinh”, độc giả Lý Đông cho biết.

“Mình thích hình thức ‘phạt’ như này, nó có thể áp dụng được cả trong nhà trường lẫn gia đình”, tài khoản Nguyễn Lan Hương chia sẻ. Một bộ phận lớn người khác cũng đồng tình rằng phạt học sinh đọc sách là một cách làm rất hay, thiết thực bổ ích và nên nhân rộng.

“Nếu nhìn ở góc độ phương pháp giáo dục, phạt đọc sách lại mang tính nhân văn, đọc sách trở thành nhiệm vụ phải làm để chuộc lỗi, để bổ khuyết, khắc phục cho một hay nhiều hành vi vi phạm. Đọc sách làm cho con người ta hoàn thiện hơn, văn học là nhân học, đọc sách để làm người”, độc giả Trần Minh Tuấn chia sẻ.

Hiện hình thức này đã được áp dụng hơn một tháng nay tại trường THPT Bùi Thị Xuân. Trong lần chia sẻ mới đây nhất với Zing, hiệu trường nhà trường, ông Huỳnh Thanh Phú cho biết sẽ tiếp tục kiên trì với sự thay đổi này bởi học sinh và phụ huynh bước đầu có sự hưởng ứng tốt và chấp hành nghiêm chỉnh.

Advertisement

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Từ ngày 21/4, Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Nguồn: https://zingnews.vn/y-kien-trai-chieu-ve-viec-phat-hoc-sinh-doc-sach-post1425962.html

Advertisement
Tiếp tục đọc

Xu hướng