Hồng Sơn lúc trẻ. Ảnh: TTVH. |
[…] khi Hồng Sơn manh nha ý định đi tập bóng đá là cả nhà phản đối. Bố mẹ Hồng Sơn không thích, rồi cấm luôn.
Hai vị thân sinh muốn hướng Hồng Sơn theo con đường học vẽ hoặc chụp ảnh. Hồi đấy, nghề nghệ thuật này có giá lắm, học nghề xong có việc, có tiền như chơi mà lại có thể “độc quyền” vì gia đình đã có truyền thống. Nếu như không đam mê bóng đá đến phát rồ phát dại, có lẽ, Hồng Sơn cũng bám trụ mưu sinh ở Hồ Gươm rồi!
Mẹ Hồng Sơn kể rằng, dường như Hồng Sơn biết đá bóng từ trong bụng mẹ. “Ở những tháng cuối thai kỳ, tôi quẫy đạp ghê lắm”. Bà thường nói với người nhà rằng đứa bé này đẻ ra sẽ nhanh tay nhanh chân, hiếu động lắm. Về sau, quả là như thế thật!
Nói nôm na là Hồng Sơn “biết đá bóng” từ trong bụng mẹ. Hồi bé tí tẹo, Hồng Sơn chỉ thích đá bóng ở vỉa hè sau giờ đi học.
Ngoài đá bóng, không thích chơi bất cứ trò nào khác, thờ ơ với các loại đồ chơi. Hồng Sơn học trường PTCS Tân Trào, góc phố Quán Sứ – Thợ Nhuộm, đối diện là nhà giam Hỏa Lò. Bạn bè cùng trang lứa tôi cũng học mấy trường Quán Sứ, trường Tân Trào gần đấy. Cứ chiều chiều, tan học về là cả bọn lại hò nhau cởi áo, cởi dép ra xếp gôn đá bóng.
Hồng Sơn bé nhất, thường bị “ấn” làm thủ môn. Hồi đấy có bóng nhựa cũng là sang lắm rồi. Nhưng đa phần chỉ có “bóng” quấn giấy vụn và giẻ lau bảng hoặc giẻ lau, giấy vụn cho vào hộp xà phòng giặt rồi lèn chặt lại để đá. Cái thời niềm đam mê vượt lên tất cả, đối với tôi, nó là kỷ niệm vô giá.
Nhà Hồng Sơn ở phố Hàng Bông, nhìn thẳng ra ngã tư Cửa Nam. Trước, ở đấy có tàu điện, có vườn hoa. Sơn và lũ bạn đồng trang lứa toàn đá bóng ở vườn hoa Cửa Nam, có khi đá luôn dưới lòng đường. Về sau, cả hội mới di chuyển “đại bản doanh” lên vườn hồng, chỗ nhà Quốc Hội sau này để đá vì chỗ đó vắng người qua lại.
Trong ký ức của Hồng Sơn, vỉa hè đường Điện Biên Phủ ngày xưa rộng mênh mông. Chúng tôi có hình thức đá bóng rất đặc biệt, gọi là “đá cống”. Giải thích đơn giản thế này: đám trẻ chúng tôi đá bóng ở ngã ba ngã tư, tại đó có những cái cống cái to đùng, mình đá lọt bóng vào những cái cống đấy là tính bàn thắng. Đá cống được cái rõ ràng, phân minh lắm, bóng xuống cống thì chẳng còn gì mà ăn gian, cãi vã nữa. Chỉ tội là sau đó, đứa đu, đứa bám thò hai chân xuống cống móc bóng lên mới đá tiếp được. Nhiều khi nước cạn, bóng lọt xuống, trôi đi mất luôn.
Lớn thêm vài tuổi, lại mở rộng thêm địa bàn xuống mạn Văn Miếu. Hồng Sơn vẫn nhớ như in những lần đá bóng trong khuôn viên di tích lịch sử Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Sân rộng thênh thang. Thậm chí, ghế đá cũng rộng lắm, sau này chỉ cho 2 người ngồi chứ ghế ngày xưa 4 người ngồi. Tận dụng ghế đá, bọn trẻ ra luật đá sệt gầm ghế – nghĩa là biến ghế thành cầu môn luôn, đá lọt gầm mới tính bàn thắng, đá thành ghế bật ra không tính.
You must be logged in to post a comment Login