Làng chính là đơn vị cấu thành cơ bản của đời sống xã hội người Việt. Trong suốt những thế kỷ qua, Bách khoa thư làng Việt cổ truyền của Bùi Xuân Bính là một cuốn sách tra cứu khá đồ sộ tập hợp lại những thông tin, khái niệm toàn diện về mọi mặt trong những khía cạnh đa dạng, sống động của đời sống làng Việt theo dòng lịch sử, một kho tàng thông tin cho chúng ta hiểu thêm về văn hóa làng xã đã hình thành lâu đời và cho tới nay vẫn có ảnh hưởng mạnh mẽ tới đời sống xã hội cũng như tính cách con người Việt Nam.
Đúng như tên gọi của mình, Bách khoa thư làng Việt cổ truyền được biên soạn công phu thành các mục từ theo thể loại bách khoa thư, mỗi mục từ cung cấp định nghĩa, giải thích cũng như các thông tin chi tiết về những đặc trưng, những nét độc đáo, thú vị nằm trong nội hàm của mục từ đó.
Để bao quát được trọn vẹn các mặt khác nhau của văn hóa làng xã Việt Nam và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tra cứu của độc giả, các mục từ trong sách được gom lại theo các chủ đề lớn, bố trí thành 5 phần:
– Phần 1: Các mục từ về chung về làng xã.- Phần 2: Các mục từ về kinh tế, văn hóa vật chất.- Phần 3: Các mục từ về cơ cấu tổ chức và quan hệ xã hội làng xã.- Phần 4: Các mục từ về di tích, tín ngưỡng, lễ thức, phong tục, tập quán, lễ tiết.- Phần 5: Các mục từ về văn hóa, văn nghệ, di văn Hán – Nôm.
Là một cuốn bách khoa thư, các chuyên mục từ của Bách khoa thư làng Việt cổ truyền đều là những chuyên luận nhỏ hoàn chỉnh, cung cấp đầy đủ thông tin thiết yếu nhất về chủ đề của chuyên luận đó, thuận tiện cho việc tra cứu. Độc giả quan tâm tới làng Việt có thể thoải mái theo góc độ quan tâm của mình để lựa ra những mục từ liên quan theo mục lục, đồng thời hoàn toàn có thể tìm được các gợi ý để tìm hiểu sâu hơn về chủ đề quan tâm trong danh sách tài liệu tham khảo phong phú được cung cấp theo danh sách mục từ.
Phần 1 của Bách khoa thư làng Việt cổ truyền cung cấp những mục từ mang tính định nghĩa về những đơn vị dân cư quen thuộc trong nền văn minh nông nghiệp lâu đời của Việt Nam: làng, xã, thôn. Trong đó, “làng” là khái niệm trọng tâm, được phân chia thành 13 loại hình làng khác nhau, mỗi mục từ chuyên biệt sẽ cung cấp cho độc giả những thông tin, đặc điểm chính yếu nhất của mỗi loại làng điển hình trong thực tế muôn hình vạn trạng của hàng nghìn ngôi làng đã, đang tồn tại trên đất nước ta.
Phần 2 của sách đi vào các khía cạnh hoạt động kinh tế và văn hóa vật chất của làng Việt. Phần này được chia thành 6 nhóm mục từ, trong đó có 5 nhóm được gộp lại theo các chủ đề quan trọng:
Nhóm A là các mục từ chỉ bộ công cụ trồng trọt và chăn nuôi, tại đây độc giả có thể tìm hiểu về những nông cụ quen thuộc như cày, bừa, cuốc..cho tới những vật dụng nghe có vẻ lạ tai, nhất là với người thành phố, như xảo, trang, nia, nong, rọ, ràng… Hầu như tất cả những công cụ quen thuộc, phổ biến nhất cho trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt, những hoạt động đem lại nguồn thu nhập chính cho cư dân làng Việt đều được tổng hợp tương đối đầy đủ tại đây.
Nhóm B là các mục từ về tiết khí và các vụ lúa. Đây là một nhóm mục từ thú vị, cho chúng ta biết về cách thức cha ông ta làm nông nghiệp xưa kia. Tiết khí cung cấp thông tin về việc lập lịch theo chu kỳ di chuyển của Mặt Trăng quanh Trái Đất cũng như Trái Đất quanh Mặt trời để phân phối các mùa vụ vào đúng thời điểm có điều kiện thời tiết thuận lợi trong năm, yếu tố then chốt để canh tác nông nghiệp được đồng bộ hóa theo nhịp thay đổi của chu kỳ khí hậu, giúp các vụ mùa thu được kết quả ổn định. Cùng với đó là các loại vụ lúa quan trọng trong canh tác truyền thống của người nông dân Việt Nam.
Nhóm C là các mục từ về thao tác kỹ thuật trong trồng lúa. Trồng lúa nước chính là hoạt động canh tác nông nghiệp trọng tâm của làng xã Việt Nam. Do vậy, quy trình trồng lúa nước với tất cả các giai đoạn, các động tác cần thực hiện cũng dần được tổng kết lại theo thời gian. Những thao tác chính của quá trình trồng lúa nước đã được tổng kết trong từng mục từ riêng biệt, dễ tra cứu, mỗi mục từ cung cấp mô tả chi tiết, dễ hiểu về thao tác kỹ thuật tương ứng.
Nhóm D là các mục từ khác về kinh tế. Tại đây, độc giả có thể tìm hiểu về ý nghĩa, công việc đặc thù của các loại lao động khác nhau trong làng Việt như thợ cày, thợ ngõa, thợ mộc… cũng như các loại nghề thủ công phi nông nghiệp, các hoạt động tài chính như cho vay lãi, chơi họ hoặc ý nghĩa một số câu ca dao, tục ngữ quen thuộc liên quan tới khía cạnh này.
Nhóm E là các mục từ về văn hóa vật chất. Đây là một trong những nhóm mục từ phong phú nhất của “Bách khoa thư làng Việt cổ truyền”, chứng tỏ sự phong phú trong đời sống vật chất của làng Việt. Ở đây, độc giả có thể tìm thấy những nhóm mục từ nhỏ hơn về các loại đồ gia cụ để chế biến thóc gạo và hoa màu, bộ đồ gia cụ chứa đựng, bộ dụng cụ để rửa, đãi kết hợp chứa đựng, bộ dụng cụ nấu nướng, bộ dụng cụ phục vụ ăn uống…
Ngoài ra, một số mục từ lẻ khó gộp thành nhóm nhỏ được đặt chung vào “Các mục từ khác về văn hóa vật chất”, cung cấp khái niệm, thông tin về những hợp phần vật chất đặc trưng của làng như cổng làng, giếng làng, đống rơm, lũy tre…
Phần 3 của Bách khoa thư làng Việt cổ truyền tập hợp các mục từ liên quan tới tổ chức xã hội và các mối quan hệ xã hội trong làng cổ. Phần này được chia làm hai nhóm.
Nhóm A là các mục từ về cơ cấu tổ chức làng xã. Trong nhóm này tập hợp các mục từ về các chức danh trong bộ máy chính quyền cơ sở làng xã phong kiến như lý trưởng, tuần phiên, xã trưởng.., các quy tắc văn bản quy định các quan hệ, ứng xử xã hội như hương ước, ngôi thứ đình trung, giáp, hộ lại…
Nhóm B là các mục từ về quan hệ xã hội làng xã và phân tầng xã hội. Đây là những mục từ thể hiện các mối quan hệ khác nhau trong gia đình, họ tộc như bên cha, bên mẹ, lục thân, gia phong…, những quy định về đạo đức lễ tiết như tiết phụ, tam tòng, những mục từ liên quan tới phân biệt đẳng cấp trong làng xã như dân ngụ cư, giới tinh hoa làng xã, địa chủ, bần nông… cũng như ý nghĩa một số cách diễn đạt, tục ngữ về quan hệ xã hội làng xã như “dì ghẻ con chồng”.
Phần 4 được chia thành hai nhóm mục từ. Nhóm A là các mục từ về di tích, tín ngưỡng, lễ thức. Nhóm này tập hợp các mục từ liên quan tới các di tích vật thể hay gặp ở làng như nhà thờ họ, đình làng, chó đá, miếu, văn chỉ…, các nghi lễ hay gặp như lễ bá cốc, lễ mộc dục, các hoạt động thờ cúng như thờ mẫu, tục thờ các tổ họ, cho tới các hoạt động tín ngưỡng như xin âm dương, dâng sao giải hạn. Nhóm B gồm các mục từ về phong tục, tập quán, lễ tiết như các tục đốt pháo, đốt vàng mã, lệ cheo, lễ vào giáp, các loại lễ tết truyền thống như tết Nguyên đán, rằm tháng giêng, rằm tháng bảy, những hoạt động lễ tiết truyền thống như vinh quy bái tổ, đặt hậu, bán khoán, khao vọng…
Phần 5, cũng là phần cuối của Bách khoa thư làng Việt cổ truyền, là các mục từ thuộc về những đặc trưng văn hóa văn nghệ và những di sản Hán – Nôm đã hình thành trong đời sống làng xã.
Nhóm A, các mục từ về văn hóa văn nghệ, gồm các chuyên luận về các loại hình văn hóa truyền thống như ca trù, chèo, dân ca quan họ, rối nước, hát xoan..
Nhóm B, các mục từ về di sản Hán Nôm, tập trung vào những loại hình di sản văn bản tồn tại chủ yếu dưới các hình thức vật chất khác nhau trong không gian làng Việt như hoành phi, câu đối, văn bia, sắc phong. Những chuyên mục từ này cung cấp cho độc giả nguồn thông tin cơ bản, ngắn gọn, chính xác về giá trị văn hóa, sử liệu, thông tin của những di sản Hán Nôm quý báu đã được tích lũy, lưu giữ theo thời gian ở các làng quê nước ta.
Tóm lại, Bách khoa thư làng Việt cổ truyền là một cuốn sách tham khảo, tra cứu ban đầu toàn diện, đảm bảo cung cấp cho độc giả nguồn thông tin cô đọng, chính xác về hầu như mọi mặt đời sống tinh thần, vật chất, xã hội của làng quê Việt Nam. Với độc giả muốn tìm hiểu chuyên sâu, cuốn sách của tác giả Bùi Xuân Bính cũng là xuất phát điểm, cầu nối giúp tìm đến các nguồn thông tin cụ thể, chi tiết hơn một cách dễ dàng, giúp tiết kiệm nhiều công sức tra cứu.