Tác phẩm Chạm thức do Nhà xuất bản Thanh Niên phát hành. Ảnh: NVCC. |
Chạm thức là tác phẩm truyền cảm hứng với những tâm sự về chuyện nghề, chuyện đời của những người làm MC truyền hình. Bên cạnh nhiều kiến thức về nghề nói dưới góc nhìn báo chí và ngôn ngữ học, tác phẩm còn là tiếng lòng của những người trẻ đang trên hành trình chinh phục ước mơ với nghề dẫn chương trình.
Giá trị cuối cùng của nghề nói là “chạm thức”
Với độ dày 166 trang, Chạm thức bao gồm các nội dung: Chạm thức, Sáu giác quan trong nghề nói, Từ câu chuyện cuộc đời đến câu chuyện truyền cảm hứng, Đừng từ bỏ…
Theo MC – nhà báo Tấn Tài, giá trị của nghề nói cao cả hơn vẻ ngoài lấp lánh của một MC. Trọng trách của người nói cũng không chỉ dừng lại như một người đưa tin, mà những điều được nói ra cần chạm tới tâm can và làm tỉnh thức những chân giá trị của con người.
MC – nhà báo Tấn Tài giới thiệu tác phẩm Chạm thức đến khán giả trong tuần lễ Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ II – năm 2023, tại TP.HCM. Ảnh: NVCC. |
“Chạm thức giúp chính tôi hiểu rằng muốn dấn thân vào nghề nói thì bạn chưa cần phải có ngoại hình đẹp, giọng nói hay, kiến thức rộng… Điều trước tiên và cũng sẽ là giá trị cuối cùng chính là luôn tâm thức được rằng điều mình truyền đi bằng thanh âm sẽ có sức lay động và làm thay đổi cuộc sống. Phải mất rất nhiều năm tôi mới định nghĩa ra được nội hàm của Chạm thức”.
Qua tác phẩm này, nhà báo Tấn Tài cũng mong muốn đào sâu nghiên cứu về nghề. “Những MC ngày nay đã quá quen thuộc với chúng ta trong nhiều không gian, nhiều vai trò. Nhưng so với các công việc khác, nghề này còn quá non trẻ. Việc nghiên cứu, hoàn thiện cả về lý luận và thực thực tiễn là điều cần thiết”, anh nói thêm.
Những câu chuyện đằng sau ống kính
Với kinh nghiệm của mình, MC – nhà báo Tấn Tài đã có những bài viết mang sắc màu nghiên cứu trong chương đầu tiên, dựa trên sự tổng hợp, nghiên cứu tư liệu và đúc kết cá nhân trong quá trình khám phá giá trị nghề nói. Chương sau, các MC trẻ kể về quá trình của mình khi đi tìm những giác quan gắn với nghề. Ngoài ra, nhiều câu chuyện đầy cảm động đằng sau ống kính mà khán giả không thể thấy được trên màn hình, cũng sẽ được chia sẻ ở những chương còn lại.
Biên tập viên, MC Lan Nhi kể về câu chuyện nghề. Ảnh: NVCC. |
Biên tập viên, MC Lan Nhi kể câu chuyện về người bà và chia sẻ tình cảm dành cho gia đình cùng với hành trình triển khai các dự án “Đừng từ bỏ” để đồng hành cùng trẻ em vùng cao. MC Phạm Thanh chia sẻ thói quen suy nghĩ tích cực để làm phương châm sống. Biên tập viên, MC Phan Trung Hậu truyền đi nguồn cảm hứng để bất kỳ ai cũng có thể ghi tên mình trong dòng chảy hối hả của cuộc sống với một sân khấu đầy hào quang của riêng mình.
Trọng Hiền kể về hành trình khám phá năng lực bản thân với tâm thế “Mỗi đề bài trong cuộc sống là một đặc ân”. Trong khi đó, Quản Hân và Quốc Trí thì kể bằng các câu chuyện gia đình và nghề nghiệp cũng lan tỏa thông điệp yêu thương theo cách riêng.
Qua giọng văn mộc mạc, những câu chuyện gần gũi với cuộc sống kết hợp cùng những hình ảnh sinh động, cuốn sách giúp người đọc nhìn thấy được một lát cắt vừa khác biệt, vừa sâu sắc về nghề MC truyền hình và hành trình theo đuổi ước mơ của các bạn trẻ hiện nay.
Nguồn: https://zingnews.vn/tam-su-cua-nhung-nguoi-lam-nghe-noi-post1441698.html
You must be logged in to post a comment Login