Đã có nhiều cách định nghĩa về thành công, trong đó, nhà hùng biện, cố vấn một số tổng thống Mỹ Booker T.Washington đúc kết: “Thành công của một người nên được đánh giá qua những trở ngại người ấy đã vượt qua, chứ không nên nhìn vào những thứ người ấy đã đạt được”.
Cuốn sách Đường đến thành công của Napoleon Hill, kể về những con người bình thường vượt qua khó khăn, thay đổi bản thân, thậm chí thay đổi thế giới này đã chứng minh cho chúng ta thấy rằng: “Thành công hay không là do sự rèn luyện của chính bạn”.
Napoleon Hill là một tác giả có ảnh hưởng sâu rộng trong lĩnh vực thành công cá nhân; một số tác phẩm của ông đã trở thành kinh điển trong lĩnh vực sách phát triển bản thân.
Sách Đường đến thành công. Ảnh: Q. H. |
Những người vượt khó để thành công
Henry Ford, ông chủ của hãng ôtô nổi tiếng sở hữu khối tài sản triệu USD từ những năm đầu thế kỷ 20, được xem là người đã thay đổi cả ngành công nghiệp ôtô thế giới.
Trước khi là một ông chủ vĩ đại, Ford chỉ là một anh công nhân nghèo trong một xưởng máy, không học vấn, không tiền vốn và cơ hội cũng rất hiếm hoi. Di sản ông để lại không chỉ là thương hiệu Ford mà còn là con đường ông đã đi, nó như là kim chỉ nam cho chúng ta trong hành trình vượt khó.
Câu chuyện về Harland Sanders, nhà sáng lập KFC, cũng minh chứng rõ ràng về những nỗ lực bền bỉ của một đời người sẽ mang lại kết quả tốt, dù hoàn cảnh gia đình khó khăn hay học vấn không cao.
Harland mồ côi cha năm 6 tuổi, bỏ học năm 16 tuổi và bắt đầu khởi nghiệp ở tuổi 65 sau khi bị phá sản và chỉ còn lại 105 USD trong túi. Đến nay, đế chế gà rán KFC đã phát triển và vươn ra toàn thế giới.
Một người khác là Helmholtz, bác sĩ và nhà vật lý người Đức, một trong những người uyên bác sở hữu bộ não chỉ nặng 1280 gram. Helmholtz được coi là một trong số những người đã thay đổi thế giới với những đóng góp to lớn cho nền vật lý. Như vậy, kích thước não bộ hay chỉ số IQ cũng không quyết định sự thành công của mỗi người.
Những hạn chế về cơ thể sẽ không đánh gục bất cứ ai nếu bạn có nỗ lực bền bỉ như Milo C. Jones – người bị mắc chứng bại liệt và không thể xoay mình trên giường nếu như không có sự giúp đỡ của người khác. Cũng chính ông đã tạo lập thành công một ngành thương mại xúc xích khổng lồ và xây dựng được một cơ ngơi đồ sộ trong chưa đầy 10 năm.
Rõ ràng, sự khiếm khuyết một bộ phận trên cơ thể sẽ không đáng sợ bằng tư duy khuyết tật. Nếu bạn đổ lỗi sự thất bại của mình là do kém may mắn, không thông minh hay tật nguyền thì Henry Ford, Harland Sanders và Helmholtz sẽ chứng minh điều ngược lại, rằng ai cũng có thể thành công nếu bạn quyết tâm và rèn luyện.
Ảnh minh họa: Lookstudio/freepik. |
15 cách rèn luyện để thành công
Trong suốt cuộc đời mình, Napoleon Hill đã có nhiều cơ hội tiếp xúc với những người thành công và nghiên cứu bí quyết thành công của họ.
Ông đã đúc kết những đặc điểm chung thành 15 biển báo cho những người đang trên hành trình tới thành công. 15 biển báo này là những yếu tố có thể được sử dụng để rèn luyện và phát triển năng lực.
Trong đó, yếu tố đầu tiên là xác định mục tiêu. Mười bốn yếu tố còn lại là tự tin, tính chủ động, sáng tạo, hành động, lòng nhiệt tình, tự chủ, làm nhiều hơn mức lương được trả, tính cách cuốn hút, suy nghĩ đúng đắn, sự tập trung, lòng kiên trì, học tập từ thất bại, lòng khoan dung.
Napoleon Hill cũng hướng dẫn cụ thể cách rèn luyện để trở thành người thành công. Hãy xác định cho mình một mục tiêu chính cho bản thân ít nhất là trong 5 năm sắp tới và viết nó ra giấy. Sau đó hãy liệt kê những việc cần để đạt được mục tiêu đó, từ những việc tưởng chừng nhỏ nhất.
Hãy tập trung hoàn thành từng việc một một cách hoàn hảo nhất. Như vậy, bạn đã tạo cho mình một thói quen thường trực để hoàn thiện mọi việc ngay từ lúc bắt đầu. Đó chính là chân lý để định ra sự khác biệt giữa thất bại và thành công.
Quay lại câu chuyện thành công của Henry Ford. Nếu cậu bé 16 tuổi không quyết tâm rời nhà lên thành phố Detroit để làm thợ máy học việc và không không ngừng học hỏi về các loại động cơ thì làm sao cậu biến giấc mơ tạo nên “một chiếc ôtô đại chúng” thành hiện thực?
Nếu Henry Ford từ bỏ ngay sau khi thất bại với các mẫu ôtô đầu tiên thì làm sao ông đưa ra được phiên bản Model-T và tạo ra cuộc cách mạng ngành công nghiệp ô tô.
Đừng đổ lỗi cho bất kỳ ai, hay cái gì bởi nguyên nhân bạn thất bại là do bạn đã không kiên trì với mục tiêu của mình. Ford thất bại nhiều lần nhưng ông ấy vẫn kiên trì đến cùng. Nếu cứ thất bại một lần rồi ngừng rèn luyện thì bạn sẽ mãi giậm chân tại nơi mình bắt đầu.
Mọi chướng ngại đều có thể biến thành lớp đá xây nên một nền móng vững chãi cho thành công. Vì vậy, nếu thất bại hãy cảm ơn Thượng đế vì đã cho ta cơ hội thử thách, để ta tiếp tục rèn luyện, hoàn thiện mình và vươn tới những đỉnh cao trong công việc và cuộc sống.