Zing lược dịch và gửi tới độc giả giai thoại về sự hợp tác của Zlatan Ibrahimovic với người đại diện Mino Raiola ở chương 10 trong cuốn tự truyện có tên “Tôi là Zlatan” (I am Zlatan).
Cuốn tự truyện ghi lại thời điểm tiền đạo người Thụy Điển nhận được những lời khuyên từ Mino Raiola khi đang thi đấu cho Ajax. Những câu chuyện được sắp xếp liền mạch cũng lý giải về việc Zlatan Ibrahimovic được gọi là “Đứa con của Chúa” và sau đó trở thành tiền đạo số một của ĐT Thụy Điển.
“Siêu cò” Mino Raiola là người thay đổi sự nghiệp Zlatan Ibrahimovic. |
Gây ấn tượng với Raiola
Mino Raiola sinh ra ở thành phố Salerno thuộc miền nam Italy, nhưng hồi bé cả gia đình đã phải sang Hà Lan và mở nhà hàng pizza ở thành phố Haarlem. Anh ấy vừa chạy bàn vừa rửa chén, nghĩa là đã phải làm việc từ rất sớm.
Mino học đủ thứ: Luật, kinh tế và ngôn ngữ. Anh ấy thích bóng đá và quyết trở thành người đại diện. Hà Lan từng có hệ thống chuyển nhượng yếu kém khi nó căn cứ việc bán cầu thủ dựa trên tuổi tác và thống kê nhảm nhí. Mino đã phản đối điều đó.
Mino từng thách thức Liên đoàn Bóng đá Hà Lan. Năm 1993, anh ấy bán Dennis Bergkamp sang Inter và năm 2001 đưa Pavel Nedved đến Juventus với giá 41 triệu euro. Lúc đó, Mino không phải là người đại diện hàng đầu, nhưng người ta nói anh ấy đang nổi lên và sẽ dùng mọi thủ đoạn để đạt được mục đích. Nghe có vẻ hay. Tôi thì không muốn làm người tốt.
Tôi muốn được chuyển nhượng và ký hợp đồng ngon lành. Thế là tôi quyết gây ấn tượng với Mino. Sau khi Thijs thu xếp được buổi gặp gỡ tại khách sạn Okura ở Amsterdam, tôi mặc áo da Gucci, đeo đồng hồ vàng và lái chiếc Porsche đậu ngay bên ngoài. Tôi không muốn trở thành con lợn và bị lừa thêm lần nào nữa cả.
Mino Raiola là người đại diện bỏ qua những luật lệ và dẹp hết những phép tắc |
Tôi không biết người mình sắp gặp trông như thế nào, nhưng cái quái gì đây? Mino mặc quần jean và áo thun cùng với cái bụng bự. Ông già Noel này mà là người đại diện à? Chúng tôi gọi phục vụ món sushi, tôm và bơ. Hai người dùng suất của 5 người và Mino ăn như thằng điên.
Mino nói thẳng vào vấn đề. Không phải kiểu thanh lịch nhảm nhí đâu. Tôi cảm thấy điều này là tốt. Tôi tự nhủ: Mình phải làm việc với gã này. Anh ấy cũng nghĩ như vậy, và chúng tôi bắt tay hợp tác.
Lời khuyên của Raiola
Mino rút ra 4 tờ giấy và trên đó có rất nhiều cái tên đi kèm các con số. Christian Vieri, 27 trận, 24 bàn, Filippo Inzaghi, 25 trận, 20 bàn, David Trezeguet, 24 trận, 20 bàn và cuối cùng là Zlatan Ibrahimovic, 25 trận, 5 bàn.
“Mày nghĩ tao sẽ bán mày với những thống kê như thế này à?”, Mino nói với cái giọng mà tôi không biết có phải là muốn gây sự không.
“Nếu tôi ghi được 20 bàn, mẹ tôi bán cũng được”, tôi trả lời và anh ấy cười nhưng không muốn đánh mất lợi thế.
“Đúng đấy, nhưng…”.
“Mày nghĩ mày là tất cả phải không?”.
“Thế ông đang nói về cái gì?”.
“Mày nghĩ có thể gây ấn tượng bởi chiếc đồng hồ, áo da và Porsche? Nhưng không có chuyện đấy đâu. Tao thấy nó ngớ ngẩn lắm”.
“Ừ”.
“Mày muốn trở thành cầu thủ hay nhất thế giới không hay kẻ lắm tiền với những thứ như thế này?”.
“Cầu thủ hay nhất thế giới”.
“Tốt. Bởi vì nếu mày trở thành cầu thủ hay nhất thế giới, những thứ khác sẽ tự tìm đến mày. Hiểu không?”.
“Hiểu”.
“Nếu muốn làm việc với tao, hãy làm theo lời tao nói. Bán xe và đồng hồ của mày đi, tập luyện gấp 3 lần nữa. Thống kê của mày thảm họa lắm”.
Trong khi đang khoác áo Ajax, Zlatan Ibrahimovic đã tìm đến Mino Raiola để thực hiện giấc mơ được thi đấu ở Italy. |
Thống kê thảm họa? Tôi nghĩ hay là để hắn cút đi nhỉ? Bán xe? Nó có vấn đề gì vậy? Nhưng Mino vẫn đáng tin đúng không? Tôi giao chiếc Porsche Turbo cho anh ấy rồi leo lên chiếc Fiat Stilo chán ngắt. Tôi bán chiếc đồng hồ vàng, thay thế nó bằng chiếc đồng hồ khác và tập như điên.
Tôi đã quá hài lòng, nghĩ mình là đứa trẻ tuyệt vời, nhưng đó là thái độ sai lầm. Tôi không có thời gian nghỉ ngơi. Mino lúc nào cũng ở bên cạnh.
“Mày thích khi được nghe mọi người nói mày là cầu thủ hay nhất à?”, Mino hỏi.
“Ừ. Có lẽ thế”, tôi trả lời.
“Sai rồi. Mày không phải cầu thủ hay nhất. Mày tệ lắm. Mày chẳng là gì cả. Tập luyện chăm chỉ hơn đi. Mày là đồ rác rưởi. Suốt ngày chỉ kêu than. Tự giải quyết đi”.
“Cút đi”.
“Chết tiệt”.
Đứa con của Chúa
Tôi bắt đầu tự nhủ: “Mày chẳng là gì cả Zlatan ạ. Mày thật tồi tệ. Mày phải tập chăm chỉ hơn”. Tôi đã bị kích động bởi điều đó. Tôi tập như điên, phải trở thành kẻ chiến thắng nếu không sẽ bị HLV loại bỏ. Tôi muốn giành chiến thắng cả khi đá tập lẫn thi đấu. Thậm chí, tôi còn bị chấn thương cơ háng. Tuy nhiên, tôi không quan tâm tới chuyện đó, phải tiếp tục và không được bỏ cuộc.
Mino đã nhìn thấy điều đó và nói: Mày không thể làm như vậy đâu nhóc, không được thi đấu khi đang chấn thương”. Sau đó, tôi bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc, đến gặp bác sĩ và được khuyên phẫu thuật.
Tôi đã tự tin hơn. Một số poster trên khán đài ghi: “Zlatan, đứa con của Chúa”. Tôi trở nên tốt hơn bao giờ hết. Khán giả bắt đầu gào thét tên tôi, nhưng cũng như mọi khi, người này tỏa sáng thì sẽ khiến kẻ khác ghen tỵ. Sự căng thẳng xuất hiện trong đội bóng, đặc biệt là giữa các cầu thủ trẻ đang muốn thể hiện để được chuyển tới những CLB lớn.
Tôi có thể chỉ ra ví dụ là Rafael van der Vaart đã không hài lòng với sự phát triển của tôi vì hắn đang là cầu thủ nổi tiếng nhất Hà Lan. Chắc chắn hắn được người hâm mộ Ajax yêu mến nhất và được Ronald Koeman trao băng thủ quân khi mới 21 tuổi.
Có lẽ Rafael xem mình là ngôi sao sáng nhất và không muốn bất kỳ sự cạnh tranh nào. Hắn muốn được chuyển nhượng và làm mọi thứ để đạt được điều đó. Tuy nhiên, tôi không quan tâm tới hắn.
Sau khi làm theo những lời Mino Raiola nói, Zlatan Ibrahimovic thi đấu ngày càng hay. |
Mùa hè 2004 và căng thẳng giữa chúng tôi không bùng nổ cho đến tận tháng 8. Tháng 5 và tháng 6 mọi thứ vẫn còn tốt. Chúng tôi vô địch Hà Lan lần nữa với Maxwell, bạn tôi, được bình chọn là cầu thủ hay nhất. Tôi mừng cho anh ấy. Nếu có ai đó tôi luôn mong những điều tốt đẹp nhất, thì đấy là Maxwell.
Tôi nhớ chúng tôi đã ăn mừng tại nhà hàng pizza ở Haarlem, nơi Mino từng lớn lên. Ở đó, tôi nói chuyện với chị gái của Mino và biết là Mino đã đem chiếc Porsche Turbo của tôi cho bố anh ấy chạy. Tôi nhớ nó, nhưng quyết bỏ qua tất cả thú ăn chơi để tập trung hoàn toàn vào bóng đá.
Euro 2004 ở Bồ Đào Nha sắp diễn ra, và đó là giải đấu lớn đầu tiên của tôi cùng ĐTQG Thụy Điển. Khi ấy Henrik Larsson gọi điện cho tôi và bảo đây sẽ là giải đấu cuối cùng của anh ấy. Mọi người sẽ nhớ Henke vì anh ấy là hình mẫu, thần tượng. Nhưng dù sao đi nữa tôi cũng được thi đấu cùng anh ấy ở giải đấu lớn.
Ngày ấy báo chí bàn tán nhiều về việc tôi sẽ thay thế Henke để trở thành chân sút số một của đội tuyển. Tôi hiểu thời cơ của mình là đây. Rất nhiều nhà báo và tuyển trạch viên sẽ dõi theo tôi trên khán đài. Thứ áp lực kinh khủng ấy làm tôi bối rối. Và tôi hỏi Henke: “Chết tiệt, tôi làm gì bây giờ đây Henke? Chỉ có anh là giúp được tôi thôi”.
Henke đáp: “Xin lỗi Zlatan. Từ giờ trở đi cậu phải tự đối mặt với những chuyện như thế này. Chưa có cầu thủ Thụy Điển nào thu hút được chừng ấy sự quan tâm đâu”.
Bàn thắng kinh điển của Zlatan Ibrahimovic vào lưới ĐT Italy tại Euro 2004. |
Ví dụ như có gã người Na Uy đến trước mặt tôi và cầm một quả cam. Ngày ấy người ta nói nhiều về cam. Đấy là vì John Carew đã chỉ trích cách chơi và tôi đáp trả: “Những gì Carew có thể làm với quả bóng, thì Zlatan có thể làm với quả cam”. Thế nên, tay phóng viên Na Uy ấy mang trái cam đến và yêu cầu tôi hãy chứng tỏ điều mình nói.
Việc gì tôi phải làm? Thế là tôi nói: “Lấy trái cam của mày lột vỏ ra mà ăn. Nó có nhiều vitamin, tốt cho mày đấy”. Từ đấy, tôi bị báo chí gán cho tính cách tự mãn và kiêu ngạo. Những câu chuyện về mối quan hệ căng thẳng giữa tôi và báo chí như thế sau này còn nhiều, nhưng thành thật mà nói, điều đó lạ lắm sao?