Từ những đường phố mang tên địa danh Hà Nội, Sài Gòn – Chợ Lớn, Hải Phòng, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Sơn Tây, Điện Biên Phủ, Đống Đa… đến con đường mang tên các nhân vật như Hồ Chí Minh, Nguyễn Văn Trỗi, Đỗ Hữu Vị, Yersin, Pasteur …; từ những quảng trường mang dấu ấn Việt Nam ở Paris, Lyon, Marseilles đến các phố phường mang tên các danh nhân Pháp tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt… hơn 200 con đường và địa danh đã được tác giả Trần Thu Dung đưa vào cuốn sách có tựa đề Dấu ấn Pháp – Việt qua tên những con đường.
Tác phẩm dày 292 trang, khổ 14,4 x 20,5 cm là công trình sưu tầm công phu do tiến sĩ, nhà văn Việt kiều Trần Thu Dung dày công thu thập tư liệu, tỉ mỉ ghi chép và tìm hiểu lịch sử quá trình đặt tên những địa danh mang dấu ấn của cả hai nước Pháp và Việt Nam.
Đọc từng tên phố, tên quảng trường, xem nguồn gốc lịch sử, độc giả có thể đi từ ngạc nhiên này đến bất ngờ khác. Những bức tranh, ảnh tư liệu quý minh họa, kèm bản đồ vị trí địa lý, giúp người đọc có thể tìm đến thăm, nếu có dịp qua những địa phương ở Pháp hoặc Việt Nam. Cuốn sách in bằng hai ngữ Việt và Pháp không những để bạn đọc hai nước cùng hiểu mà còn giúp họ học ngôn ngữ của nhau.
Tiến sĩ, nhà văn Việt kiều Trần Thu Dung, tác giả cuốn sách Dấu ấn Pháp – Việt qua tên những con đường. Ảnh: Thu Hà – PV TTXVN tại Pháp. |
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Pháp về mục đích thực hiện cuốn sách, nhà văn Thu Dung cho biết tác phẩm được ra mắt vào đầu năm 2023 nhằm chào mừng 50 năm ngày Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm đối tác chiến lược.
Theo bà, thời kỳ Pháp thuộc và cuộc chiến tranh giành độc lập ở Đông Dương trôi qua đã để lại những dấu tích gợi nhắc ký ức, cả hào hùng và đau thương, ở cả hai nước Pháp và Việt Nam dưới nhiều kiểu dạng khác nhau, trong đó dễ thấy nhất là tên địa danh, đặc biệt là tên đường phố.
Ngày nay, sau nhiều năm tháng đổi thay, những dấu ấn ấy chỉ còn lại lác đác và không phải ai cũng biết về nguồn gốc lịch sử – văn hóa đằng sau chúng. “Các con đường đều mang dấu ấn của lịch sử. Nhưng những con đường này cũng có thể bị thay thế trong quá trình biến đổi của lịch sử, vì thế tôi quyết định phải ghi chép lại khi tôi thấy rất nhiều con đường của Việt Nam có mặt ở Pháp”. Đó là điều mà bà Thu Dung trăn trở khi quyết định viết cuốn sách này.
Bà chia sẻ, quá trình sưu tầm có nhiều thuận lợi do được bạn bè cung cấp thông tin, chính quyền tạo điều kiện tìm tòi tư liệu, nhưng khó khăn cũng rất nhiều vì đa số các tên gọi đều liên quan đến lịch sử. Do đó, trong quá trình sưu tầm, bà luôn phải kiểm chứng dữ kiện, ngay cả với những con đường quá nhỏ chẳng tìm được trên Internet hoặc chẳng gợi lên sự liên hệ nào mặc dù vẫn liên quan đến Việt Nam.
Bên cạnh đó, tiếng Việt có dấu, trong khi chuyển sang tiếng Pháp thì không, do đó đây cũng là một rào cản trong quá trình sưu tầm. “Quá trình viết bất kỳ cuốn sách nào đều đòi hỏi cảm hứng và sự kiên nhẫn. Cảm hứng tạo nên động lực, kiên nhẫn để hoàn thành. Đặc biệt là cuốn này đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn, vì nó mang tính chất lịch sử. Mà đã là lịch sử, thì không thể nổi hứng viết như tiểu thuyết, càng không phải ngẫu hứng như làm thơ. Lịch sử đòi hỏi sự chính xác và khách quan của người cầm bút” – bà tâm sự và nhấn mạnh rằng tác phẩm này là một đóng góp ý nghĩa đối với tình hữu nghị của hai nước vì nhắc đến quá khứ và văn hóa Pháp – Việt với cái nhìn kính trọng vượt lên trên “cựu thù”.
Là một trong những độc giả đầu tiên của cuốn sách, ông Gilbert Tenèze, Chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp – Việt vùng Eure & Loir, cho rằng cuốn sách ra đời đúng thời điểm hai nước kỷ niệm 50 năm quan hệ hữu nghị mang ý nghĩa to lớn, góp phần phát triển và làm sâu sắc thêm mối quan hệ của nhân dân Pháp với nhân dân Việt Nam. “Cuốn sách thể hiện rõ tình cảm mà Việt Nam dành cho Pháp và Pháp dành cho Việt Nam” – ông nhấn mạnh và đánh giá cao nỗ lực của tác giả trong việc phát huy mối quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc.
Bìa cuốn sách Dấu ấn Pháp – Việt qua tên những con đường của tiến sĩ nhà văn Việt kiều Trần Thu Dung. Ảnh: Thu Hà – PV TTXVN tại Pháp. |
Với ông Nguyễn Thái Sơn, Chủ tịch Hội Interface Francophone, việc cho ra đời cuốn sách là “đi đúng với xu hướng của thời đại”. Vừa là công dân của Pháp và cũng là người mang dòng máu Việt Nam nên ông yêu cả hai dân tộc, mong muốn làm cho Việt Nam và Pháp gần nhau hơn vì hòa bình và tiến bộ xã hội. Ông bày tỏ: “Tôi nghĩ độc giả nên đọc cuốn sách này và hy vọng sách sẽ được tái bản nhiều lần nữa khi sẽ ngày càng nhiều con đường ở Pháp mang tên Việt Nam, và ngược lại”.
Được biết trước đó, vào năm 2014, nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ Pháp – Việt, tiến sĩ, nhà văn Thu Dung đã cho ra mắt cuốn sách Dấu ấn Việt Nam qua tên những con đường của Pháp. Với tác phẩm mới lần này, bên cạnh một phần tư liệu cũ, bà đã bổ sung các con đường không chỉ ở Pháp mà cả Việt Nam. Do đó, nếu như cuốn cũ chỉ có 199 con đường mang dấu ấn Việt Nam ở Pháp, thì ở tác phẩm mới, con số này đã lên đến 208, trong đó có 30 con đường mang tên Pháp ở Việt Nam. “Điều này cũng thể hiện mối quan hệ hợp tác chiến lược gần đây giữa hai nước ngày càng được đẩy mạnh”, bà Thu Dung nhấn mạnh.
Cuốn sách thực sự là một sáng kiến tuyệt vời của một nữ nhà văn Việt kiều luôn mong muốn làm nhịp cầu thân ái kết nối hai dân tộc Việt Nam và Pháp. Mong rằng những con đường mang dấu ấn Việt Nam và Pháp mà tác giả đã có công khám phá, sưu tập sẽ được mở nhiều thêm để đưa hai dân tộc ngày càng gần nhau hơn như mong muốn của tác giả và của nhân dân hai nước.
You must be logged in to post a comment Login