Đặc biệt, từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra và kéo dài suốt hai năm qua, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển kinh tế và tính mạng con người, vai trò của Công nghệ – Internet một lần nữa được khẳng định.
Ở các quốc gia phát triển trên thế giới, nhà máy – xí nghiệp – công ty – nông trại… phần lớn được quản lý bằng công nghệ và điều khiển trên hệ thống. Dù ở bất kỳ đâu, chỉ cần một cú click chuột là một hệ thống vận hành một cách trơn tru. Người đảm nhiệm công việc này xử lý hầu hết thao tác trên nền tảng công nghệ đã được dựng nên trước đó.
Tuy nhiên, vai trò nổi bật nhất của công nghệ – Internet trong hơn hai năm qua là chuyển từ hình thức offline sang online đối với việc dạy – học, họp hành công việc, gặp gỡ gia đình, bạn bè người thân (kể cả việc tổ chức sinh nhật, cưới hỏi, tang lễ…).
Quá trình chuyển đổi đồng thời dẫn đến việc thay đổi thói quen học tập, làm việc, sinh sống của con người. Chúng ta có một môi trường kết nối rộng mở, có thể kết nối với mọi người ở khắp nơi trên thế giới với điều kiện có một thiết bị ghi hình và Internet.
Quay ngược thời gian trở về những năm 1960, Công nghệ – Internet phát triển được xem là một trong những tiền đề giúp nền kinh tế Hàn Quốc phát triển vượt bậc sau khi kết thúc cuộc chiến với Triều Tiên và tạo nên “Kỳ tích sông Hàn”. Hiện tại, mặc dù dịch bệnh làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế thế giới nhưng kinh tế Hàn Quốc vẫn tăng trưởng và đứng vững trong top 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20).
Tác phẩm – công trình nghiên cứu Bắt kịp kinh tế và nhảy vọt công nghệ – Con đường phát triển và ổn định kinh tế vĩ mô Hàn Quốc (Nguyên bản tiếng Anh: “Economic Catch-up and Technological Leapfrogging”), do Keun Lee làm chủ biên đã phác thảo hành trình hơn 50 năm “thay da đổi thịt” của “xứ sở Kim Chi” và đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Điều gì làm nên kỳ tích sông Hàn?”.
Đảm bảo sở hữu trí tuệ và bình tĩnh trước khủng hoảng kinh tế
Sự phát triển nào cũng gắn liền với quá trình tiếp thu, cải tiến và cho ra đời những sản phẩm theo dạng copy – paste. Điều này gây ra sự khó chịu cho nhiều doanh nghiệp vì yếu tố bản quyền không được đảm bảo.
Hơn bao giờ hết, chính sách “sở hữu trí tuệ” càng phải được quan tâm xây dựng. Hành trình hơn bốn mươi năm xây dựng chính sách “sở hữu trí tuệ” đã tạo bước tiến vượt bậc cho kinh tế Hàn Quốc, mà ở đó việc “bắt chước” được kiểm tra, đánh giá nghiêm ngặt. Từ đây, các doanh nghiệp phải tìm cách sáng tạo không ngừng, sáng tạo từ nền tảng tiếp thu – học hỏi từ các doanh nghiệp thành công, doanh nghiệp “lão thành” và đối thủ.
Một cuộc chạy đua kinh tế thần tốc gắn liền với quá trình hình thành và áp dụng các quyền về bằng phát minh diễn ra. Ba sự kiện – Bốn giai đoạn dần dần hình thành thói quen đăng ký bằng sáng chế, bản quyền và được cơ quan “sở hữu trí tuệ” bảo vệ.
Ba sự kiện cụ thể như sau: (1) người Hàn Quốc phải nộp bằng sáng chế petit (giải pháp hữu ích) và một số bằng sáng chế (phát minh) thông thường; (2) độ chênh lệch trong việc nộp bằng sáng chế giữa cá nhân (nộp nhiều) và tập đoàn (nộp ít) cũng là điều cần xem xét; (3) việc nộp bằng sáng chế trong nước và nước ngoài giúp nền kinh tế Hàn Quốc năng động hơn.
Bốn giai đoạn, tác giả gọi là những năm tháng đổi thay, đã tạo nên vị thế của công nghệ – Internet và nền Kinh tế của Hàn Quốc ngày hôm nay. (1) từ 1960-1970, giai đoạn nhìn thử nghiệm và nhìn thấy vấn đề thì năng lực công nghệ của Hàn Quốc rất thấp, bằng sáng chế đăng ký không như mong đợi; (2) từ 1970-1980: giai đoạn này các doanh nghiệp nước ngoài thống trị quốc gia làm cho “sức vóc” phát triển của doanh nghiệp trong nước không thể hiện rõ; từ 1980-1990, giai đoạn bắt kịp nhanh chóng sự phát triển của các nước phương Tây đã giúp Hàn Quốc mặc thêm chiếc áo mới qua tỷ lệ bằng sáng chế tăng; (3) từ 1990-nay, giai đoạn bắt kịp nhanh chóng, bằng sáng chế đăng ký ở Mỹ ngày càng nhiều và tỷ lệ bằng sáng chế của doanh nghiệp tăng 90%.
Như thế mới thấy, quá trình “thay da đổi thịt” của nền kinh tế Hàn Quốc rất chú trọng vào tư duy sáng tạo. Đặc biệt là đối với các doanh nghiệp trong nước. Việc chú trọng phát triển nội lực của các doanh nghiệp trong nước, đẩy mạnh đăng ký bằng sáng chế quốc gia, cho thấy tầm quan trọng của “cuộc chạy đua sáng tạo” đã góp phần tạo nên kỳ tích cho quốc gia này.
Công nghệ số mở ra cánh cửa phát triển “đỉnh cao” của “xứ sở Kim Chi”
Con rồng thứ tư của “4 con rồng châu Á” là một minh chứng cho thấy tầm quan trọng của việc tập trung nguồn lực phát triển công nghệ. Từ đó, làm nên kỳ tích cho quốc gia. Bên cạnh đóng tàu, sản xuất ôtô, điện tử… thì thị trường công nghệ với những cái tên đình đám như Samsung, Deawoo, Hyundai, LG, SK, Lotte… lấn sang thị trường quốc tế và không thua kém các thương hiệu khác trên thế giới.
Nếu ở trên, chúng ta đã thấy Hàn Quốc tạo nên một cuộc chạy đua về bằng sáng chế thì với công nghệ cũng tương tự thế. Các doanh nghiệp đẩy mạnh nguồn lực, quy tụ nhân tài, thu hút nguồn lao động từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam, nhằm tập trung chất xám cho việc sáng tạo. Một cuộc chạy đua về công nghệ mở ra bằng việc thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Từ đầu những năm 1990, các sản phẩm thuộc mảng công nghệ – thông tin chuyển từ analog sang số (thay đổi mô hình). “Hàng loạt các sản phẩm hoàn toàn mới như PDA, máy quét, máy nghe nhạc MP3…” mà trước kia trên thị trường không có.
Hàn Quốc đã khiến cho Mỹ và Châu Âu kinh ngạc khi các thương hiệu như LG đã khuấy động thị trường Anh khi quốc gia này lần đầu được xem truyền hình số, Samsung bước từng bước vững vàng sang thị trường Mỹ và chiếm thị trường cao nhất ở Anh và Mỹ.
Quá trình phát triển của mỗi cá nhân hay quốc gia đều đi từ tầm nhìn, thực thi và không ngừng sáng tạo đổi mới. Công nghệ số của Hàn Quốc từng bước từng bước một chiếm lĩnh thị trường Mỹ, Anh và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Chúng ta có thể nói rằng “bước đi” này của Hàn Quốc đã tạo cảm hứng cho các quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên, cần phải đi từng bước phù hợp với nguồn lực và tiềm lực của các quốc gia đó.
Tạo tiếng vang từ doanh nghiệp lớn và “tạo con đường riêng” cho doanh nghiệp SMEs
Cơ sở hạ tầng cao đã thay đổi “bộ mặt” của quốc gia từng rất nghèo khó này. Chúng ta thường bảo rằng: bề ngoài không quan trọng, nhưng để “trình diễn” với các quốc gia khác bề ngoài rất quan trọng. Bởi, con người có xu hướng nhìn trực diện vào một vật cụ thể: công trình kiến trúc, công trình công cộng, vật tư – trang thiết bị… Điều này đôi phần thể hiện mức độ phát triển của cá nhân, tổ chức, quốc gia.
Sau khi chú trọng vào xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo tiếng vang với thị trường quốc tế bằng các “ông trùm” doanh nghiệp – tập đoàn tạo nên bước ngoặt mới cho thị trường công nghệ, di chuyển nhà máy sản xuất ra nước ngoài tác động đến thị trường nội địa… thì Hàn Quốc “tạo con đường riêng” cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mô hình chuyển đổi này cụ thể như sau: Từ mô hình doanh nghiệp OEM (nhà sản xuất thiết bị gốc, hình thức hợp đồng gia công) sang mô hình doanh nghiệp ODM (nhà thiết kế sản phẩm gốc, nhóm doanh nghiệp này kết hợp với các doanh nghiệp khách hàng làm tiếp thị, quảng bá sản phẩm), sau đó chuyển sang mô hình OBM (sản xuất theo thương hiệu riêng, mô hình doanh nghiệp này giống với mô hình doanh nghiệp tinh gọn bởi các khâu từ thiết kế, sản xuất, quảng bá, tiếp thị, phân phối và bán hàng).
Các doanh nghiệp theo mô hình OBM gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình phát triển do quy mô nhỏ và không liên kết được với thị trường bên ngoài. Một số doanh nghiệp thành công với “con đường riêng” để lại nhiều dấu ấn với thị trường từ mẫu mã, bản sắc và hướng vào nhu cầu sử dụng sản phẩm của khách hàng. Một số thương hiệu thành công với mô hình này có thể kể tên như: Shimro Musical Instruments, Cuckoo, HJC Helmets, Jusung, SunStar…
Với mô hình này, doanh nghiệp phải đảm nhiệm công việc quảng bá – tiếp thị. Người lãnh đạo và chủ doanh nghiệp phải xây dựng chiến lược tiếp thị từ nguồn lực hạn chế của công ty bởi doanh nghiệp vừa và nhỏ có quy mô nhỏ. Thị trường cũng vì thế trở nên đặc biệt. Đối tượng khách hàng cần được xác định rõ ràng ngay từ đầu và sản xuất sản phẩm phù hợp với nhu cầu, thị hiếu thẩm mỹ của nhóm đối tượng đó. Tính cá nhân hóa hay rộng hơn là tính đặc trưng của thương hiệu được đề cao. Bởi, sản phẩm được tạo ra gắn liền với bản sắc của doanh nghiệp vừa và nhỏ đó.
Tóm lại, hành trình hơn nửa thế kỷ phát triển của Hàn Quốc mang đến cho các nước đang phát triển rất nhiều bài học về chiến lược phát triển kinh tế, chiến lược phát triển công nghệ và con người. Nền công nghiệp trỗi dậy đã đẩy nền kinh tế của quốc gia này phát triển vượt bậc còn phụ thuộc vào yếu tố con người. Những người lãnh đạo “dám nghĩ dám làm” và đội ngũ lao động được đào tạo chuyên nghiệp cần đề cập đầu tiên.
Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng là quốc gia mà người dân gặp nhiều vấn đề về “sức khoẻ tinh thần” do áp lực công việc, tốc độ đào thải và áp mình vào khuôn mẫu của xã hội. Tuy nhiên, nền kinh tế nào phát triển cũng gắn liền với những bất cập nhưng “kỳ tích sông Hàn” vẫn là niềm tự hào của người dân “xứ sở Kim Chi”.
6 trích dẫn tâm đắc
Xung đột quốc tế về quyền sáng chế đã trở thành một vấn đề nổi cộm của Hàn Quốc vào đầu những năm 1980.
Đồng won của Hàn Quốc đã trải qua sự biến động quá mức, thậm chí trong khoảng thời gian gần đây.
Cơ hội công nghệ số là rất lớn vì nó được đặc trưng bởi những đổi mới sáng tạo liên tục.
Cho đến nay, các chính sách “nội địa hoá” đã theo đuổi việc mở rộng số lượng trong một thời gian ngắn và thành công trong việc thay thế một số sản phẩm nhập khẩu trước đây sử dụng công nghệ thấp hoặc trung bình dễ bắt kịp trong một thời gian ngắn.
Samsung đã chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường điện thoại di động (25,2%) thế giới.
Với quy mô hạn chế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các nước đang phát triển và các nước phát triển có một số đặc điểm chung, như tính linh hoạt và chuyên môn hoá sâu.
G20 Indonesia
You must be logged in to post a comment Login