Tranh minh họa Trận chiến tại cánh đồng Bosworth, với Vua Richard III trên lưng con ngựa trắng. Ảnh: Britannica. |
Khi mùa bóng 2022 – 2023 kết thúc, nếu nhìn vào bảng xếp hạng của Premier League, người ta có thể thấy xếp đầu bảng là Manchester City, một đội bóng của thành phố xưa kia từng thuộc Lancashire, đứng thứ 19 áp chót và nhận một suất xuống hạng, là Leeds United – một đội bóng của vùng Yorkshire.
Để ý một chút thấy trên logo của Manchester City có hình bông hồng đỏ, còn trên logo của Leeds United là bông hồng trắng. Nếu chúng ta tìm hiểu kỹ hơn sẽ biết đây chính là biểu tượng của hai phe Lancaster và York trong cuộc nội chiến làm chao đảo nước Anh vào thế kỷ XV.
Và trên sân cỏ của thế kỷ XXI cũng giống như trên chiến trường của thế kỷ XV, bông hồng đỏ lại giành chiến thắng trước bông hồng trắng khi Manchester City lên đỉnh cao còn Leeds United xuống vực sâu, như một định mệnh không thể thay đổi.
Điểm khác biệt lớn nhất có lẽ ở chỗ, vào năm 2023, cuộc đấu trên sân cỏ chỉ kết thúc với niềm vui của người thắng và nỗi buồn của kẻ thua, còn khi Cuộc chiến Hoa hồng hạ màn tại Bosworth Field ngày 22/8/1485, Richard III Plantagenet, vị vua cuối cùng của phe York và Vương tộc Plantagenet trị vì nước Anh trong hơn 3 thế kỷ, đã mất cả ngôi vua lẫn tính mạng trên chiến trường. Gần 5 thế kỷ rưỡi đã trôi qua kể từ khi Cuộc chiến Hoa hồng kết thúc, nhưng ảnh hưởng của nó vẫn hiện hữu hàng ngày trong đời sống nước Anh.
Tại Việt Nam, có lẽ Cuộc chiến Hoa hồng được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết phiêu lưu lịch sử Mũi tên đen của Robert Louis Stevenson hay tiểu thuyết trinh thám Con gái của thời gian của Josephine Tey, vì giai đoạn này được các tác giả chọn làm nền cho câu chuyện.
Tuy nhiên, Chiến tranh Hoa hồng: Sự sụp đổ của nhà Plantagenet và sự trỗi dậy của nhà Tudor (tên gốc: The Hollow Crown – NXB Dân trí) của Dan Jones là cuốn sách phi hư cấu đầu tiên viết trọn vẹn về giai đoạn nội chiến một mất một còn giữa hai nhánh của dòng họ Plantagenet.
Với mong muốn đem đến cho độc giả cái nhìn toàn cảnh về Cuộc chiến Hoa hồng, bao gồm cả bối cảnh dẫn tới nội chiến và hệ quả lâu dài của nó, Dan Jones đã mở đầu cuốn sách vào thời điểm nhà Lancaster đạt tới đỉnh cao dưới thời vị vua xuất sắc cả về chính trị lẫn tài thao lược Henry V, khi việc ngai vàng nước Pháp thuộc về nhà Lancaster dường như ở trong tầm tay. Sau đó, khép lại vào thời điểm những nhân vật cuối cùng ít nhiều mang dòng máu Plantagenet đã bị các vị vua triều Tudor cũng như các biến cố của lịch sử loại bỏ khỏi thế gian, chấm dứt mọi mối đe dọa tới địa vị của nhà Tudor.
Hơn một thế kỷ trong tác phẩm được chia ra làm 4 phần, tương ứng với 4 bước ngoặt quan trọng. Phần đầu dành cho quãng thời gian đầy biến động của nhà Lancaster với cái chết đột ngột của Henry V. Giai đoạn làm vua trên danh nghĩa từ lúc mới 9 tháng tuổi đến khi thành niên (16 tuổi) của vị vua trẻ Henry VI gánh quá nhiều kỳ vọng từ thành tựu lớn lao của người cha, cũng là giai đoạn vương quyền suy yếu trầm trọng, các phe phái trong triều đình không ngừng củng cố quyền lực và đấu đá lẫn nhau. Người vợ góa của Henry V thì tái hôn với Owen Tudor, một người Wales địa vị thấp kém, một quyết định về sau sẽ dẫn tới sự hình thành triều đại Tudor.
Phần hai Thế nào là vua viết về giai đoạn Henry VI đến tuổi thành niên (1437) rồi dần dà để quyền lực tuột vào tay các triều thần hùng mạnh, trở thành vua bù nhìn khi bị công tước York giam lỏng (1455). Đây cũng chính là biến cố khởi đầu cho Chiến tranh Hoa hồng.
Phần ba Vương miện rỗng là thời kỳ nội chiến không đội trời chung giữa hai nhà York và Lancaster. Theo đó, Edward – công tước xứ York đoạt ngôi của nhà Lancaster năm 1461, trở thành vua Edward IV, bị nhà Lancaster phản kích phải tháo chạy khỏi nước Anh, rồi quật khởi đánh bại và tiêu diệt hoàn toàn nhà Lancaster khi vị vua yếu đuối Henry VI chết trong cảnh cầm tù năm 1471.
Phần bốn Sự trỗi dậy của gia tộc Tudor đúng như tên gọi của nó, là câu chuyện đáng kinh ngạc bậc nhất trong lịch sử nước Anh khi Henry Tudor, cháu của Owen Tudor vô danh năm xưa, bằng cách nào đó đã chen chân vào cuộc nội chiến giữa hai nhánh của dòng họ Plantagenet. Và khi một trong hai nhánh này – nhà Lancaster – tuyệt tự vào năm 1471, ông trở thành thủ lĩnh mới của các lực lượng có lợi ích gắn với phe Lancaster. Henry Tudor đã khéo léo tận dụng cơ hội vương triều của nhà York rơi vào rối loạn sau cái chết của Edward IV để đánh đổ nốt nhà York bằng chiến thắng ở trận Bosworth Field năm 1485, tiêu diệt Richard III, ông vua cuối cùng mang dòng máu Plantagenet.
Dan Jones kết thúc bản tường thuật đầy rẫy âm mưu, phản trắc, tranh giành quyền lực bằng câu chuyện củng cố quyền lực của hai vị vua đầu tiên nhà Tudor, làm mọi cách để tận dụng rồi loại trừ ảnh hưởng của huyết thống Plantagenet. Từ cuộc liên hôn đầy toan tính chính trị của Henry Tudor với con gái Edward IV đến việc sử dụng mọi cơ hội, mọi nguyên cớ dù nhỏ nhặt, hoang đường đến đâu để trừ khử có hệ thống tất cả các nhân vật quyền lực còn lại ở nước Anh mang trong mình dòng máu vương tộc Plantagenet.
Trong một kết cục khó có thể mỉa mai hơn, hai bông hồng trắng – đỏ của hai nhà Lancaster và York được ghép lại thành bông hồng hai màu đỏ trắng của vương triều Tudor, thế lực của các triều thần cát cứ hùng mạnh đã đem tới hồi cáo chung của vương triều Plantagenet cũng bị xóa sổ. Nước Anh từ chế độ phong kiến chuyển sang chế độ quân chủ chuyên chế, một giai đoạn không tồn tại được quá lâu trước khi chế độ quân chủ lập hiến được thiết lập bền vững tại Anh từ năm 1688.
Cuộc chiến Hoa hồng cho tới nay vẫn được coi là một giai đoạn bản lề để lại ảnh hưởng lâu dài tới chính trị của nước Anh.
You must be logged in to post a comment Login