Điều thuộc về em theo chân nhân vật “tôi” – một giảng viên người Mỹ, sống tại thành phố Sofia, thủ đô của Bulgaria. Trong một lần gặp gỡ và có trao đổi tình dục với chàng trai trẻ Mitko, anh rơi vào một mối quan hệ phức tạp. Dục vọng bện xoắn với nỗi hổ thẹn, khao khát yêu đương dẫn đến nỗi sợ và những dằn vặt. Hai con người với những khác biệt không thể dung hòa liệu có đi được cùng nhau?
Cuốn tiểu thuyết đầu tay của Garth Greenwell đã khiến giới phê bình phải kinh ngạc. Tác phẩm mang lại cho nhà văn loạt giải thưởng như British Book Award, PEN/Faulkner Award, James Tait Black Memorial Prize,…
Điều thuộc về em được phát triển từ truyện ngắn Mitko (2011) của Garth Greenwell. Truyện ngắn Mitko đã thắng Giải Miami University Press Novella Prize và lọt vào danh sách đề cử cho Giải Lambda Award và Giải Edmund White dành cho tiểu thuyết đầu tay.
5 năm sau, Garth Greenwell cho xuất bản Điều thuộc về em, kể thêm 2 phần truyện nữa, mở rộng nội dung và chủ đề. Kết cấu 3 phần của cuốn sách thoạt nhìn tưởng như rời rạc, nhưng gắn kết với nhau là thông điệp và mạch cảm xúc được xử lý duyên dáng, đem lại trải nghiệm đọc khác lạ, giàu tính chiêm nghiệm.
Nỗi day dứt từ những khao khát không được thỏa mãn.
Điều thuộc về em mở đầu trực diện, táo bạo với cuộc mua dâm tại nhà vệ sinh công cộng giữa 2 người đàn ông. Tình huống mở màn này dễ khiến độc giả đại chúng tưởng nhầm cuốn sách là một sản phẩm gợi dục thông thường cho người đồng tính. Nhưng Điều thuộc về em sâu sắc hơn thế và, chắc chắn, không hề “thông thường”. Cuốn tiểu thuyết khai thác cảm giác lạc lõng trong xã hội hiện đại, nơi con người vẫn phải đấu tranh với những ham muốn thật, những cảm xúc thật, mặc cho những phong trào giải phóng nở rộ khắp nơi.
Sau những cuộc trao đổi tình dục với Mitko, nhân vật “tôi” vẫn không tìm được sự thỏa mãn. Mitko không bao giờ hành xử hay đối đãi anh theo cách anh muốn. Nhưng dường như chính những day dứt, dằn vặt bởi cảm giác “chưa thỏa mãn” dẫn nhân vật “tôi” trở lại với Mitko hết lần này tới lần khác.
Tiểu thuyết Điều thuộc về em. Ảnh: Minh Hùng. |
“Tôi cảm nhận cơn giận dữ của mình phai nhạt khi nhận ra rằng khoái cảm của tôi không hề thuyên giảm vì em đã rời đi, rằng điều rõ ràng là một sự bội ước lại chỉ điểm thêm vào cuộc hạnh ngộ của chúng tôi đôi phần tinh tế, để em trở nên càng sống động hiện hữu trước tôi dù đã bị bỏ lại một mình trên hai đầu gối bẩn thỉu, và để tôi, với tất cả tự do trong trí tưởng tượng, biến em thành bất cứ thứ gì mình muốn”, trích Điều thuộc về em.
Bên cạnh đó, bối cảnh của cuốn sách đặt tại một nơi vẫn còn nhiều định kiến đối với người đồng tính. Chính tại bối cảnh này, nhân vật rơi vào tình huống khao khát bản năng bị kìm hãm, phức cảm hổ thẹn tăng cao.
Nếu nhân vật “tôi” ở thời điểm gặp Mitko đã là một người cởi mở về xu hướng tính dục của mình, thì ngược lại, xã hội nặng định kiến đã hình thành nên một Mitko coi rằng đồng tính luyến ái là một vấn đề nặng nề.
Không ít lần, Mitko bảo nhân vật “tôi” rằng cậu bảo vệ anh bằng cách “giữ bí mật” cho anh. Lời nói nhuốm màu hăm dọa ấy cho thấy xã hội xung quanh đã định hình nên một Mitko như thế, một Mitko ngây thơ, xấc xược, đáng thương nhưng cũng đáng trách.
Nhưng với nhân vật “tôi”, điều day dứt ám ảnh anh trong mối quan hệ với Mitko là những khao khát xác thịt không được đáp trả trọn vẹn, những đau đáu trong lòng về ranh giới giữa anh và Mitko, những khoảng trống không thể lấp đầy.
Nhà văn Garth Greenwell. Ảnh: The New York Times. |
Nỗi hổ thẹn sâu thẳm
Nhưng tại sao một mối quan hệ tình cảm lại có thể phức tạp như vậy? Chính xác thì điều gì đã kéo nhân vật “tôi” và Mitko lại với nhau?
Theo dòng hồi tưởng, Garth Greenwell kéo độc giả về thời gian tuổi trẻ của nhân vật “tôi”, về với cội nguồn nỗi hổ thẹn, của cảm giác lạc lõng tạo nên con người anh sau này.
Phần 2 của cuốn tiểu thuyết – Nấm mồ – thuật lại một số chi tiết gợi nhớ về những nỗ lực vật lộn với danh tính của nhân vật chính thời trẻ ở Kentucky, miền Nam nước Mỹ. Đây là một địa điểm và thời gian in đậm tính bảo thủ. Nhân vật “tôi” bị đặt trong hoàn cảnh không khác nhiều so với Mitko hiện tại ở Bulgaria.
Nhà văn Garth Greenwell từng chia sẻ: “Đây không phải cuốn sách về sự cởi mở hay vẽ ra một tương lai tốt đẹp cho cộng đồng LGBTQ+. Tôi viết về một vấn đề khó nói, nhưng đáng được lên tiếng và nhìn nhận với những giá trị nhân văn”.
“Những vấn đề” ở đây chính là nỗi đau khi bị chính bố ruột mình ghê sợ; sự bối rối về mặt tâm sinh lý, tách biệt anh với những người xung quanh – một “bóng đen chia cách” mà anh vốn luôn cảm nhận được “với nỗi lo sợ khủng khiếp”.
Nhân vật “tôi” thuật lại những trải nghiệm khám phá tính dục tuổi mới lớn. Anh nhận định đó là cảm giác phấn khích “theo cái cách bí ẩn dẫn đến vực thẳm đổ vỡ” mà cậu bé khi ấy chưa thể tưởng tượng ra.
Ký ức về gương mặt bố mình “vặn vẹo trong ghê tởm” vẫn đeo bám anh tới hiện tại. “Cái nhìn của ông xuyên vào trong tôi và làm tổ ở đó, chưa từng rời đi, cắm rễ dưới những tầng ký ức và trở thành lý giải của tôi về bản thân tôi, lý giải lẫn mong đợi”.
Theo mạch ký ức này, độc giả được biết thêm về nỗi khắc khoải từ lần cảm nắng đầu tiên của nhân vật “tôi” và những khát vọng không được đáp trả. Hết lần này tới lần khác, những người xung quanh cố tình cho anh thấy anh khác với họ thế nào. Và nhân vật “tôi ” ở hiện tại đã nhận thức được rằng từ ấy, anh luôn kiếm tìm “sự thỏa mãn tới từ ham muốn ẩn dưới nỗi đau của một kẻ bên lề”.
Tranh minh họa tác phẩm trên The New York Times. |
Cây viết Aaron Hamburger của tờ The New York Times nhận định rằng 2 phần truyện Greenwell phát triển thêm từ truyện ngắn Mitko phơi bày “cách nền giáo dục truyền thống dạy một đứa trẻ ngây thơ liên kết ham muốn tự nhiên của mình với sự sỉ nhục và phải che giấu, để rồi đứa trẻ đó lớn lên thành một người đàn ông nghiện mối liên hệ này”.
Sau chuyến đi về lại quá khứ, phần 3 của cuốn sách đưa độc giả về hiện tại, khi mối quan hệ giữa nhân vật “tôi” với Mitko trở nên phức tạp hơn bao giờ hết. Nỗi hổ thẹn vẫn là một chủ đề hiển hiện xuyên suốt, nhưng ở thời hiện tại, nỗi hổ thẹn biến đổi tính chất, trở thành nỗi ám ảnh bệnh tật.
“Bệnh tật là chuyện duy nhất ai cũng kể về đàn ông như tôi ở quê hương tôi, và nó cán phẳng cuộc đời tôi thành một chuyện kể về đạo đức, trong đó nếu không trinh trắng thì tôi sẽ bị chê trách. Có lẽ đó là lý do tại sao, khi cuối cùng tôi cũng quan hệ tình dục, tôi không kiếm tìm khoái cảm nhiều bằng sự hồ hởi khi gạt bỏ xiềng xích, khi giả vờ không sợ hãi, bằng nỗi rộn ràng khi được buông thả mãnh liệt tới nỗi gần như là tự sát”, trích Điều thuộc về em.
Nhưng xiềng xích không bao giờ thực sự bị phá bỏ. Con người luôn bị giam cầm trong một nỗi mặc cảm riêng. Những xiềng xích ấy định hình nên con người ta, định hình cách ta yêu, cũng như cách ta chọn người để yêu. Triết lý này được Garth Greenwell truyền tải khéo léo với văn phong tinh tế, sắc sảo, không hề sa đà vào yếu tố sến.
Nhiều nhà phê bình dành lời khen cho cách hành văn của Greenwell. Tác giả để con chữ chảy tràn tự do trên trang giấy tựa như chất màu acrylic trên vải canvas, tạo nên những áng văn không có hình dáng cụ thể.
Phong cách này được các nhà phê bình liên hệ tới W. G. Sebald, Thomas Bernhard và cả Marcel Proust. Tuy nhiên, phần đông cũng nhận định rằng Điều thuộc về em vẫn mang hơi thở hiện đại, tư tưởng hiện đại.
“Một câu chuyện về nỗi ám ảnh tình dục mang tính kinh điển… Một cuốn tiểu thuyết đầu tay đáng kinh ngạc… Điều thuộc về em tự tin đứng cạnh những tác phẩm vĩ đại về nỗi ám ảnh tình dục đầy tai hại như Chết ở Venice của Thomas Mann và Lolita của Vladimir Nabokov… Thành tựu dữ dội… Một tác phẩm quan trọng của thời đại này”, theo Jonathan McAloon, trên tờ The Telegraph.
Garth Greenwell, sinh năm 1978, là một tiểu thuyết gia, nhà thơ, nhà phê bình văn học và nhà giáo người Mỹ. Ông đã xuất bản 2 cuốn tiểu thuyết: Điều thuộc về em (2016) và Cleanness (Tạm dịch: Sự trong sạch, 2020). Ông cũng từng xuất bản các truyện ngắn trên tạp chí The Paris Review và A Public Space, từng viết các bài phê bình cho The New Yorker và The Atlantic.
Ông từng sống và làm việc tại Sofia, Bulgaria, giống như các nhân vật trong tác phẩm của ông.