Đặng Huy Giang gốc Hà Nội, sau khi xuất ngũ ông thành nhà báo và làm thơ.
Tôi nhớ một lần ngồi uống rượu với nhà thơ Đặng Huy Giang ở nhà hàng cạnh hồ Thiền Quang. Trong cuộc rượu, khi nói về thơ, ông thốt lên hai câu thơ của Thanh Tâm Tuyền “Tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ” và vỗ đùi “câu thơ quá hay”. Tôi lờ mờ nhận ra “chân dung” nhà thơ Đặng Huy Giang.
Đặng Huy Giang gốc Hà Nội, tuổi thanh niên có những năm tháng tham gia binh nghiệp, xuất ngũ ông thành nhà báo và làm thơ. Cho đến nay, ông đã xuất bản 10 tác phẩm, trong đó có hai tập chân dung văn học, còn lại là thơ và bình thơ.
Đặng Huy Giang từng “ẵm” riêng cho mình gần chục giải thưởng thơ lớn nhỏ. Giải A cuộc thi thơ 1998 – 2000 của Báo Văn Nghệ có tính chất “bước ngoặt”. Năm 2002, ông cũng đã được Hội Nhà văn Việt Nam tặng thưởng về thơ. Thời đó là dấu ấn, giải thưởng thật cao quý thiêng liêng.
Năm 2018, tôi được ông tặng tập thơ Nhìn lên, tác phẩm ra đời sau 8 năm ông nghỉ in thơ. Thơ là người, nên đọc thơ là cách tiếp cận chân dung thơ dễ nhất.
Với Đặng Huy Giang không ngoại lệ, thực sự thú vị khi đọc thơ ông, ngay mảng ông viết về “hậu chiến”. Phía trước là bom nổ / Phía sau là đạn bay / Hình dung sao một ngày / Anh trở về với đất?, (Chiến tranh).
Đặng Huy Giang. Ảnh: Văn Nghệ Công An. |
Ở chiến trường:
Không sợ gì, chỉ sợ không thư từ
Không sợ gì, chỉ sợ không điện thoại
Không sợ gì, chỉ sợ chẳng có ai… (Mất liên lạc).
Nói như nhà thơ Đoàn Xuân Hoà, một nhà thơ, cựu chiến binh, bạn thân với Đặng Huy Giang: Sống sót qua chiến tranh / Với cha là lãi lớn. Qua chiến tranh, dễ hiểu Đặng Huy Giang biết trân trọng từng phút giây hiện hữu.
Mới đấy đã là mãi mãi
Một năm, một tháng, một ngày
Một giờ, một phút, một giây (Mới đấy).
Mới đấy còn có ý nghĩa trong mọi hoàn cảnh. Thời gian qua đi, thứ không bao giờ quay trở lại, vì thế mà chúng ta phải trân trọng quá khứ, nâng niu hiện tại: Nào cùng nhau uống cạn góc biển / Say chân trời ta đã đi qua, (Góc biển chân trời) và Không thể sống mà không hy vọng, (Không đề).
Ông là con người lạc quan, thấy tương lai luôn nhú hy vọng, dẫu hy vọng luôn chứa điều bí hiểm đầy ngờ vực: Những đám mây núi đồi/ Phút chốc đã đổi khác/ Khi gửi xong những lời/ Chỉ thánh thần mới biết. Dẫu vậy nhưng phải biết “nhìn lên”:…
Những khoảnh khắc kỳ lạ
Cho ta ngước nhìn lên (Nhìn lên).
Cuối ngày
Mặt Trời mang chúng ta đi một ít
Về phía chân trời không chân trời…(Hy vọng).
Viết về ký ức, về cuộc chiến sau khi thời gian lùi xa, nhưng khác với những nhà thơ khác, Đặng Huy Giang không để cuộc chiến kéo dài.
Ông nhìn quá khứ để nói về hiện tại và dự cảm tương lai. Và nữa, thơ ông thiên về triết lý. Ông chia sẻ: “Thơ tôi đôi khi hay triết lý nhưng quen thế rồi, viết mấy mươi năm như thế, thay đổi gì nữa”.
Về đặc điểm này của Đặng Huy Giang, không chỉ với những đề tài chiến tranh, đề tài đương đại như biển đảo, ông cũng có cách nhìn riêng: Vẫn không bình yên trong bình yên/ giấu mặt/ đến từng khoảnh khắc, (Lời người lính ở đảo Trường Sa); hoặc Ngửa bàn tay / sấp bàn tay / đất và nước / lật và xoay / mấy lần, (Một Trường Sa mọi Trường Sa).
Những ai quan tâm đến chủ quyền biển đảo của đất nước, đọc mấy câu thơ này của Đặng Huy Giang sẽ thấy những điều ông dự báo. Biển Đông luôn nóng. Không gian sinh tồn của người Việt, không gian biển của người Việt đã và đang “lật và xoay” dẫu chúng ta không mong muốn.
Đặng Huy Giang thần tượng nhà thơ Đức B. Brecht. B. Brecht là nhà thơ lớn. Thơ ông “nói thẳng nói thật” mà vẫn là thơ, thậm chí là thơ tuyệt diệu. Tố chất của thơ là sở hữu những khoảng mờ, ẩn nghĩa.
Thơ B. Brecht khác hẳn. Nó nói toạc mọi thứ, như kiểu “nói một lần cho xong”, (đánh giá của nhà thơ Thanh Thảo về B. Brecht). Ấy vậy mà thơ B. Brecht vẫn đầy bí ẩn, vẫn là thơ hay, vì sao vậy?
Đặng Huy Giang nhận ra phía sau những câu thơ tưởng chừng “trắng phớ” kia, vẫn còn một cái gì, hoặc nhiều cái gì. Những “cái gì” đó ẩn thật sâu, và đòi hỏi được giải mã. Đặng Huy Giang thần tượng B. Brecht và được “ảnh hưởng” phong cách “nói thẳng nói thật” này.
Ngồi nói chuyện với tôi tại tạp chí Nhà văn và Tác phẩm về B. Brecht, Đặng Huy Giang quên cả việc hết giờ trưa. Ông nói về thơ B.Brecht say sưa, dẫn ra bài Mặt nạ kẻ ác và đọc câu kết: Làm kẻ ác vất vả vô cùng rồi khẳng định: Hay thế, sức nặng tư tưởng nằm ở câu này đấy.
Đặng Huy Giang thẳng thắn và hài hước như thần tượng của ông. Nói chuyện về thơ, Đặng Huy Giang coi trọng “đơn vị câu” trong một bài thơ. “Ít nhất tôi phải nhặt được một câu trong bài thơ của anh chứ?”, ông nêu câu hỏi xác tín một quan niệm về “đơn vị thơ”.
Theo Đặng Huy Giang, nhiều nhà thơ hiện nay đánh đố về kỹ thuật, thơ dài nhưng để nhặt ra được một câu, không phải ai cũng dễ tìm.
“Đơn vị câu” dễ gặp trong thơ Đặng Huy Giang. Ông đơn giản, không “điệu đà” tí nào trong ngôn ngữ thơ:…
Tôi đang bò và tôi tư duy bằng nhạy cảm sợi râu và đôi bàn chân kiến thế gian này đâu dễ bỏ mà đi.
(Tư duy kiến).
Hình ảnh thơ bao giờ cũng là sự kết tinh của việc sử dụng ngôn ngữ. Vì thế hình ảnh thơ luôn có ý nghĩa trong việc tạo hiệu ứng nghệ thuật, góp phần khẳng định sự hiện hữu của thơ.
Với Đặng Huy Giang, ngôn ngữ giữ một vị trí đặc biệt. Đó là thứ ngôn ngữ được Đặng Huy Giang chưng cất công phu. Tuy nhiên, ông xem nhẹ “phương tiện hình thức”.
Ông quan niệm “nội dung đẻ ra hình thức”. Xương sống của một bài thơ theo Đặng Huy Giang là tư tưởng. Đọc thơ Đặng Huy Giang là chiêm nghiệm, là đọc tư tưởng, ngay cả khi ông viết về những điều giản dị trong cuộc sống. Mây không nghĩ cỏ thấp / Cỏ không nghĩ mây cao (Cỏ và mây).
Dù là tiếng vọng từ tâm linh, tiếng gọi từ trong vô thức thì thơ luôn phải tồn sinh dựa vào nhiều phương thức biểu hiện, trong đó không thể không có ngôn ngữ và hình ảnh – những thi liệu đầu tiên mà người đọc chạm tới trước khi bước vào khám phá thế giới mộng mị và hư ảo của thơ.
Dù giản dị đến mấy nhưng thơ Đặng Huy Giang luôn giàu thi ảnh, nghĩa của thơ ẩn giấu sau thi ảnh:
Ngày, đợi mai chiếu thủy
Đêm, ước một đóa quỳnh
Mai – quỳnh đều hoa cả
Hương thơm chẳng vô tình (Đợi hoa).
“Thơ cốt ở ý, ý cốt sâu xa thì thơ mới hay. Không phải bất cứ điều gì phải nói ra bằng lời thì mới là thơ có giá trị. Ý hết mà lời dừng là cái lời hết mực. Song lời dừng mà ý chưa hết thì lại càng hay tuyệt” (Hải Thượng Lãn Ông).
Điều này dễ thấy ở thơ Đặng Huy Giang. Thơ ông hàm súc và giàu sức biểu hiện, ngôn ngữ thơ ca cô đúc, chặt chẽ với số từ rất hạn định nhưng năng lực biểu hiện lại rất lớn.
Vấn đề đặt ra với mỗi nhà thơ là phải chọn một cách nói tốt nhất đến mức độ người ta cảm thấy không thể khác được. Đặng Huy Giang chọn cách nói đầy bất ngờ:
Nắng vẫn đậu trước thềm nhà
Mưa vẫn rơi trên mái nhà
Ngày vẫn vậy và đêm vẫn thế
Chỉ có người là chẳng giống hôm qua (Chẳng giống hôm qua).
Người ta nói, hình ảnh thơ không phải là tổng số của nhiều hình ảnh. Khác với nhiều nhà thơ theo khuynh hướng “đa tầng” hiện nay, Đặng Huy Giang biết chọn lọc những hình ảnh có giá trị biểu cảm, có tính hàm súc, tạo hiệu ứng nghệ thuật cao, thể hiện tư tưởng mỗi bài thơ.
Thơ ông không bí hiểm về tên bài. Tên bài của ông nói luôn chủ đề, thậm chí là một câu trong bài. Ông chỉ giấu tư tưởng sau những chủ đề thơ.
Thơ ca Việt Nam đã và đang đa dạng như chính cuộc sống. Người đọc thích thơ nhà thơ này, không thích thơ nhà thơ khác, điều đó bình thường.
Dù cách nhìn đối với thơ ca hiện nay khác nhau nhưng nói như thi sỹ Bùi Giáng “Thi ca vẫn có sức đưa dẫn người ta vào giữa huyền nhiệm của cuộc sống” và “Ngôn ngữ thơ bao giờ cũng là hóa công của người nghệ sĩ. Mỗi chữ trong thơ đều là sự vang vọng từ tâm hồn thi nhân”.
Đặng Huy Giang không chỉ hóa công mà ông còn luyện đan theo cách của mình. Ông là thi sĩ, xác định: Xanh hết mình, thơm hết mình cho đến ngày hết hạn/ Với tư cách một cái lá, một bông hoa, (Hết hạn).
Đó là một “tuyên ngôn” thơ. Hơn thế là thái độ “nhìn lên” để bước tới và sống của Đặng Huy Giang.