Người cha hãy chủ động trong việc chăm sóc con cái, để mang lại cho trẻ một môi trường giáo dục toàn diện hơn. Ảnh: Vinamilk. |
Cách đây không lâu, gia đình chúng tôi cùng nhau ra ngoài hàng ăn. Khi ấy, các gia đình có con nhỏ đều được sắp xếp một khu riêng. Có một điểm chung của các gia đình có mặt lúc ấy là, ngồi bên cạnh các con không phải là các bà mẹ, mà chính là những ông bố, đấng mày râu trong gia đình.
Thời đại đúng là đã thay đổi. Thời đại công nghiệp hóa phát triển nhanh chóng, gia đình hạt nhân trở thành điều tất nhiên, phụ nữ đều ra ngoài và làm việc. Theo đó, vai trò của những thành viên trong gia đình cũng dần có sự chuyển biến.
Quan niệm về việc họ hàng thân tộc sẽ là những người giúp đỡ nuôi dưỡng con cái trong thời đại gia đình đa thế hệ đã dần đi vào quên lãng, những người phụ nữ sau khi kết hôn vẫn đi làm và có công việc riêng của mình. Như vậy, người bố trong gia đình cũng dần biết chia sẻ trách nhiệm nuôi dạy, chăm sóc con cái cùng vợ.
Tại Hàn Quốc, sau sự kiện với IMF [1] thì sự thay đổi ấy mới thực sự rõ nét, người đàn ông không còn là trụ cột kinh tế của gia đình nữa mà sẽ là cả hai vợ chồng cùng làm kinh tế.
Khi gánh nặng về chi phí nuôi con cũng như chi phí đi học của con cái ngày càng lớn, phải đối mặt với nỗi lo kinh tế lúc về già, khi mà cơ hội việc làm đang ngày càng bấp bênh, thì việc người phụ nữ bước ra ngoài xã hội và đi làm đã dần trở thành điều hiển nhiên. Trên những chương trình giải trí nổi tiếng như “Bố ơi mình đi đâu thế?”, “Siêu nhân trở lại”, hình ảnh những người bố chăm sóc con đang là những hình ảnh đẹp, khuyến khích cổ vũ các ông bố nhiều hơn.
Những điều này chứng minh rằng, các ông bố đang ngày càng cởi mở hơn trong việc chăm con. Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng ta đang sống trong thời đại các ông bố sẵn lòng nuôi dạy con cái, không còn là những người đứng bên lề như thế hệ trước nữa.
Những nghiên cứu về sự thay đổi vai trò của người bố trong thời đại này đã được bắt đầu từ phương Tây. Việc quan tâm về sự phát triển của mối quan hệ vợ chồng đã dần tăng lên từ sau năm 1970. Từ đó, những nghiên cứu về vai trò của người bố trong việc nuôi dạy con cái đã chính thức được tiến hành.
Giáo sư đại học danh tiếng Cambridge Michael Lamb đã gọi những người bố là “Những người cống hiến bị lãng quên” trong quá trình phát triển của con cái, đồng thời, ông cũng đã có những bài nghiên cứu đánh giá lại vai trò đã bị xem nhẹ đi của các ông bố trong quá trình ấy.
Ông cho rằng người bố có khả năng tích cực trong việc chăm sóc và nuôi dưỡng con cái, những gì mà con nhận được từ bố sẽ khác rất nhiều so với từ mẹ. Cũng nhờ thế, trẻ được phát triển một cách toàn diện và cân bằng hơn.
Nhà tâm lý học Ross Parke đã đặt tên cho khái niệm về ảnh hưởng đặc trưng của người bố đến sự phát triển tâm lý của con trẻ, từ đó cụm từ “hiệu quả của bố” được sử dụng rộng rãi. Sau đó, sự tham gia của bố trong quá trình nuôi dạy con ngày càng được quan tâm nhiều hơn, đồng thời vài nghiên cứu cũng dần chỉ ra rằng bố chăm con sẽ có tính chất khác, không giống với mẹ chăm.
Tại Hàn Quốc, năm 1997, đã có bài nghiên cứu về các ông bố được ra mắt trên tạp chí chuyên môn và ngày càng có nhiều hơn những bài nghiên cứu như thế này kể từ sau năm 2003.
Một nghiên cứu có quy mô lớn cho thấy sự lan rộng mạnh mẽ về vai trò của bố trong nuôi dạy con là bài nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển Trẻ em Quốc gia, Đại học Oxford, Anh Quốc năm 2002.
Đã có 170.000 đứa trẻ sinh ra vào năm 1958 trở thành đối tượng nghiên cứu trong vòng 33 năm. Sau khi họ trưởng thành, những người xây dựng gia đình hạnh phúc và có cuộc sống ổn định hầu hết đều có một điểm chung chính là có mối quan hệ tốt với bố ngay từ khi còn bé và những người này đều thể hiện mặt giao tiếp xã hội cũng như tham vọng cao hơn những đứa trẻ khác ngay từ khi còn trên ghế nhà trường.
Nhà tâm lý học người Mỹ Caldera cũng chỉ ra rằng những đứa trẻ càng được bố chăm sóc nhiều hơn, chuẩn bị đồ ăn, mặc quần áo, hay thay tã bỉm thường xuyên thì càng có lòng tự trọng cao hơn. Giáo sư Karren M.Benzie của trường Đại học Calgary, Canada cũng từng phát biểu trong một bài nghiên cứu mới rằng một đứa trẻ được bố chăm sóc nhiều sẽ có thể trạng sức khỏe tốt hơn.
Những nghiên cứu trong nước cũng đang ngày càng được đưa ra nhiều hơn, và đồng thời cũng chỉ ra rằng những đứa trẻ được lớn lên dưới sự chăm sóc của bố sẽ thân thiện với mọi người, có trí tuệ cảm xúc cao hơn so với những đứa trẻ khác, đó chính là kết quả của “vai trò của bố”.
[…]
[1] Hàn Quốc ký vào bản “Cứu trợ tài chính” với IMF – Quỹ tiền tệ quốc tế – theo KBS news.
You must be logged in to post a comment Login