Sách Thư gởi con trai của Nguyễn Đức Tùng. Ảnh: MH. |
“Chúng ta kể chuyện để sống, để tưởng nhớ, để tỏ lòng yêu mến, để học hỏi hay truyền lại cho người khác những kinh nghiệm của mình. […] Những mẩu chuyện của con sẽ làm cho cuộc đời trở nên phong phú hơn, nhiều ý tưởng và cảm xúc được ghi lại”, trích lời nói đầu.
Dù tên sách là Thư gởi con trai, nhưng 80 bức thư trong cuốn sách là những điều mà ai cũng đồng cảm được. “Trong cái riêng lại có cái phổ quát”. Đó là những chia sẻ của tác giả Nguyễn Đức Tùng trong buổi giao lưu ra mắt sách diễn ra tại Phố sách Hà Nội sáng 9/3.
Mỗi bức thư là một bài viết ngắn, kể những câu chuyện thường ngày, cùng những khoảng lặng đáng gợi suy ngẫm. Đó không chỉ là câu chuyện cha nói với con mà còn là lời nhắc đối với mỗi người trong những vội vàng, bộn bề của cuộc sống, được sống chậm lại, lặng yên để ngắm nhìn lại mình và cuộc sống xung quanh.
Tác giả Nguyễn Đức Tùng là một dịch giả, nhà phê bình, tác giả của nhiều cuốn sách như Thơ đến từ đâu, Đối thoại văn chương...
Chia sẻ trong sáng 9/3, ông cho biết ban đầu, Thư gởi con trai là những bài viết ngắn, được viết rải rác trong nhiều năm. Sau, khi được đội ngũ nhà xuất bản khuyến khích, ông tập hợp lại thành một cuốn sách hoàn chỉnh.
Tác giả Nguyễn Đức Tùng (phải) và biên tập viên Nguyễn Thị Hòa Bình (trái). Ảnh: MH. |
Bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc – Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, nhận xét văn ông Nguyễn Đức Tùng rất trữ tình. Bà cho rằng cuốn sách thuộc thể loại văn học, kể câu chuyện gửi gắm nhiều bài học nuôi dạy con.
Dù vậy, bà cho Thư gởi con trai không chỉ là một cuốn sách nuôi dạy con, mà là một cuốn sách dành cho mọi người, gửi gắm những thông điệp về sự tử tế.
Tác giả chia sẻ rằng khi viết sách, ông nhận ra văn chương đi tới giáo dục và giáo dục đi tới văn chương. “Nếu viết làm sao để cho người khác hiểu và được thuyết phục, thì đó chính là văn chương, chính là giáo dục”.
Bà Khúc Thị Hoa Phượng nhận xét: “Cuốn sách tràn đầy chất thơ. Mỗi câu, mỗi từ, khi tôi đọc tôi đều cảm thấy cần dừng lại trên dòng, giữa dòng, sau dòng, để hiểu sâu hơn. Có những câu, tác giả kết rất lửng lơ, nhưng lại khiến độc giả phải suy ngẫm nhiều”. Bà cho rằng cuốn sách truyền thông điệp về sự nhạy cảm, lòng tử tế, sự kết nối giản dị giữa người với người, với cộng đồng, với thiên nhiên…
Theo bà Nguyễn Thị Hòa Bình, biên tập viên cuốn sách, câu chữ và ngôn ngữ trong cuốn sách của ông Nguyễn Đức Tùng không bị can thiệp nhiều.
Thư gởi con trai, từ tiêu đề đến nội dung, đều thành thật, gần gũi với chính nhà văn. Ông sử dụng ngôn ngữ ông thường dùng, không đánh bóng. Những phương ngữ như từ “gởi” cũng được giữ nguyên.
Bà nói: “Đọc sách, tôi cảm nhận được tiếng nói cội nguồn đậm đặc của tác giả. Văn phong của ông nhẹ nhàng, thủ thỉ, gần gũi, không truyền tải những điều răn dạy đao to búa lớn, mà đầy những khoảng lặng cho độc giả tự suy ngẫm”.
You must be logged in to post a comment Login