Sách Nhựa cây và Cuốn sổ máu. Ảnh: Ngọc Lan Phạm. |
Mới đây, Hiệp hội Nhà văn Trinh thám Anh (Crime Writers’ Association – CWA) đã quyết định mở ra hạng mục giải thưởng Twisted Dagger (Dao găm xoắn) nhằm bám sát những xu hướng đang nổi lên trong văn học trinh thám hiện nay.
Việc một giải thưởng trinh thám danh giá gần 70 năm tuổi đời quyết định vinh danh dòng tiểu thuyết trinh thám tâm lý tội phạm cho thấy sự ghi nhận của giới chuyên môn bên cạnh mối quan tâm của bạn đọc đối với những tác phẩm vượt ra ngoài khuôn khổ “whodunit” truyền thống.
Trước hết, phải thừa nhận rằng “whodunit” (ai là thủ phạm) là dòng trinh thám kinh điển nhất, vốn được khai sinh bởi Edgar Allan Poe, sau đó tiếp nối với các tác giả nổi tiếng của trinh thám Anh-Mỹ như Cona Doyle, Agatha Christie, Raymond Chandler…
Đặc điểm chung của “whodunit” là câu chuyện mở đầu bằng một vụ án, sau đó thuật lại quá trình một nhân vật thám tử điều tra làm rõ thủ phạm của vụ án này cũng như phương thức ra tay và động cơ gây án, trong khi thủ phạm ra sức ngăn cản điều đó.
Độc giả trong quá trình đọc truyện có thể được thử tài suy luận với các manh mối do tác giả cung cấp, và đây thường là điểm hấp dẫn chính của “whodunit”.
Tuy vậy, những năm gần đây, trinh thám phương Tây ghi nhận sự trỗi dậy của các tiểu thuyết tâm lý tội phạm (psychological thriller) trong đó tác giả không còn thuần túy cung cấp các manh mối để bạn đọc cùng phá án, không còn lấy câu hỏi “ai là thủ phạm” làm trung tâm, mà khai thác chiều sâu tâm lý nhân vật để nêu bật những vấn nạn trong gia đình và ngoài xã hội. Tác phẩm vì thế tạo ra được nhiều bàn luận và có độ lan tỏa cao hơn so với dòng trinh thám “whodunit” truyền thống.
Trong số này phải kể đến dòng tiểu thuyết “đen” xoay quanh bi kịch trong gia đình (domestic noir/violence). Bối cảnh của những câu chuyện này thường là gia đình, trường học, cơ quan, với nhân vật trung tâm thường là người phụ nữ, và ít nhiều tăm tối, liên quan đến bạo hành gia đình, ẩn ức tình dục, bạo lực giới, khiếm khuyết tâm lý/tâm thần…
Độc giả có một sự kết nối nhất định với dòng tiểu thuyết này do tính chất gần gũi và hiện thực của nó vì những nhân vật bước ra từ trong truyện có thể giống với vợ/chồng, con cái, hàng xóm, bạn bè, đồng nghiệp của bạn.
Đôi khi bạn đọc sẽ phải băn khoăn với những câu hỏi đầy day dứt: Điều gì sẽ xảy ra nếu mình ở trong hoàn cảnh này? Vì sao tổ ấm gia đình không còn là nơi an toàn nhất cho những thành viên của nó? Chúng ta cần làm gì để những câu chuyện đau lòng như thế này không xảy ra?…
Một số tác phẩm thuộc dòng domestic noir đã được Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam cho ra mắt như Nhựa cây của Ane Riel, hay mới đây là Cuốn sổ máu của Phong Điệp.
Một số cuốn trinh thám mới phát hành. Ảnh: Ngọc Lan Phạm. |
Bên cạnh đó, tiểu thuyết trinh thám tâm lý về những người mất tích mang đến sự hấp dẫn và hồi hộp có phần nhỉnh hơn cả những án mạng vì bạn đọc đối diện với những câu hỏi lớn hơn ngoài “ai là thủ phạm”: Người mất tích đã đi đâu? Họ còn sống hay đã chết? Có sự dàn dựng nào không? Liệu người ta có tìm thấy họ kịp thời?…
Một vụ mất tích mở ra hàng loạt khía cạnh tâm lý thú vị để bạn đọc khám phá. Hy vọng và sự dằn vặt của người thân, sự hoang mang, đau đớn và quyết tâm quay về của người mất tích, những điều đó khiến bạn đọc đồng cảm sâu sắc với việc các nhân vật đi tìm câu trả lời, cảm thấy như mình là một phần của cuộc tìm kiếm.
Những câu chuyện về người mất tích luôn nằm trong top trinh thám bán chạy như Cô gái có hình xăm rồng của Stieg Larsson, Người điều khiển mê cung của Donato Carrisi, Cô gái trong lồng của Jussi Adler-Olsen hay mới đây là Nhật ký mất tích của tôi của Camilla Grebe.
Đặc sắc hơn cả trong số những tiểu thuyết tâm lý tội phạm, có lẽ là mô-típ người kể chuyện không đáng tin (unreliable narrator). Mô-típ này thật ra đã được các tác giả trinh thám sử dụng từ cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20 nhưng đến những năm gần đây mới thực sự tạo nên một trào lưu với nhiều tác phẩm văn học, phim chuyển thể ăn khách. Điểm chung của những tác phẩm này là câu chuyện được kể dưới góc nhìn của một nhân vật xưng “tôi”, người này có thể có quan niệm đạo đức lệch chuẩn (có thể là thủ phạm hay người liên đới), hoặc có đầu óc thiếu sáng suốt (do tuổi còn nhỏ, bị sa sút trí tuệ, mắc bệnh tâm lý, hoặc chịu ảnh hưởng của chất hướng thần, bia rượu…), vì thế những điều họ kể không nhất thiết là sự thật và cũng không đại diện cho hệ giá trị đạo đức của tác giả. Đây cũng là điểm dễ đánh lừa bạn đọc nhất của các tác phẩm này, nhưng cũng gây một số tranh cãi do tính chất dị biệt của nó. Một số tác phẩm có mô-típ người kể chuyện không đáng tin đã được NXB Phụ Nữ dịch ra tiếng Việt như Cô gái trong sương mù của Donato Carrisi hay Tiếng thét dưới băng của Camilla Grebe.
Có thể thấy, dù là với mô-típ nào, tiểu thuyết tâm lý tội phạm luôn có những nhân vật khiếm khuyết về tâm hồn, giàu tình tiết lắt léo và cách kể chuyện hấp dẫn chứa đựng nhiều bất ngờ đủ khiến cho độc giả phải theo đuổi câu chuyện đến cùng, để rồi rút ra những bài học cho riêng mình và hướng đến điều thiện trong cuộc sống. Đó cũng là một trong những vai trò lớn lao nhất của văn học trinh thám nói chung.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.
You must be logged in to post a comment Login