Connect with us

Sách hay

Văn học tuổi 20: Nhiều cây bút trẻ sung sức & sáng tạo

Được phát hành

,

Sáng 18-3, NXB Trẻ giới thiệu 12 tác phẩm vào chung khảo của giải thưởng Văn học tuổi 20 lần thứ 7, đánh dấu chặng cuối của hành trình tìm kiếm tác giả tác phẩm mới trong đợt này.

Văn học tuổi 20: Nhiều cây bút trẻ sung sức & sáng tạo - Ảnh 1.

Các tác giả trẻ vào chung khảo Văn học tuổi 20 lần 7, từ trái qua: Hoàng Khánh Duy, Yang Phan, Phã Nguyện, Nguyễn Dương Quỳnh – Ảnh: L.ĐIỀN

Xin được tổng kết Văn học tuổi 20 bằng mấy con số “một – hai – ba”: một lực lượng các cây bút trẻ sung sức viết và giàu sức sáng tạo; hai thế giới hiện thực được phản ánh đồng thời, song song; và ba phương thức biểu đạt: bằng những suy tưởng có tính triết lý, những ám ảnh có tính hình tượng, những chất liệu từ khoa học và nghệ thuật!

Ông DƯƠNG THÀNH TRUYỀN (nguyên trưởng ban tổ chức giải thưởng Văn học tuổi 20)

Tín hiệu đáng mừng là các tác phẩm đều mang dấu ấn của những cây bút nghiêm túc với văn chương. Bốn trong số 12 tác giả này gồm Phã Nguyện, Hoàng Khánh Duy, Yang Phan, Nguyễn Dương Quỳnh có mặt tại buổi giao lưu giới thiệu tác phẩm – bước chuẩn bị trước kỳ trao giải.

Thế giới nội tâm và những ám ảnh môi trường sống

Văn học tuổi 20 như một pha tuyển trạch trên diện rộng với chủ đề “góc nhìn và cuộc sống của tuổi 20 hôm nay”, nên phần thu được là sự đa thanh sắc từ các cây bút của nhiều vùng miền. Trội lên trong số đó là cảm giác nhanh nhạy trước những hơi thở còn ấm nóng của cuộc sống đương đại.

Hoàng Khánh Duy kỳ vọng xây dựng một không gian truyện không chỉ để chuyển tải nỗi ám ảnh về sự suy thoái của môi trường sống nơi vùng Đồng bằng sông Cửu Long mà hạn mặn đang là sợi thòng lọng hiện ra mỗi lúc một rõ trước bao cảnh đời.

Không chỉ thế, những cuộc rong ruổi của nhân vật chính trong Cõi người mắc cạn còn để lộ những phân khúc nội tâm phức tạp với ít nhiều cảm thức tâm linh như một phản xạ ám ảnh mỗi khi cuộc đời bất như ý.

Môi trường sống trong Văn học tuổi 20 lần này có khi là những tệ trạng đã thành thói quen khó bỏ trong một cộng đồng xã hội. Chỉ với một truyện ngắn viết về nạn rượu chè be bét của đàn ông vùng sông nước miền Tây, Lê Quang Trạng như muốn gửi đến người đọc hôm nay một tâm sự khác, rằng chính những người trong cộng đồng đang còn nhiều tệ trạng ấy phải tự nhấc mình lên, đổi thái độ sống đi…

Vệt sáng của bụi cũng chính là ánh nhìn nhân cảm của tác giả về những đề tài gần gũi bên mình.

Tác giả Yang Phan tự nhận mình có những suy tư về ký ức, rằng ký ức về ai đó có thể là cái còn sống dài lâu sau khi người đó chết. Nhưng “hiện thực cũng có thể giết chết ký ức chứ không phải ký ức là thứ sẽ sống mãi”, anh chia sẻ về tác phẩm Vụn ký ức tại buổi giao lưu.

Hé lộ những khả năng đường dài

Không chỉ đơn thuần phản ánh thực tại, người làm nghệ thuật bằng chính thủ pháp của mình tái tạo thực tại riêng biệt để nhân lên sự cảm thấu và chia sẻ. Trong nhiều trường hợp, dùng nghệ thuật văn chương để nhận chân giá trị và vai trò của các ngành nghệ thuật khác đòi hỏi người viết phải thực sự có nội lực và đủ công phu.

Nguyễn Dương Quỳnh trong Ngủ ngon nhé, nàng thơ đang dấn bước vào chỗ khắc nghiệt đó. Thật đáng mừng là chúng ta có những trang văn đẹp, có một câu chuyện khó dứt ra và sau đó còn nhiều dư vị đủ để trầm tư về hội họa và những giá trị siêu hình đã tác động vào người làm nghệ thuật ở tầm siêu thức như thế nào.

“Nghệ thuật không chỉ là nghề nghiệp mà đôi khi nó là lý do để mình tồn tại. Trong những hoàn cảnh đặc biệt nhất, nghệ thuật bộc lộ giá trị độc đáo mà mình tin tưởng”, Dương Quỳnh chia sẻ.

Cũng hướng vào đề tài cái đẹp và nghệ thuật, Hiền Trang mang những ám ảnh về âm nhạc vào không gian truyện, khiến cho Chopin biến mất đầy những biến động nội tâm của nhân vật. Qua đó, một thế giới hiện thực được nhìn qua lăng kính nghệ thuật có khả năng đem lại sự hiểu biết và chia sẻ cho những ai có cùng mối quan tâm.

Một tác giả đến từ Cẩm Giàng (Hải Dương) với một tập truyện ngắn, nhưng thật thú vị khi bắt gặp ở đó thủ pháp tảng băng trôi: Nguyễn Thu Hằng khéo léo biến nghệ thuật thành một loại men xúc tác, một sợi chỉ đỏ nhỏ nhoi để kết nối các mảng miếng trong câu chuyện mình kể ra.

Điều kỳ vọng nhất của một giải thưởng văn chương vẫn là tìm được những tác giả có khả năng và tâm, chí để đi đến cùng trên con đường nghệ thuật ấy.

Và thật may, lần này đã có những hé lộ cho thấy trong đội ngũ cầm bút chừng như còn đang còn khởi sự kia vẫn có những tầm mức, những nội lực, sự gia công gắng sức và nhất là ý thức nghệ thuật thật nghiêm túc đủ để người đọc gửi gắm niềm tin và chờ đợi.

Giải thưởng Văn học tuổi 20 lần 7 có 511 tác phẩm dự thi, số lượng vượt hẳn lần 6 (458 tác phẩm). Ban tổ chức cho biết lễ trao giải dự kiến diễn ra vào trong trung tuần tháng 5 tới đây.

12 tác phẩm vào chung khảo gồm: Chopin biến mất (truyện dài) – Hiền Trang, Cõi người mắc cạn (truyện dài) – Hoàng Khánh Duy, Kẻ săn chuột (truyện dài) – Phã Nguyện, Ngủ ngon nhé, nàng thơ (truyện dài) – Nguyễn Dương Quỳnh, Bảy bảy bốn chín (truyện dài) – Hoàng Công Danh, Vụn ký ức (truyện dài) – Yang Phan, Chuồng cọp trên cao (truyện ngắn) – Nguyễn Thu Hằng, Bí mật của bóng tối (truyện ngắn) – Đinh Thành Trung, Nửa lời chưa nói (truyện ngắn) – Duy Ân, Vệt sáng của bụi (truyện ngắn) – Lê Quang Trạng, Lũ chim thích chọn cành khô (truyện ngắn) – Mai Thanh Nga và Có thú dữ trong thành phố (truyện ngắn) – Nguyên Nguyên.

Nguồn: https://tuoitre.vn/van-hoc-tuoi-20-nhieu-cay-but-tre-sung-suc-sang-tao-20220318235009409.htm

Sách hay

Nghĩ lớn để thành công

Được phát hành

,

Bởi

Sách tiết lộ bí quyết, tư tưởng dám nghĩ lớn để thành công của Donald Trump, đồng thời truyền tải một phong cách sống, làm việc quyết liệt, kiên định, luôn hướng về phía trước của ông.

Trong sách “Nghĩ lớn để thành công”, Donald Trump tiết lộ ông không chỉ thừa hưởng trí tuệ mà còn học hỏi được rất nhiều điều từ người cha gốc Đức của mình.

Tôi đã hiểu được tầm quan trọng của sự đam mê nhờ cha mình. Cha tôi đã dạy tôi mọi thứ liên quan đến xây dựng, nhưng bạn có biết điều tôi thực sự học được từ ông là gì không?

Đó là niềm đam mê trong công việc. Cha tôi yêu công việc và ông không ngại làm việc cả thứ bảy và chủ nhật. Có lần, cha tôi tiến hành xây dựng một khu chung cư trong khi bên kia đường cũng có một khu nhà tương tự đang được xây dựng.

Tuy nhiên, điểm khác biệt là thời gian hoàn thành và chi phí xây dựng công trình của cha tôi ít hơn mà khu nhà lại đẹp hơn khu nhà đối diện rất nhiều. Tôi đã học được từ ông rằng làm việc với niềm đam mê thật sự sẽ khiến ta vô cùng hạnh phúc và không bao giờ cảm thấy mệt mỏi.

Nhờ có cha mà tôi đã tìm thấy niềm đam mê trong công việc của mình. Tôi say sưa làm việc đến nỗi mỗi đêm chỉ ngủ từ 3 đến 4 giờ đồng hồ và luôn mong trời mau sáng để được bắt tay vào công việc.

Một trong những niềm đam mê mãnh liệt nhất của tôi là thực hiện những vụ thương lượng quan trọng. Tôi thích tham gia và giành chiến thắng trong các cuộc thương lượng. Tôi muốn áp đảo đối thủ và giành những quyền lợi béo bở về mình. Tại sao ư? Vì chẳng có cảm giác nào tuyệt vời hơn thế, thậm chí với tôi, cảm giác đó còn hơn cả ham muốn tình dục dù rằng tôi cũng là người thích tình dục.

Khi đạt được mục đích thương lượng của mình, khi cuộc đàm phán diễn ra theo chiều hướng mình mong muốn, bạn sẽ có cảm giác rất tuyệt. Có thể bạn đã nghe nhiều người nói rằng một cuộc đàm phán thành công là khi cả hai bên đều đạt được mục đích của mình. Điều đó thật phi lý. Đàm phán thành công có nghĩa bạn là người chiến thắng, chứ không phải đối phương. Trong các vụ thương lượng, tôi muốn đạt được một chiến thắng tuyệt đối. Đó chính là lý do tại sao tôi có thể thành công trong nhiều cuộc thương lượng quan trọng đến vậy.

Một niềm đam mê lớn lao khác của tôi chính là tạo nên những công trình xây dựng tuyệt đẹp, và đó cũng là đam mê dẫn dắt tôi đến thành công như ngày hôm nay. Phát triển xây dựng và bất động sản được coi là lĩnh vực có những yêu cầu rất khắt khe. Lĩnh vực này đòi hỏi phải chính xác tuyệt đối và không được phép lơ là bởi chỉ cần một sai sót nhỏ cũng có thể gây tổn hại cho rất nhiều người.

Bất kỳ sơ suất nào cũng không được chấp nhận. Nhưng tôi yêu thích những thử thách mà một công việc đòi hỏi sự kỹ lưỡng và chính xác mang lại. Tôi nghĩ tôi đã làm tốt được công việc đó bởi tôi thực sự yêu thích nó. Và tôi đã áp dụng “chân lý” này trong mọi việc mình làm.

Donald Trump anh 1

Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump.

Tôi nhớ ở Tổ chức Trump có một nhân viên luôn thắc mắc không hiểu tại sao chúng tôi phải mất nhiều thời gian đến thế cho việc kiểm tra các công trình đã được hoàn thiện. Dù tên tuổi đã được khẳng định và các công trình do chúng tôi xây dựng đều được nhiều người biết đến và đánh giá cao, nhưng chúng tôi vẫn thực hiện việc kiểm tra hết sức kỹ lưỡng.

Người nhân viên kia đã không hiểu được rằng chúng tôi làm việc đó để luôn đảm bảo rằng các công trình của mình phải đạt tiêu chuẩn tốt nhất và luôn duy trì được những tiêu chuẩn đó. Có thể với người khác đây là điều không cần thiết nhưng với chúng tôi, đó lại là điều vô cùng quan trọng.

Tôi thích mua những mảnh đất chưa được ai đầu tư và tự mình biến chúng trở thành cái gì đó thật nguy nga và tráng lệ. Vẻ đẹp và sự tao nhã, bất kể ở một người phụ nữ hay một tác phẩm nghệ thuật, đều là niềm đam mê của tôi. Cái đẹp không phải ở vẻ bề ngoài hay thứ gì đó chỉ để ngắm nhìn. Cái đẹp chính là một sản phẩm mang phong cách và được toát lên từ tận sâu bên trong. Với tôi, niềm đam mê cái đẹp luôn song hành với những thành công đã đạt được. Tôi muốn cả hai.

Khi đến văn phòng của mình trong tòa nhà Trump ở thành phố New York, tôi rất thích ngắm nhìn khu đại sảnh tráng lệ mà mình đã tạo nên. Tôi thích chứng kiến đám đông trầm trồ thán phục trước bức tượng cẩm thạch tuyệt vời cùng thác nước nhân tạo đẹp ngoạn mục cao gần 25 mét.

Tôi thích chứng kiến sự hưởng ứng mang cảm xúc, sự trầm trồ kinh ngạc và thái độ trân trọng của mọi người trước vẻ đẹp lạ thường của tòa nhà. Cảm giác của tôi và của họ cộng hưởng với nhau. Dù chưa một lần gặp mặt nhưng tôi thấy gần gũi với họ hơn, bởi đó chính là cảm giác tôi đã từng có khi xây tòa nhà Trump này.

Nguồn: https://znews.vn/bi-mat-thanh-cong-cua-trump-tri-tue-vuot-troi-tu-gia-toc-duc-post1510769.html

Tiếp tục đọc

Sách hay

Kinh tế học tốt và kinh tế học tồi trong một thế giới bất ổn

Được phát hành

,

Bởi

Cuốn sách “Kinh tế học thời khó nhọc” của hai nhà kinh tế từng đoạt Nobel đưa ra các ý tưởng và giải pháp để xây dựng một xã hội nhân văn hơn.

Sau Hiểu nghèo thoát nghèo, bộ đôi nhà kinh tế học Abhijit V. Banerjee và Esther Duflo từng chiến thắng Nobel năm 2019 tiếp tục cho ra mắt một cuốn sách bàn về kinh tế cho những người làm chính sách cũng như người bình thường mơ về một thế giới tốt đẹp và lành mạnh.

Cuốn sách Kinh tế học thời khó nhọc đưa ra giải pháp thuyết phục dựa trên chủ nghĩa can thiệp thông minh và một xã hội lấy lòng trắc ẩn và tôn trọng lẫn nhau làm cốt lõi khi thế giới đang được vận hành trên sự bất ổn.

Sach kinh te anh 1
Cuốn sách Kinh tế học thời khóc nhọc. Ảnh: NXB Trẻ.

Kinh tế học tồi bóp méo tranh luận công khai

Kinh tế học thời khó nhọc gồm 9 chương chính, đưa ra cách nền kinh tế đang vận hành như thế nào trước những vấn đề chung của nhân loại như tình trạng nhập cư và nạn phân biệt đối xử, quá trình toàn cầu hóa và sự sụp đổ của công nghệ, tốc độ tăng trưởng chậm và biến đổi thời tiết…

Một trong những tranh luận nổi bật nhất của nước Mỹ nói riêng cũng như các nước phát triển nói chung là vấn đề dòng người nhập cư. Phần lớn mọi người cho rằng dòng người nhập cư ồ ạt đổ vào đất nước của họ sẽ làm ảnh hưởng đến cư dân địa phương.

Cuốn sách đưa ra dẫn chứng về các cuộc di cư trong lịch sử chứng minh rằng dòng người đó không hề cướp mất việc làm của người bản xứ, thay vào đó giúp vạch trần những lỗ hổng trong dịch vụ công và nhà ở xã hội mà chính sách của quốc gia đó đang thực thi.

Qua đó, mọi người có thể thấy được việc nhập cư có vẻ có lợi cả với dân nhập cư lẫn dân địa phương. Nguyên nhân này bắt nguồn từ bản chất dị biệt của thị trường lao động và gần như không ăn khớp với câu chuyện cung cầu phổ thông.

Kinh tế học tồi tạo ra cơ sở cho việc tặng người giàu những món quà hào nhoáng, siết chặt các chương trình phúc lợi, đồng thời rao giảng ý tưởng nhà nước bất lực và tham nhũng, trong khi người nghèo thì lười biếng. Từ đó mở đường cho tình trạng bất bình đẳng và sự giận dữ khôn nguôi từ phần đông bộ phận người lao động nghèo.

Kinh tế học tốt trong thế giới bất ổn

Nhiệm vụ hàng đầu của Kinh tế học thời khó nhọc là làm thế nào để những hiểu biết sâu sắc này của hai nhà kinh tế học mang lại một thế giới nhân đạo hơn.

Một cuốn sách chỉ ra những trường hợp khi chính sách kinh tế thất bại, khi ý thức hệ che mắt khiến con người bỏ qua những điều hiển nhiên, nhưng cũng đồng thời cho thấy những hoàn cảnh và nguyên do mà kinh tế học tốt đã tỏ ra hữu dụng, nhất là trong thế giới ngày nay.

Khi con người tôn trọng lẫn nhau và giàu lòng trắc ẩn, mong muốn những điều tốt đẹp vì lợi ích chung là lúc kinh tế học tốt được thực thi.

Kinh tế học tốt đẩy mạnh việc phát thuốc kháng virus cho bệnh nhân HIV ở các nước đang phát triển để đảm bảo xét nghiệm được rộng rãi hơn và cứu sống hàng triệu sinh mạng. Cũng nhờ kinh tế học tốt mà sự ngu dốt và ý thức hệ đã bị đánh bại, giúp cho màn tẩm thuốc diệt côn trùng được phát miễn phí tại châu Phi, nhờ đó giảm một nửa số trẻ em bị tử vong do sốt rét.

Sach kinh te anh 2
Hai nhà kinh tế học Abhijit V. Banerjee (trái) và Esther Duflo. Ảnh: IMF.

Những nhà kinh tế vì người nghèo

Trước Kinh tế học thời khó nhọc, Abhijit V. Banerjee và Esther Duflo từng nổi tiếng với cuốn sách Hiểu nghèo thoát nghèo. 2

Vậy nên, là những nhà kinh tế chuyên nghiên cứu các nước nghèo, hai tác giả hiểu rõ được thực trạng nền kinh tế đang diễn ra ra sao, đặc biệt là ở những quốc gia họ từng sống và làm việc. Họ cũng ý thức sâu sắc được rằng thực tế đáng chú ý nhất trong 40 năm qua là tốc độ thay đổi của nền kinh tế cả theo chiều hướng tích cực và tiêu cực.

Kinh tế học thời khó nhọc bàn về cả các vấn đề cũng như cách thức để sửa chữa thế giới này, với hy vọng mang đến sự cân bằng và bình đẳng hơn giữa các quốc gia.

Kinh tế học tưởng tượng ra một thế giới năng động mà không có rào chắn ngăn cản. Kinh tế học là những ý tưởng, chúng có thể thúc đẩy để thay đổi. Khi các nhà kinh tế học sẵn lòng thử nghiệm các ý tưởng và giải pháp, cho dù có làm sai hay đúng, miễn là đưa đến cái đích tối thượng, chính là xây dựng một thế giới nhân văn hơn.

Nguồn: https://znews.vn/kinh-te-hoc-tot-va-kinh-te-hoc-toi-trong-mot-the-gioi-bat-on-post1509322.html

Tiếp tục đọc

Sách hay

Sách về tình thầy trò của hai vị tướng nhận hai đề cử Sách Quốc gia

Được phát hành

,

Bởi

“Một người thầy, một cuộc đời đức độ, nhân văn và rất đỗi bình dị”. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã viết về ông Ba Quốc như vậy trong sách “Người thầy”.

tinh bao anh 1
Ông Ba Quốc (ngồi) và thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh. Ảnh: Tư liệu.

Người thầy của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là một tác phẩm giá trị về cuộc đời người tình báo, Thiếu tướng Đặng Trần Đức (tức ông Ba Quốc).

Trong cuốn sách Người Thầy, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã khắc họa sâu sắc mối quan hệ đặc biệt giữa ông và người thầy đáng kính – Thiếu tướng Đặng Trần Đức (tức ông Ba Quốc). Cuốn sách không chỉ kể lại những câu chuyện xúc động mà còn chứa đựng những bài học sâu sắc về lòng trung thành, sự hy sinh và ý chí phụng sự đất nước.

Cuốn sách Người thầy cho ta thấy mối quan hệ của thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và ông Ba Quốc – Đặng Trần Đức không chỉ đơn giản dừng lại ở mức độ thầy trò.

Ông Ba Quốc đã rèn luyện cho người lính trẻ Nguyễn Chí Vịnh biết, hiểu mọi thứ về nghề tình báo. Khi tác giả Nguyễn Chí Vịnh mới ở Việt Nam sang Campuchia ông cho làm ở Phòng N, sau xuống đội X, là đội nhận những nhiệm vụ quan trọng nhất của phòng.

Sau nhiều thử thách thì làm trợ lý trực tiếp cho ông Ba, rồi những bữa cơm chiều rỉ rả chuyện đời thường ông Ba kể chuyện cho học trò nghe về mọi điều đã trải qua trong đời mình, chuyện đời thường nhưng sau mỗi câu chuyện là kinh nghiệm, cách làm việc, đối nhân xử thế… đều là những bài học quý với thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.

tinh bao anh 2
Sách Người thầy.

Kể hành trình dọc biên giới phía Bắc những năm còn chiến tranh, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho thấy hình ảnh một người thầy tình báo can trường, đầy trách nhiệm.

Trong một lần di chuyển qua biên giới, khi Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đề nghị đổi vị trí ngồi vì lo ngại pháo kích, ông Ba Quốc đã khẳng định dứt khoát: “Không, tôi ngồi ghế trước.” Hình ảnh ông ung dung trên ghế trước trong bối cảnh biên giới căng thẳng là minh chứng sống động cho tinh thần dũng cảm và trách nhiệm của một người lính tình báo.

Đối với tướng Nguyễn Chí Vịnh, những câu chuyện bên bếp lửa tại nhà người dân ở Lạng Sơn hay những ngày rong ruổi trên đường số 4 đã trở thành những ký ức không thể phai mờ. Trong khoảnh khắc giản dị đó, ông Ba Quốc đã có dịp chia sẻ nhiều bài học từ kinh nghiệm thực chiến, từ lý tưởng sống cho người học trò.

Thông qua những câu chuyện quá khứ, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh được biết sâu hơn về con người ông. Đó là tình cảm sâu kín của người tình báo vĩ đại với đồng chí, đồng đội, với những người trong gia đình…

Cho đến những năm tháng cuối đời, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh vẫn ở bên người thầy của mình. Vào lúc đó, ông Ba đã tâm sự: “Tình yêu chỉ có một và lý tưởng cũng chỉ có một”. Với ông, tình yêu chỉ có một là tình yêu dành cho cái đẹp và lẽ phải. Lý tưởng của ông cũng vậy, điều cao nhất ông hướng tới là hy sinh tất cả những gì mình có để đất nước có độc lập và hòa bình, người dân được hưởng hạnh phúc.

Cuộc đời của ông Ba Quốc không chỉ là tấm gương sáng về trí tuệ và bản lĩnh mà còn là bài học nhân văn sâu sắc. Cuối cuốn sách, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh viết: “Một người thầy, một cuộc đời đức độ, nhân văn và rất đỗi bình dị”. Tình thầy trò giữa ông Ba và Thượng tướng Vịnh mãi mãi là biểu tượng của tình yêu, lý tưởng và sự hy sinh vì tổ quốc.

Với những giá trị to lớn, cuốn sách Người thầy đã được đề cử ở hai hạng mục là Sách được bạn đọc yêu thích và Sách Văn học – Nghệ thuật tại giải Sách Quốc gia 2024.

Nguồn: https://znews.vn/sach-ve-tinh-thay-tro-cua-hai-vi-tuong-nhan-hai-de-cu-sach-quoc-gia-post1512302.html

Tiếp tục đọc

Xu hướng