Hai người lính thuộc địa giữa một nhóm người Đông Dương. Nguồn: maxicours. |
Đông Dương một nền thuộc địa nhập nhằng 1858-1954 (Indochine, la colonisation ambiguë, 1858-1954) là kết quả của quá trình làm việc trong nhiều năm của Pierre Procheux và Daniel Hémery – hai sử gia về Đông Dương và Việt Nam đã được giới sử học thế giới ghi nhận.
Bản tổng kết về lịch sử Đông Dương
Tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên tại Pháp năm 1994, sau đó tái bản (có chỉnh sửa và bổ sung) năm 2001, được dịch ra tiếng Anh, xuất bản tại Mỹ và được giới thiệu trên nhiều tạp chí danh tiếng, có mặt trên kệ của nhiều thư viện thuộc các trường đại học, trung tâm nghiên cứu ở một số nước trên thế giới. Năm 2022, bản dịch tiếng Việt tác phẩm ra mắt bạn đọc Việt Nam (Phạm Văn Tuân dịch từ ấn bản năm 2001).
Đông Dương một nền thuộc địa nhập nhằng 1858-1954 được biên soạn dựa trên nguồn sử liệu đáng tin cậy (phần lớn là tài liệu tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Việt). Trong khối sử liệu tiếng Pháp, tác giả đã khai thác được rất nhiều sử liệu sơ cấp, gồm các tư liệu lưu trữ của Trung tâm Lưu trữ Hải ngoại Pháp, báo, tạp chí xuất bản trong thời kỳ thuộc địa, hồi ký, diễn văn, báo cáo của các viên Toàn quyền Đông Dương… Ngoài ra, cuốn sách còn được minh chứng bằng nhiều bảng số liệu, lược đồ được xử lý, trình bày công phu, khoa học và rất có giá trị.
Trong tác phẩm, Pierre Procheux và Daniel Hémery đã cố gắng đưa ra một bản tổng kết về lịch sử Đông Dương thuộc Pháp, trên nhiều phương diện khác nhau, từ chính trị, quân sự, kinh tế, đến xã hội, văn hóa, cũng như những giai đoạn khác nhau của nó, gồm cả giai đoạn thực dân kéo dài và những giai đoạn đứt gãy nhanh chóng của quá trình phi thực dân hóa.
Bên cạnh đó, từ nghiên cứu cách thức vận hành của các thiết chế chính trị, những biến đổi của của các thiết chế xã hội và văn hóa, những cuộc nổi dậy, những phong trào dân tộc chủ nghĩa, phong trào xã hội, Pierre Brocheux và Daniel Hémery còn làm rõ những nhập nhằng trong quá trình thực dân hóa của Pháp ở Đông Dương.
Cụ thể là sự nhập nhằng trong những xung đột và trong tiếp xúc giữa những nhà thực dân (cai trị, thống trị) và những người bị thực dân hóa (bị cai trị, bị thống trị). Những mâu thuẫn, xung đột trong giới cầm quyền Pháp trong việc lựa chọn đường lối, triết lý, biện pháp chinh phục, cai trị, khai thác Đông Dương và Việt Nam (khi thì giữa chính quyền thuộc địa với chính quyền chính quốc, khi thì giữa các đời Toàn quyền với nhau, lúc thì giữa chính quyền quân sự và chính quyền dân sự hoặc giữa những nhà tư bản kinh tế với giới cầm quyền). Hay là những mơ hồ, ảo tưởng của một bộ phận người dân Đông Dương và Việt Nam về “xứ mệnh khai hóa văn minh” của Pháp ở Việt Nam…
Một nền thuộc địa nhập nhằng
Đông Dương một nền thuộc địa nhập nhằng 1858-1954 được chia thành 8 chương (không tính phần Dẫn nhập và Kết luận). Tác giả Daniel Hémery viết các chương: 1, 2, 3, 6, 7, còn tác giả Pierre Brocheux viết các chương: 4, 5, 8.
Ở phần dẫn nhập, sách phân tích các yếu tố địa chính trị của Việt Nam, Đông Dương và chiến lược bành trướng thuộc địa, mở rộng ảnh hưởng của các quốc gia phương Tây và Pháp ở vùng Viễn Đông. Những dữ liệu được đưa ra để lý giải cho câu hỏi tại sao Pháp lại tiến hành xâm lược Việt Nam vào cuối thế kỷ XIX.
Chủ đề tiếp theo và cũng là bước đầu tiên trong công cuộc thực dân hóa của Pháp ở Đông Dương và Việt Nam được sách đề cập tới là giai đoạn 1858-1897: về quá trình Pháp tiến hành chinh phục và bình định từng bước Việt Nam, Lào, Campuchia, mở rộng ảnh hưởng ở miền Nam Trung Quốc, sự phản kháng của chính quyền phong kiến nhà Nguyễn và nhân dân Việt Nam (chương 1).
Trong chương 2, sách đi sâu phân tích về quan điểm, triết lý, đường lối và biện pháp của chính quyền Pháp trong việc cai trị Đông Dương và Việt Nam trên phương diện tổ chức bộ máy cai trị trong những năm cuối thế kỷ XIX; quá trình hoàn thiện và ổn định của thiết chế cai trị trong 30 năm đầu thế kỷ XX.
Trên cơ sở những chi phối của yếu tố chính trị được phân tích thấu đáo, trong chương 3, 4 và 5 sách tập trung vào ba chủ đề là: Quá trình đầu tư khai thác kinh tế của tư bản Pháp; Sự thay đổi cấu trúc và mâu thuẫn trong xã hội thuộc địa (sự hiện diện ngày càng đông đảo của kiều dân Pháp, sự xuất hiện của những đô thị hiện đại, sự biến đổi của các giai tầng và cấu trúc thiết chế làng xã của người Việt…); Chính sách đồng hóa về văn hóa của Pháp ở Việt Nam (quá trình hiện đại hóa nền giáo dục và sự xuất hiện của những yếu tố văn hóa mới, hiện đại theo kiểu phương Tây…).
Sau giai đoạn biến đổi nhanh chóng của chế độ thuộc địa trong những năm 1920, sách phân tích, lý giải, chứng minh rằng nền thuộc địa Pháp ở Đông Dương và Việt Nam, từ năm 1930 trở đi, bước vào giai đoạn bế tắc (1930-1940), suy tàn và sụp đổ (1940-1954) (chương 6, 7, 8).
Các nguyên nhân của tình trạng này được tác giả chỉ ra, lập luận và minh chứng khá thuyết phục, bao gồm những hệ quả của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới (19290-1933), sự thất bại của Pháp trong Chiến tranh thế giới thứ Hai, sự bành trướng của Nhật và thất thế của Pháp ở châu Á, sự phát triển của chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam,…
Những khó khăn đó đẩy chính quyền Pháp vào tình trạng mâu thuẫn, khủng hoảng về đường lối, quan điểm đối với Đông Dương như giai đoạn cuối thế kỷ XIX: níu kéo lợi ích hay buông bỏ.
Ở phần Kết luận: “Đông Dương của những cơ hội bị bỏ lỡ, Đông Dương trong khói lửa” các tác giả nhìn lại cuộc phiêu lưu thuộc địa pha trộn giữa những giấc mơ cường quốc, khai hóa văn minh với thực tế trần trụi về sự khai thác, bóc lột và áp bức dân tộc cũng như các hệ lụy của nó.
Với việc đề cập tới hầu hết khía cạnh quan trọng nhất của tiến trình thiết lập, khai thác thuộc địa của người Pháp tại Đông Dương và đưa ra những lập luận mới mẻ về tầm quan trọng của khu vực này trong sự vận động của thế giới, cuốn sách được đánh giá là một công trình nghiên cứu mẫu mực, khoa học.
Giải thưởng Sách Quốc gia do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức. Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ sáu (2023) tổ chức ngày 29/12/2023 tại Nhà hát Lớn (Hà Nội). Đơn vị tài trợ Kim cương: Ngân hàng VIB, Đơn vị tài trợ bạc: THACO.
You must be logged in to post a comment Login