Viết báo hiện nay, việc nhận nhuận bút là đương nhiên. Nhưng trước năm 1945, không phải bài viết nào được báo đăng cũng có nhuận bút. Điều này được một số nhà văn, nhà báo nổi tiếng ghi lại.
Viết báo không dễ nuôi người cầm bút
Nhà văn, nhà báo Thiếu Sơn vốn làm nghề chính là phiên dịch của bưu điện (thầy thông dây thép). Khi mới bước chân vào con đường chữ nghĩa, ông viết trong Mấy trang hồi ký: “Thật ra tiền sống về nghề văn không đủ nuôi người cầm bút. Tôi thấy thầy thông dây thép phải nuôi nhà văn”.
Thiếu Sơn đã tự chiêm nghiệm chính từ đời viết của mình, lương thầy thông dây thép là chính, còn nhuận bút viết lách chỉ thêm được chút đỉnh mà thôi.
Hà Nội tân văn của Vũ Ngọc Phan được tiếng là sòng phẳng trong việc trả nhuận bút. Ảnh: Bùi Hồng Liên. |
Nghề báo, so với các nghề như bác sĩ, kỹ sư hay thông phán… mỗi nghề có đặc trưng riêng. Mẫu số chung của các nghề, vẫn là tiền công, là lương cả.
Đụng đến tiền, đôi khi cũng lắm nỗi. Nghề báo cũng vậy. Vũ Ngọc Phan có ghi: “Báo nào trả nhuận bút sòng phẳng, tôi đều gửi bài, miễn là báo ấy in nhiều và đẹp, được giới trí thức hoan nghênh”.
Nhà văn Bùi Hiển khi cộng tác với báo Hà Nội tân văn năm 1941, đã có ấn tượng tốt về khoản nhuận bút, ông viết trong hồi ức Bạn bè một thuở: “Tháng nào tôi có truyện ngắn đăng báo, là cuối tháng, ông gửi ngay măng-đa (thư chuyển tiền) nhuận bút vào cho tôi”.
Nói vậy, ở chiều ngược lại về nhuận bút, cũng có báo không sòng phẳng, hoặc trả chậm, hoặc quỵt luôn công sức viết bài của nhà báo.
Muôn kiểu bài đăng không nhuận bút
Với những tay bút mới tập tành viết báo, chưa có tên tuổi, nhiều khi bài được đăng đã là may mắn.
Trong hồi ký Bước đường viết văn, tâm sự của Nguyên Hồng về việc bài được đăng trên Tiểu thuyết thứ Bảy cuối năm 1936 cho thấy nhà văn tương lai vui mừng xiết bao khi mở báo, thấy phần giới thiệu số báo sau “trong những nhà văn ‘tên tuổi’, đương thời sẽ có bài của tôi. Cố nhiên là kèm theo tên tôi. Tôi còn nghẹn ngào hơn, vì thấy số báo trước cũng có tên tôi, mà tôi đã bỏ không chịu tìm đọc”.
Sở dĩ không chịu tìm đọc là vì Nguyên Hồng không có tiền để mua báo, toàn vào tiệm bán báo xem ké. Bài viết trên Tiểu thuyết thứ bảy dẫu không có nhuận bút, nhưng cũng khiến nhà văn tương lai nôn nao, xao động tâm hồn. Có lẽ nhuận bút tinh thần còn lớn gấp nhiều lần nhuận bút bằng tiền khi lần đầu thấy tên mình, văn mình trên mặt báo.
Nguyên Hồng không biết rằng từ năm 1935, bài viết của mình đã đăng ở cả Ngọ báo, cũng vì gửi bài đi mà không có tiền mua báo đọc để theo dõi xem bài mình được đăng hay chưa.
Nhiều bài đã đăng trên báo Tiểu thuyết thứ bảy, nhưng phải đến tháng 7/1937, báo mới chính thức gửi thư mời. Nguyên Hồng kể lại: “Thư nhà báo hoan nghênh tôi, mong muốn tôi viết tiếp nhiều truyện cho nhà báo. Để đáp lại sự cộng tác chặt chẽ đó, nhà báo sẽ trả tiền bài cho tôi bắt đầu từ ngày viết thư này”.
Viết bài không nhuận bút cho Tiểu thuyết thứ Bảy, nhưng Nguyên Hồng rất vui vì có bài được đăng trên báo. Ảnh: Trần Đình Ba. |
Đó là niềm vui, động lực để chàng trai trẻ vỡ òa trong vui sướng: “A ha! Thế là tôi thành một người viết báo có tiền nhuận bút, một văn sĩ mà các truyện viết ra không phải chỉ được đăng mà còn được trả tiền!”.
Tình cảnh bài đăng không có nhuận bút của Nguyên Hồng cũng là nỗi lòng của Thiếu Sơn.
Trong Mấy trang hồi ký, Thiếu Sơn cho biết dạo mới tập tành viết báo, ông có dăm bài được Nam phong tạp chí đăng, nhưng nhà báo tương lai có tên thật Lê Sĩ Quý cũng thật lòng cho hay: “Họ đăng cho làm phúc chứ chẳng hề gửi biếu báo hay trả tiền nhuận bút”.
Lại có trường hợp dẫu có chút ít tên tuổi trên mặt báo, viết bài cộng tác được đăng nhưng báo lại nghèo quá, có lúc phải xuề xòa thông cảm cho nhau “vì nghĩa vì tình” như có lần Huy Cận viết bài cho báo Sông Hương năm 1936 mà không được cắc bạc nào.
Nhưng cũng có trường hợp anh em đồng nghiệp quý mến giúp nhau, nên khi có người này người kia ra báo, họ vẫn viết ủng hộ, dẫu không được nhận đồng nhuận bút nào.
Về việc này, Vũ Bằng trong Bốn mươi năm “nói láo” có bày tỏ Vũ Trọng Phụng được tiếng là người sống thủy chung, dù nghèo khổ, vẫn có bài cộng tác với anh em cùng hội, thuyền để ủng hộ, dẫu là viết không nhuận bút.
Nhuận bút tùy độ “hot” của nhà báo
Chuyện nhận nhuận bút để lại ấn tượng sâu sắc với Nguyễn Công Hoan.
Viết bài cho báo Cậu ấm, Nguyễn Công Hoan được nhận chiếc bút máy, “mình cũng không hiểu đấy là nhuận bút, vì ngày này viết vì tình bạn chứ không vì tiền, cho nên mình không nhận, nói rằng mình không quen dùng bút máy”, nhà văn của Kép Tư Bền chia sẻ trong Nhớ gì ghi nấy.
Tuy nhiên, Thái Phỉ vẫn đưa, và món nhuận bút đầu tiên ấy Nguyễn Công Hoan không giữ lại, mà cho một người khác.
Nhuận bút của Thiếu Sơn trên Phụ nữ tân văn bằng 1/5 so với Phan Khôi. Ảnh: Trần Đình Ba. |
Nghề báo, có sự phân biệt rõ ràng về chế độ nhuận bút của những cây bút có tên tuổi so với người mới vào nghề.
Đọc tâm sự của Thiếu Sơn về nhuận bút của ông hồi mới tập tễnh vào nghề ký giả qua Mấy trang hồi ký có thể thấy rõ điều đó.
Với sáu bài đăng trên báo Phụ nữ tân văn, nhuận bút Thiếu Sơn được trả là 30 đồng, tức 5 đồng một bài.
Trong khi đó, mỗi bài viết của Phan Khôi cũng trên báo này là 25 đồng. Nghĩa là nhuận bút của tay viết mới vào nghề như Thiếu Sơn bằng 1/5 so với tay viết kỳ cựu Phan Khôi.
Nghề báo chân chính, sống bằng lao động trí tuệ, không phải là nghề rủng rỉnh về tiền bạc. Bởi vậy, việc nhà báo túng thiếu là chuyện rất thường của người trong nghề. Sống nhờ nhuận bút, không ít nhà báo rơi vào cảnh túng bấn, phụ thuộc vào bài viết được đăng, vào báo mình có bài.
Trong ký ức của Vũ Bằng về người bạn Vũ Trọng Phụng, tác giả Bốn mươi năm “nói láo” còn nhớ Vũ Trọng Phụng là người bấn nhất trong các anh em làm nghề nên anh phải viết bài cho nhiều báo có để tiền giúp bà, nuôi mẹ.
Cần tiền để sống là thế, nhưng không phải ai thấy nhuận bút cũng hồ hởi. Tản Đà từng từ chối cả món tiền to vì giữ riêng nhân phẩm, tư cách của mình.
Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ nhiệm Trung Bắc tân văn đã có thư mời Tản Đà làm trợ bút cho báo với thỏa thuận: “Nguyễn Văn Vĩnh yêu cầu Tản Đà viết cho mỗi tháng bốn bài xã thuyết, bốn bài thơ. Tiền nhuận bút mỗi bài xã thuyết là 15 đồng, mỗi bài thơ là 10 đồng”, người cháu Nguyễn Văn Phúc nhớ lại chuyện ấy trong Tôi với Tản Đà.
Tức là tính ra nếu mỗi tháng viết đủ số bài yêu cầu, Tản Đà đút túi cả trăm bạc, đủ để giải quyết cơm áo gạo tiền trong lúc quẫn bách. Ấy thế mà thi sĩ không nhận bởi cho rằng bản thân muốn góp mặt với đời, thời phải đứng chủ một cơ quan ngôn luận, chứ không thể viết giúp người khác, lại cũng không muốn thiên hạ nghĩ mình dựa hơi người có tiếng.