Cuốn sách trình bày các nguyên tắc mấu chốt của triết lý Montessori. Phần đầu đưa ra rất nhiều bằng chứng khoa học và tâm lý cần thiết để đưa trẻ thơ vào vị trí của một nguồn lực được khảo sát và kính trọng. Đối với một sinh linh chỉ được xem là một sự phóng to, Montessori khẩn cầu mọi người nên tỏ ra “tôn kính bậc thầy của sáng tạo”.
Ngày nay, nhân loại vẫn còn vất vả để tìm hiểu tất cả sự kiện khoa học xung quanh đứa trẻ sơ sinh. “Bé thật đẹp đẽ, thật dễ thương, thật ngây thơ, thật mê hoặc đến nỗi chúng ta chóng quên rằng đằng sau dáng vẻ non nớt bên ngoài của nó là một sức mạnh nội tại tương tự nền móng của những đá tảng nguyên khối hay nền tảng của những nền văn minh lớn”.
Tác giả đưa ra quan điểm rằng người lớn cần cung cấp cho đứa trẻ một “môi trường được chuẩn bị” với đầy đủ yếu tố thiết yếu cho sự tự kiến tạo của trẻ. Các học cụ đều mang tính phản hồi, qua một cơ chế “tự kiểm tra sai lầm” giúp trẻ tự điều chỉnh, tự xác định sự thành công và tiến bộ của bản thân mà không cần đến sự can thiệp của cha mẹ. Nhờ vậy, đứa trẻ tự giải quyết thách thức, củng cố ý chí và gia tăng lòng tự tin.
Maria Montessori được biết đến là nữ bác sĩ đầu tiên ở Italy, nhưng điều quan trọng hơn là với tác phẩm này, bà nổi bật trong vai trò của một nhà khoa học nghiên cứu sự phát triển của con người: “Giáo dục không chỉ trao truyền lại kiến thức từ một cá thể này cho một cá thể khác, mà là để tìm cách khai phóng tiềm năng của con người”.
Xuyên qua lớp vỏ văn phong mang đậm sắc thái của một người sinh trưởng ở nơi đạo Công giáo Roma ảnh hưởng đến mọi sinh hoạt hàng ngày, cái cốt lõi thâm thúy có giá trị cộng đồng và tính khai phá đường lối giáo dục trẻ thơ của bác sĩ Maria Montessori thể hiện những nguyên tắc mang tính phổ quát, dựa trên phân tích khoa học.
Có lẽ chính việc là một bác sĩ y khoa đã cho phép tác giả mô tả sinh động các thời kỳ mẫn cảm ở đứa trẻ đang lớn. Con trẻ hoàn toàn nguyên sơ khi sinh ra, sẵn sàng tạo ra khả năng mới và được thiên phú những tiềm năng độc đáo. “Người lớn được giàu có bởi chúng ta là những kẻ thừa kế của trẻ thơ, kẻ đã đem lại các nền tảng của đời sống từ cái không có”.
Đọc Bí mật tuổi thơ, mỗi bậc cha mẹ phải ngày càng ý thức hơn về những nơi con cái sẽ sinh sống, học tập và quan trọng nhất là nhận thức được rằng một số điều xảy ra trong môi trường đầu tiên này không trở thành một lớp đắp hời hợt trên tâm lý của trẻ. Chúng vẫn tồn tại như một yếu tố sâu sắc bên trong chính bản ngã của đứa bé.
Hơn 100 năm qua, triết lý và phương pháp giáo dục của Montessori được thử nghiệm và kiểm chứng từng giờ, từng phút khắp địa cầu, từ Ngôi nhà của trẻ ở New York, Paris đến Làng trẻ Tây Tạng ở Dhamrasala hay ngôi trường trong các trại tị nạn ở Phi châu; từ những trung tâm cho trẻ em của cộng đồng thổ dân ở Torres Strait của Úc châu cho đến các trường mẫu giáo tại Hàng Châu hay Thái Lan. Điều này chứng tỏ các thuật ngữ xem chừng lạ lẫm trong tác phẩm của Maria Montessori đã trở thành kinh điển cho những ai quan tâm đến việc giáo dục trẻ em.
Maria Montessori (1870 – 1952) sinh ra ở Chiaravelle, Italy, mất tại Noordwijk, Hà Lan. Bà là phụ nữ đầu tiên tốt nghiệp y khoa, Đại học Rome (1894). Năm 1899, bà bắt đầu nghiên cứu về các vấn đề giáo dục trẻ. Montessori nhận thấy các phương pháp thử nghiệm thành công đối với trẻ khuyết tật về tâm thần cũng có thể áp dụng cho trẻ em bình thường.
Từ 1900 đến 1907, Maria Montessori giảng dạy tại khoa Giáo dục nhân chủng học, Đại học Roma. Hệ thống giáo dục mang tên bà do Association Motessori Internationale (AMI) đại diện có mặt tại hơn 100 quốc gia tạo dựng nền tảng thiết yếu cho việc giáo dục trẻ nhằm xây dựng một thế giới hòa bình và tiến bộ.
Nguồn: https://zingnews.vn/bi-an-tuoi-tho-ban-that-su-biet-gi-ve-nhung-dua-tre-post1436355.html
You must be logged in to post a comment Login