Ảnh: Nytimes. |
Theo Airmail, một thời gian dài trước khi CEO chuỗi hiệu sách Barnes & Noble Leonard Riggio và nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos trở thành những “ông lớn” trong ngành kinh doanh sách, một cái tên đã thống trị giới bán sách Mỹ là Marcella Burns Hahner.
Trong suốt 27 năm, từ năm 1916 đến 1943, với tư cách là nhà quản lý có tầm nhìn xa và phụ trách mua, nhập sách của mảng sách thuộc Marshall Field & Company, cửa hàng bách hóa Chicago, Hahner là “nhân vật nổi bật nhất trong ngành xuất bản Mỹ”.
Cuốn sách ra mắt ngày 6/8. Ảnh: Amazon. |
Những đầu sách yêu thích của bà xuất hiện trong các quảng cáo toàn quốc và, theo Bennett Cerf, người đồng sáng lập Random House, bà khiến “các nhà xuất bản lớn ở Manhattan phải run sợ khi dậm chân”.
Trong năm đầu tiên Hahner nắm quyền, khu vực sách của Marshall đã thu về 235.000 USD, gấp hơn 10 lần so với doanh thu của một hiệu sách thông thường, Evan Friss viết trong The Bookshop: A History of the American Bookstore, cuốn sách lịch sử được nghiên cứu rất kỹ lưỡng về ngành kinh doanh sách của Mỹ.
Nhờ Hahner và đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản của bà, khi khách hàng đến Marshall Field & Company để mua một cuốn sách, họ rời đi với số sách gấp 5-6 lần.
Khi các tác giả gặp khó khăn trong việc ký hợp đồng với nhà xuất bản, họ cũng nghĩ đến nhờ Hahner, biệt danh là “Nữ hoàng”, giúp đỡ. Khi Hahner nghĩ rằng cần phải viết một cuốn sách, cuốn sách đó phải được viết.
Khu bán sách tại Marshall Field & Company ở Chicago những năm 1920. Ảnh: Airmail. |
Dàn nhân vật lịch sử trong ngành sách Mỹ
Và câu chuyện về Hahner chỉ là một trong nhiều mảng màu sắc thú vị trong dàn nhân vật của The Bookshop. Ngoài ra còn có Ben Franklin, một chủ hiệu sách tiên phong với xu hướng mới, đồng thời cũng là một tác giả, chủ nhà in và nhà xuất bản. Frank Shay, một chủ hiệu sách và nhà xuất bản vào đầu thế kỷ 20, người đã thành lập một hiệu sách lưu động.
Hay Fred Bass, người đã biến hiệu sách cũ nhỏ của cha mình, Strand, thành một hiệu sách khổng lồ với phương châm “18 dặm đều là sách”. Và Frances Steloff, chủ sở hữu của hiệu sách nổi tiếng Gotham Book Mart chuyên về các tác phẩm văn học.
Frances cho rằng các nhà văn là “những người tuyệt vời nhất trên thế giới” và việc nuôi dưỡng sự sáng tạo cho những nhà văn này, cũng như đảm bảo tác phẩm của họ đến với công chúng trở thành công việc kinh doanh chính của mình.
Nhiều nhà văn, nhà viết tiểu luận nổi tiếng như H.L. Mencken, Theodore Dreiser, Saul Bellow, J.D. Salinger, John Updike và Samuel Beckett đã đến với Gotham Book Mart. Tiểu thuyết gia Norman Mailer từng cho biết Gotham Book Mart là một trong những hiệu sách cuối cùng “nơi bạn có thể mua sách văn học, thay vì sách thương mại”.
Khung cảnh tại Gotham Book Mart năm 1948. Ảnh: airmail. |
Thông qua nhiều cuộc phỏng vấn, tiếp cận được nhật ký, thư từ, tài liệu lưu trữ, văn bản lịch sử và hồ sơ được lưu trữ của thành phố New York, Friss đã mang tới câu chuyện chân thực về thế giới các hiệu sách Mỹ thế kỷ trước – mảng đề tài từng xuất hiện trong nhiều cuốn tiểu thuyết nổi tiếng như The Bookshop của Penelope Fitzgerald và The Love Letter của Cathleen Schine, và các bộ phim như Funny Face, Crossing Delancey, Notting Hill, 84 Charing Cross Road hay You’ve Got Mail.
Hiệu sách không còn thống trị thế giới sách
Các hiệu sách Mỹ vào đầu thế kỷ 19 không giống mấy so với những gian hàng sách của thế kỷ 21. Vào thời đó, việc đi dạo trong hiệu sách không phải là một thú vui. Sách thường được xếp trong các thùng và hộp kín mà chỉ có nhân viên mới có thể biết rõ để tiếp cận.
Kho sách, tập trung vào các chủ đề khảo cứu như pháp lý, khoa học, học thuật, cũng thường được sắp xếp theo đơn vị xuất bản hơn là theo chủ đề. Một số hiệu sách thậm chí không có nguyên tắc sắp xếp nào cả. Mặt khác, đối tượng khách hàng của các hiệu sách cũng tương đối hẹp. Có rất ít người coi đọc sách như một hoạt động giải trí.
Một hiệu sách ở Mỹ năm 1957 – rất lâu trước khi Amazon xuất hiện. Ảnh: airmail. |
Dù vậy, cho tới đầu thời kỳ xảy ra cuộc Nội chiến, hầu hết thị trấn có quy mô trung bình trên khắp nước Mỹ đều có ít nhất 1 hiệu sách. Boston có 93 hiệu, trong khi New York có 229 hiệu.
Phù hợp với sự phát triển này, cuốn sách dành riêng một số chương viết về những người bán sách vỉa hè, các hiệu sách theo lập trường cánh hữu với nhiều hàng tồn kho về hướng dẫn xây dựng hầm trú ẩn hạt nhân, các hiệu sách cánh tả, các hiệu sách về nữ quyền và cộng đồng yếu thế hay các hiệu sách của người da màu. Một số cái tên đáng chú ý là hiệu sách tưởng niệm Oscar Wilde, ở Greenwich Village hay hiệu sách phi lợi nhuận Drum & Spear, mở tại Washington vào năm 1968.
Từ việc phân tích các số liệu thống kê, cuốn sách cũng chia sẻ về sự ảm đạm của thế giới hiệu sách Mỹ. Năm 1993, Cục Thống kê Mỹ ghi nhận có 13.499 hiệu sách trên khắp cả nước, bao gồm các hiệu sách độc lập, siêu thị và cửa hàng chuyên doanh. Đến năm 2021, chỉ còn 5.591 hiệu sách còn hoạt động. Từ năm 1995-2000, hơn 40% các hiệu sách độc lập đã phá sản.
Ngày nay, hiệu sách lớn nhất thế giới thậm chí không phải là một hiệu sách mà là nền tảng thương mại điện tử Amazon. Tại Mỹ, hai nhà cung cấp sách bìa cứng và bìa mềm lớn nhất cũng không thực sự là các hiệu sách, thay vào đó là hai chuỗi siêu thị Costco và Target. Và tình hình kinh doanh cũng suy giảm đến mức, bắt đầu từ năm 2025, Costco có kế hoạch chỉ bán sách trong mùa lễ, từ tháng 9 đến tháng 12, theo một bài báo gần đây trên tờ The New York Times.
You must be logged in to post a comment Login