Trong cuốn Nghệ thuật không chỉ để ngắm, tác giả Susie Hodge – nhà lịch sử nghệ thuật, nghệ sĩ, nhà báo, tác giả của hơn 100 đầu sách – đã giới thiệu tới bạn đọc góc nhìn mới về nghệ thuật trên cơ sở tâm lý học: Liệu pháp trị liệu nghệ thuật (Art Therapy).
Sức mạnh chữa lành của nghệ thuật
Ngay mở đầu cuốn sách, tác giả đã đưa nhận định, nghệ thuật thị giác hữu ích trên nhiều phương diện. Nó có thể giao tiếp với chúng ta theo cách mà ngôn từ không thể. Nó giúp ta khai sáng, nâng cao tinh thần, mang tới hiểu biết sâu sắc. Nó lôi cuốn, làm ta vui vẻ và hoạt động như một phương pháp trị liệu, giúp ta điều tiết cảm xúc, hành vi, sức khỏe tinh thần…
Sách Nghệ thuật không chỉ để ngắm. Ảnh: SHB. |
Tác giả cũng cho rằng, vượt xa những kích thích thị giác đơn thuần, nghệ thuật sở hữu sức mạnh chữa lành, mang đến hy vọng, thay đổi hay tái thiết niềm tin, thái độ, hé mở nội tâm…
Tác giả cũng cho biết, ngay từ những ngày đầu, tâm lý học – ngành khoa học về tâm trí và hành vi hình thành từ cuối thế kỷ 19 – đã công nhận nghệ thuật như một phương tiện quan trọng nhằm biểu đạt, truyền tải, khám phá những cảm xúc, thái độ cũng như hành vi con người. Và trong suốt nhiều thế kỷ nay, bản thân các nghệ sĩ đã thấu hiểu khả năng chữa lành của nghệ thuật.
Trong cuốn sách, Susie Hodge đã giới thiệu 72 tác phẩm nghệ thuật, phần lớn là tranh vẽ, bắt đầu với bức bích họa Trục xuất người đổi tiền khỏi điện thờ của “Cha đẻ của thời Phục Hưng” Giotto di Bondone (khoảng 1267-1337), và mở rộng đến các nghệ sĩ đương đại như Yinka Shonibare (sinh năm 1962) với tác phẩm Bữa tối cuối cùng(Phỏng theo Leonardo).
72 tác phẩm này được tác giả sắp xếp đều trong 12 chương (mỗi chương 6 tác phẩm) tương ứng 12 khía cạnh cảm xúc của con người đó là: Xóa tan cơn giận, Chiến thắng nỗi sợ, Đối mặt với lo âu, Giải tỏa căng thẳng, Giải quyết nỗi cô đơn, Vượt qua u sầu, Truyền thụ cảm hứng tự quán chiếu, Học cách thấu cảm, Được truyền cảm hứng, Khơi nguồn năng lượng, Kiếm tìm hy vọng, Trân trọng hạnh phúc.
Nghệ thuật xoa dịu cảm xúc và điều tiết tâm lý tích cực
Ở chương đầu tiên Xóa tan cơn giận, Susie Hodge đã đưa ra cách hiểu về cơn giận và chỉ ra cách để kiểm soát nó thông qua nghệ thuật. Tác giả viết: “Những người kiềm chế, kìm nén, dằn vặt với cảm xúc sẽ thấy những cảm giác ấy mưng mủ trong lòng. Cuối cùng chúng phóng đại đến mức lấn át hoặc trở thành một phần của con người, ảnh hưởng đến hành vi. Có một cách giải phóng hoặc làm thuyên giảm cơn giận, ấy là thông qua nghệ thuật”.
Cũng ở chương đầu tiên này, Susie Hodge đã đề cập đến khả năng giải thoát khỏi / giải quyết các vấn đề của cơn giận từ việc sáng tạo, nghiên cứu nghệ thuật.
Tác giả cho biết các nghệ sĩ nổi tiếng như: Artemisia Gentileschi (với tác phẩm Judith chặt đầu Holofernes, sơn dầu trên vải, khoảng 1620), George Grosz (với tác phẩm Tang lễ: Dành tặng Oskar Panizza, sơn dầu trên vải, khoảng 1917-1918), Francis Bacon (với tác phẩm Nghiên cứu chân dung của Giáo hoàng Innocent X của Velázquez, sơn dầu trên vải, khoảng 1953) đã dùng nghệ thuật như một lối thoát cho cơn thịnh nộ. Họ đã phơi bày thứ mình làm giận dữ, lột tả cái cảm giác thông qua đề tài và hành động sáng tạo.
Tác phẩm Cây cầu Nhật Bản của Claude Monet. Nguồn: kunstloft. |
Chẳng hạn, Francis Bacon (1909-1992) đã lấy bản sao bức chân dung Giáo hoàng Innocent X của Diego Velázquez (1599-1660) làm nền tảng cho tác phẩm Nghiên cứu chân dung của Giáo hoàng Innocent X của Velázquez. Tác phẩm này thường được biết với tên Giáo hoàng gào thét (The Screaming Pope), với hình ảnh bên trong đầy ác mộng về sự yếu đuối của con người, và những cảm xúc sợ hãi, thất vọng, giận dữ. Đằng sau tấm rèm trong suốt, nhân vật dường như đang ngồi trên ghế điện, với cái đầu bóng ma đang gào thét dữ dội.
Theo Susie Hodge, với cách tiếp cận như vậy, người nghệ sĩ đã khám phá cảm xúc của bản thân mà chẳng hại đến người hay đến mình. Đây là cách giải quyết, dẫn dắt cơn giận thông qua nghệ thuật, nguồn năng lượng li khai rồi tiêu biến, người nghệ sĩ cũng như người thưởng thức tác phẩm sẽ được trải nghiệm trình tự khám phá – hy vọng – chấp thuận.
Ở chương Đối mặt với lo âu, Susie Hodge cũng nêu cách hiểu về lo âu và chỉ ra rằng nghệ thuật có thể cùng một lúc là lối thoát đồng thời là liệu pháp chữa trị, giúp giải tỏa chế ngự sự giày vò. Cũng ở chương này tác giả đã nhắc tới những người nghệ sĩ đã sử dụng nghệ thuật để giúp bản thân vượt qua khía cạnh tâm lý này.
Chân dung tự họa với cổ gai và chim ruồi của Frida Kahlo. Nguồn: britannica. |
Chẳng hạn, Claude Monet (1840-1926) với các bức họa về ao bèo tây và khu vườn trong thiên đường riêng tư ở Giverny. Các bức họa này đều có ảnh hưởng tích cực về mặt trị liệu đối với ông. Từ năm 1899, Monet vẽ hồ nước vào tất cả các kiểu thời tiết (tiêu biểu là bức Cây cầu Nhật Bản, sơn dầu trên vải), và nó đã trở thành chủ đề sáng tác chính của ông, giúp ông vượt qua nhiều năm tháng lo âu sau đó.
Hay như Frida Kahlo (1907-1954) bị mắc chứng lo âu trầm cảm khi phải chịu nhiều đau đớn về thể xác và tâm hồn (bệnh tật, tai nạn khủng khiếp, hôn nhân đầy sóng gió). Tuy nhiên, khi được Rivera truyền cảm hứng, bà đã vẽ, nghiên cứu các khía cạnh của bản thân ở những giai đoạn khó khăn nhất.
Tác phẩm Chân dung tự họa với cổ gai và chim ruồi (1940, sơn dầu trên vải) của bà là một bức chân dung tự họa mang tính biểu tượng. Trên phông nền những chiếc lá to bản, bà đối diện với chúng ta, chiếc vòng cổ đầy gai trong tay con khỉ đen cắt vào da bà.
Con chim ruồi đã chết treo trên gai nhọn, đôi cánh xòe ra. Trong văn hóa Mexico người ta tin rằng chim ruồi chết mang lại sự may mắn cho người đeo nó, vì vậy nó thể hiện niềm hy vọng.
Vòng cổ và máu gợi nhắc tới chiếc mão gai của chúa Jesus. Con khỉ là món quà từ Rivera, nó biểu trưng cho đứa con đã mất mà Kahlo hằng mong ước. Con mèo đen tượng trưng cho nỗi tuyệt vọng, con bướm trên mái tóc đại diện cho Chúa phục sinh – tín hiệu rằng bà sẽ trỗi dậy một lần nữa.
Tương tự, trong các chương tiếp theo của cuốn sách, Susie Hodge tiếp tục lần lượt trình bày những hiểu biết của mình về các khía cạnh cảm xúc, đồng thờiđưa bạn đọc khám phá những câu chuyện mới lạ đằng sau các kiệt tác và chỉ ra các cách xoa dịu cảm xúc và điều tiết tâm lý tích cực.
Tóm lại, với việc phân tích 72 tác phẩm nổi tiếng, sách Nghệ thuật không chỉ để ngắm không chỉ cố gắng làm rõ khả năng chữa lành của nghệ thuật, mà còn khơi nguồn cảm hứng, năng lượng tích cực và đưa nó tới gần hơn với cuộc sống.
You must be logged in to post a comment Login