Nghĩ về nghề viết và nghiệp viết, từ rất lâu rồi, tôi đã muốn ngồi đối thoại với nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Chẳng phải vì chị là một trong những tên tuổi tiêu biểu của văn chương đương đại Việt Nam, cũng chẳng phải vì những tác phẩm của chị luôn có độ phổ cập lớn, trong đó có tuyển tập truyện ngắn được một nhà xuất bản tái bản tới gần 50 lần.
Đơn giản là vì quan sát chị, tôi thấy ở chị một sự tĩnh lặng, điều mà tôi nghĩ con người ta không dễ gìn giữ sau khi nổi tiếng.
Sự viết tàn lụi từ những điều nhỏ nhặt
– Thưa chị Nguyễn Ngọc Tư, tôi muốn bắt đầu cuộc đối thoại này bằng một ký ức văn chương đeo đẳng kể từ ngày tôi còn là một chú bé. Khi ấy, tôi có xem một cuộc phỏng vấn nhà văn Kim Lân trên Đài Truyền hình Việt Nam và tôi nhớ là khi người phỏng vấn hỏi ông rằng tại sao nhiều năm trở lại đây, ông không viết nữa thì giọng Kim Lân nghẹn lại. Với chất giọng nghèn nghẹn ấy, ông chia sẻ những day dứt về việc sau thời của những truyện ngắn xuất thần như “Làng” hay “Vợ nhặt” ông cứ viết ít đi, rồi không viết nữa. Và, theo cảm nhận của tôi, đến một lúc nào đó, không thể viết được nữa có lẽ là một nỗi buồn ghê gớm của mọi người cầm bút. Theo chị, không viết được nữa có phải là nỗi sợ lớn nhất của một nhà văn không?
– Còn tùy vào nhà văn nào. Cách anh/chị ta coi văn chương là gì, dấn thân tận hiến kiểu nào, kỳ vọng vào chính mình tới đâu. Chuyện đó quan trọng, vì một người viết giữ khoảng cách vừa phải với việc viết, cân bằng được nó với những mối quan hệ khác, chắc không đến nỗi vô vọng đâu.
Riêng tôi tin vào duyên. Nhất là văn chương, thứ mà tôi nghĩ ngọt hay đắng đều có phần can thiệp của vô hình. Sao người này viết được, người kia không; người này thở ra thứ văn chương đẹp đẽ, người kia con chữ lục cục như đất cày.
Không phải cứ tích lũy mày mò tháng ngày mà thành, văn chương không tùy thuộc vào sự thuần thục, cũng như ta biết không phải viết nhiều, đều đặn thì là nhà văn.
Đôi khi, trong chúng ta chỉ là người viết sách. Và vì duyên, nên lúc nào đó hết duyên thì ngừng. Giãy giụa chẳng ích gì. Là tôi nghĩ vậy. Kiểu ý nghĩ khi nhìn vào một viễn cảnh còn xa, nỗi buồn, sự bứt rứt cũng chỉ là hình dung mờ mờ.
Nhưng, gặp chuyện rồi tôi buồn rũ cũng nên, ai biết được, dân gian có câu “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ” đó thôi.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Ảnh: An ninh Thế giới. |
– Có rất nhiều lý do để một người cầm bút viết và trở thành nhà văn. Viết đơn giản chỉ để ghi lại những điều mình thấy và cái điều ấy làm mình day dứt. Viết để xả ra những ẩn ức sâu thẳm trong con người mình. Viết để xây dựng, kiến tạo một giá trị nào đó của đời sống mà mình tin là đúng. Vậy thì ngược lại, theo nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, có bao nhiêu lý do khiến một nhà văn không thể viết được nữa?
– Nhiều. Thật không may là khởi viết, đa phần là từ những viển vông, những khao khát đẹp đẽ, lớn lao. Nhưng, việc viết tàn lụi có thể bởi những điều nhỏ nhặt.
Mở một tài khoản Facebook hay một mạng xã hội nào tương tự. Xuất hiện dài kỳ trên truyền hình. Thường xuyên la cà ở những buổi giao lưu, ra mắt sách, những bữa rượu. Ngẫm ngợi và lên tiếng vào mọi vấn đề của đời sống. Cực đoan hơn, tôi còn ngờ tivi và báo chí cũng là thứ phân tán chữ của người viết, một khi họ quá chú tâm vào. Những thông tin trên đó ít có ý nghĩa với nghề văn.
Theo mường tượng của tôi, từ ý tưởng tới con chữ bày ra trên giấy là sự tuần hoàn trong những động mạch khép kín. Chúng nóng bỏng, sinh sôi, đầy lên đến mức người viết không chịu đựng nổi, chỉ có mỗi cách bày nó ra trang giấy.
Chỉ có mỗi cách viết cho vợi bớt. Và tụ bạ tỉ tê, phơi bày những ý nghĩ dù là không gian mạng hay trực tiếp mặt đối mặt, không phải là nhà văn tự cắt động mạch chính mình sao? Sực nhớ, cuộc trò chuyện này cũng nằm trong hành động dại dột ấy (cười…).
– Đúng là nhiều người thường nói tới sự ồn ào giết chết nhà văn. Áp sát quá nhiều vào đời sống thì rất khó có thể ngồi lại một cách tĩnh lặng để viết một cái gì đó cho sâu sắc. Thực tế, có những người cầm bút trước khi nổi tiếng đã sống với sự tĩnh lặng và đã tạo nên những tác phẩm hay. Nhưng, sau khi nổi tiếng, do không còn đủ bản lĩnh để giữ quanh mình một sự tĩnh lặng sáng tạo như vậy nữa, nên những trang viết cứ nhạt và đuối dần.
– Thế nhưng, ngay cả khi một nhà văn nào đó giữ mình hết sức có thể, lặng lẽ đến cực đoan, đến phát bệnh vì đám đông, vậy mà đến lúc nào đó, anh/chị ấy vẫn có thể không thể viết được nữa. Nên, ở trên tôi mới nói tôi tin vào duyên.
Chuyện buông thả chỉ là khiến cái chết của một nhà văn (đã từng viết rất được) đến sớm hơn, làm cho người đọc nuối tiếc hơn, bởi những ý nghĩ kiểu giá như, phải chi…
– Nhiều người nhận xét, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư ít giao du trong giới. Vậy, những bạn văn thân thiết của chị là ai? Điều thường trực mà chị hay trao đổi với những bạn văn này là gì?
– Đúng là tôi hơi ít thật nhưng chẳng phải kỳ quặc khó ưa đến nỗi chẳng có bạn trong giới văn chương (cười…). Chỉ là bạn đều xa, ít ngồi tụ bạ với nhau, chủ yếu thư qua thư lại, bạn cũng sống và viết âm thầm.
Giữa bọn tôi gần như không có chủ đề nào bị loại trừ, có thể là cuốn sách hay vừa mới đọc, một chỗ hay hay vừa mới đi, chuyện con cái ngày càng xa tầm với của mình, chuyện trai gái nếu có (cười…).
Nhưng, tôi nhận ra, tìm bạn cùng gu để tán chuyện về thơ mới khó. Ngày càng hiếm người thích thơ hoặc chịu được thứ thơ mà tôi thích. Thật may khi bạn bè mình còn có đôi người tôi có thể chụp hoặc gửi đường dẫn tới bài thơ tôi ưng, cùng nhau tấm tắc khen thơ sao mà thần sầu.
“Cánh đồng bất tận” chỉ còn là cái xác ve sầu
– Văn chương của Nguyễn Ngọc Tư, theo đánh giá của nhiều nhà phê bình thực sự là một thế giới sông nước Nam bộ với những phận người rất riêng biệt, giàu bản sắc. Thế giới ấy không lẫn với ai. Giọng văn của chị cũng chẳng lẫn với ai. Nhưng, ở thuở đầu cầm bút hoặc trong một giai đoạn ban sơ nào đó của nghề viết, chị có thần tượng một nhà văn trong nước hoặc quốc tế nào không? Chị nghĩ gì về mối liên hệ giữa một người viết với một thần tượng của mình?
– Hồi tôi bắt đầu viết, văn học Trung Quốc được dịch hàng loạt, làm mưa làm gió trong làng xuất bản. Mạc Ngôn cũng ảnh hưởng tôi ít nhiều, lối văn nói, phong cách hổn hển hơi thở đời sống hay là những nhân vật ông lựa chọn: Những con người nhỏ bé bị quăng quật, va đập không ngừng trong cái hỗn loạn của thế sự.
Đó là thời điểm những anh/chị Phan Triều Hải, Phan Thị Vàng Anh đang đình đám trên văn đàn.Tôi từng mơ được đứng vào chỗ họ. Sự thật là vậy.
Anh chắc hơi lạ vì không có cái tên nào phía Hà Nội nhưng hồi ấy tiếp cận của tôi với văn chương chỉ quanh quẩn trong vùng, qua những tờ báo số cuối tuần có in truyện ngắn, qua những cuốn sách tôi có thể mượn được ở thư viện.
– Sau thời “Cánh đồng bất tận”, tôi thấy chị vẫn viết, kể cả sáng tác lẫn tản văn. Nhưng, ở thăm thẳm bên trong con người chị, có bao giờ xuất hiện một câu hỏi: Phải làm sao để vượt qua cái bóng quá lớn mà “Cánh đồng bất tận” đã tạo dựng trong nghiệp văn của mình hay không?
– Cánh đồng bất tận, với tôi, là cái xác ve sầu. Tôi thoát đi rồi nhưng mọi người vẫn chăm chăm trò chuyện, vuốt ve cái xác rỗng. Có thể quan niệm về văn chương mỗi người là khác nhau.
Ý thức văn chương của tôi không đơn giản là viết một cuốn sách được nhiều người ưa chuộng, đồng cảm.
Trong một chia sẻ vài năm trước, tôi có nói mình viết dưới bóng những nỗi sợ nhưng là sợ những ông lớn, ông kẹ của thế giới. Tôi không sợ bóng mình, nếu thật sự có tồn tại thứ đó. Tự mình tạo ra cái bóng nào đó, rồi sợ nó đến tê liệt, không phải kỳ cục và ngu ngốc quá sao.
Nhân tiện, thăm thẳm trong tôi là câu hỏi có phải cạo trọc là cách nhanh nhất để khỏi phải nhìn tóc rụng? (cười…).
– Chị làm tôi chợt nhìn lên đầu mình đấy, theo nghĩa đen thuần túy (cười…). Tôi để đầu trọc từ lâu lắm rồi và với kinh nghiệm của một người trọc, tôi thấy cái khoảnh khắc chuyển đổi từ một người có tóc sang một người trọc cũng chẳng dễ đâu. Bởi khoảnh khắc ấy, người ta phải đối diện với cái cảm giác chấp nhận mất đi một phần nào đó cơ thể mình. Với nghề văn, tôi nghĩ cũng vậy thôi. Nói là muốn cạo trọc và sẵn sàng cạo trọc là nói vậy, chứ làm sao có thể cạo xoẹt một cái là xong. Mỗi tác phẩm dẫu sao cũng là đứa con tinh thần của mình, được mình thai nghén, sinh nở một cách nghiêm túc, sao có thể dễ dàng cạo nó khỏi đời sống tinh thần của mình ngay được. Vì vậy, tôi rất tò mò muốn biết, hành trình “cạo trọc” của chị đã diễn ra như thế nào?
– Chắc anh hiểu lầm rồi. Tôi đơn giản là để nó lại chỗ nó đang nằm lại, rồi đi tiếp. Bộ vỏ tôi để lại đó, nếu may mắn, sẽ được hóa thạch với thời gian, không thì thành vụn bụi.
Một tác phẩm đem tới vinh quang nhiều chừng nào thì phải tạo khoảng cách với nó sớm chừng ấy, tôi nghĩ vậy. Ở lâu với nó lại ngủ quên, lại thỏa mãn, lại lười nhác.
Dĩ nhiên, với góc nhìn của người khác, cụ thể ở đây là anh, hay những bạn đọc trung thành với phong cách viết cũ của tôi, họ có quyền nghĩ tôi còn loay hoay dưới cái bóng của một tác phẩm nào đó, rằng chỉ tác phẩm ấy là đáng kể nhất.
Nhưng, ở vị thế của nhà văn và người đọc, đôi bên có những nhu cầu, đòi hỏi khác nhau. Không gặp nhau ở những thời điểm này kia là lẽ thường nhưng tôi tin cứ đi thôi, loanh quanh rồi sẽ gặp.
Phải phân thân với hai con người cùng lúc
– Nếu không có gì quá bí mật, chị có thể chia sẻ xem một ngày của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư bây giờ diễn ra như thế nào không? Chị thường viết vào lúc nào trong ngày và trung bình mỗi ngày, mỗi tuần viết bao nhiêu tiếng?
– Ôi trời, tôi đâu nề nếp, kỷ luật cỡ vậy. Có khi vài ba tháng tôi không viết gì. Ấy là tôi nói trạng thái vật lý ngồi vào bàn, mở máy tính và gõ phím. Tôi xem phim, mua sắm, la cà chỗ này, lang thang chỗ nọ.
Nhìn vào mọi người, có thể nói tôi đang không viết. Nhưng, sự thật, không viết chẳng bao giờ xảy ra với nhà văn.
Những ý tưởng, câu chuyện vẫn động đậy trong đầu như thường, giống như một phản xạ tự nhiên, khi ta nghe một câu chuyện bên đường, não thể nào cũng nhói lên ý nghĩ vụ này viết gì thì được? Với nó, ta sẽ bày gì ra giấy đây?
Tôi tin một nhà văn nói mỗi ngày viết dăm ba giờ đồng hồ gì đó, một con số cụ thể, chỉ là thỏa mãn trí tò mò của bạn đọc. Một nhà văn sao có thể đo đếm được thời gian mà anh/chị ta làm việc thật sự. Bởi, những ý tưởng vẩn lên trong đầu, bởi họ vẫn sắp xếp câu chuyện trong lúc nấu ăn, đưa đón trẻ, làm vườn, ăn cưới.
– Vì cùng lúc phải phân thân với 2 con người như vậy, con người văn chương và con người đời thực nên không tránh khỏi đôi khi nhà văn khiến những người sống cạnh mình cảm thấy ít nhiều khó chịu. Vừa nấu cơm cho chồng, vừa đau đáu với những ý tưởng viết lách nên cái nồi thịt kho tàu trên bếp bị cháy từ lúc nào rồi cũng nên. (Cười lớn…). Có bao giờ chị rơi vào những cảnh đó hay chưa? Những người thân thiết nhất, ở gần chị nhất có bao giờ phàn nàn về chị hay chưa?
– Chuyện gần như xảy ra mỗi ngày, mở tủ lạnh và quên không nhớ mình muốn lấy gì (cười…).
Nhưng, khiến mình mất công nhất là để tràn nước, thu dọn tàn tích rất mệt. Người nhà tôi quen rồi, họ mặc định lơ đãng là một phần của tôi, như thể là cái mũi, con mắt.
Tôi cũng bao dung cho chính mình, nuông chiều mình, cho mình cái quyền quên trước quên sau, không nhớ cũng không sao. Gì cũng nhớ răm rắp cũng bất hạnh lắm, chứ không phải chơi, tôi nghĩ vậy.
Nguyễn Ngọc Tư và các tác phẩm đã xuất bản. Ảnh: An ninh Thế giới. |
– Có 2 quan niệm về câu chuyện sáng tạo văn học mà tôi thường nghe. Quan niệm thứ nhất: Viết là cuộc chơi của cảm hứng. Hãy cứ sống, cứ trải nghiệm, cứ vui buồn, hạnh ngộ, đau đớn, hạnh phúc với cuộc đời, đến khi nào cuộc đời tự nó ép mình phải viết và cho mình nguồn cảm hứng lớn lao nhất để viết thì hãy ngồi xuống bàn để viết. Quan niệm thứ hai: Viết văn phải là một nghề chuyên nghiệp. Nhà văn phải rèn luyện, chiến đấu một cách nghiêm túc với con chữ, để cố gắng làm sao mỗi ngày cũng có thể viết ra một chút gì gọi là tâm đắc. Chị nghiêng về quan niệm nào hơn?
– Tôi coi viết là công việc mình làm có thể làm tốt, trong khả năng mình và sống được bằng nó. Chữ “sống” không có hàm nghĩa gì ghê gớm đâu (tôi hay ghê ghê sự trịnh trọng), tôi chỉ muốn nói tới thu nhập. Đủ để đi chơi, sắm sửa cho mình và gia đình, dành dụm một khoản cho những biến cố bất ngờ vẫn luôn xảy đến.
Và, văn chương giúp tôi thoát khỏi sự tẻ nhạt thường ngày. Nói vậy không có nghĩa trong mối quan hệ với văn chương, tôi toàn nhận lấy. Cũng phải lao động, nghề nào cũng vậy thôi.
Nhưng, tôi không chắc mình là dân chuyên nghiệp, bởi sự chuyên nghiệp người ta vẫn thường lầm tưởng là mỗi ngày ngồi vào bàn viết bao nhiêu giờ và viết được từng nào trang.
Tôi nghĩ, chuyên nghiệp trong viết chính là ý thức về sự vô biên của nghề, về sự cao rộng của văn chương, về khả năng có hạn của chính mình.
– “Sự vô biên của nghề”, tôi rất muốn chị nói sâu thêm về chỗ này…
– Không có bến bờ, dấu mốc gì. Viết được một cuốn sách chỉ có mỗi ý nghĩa là viết được một cuốn sách. Nó ở đâu giữa thế giới mênh mông này, ta không biết được đâu.
Một giải thưởng cũng có giá trị trong phạm vi nào đó. Truyền thông khi ấy có thể rao rằng đây là dấu ấn, hay đây là cú chuyển mình của nhà văn A, B, C hoặc kêu hơn là một đỉnh cao mới.
Nhưng, lấy gì đo, dùng mốc nào để xác định đỉnh với ngọn? Tôi tin thời gian mới là thứ xác định giá trị văn chương. Mình có thể đợi được không, sau mấy mươi năm nữa?
Tôi không chắc, ngay cả vỡ ra tác phẩm của mình là bụi hay vàng thì cũng chẳng thể trở tay. Một người thợ thủ công biết mình đã ở bậc nào, tùy vào món đồ mà anh ta chế tác. Một anh viên chức biết mình đang ở đâu nhờ vào vị trí anh ngồi.
Một nhà văn thì khó xác định chỗ của mình, tôi nghĩ vậy, ít nhất là nghĩ về tôi. Dĩ nhiên, không phải người viết nào cũng đủ tỉnh táo mà nghi ngờ có bầu trời khác bao trùm cả bầu trời mà mình nhìn thấy.
Không tránh được những lúc chán nghề
– Có một khoảnh khắc nào đó, chỉ là một khoảnh khắc thôi, chị thấy sợ chữ nghĩa và chán viết hay không? Lúc ấy, chị làm gì?
– Tôi đi chơi. Tôi đi chợ. Tôi cày phim. Rồi một câu nói tình cờ nghe được, một hình ảnh tình cờ nhìn thấy khiến tôi muốn viết trở lại.
Thật lòng, chán mình và nản chữ mình vẫn thường xuyên xảy ra và nó hoành hành cũng lâu chứ chẳng phải chỉ một vài khoảnh khắc. Nhưng, tôi nghĩ, thứ tình cảm (có vẻ tiêu cực) ấy cần thiết cho việc một nhà văn nhìn nhận lại mình, tỉnh táo lại, đối diện với câu hỏi rằng, mình đã làm hết khả năng chưa?
– Từ nãy tới giờ chúng ta đã nói rất kỹ lưỡng tới chuyện viết lách nói chung của các nhà văn. Bây giờ, tôi muốn hỏi rất cụ thể rằng, theo dõi văn học Việt Nam trong khoảng 10 năm trở lại đây, chị thấy mùi vị cơ bản của những trang viết ấy là gì? Có gì để một người như chị kỳ vọng không?
– Mùi máu, mùi ghế bọc da trong máy điều hòa, hay mùi nước lã, thật tình là mùi nào tôi cũng ngại. Có thể không máu me, bạo lực, không cần phải làm những chiêu trò hấp dẫn để níu kéo người đọc, mình chỉ cần viết một cách ung dung. Ờ, như Orhan Pamuk, vậy được không?
Tôi từng tin, nếu trừ chiến tranh ra, trừ bạo lực ra, mình không còn bao nhiêu thứ để đào xới. Ờ thì mình đâu có nền tiểu họa lẫy lừng mà viết được thiên truyện như Tên tôi là Đỏ, hay mình đâu có sống ở một quốc gia cửa ngõ Á Âu, đâu có phải con dân của một đế chế chịu nhiều hưng vong, thăng trầm như Thổ Nhĩ Kỳ mà viết được “Istanbul”.
Nhưng, đó là những ý nghĩ kiểu tránh né thôi, một cuốn sách của Orhan Pamuk, chỉ là câu chuyện về thầy trò người đào giếng. Sự thật, không có chủ đề, hay con người nào là ngoại lệ của văn chương, quan trọng là tài năng tới đâu và nhà văn nhìn thế giới bằng con mắt nào.
– Sống trong đời sống với rất nhiều va đập của xã hội hôm nay, sự va đập giữa cái cũ với cái mới, giữa những thế hệ đầy hoài niệm với một thế hệ mới trưởng thành cùng sự bùng nổ của công nghệ thông tin, mạng xã hội và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, có bao giờ trong chị xuất hiện những băn khoăn nhoi nhói nào đó hay không? Và, nếu có thì chị có bao giờ thắc mắc là tại sao những điều như thế chưa được chuyển tải vào những trang viết hay không? Nếu mỗi thời đại đều luôn cần những nhà văn đại diện cho nó thì một thời đại với đầy những va đập, day dứt như hôm nay đã có những nhà văn đại diện như thế hay chưa?
– Tôi vốn ít băn khoăn nhoi nhói vào văn chương chung quanh, trừ một vài nhà văn mà tôi đặc biệt cảm tình. Nhìn ra toàn cảnh của văn chương Việt càng hiếm khi, trừ lúc làm công việc gì đó liên quan đến đọc giám khảo, lúc đó phải đặt tác phẩm A, B, C nào đó vào cái nền văn học nước mình mà đắn đo.
Tôi có nói ở đâu đó, rằng tôi quan niệm não mỗi người chỉ có từng này, chỉ chăm chú vào một ít thứ thôi thì sẽ sâu thấu hơn là gì cũng ưu tư. Nhưng, anh hỏi rồi, tôi buộc nghĩ rồi, để nói luôn.
Va đập cũ/mới, giàu/nghèo của thời này, tôi thấy sao bằng những va đập ý thức hệ của những thế hệ trước kia, khi cha ông tụi mình phải đem súng ống, mạng sống ra giải quyết.
Tụi nhỏ dùng điện thoại thông minh thì ông bà chúng cũng thành thạo, còn biết đăng bài lên mạng xã hội. Lúc này đây, tôi không thấy khoảng chênh nào đáng kể cho văn chương khai thác, trừ khi người viết phải làm quá lên.
Nhưng, sự quá lên thì lại có vẻ đen tối quá, đồng nghĩa với gồng, không tự nhiên. Còn sao chép y sì như hiện thực thì lại nhạt nhẽo vô thưởng vô phạt, vì tự đời sống ngoài kia nó nhạt.
– Câu hỏi sau cuối: Điều gì sẽ xảy ra nếu văn chương không còn tồn tại trong đời sống con người?
– Ôi! Tôi toàn nghĩ những chuyện kiểu như sáng mai nấu món gì, xăng còn lên giá nữa không, ông con ra trường thì có tìm được việc ổn định không, cuốn sau viết về gì, rạp đang có phim nào mới.
Tôi không bao giờ nghĩ một ý nghĩ quá sức viển vông như là giả định văn chương sẽ không tồn tại. Bởi, văn chương chắc không phải là khối vật lý nằm trong một xác sách nào mà người ta đốt trụi là xong. Má tôi đi chợ thấy một vụ ẩu đả, về kể tôi nghe.
Và, tôi như thể tận thấy cuộc tranh chấp đó bởi những chi tiết, hình ảnh mà má tôi – bằng cái duyên kể chuyện vốn có – truyền tải lại.
Tôi nghĩ ấy là văn chương rồi. Còn lời là còn văn chương. Giờ ta ra một giả định khác, là loài người mắc cúm câm không nói được nữa nhưng giả định ấy là kiểu cho tiểu thuyết, tôi sẽ đặt gạch để dành đây.
– Xin cảm ơn chị!