Vào đêm trước ngày ra đời Đế chế Thứ Ba, bầu không khí căng thẳng bao trùm thành phố Berlin. Hầu như mọi người đều biết rằng nền Cộng hòa Đức sắp cáo chung. Trong hơn một năm, chế độ này đã tàn lụi một cách nhanh chóng. Giống như người tiền nhiệm Franz von Papen, Tướng Kurt von Schleicher chẳng quan tâm mấy đến số phận của chế độ Cộng hòa và càng ít quan tâm hơn đến nền dân chủ. Cả hai đã giữ chức vụ Thủ tướng do Tổng thống Đức chỉ định mà không thông qua Nghị viện.
Ngày 28 tháng 1 năm 1933, Kurt von Schleicher đột nhiên bị vị Tổng thống già nua, Thống chế von Hindenburg, bãi nhiệm chức vụ Thủ tướng chỉ sau 57 ngày nắm quyền. Adolf Hitler, thủ lĩnh Quốc xã, Đảng lớn nhất của Đức, đòi nắm chức vụ Thủ tướng của một nước Cộng hòa dân chủ mà ông nguyện sẽ tiêu diệt.
Nhiều tin đồn lan truyền trong ngày cuối tuần mùa đông định mệnh ấy và tin đồn gây quan ngại nhất không phải là vô căn cứ. Có tin cho biết Schleicher định âm mưu với Tướng Kurt von Hammerstein, Tư lệnh Lục quân, để làm cuộc nổi loạn với sự hậu thuẫn của doanh trại Potsdam nhằm bắt giữ Tổng thống và thành lập chế độ độc tài quân phiệt. Có cả tin đồn về việc Quốc xã định cướp chính quyền.
Đội ngũ S.A. ở Berlin, được hỗ trợ bởi những cảm tình viên Quốc xã trong lực lượng cảnh sát, định chiếm lấy khu Wilhelmstrasse, nơi tọa lạc Dinh Tổng thống và phần lớn văn phòng các bộ. Cũng có tin đồn về một cuộc tổng đình công.
![]() |
Hitler – Cái tên ám ảnh của một giai đoạn lịch sử nhân loại. Ảnh: BBC. |
Ngày 29 tháng 1 năm 1933, hàng trăm nghìn công nhân biểu tình ở trung tâm Berlin để phản đối việc chỉ định Hitler làm Thủ tướng. Một trong những lãnh đạo công nhân cố bắt liên lạc với Tướng von Hammerstein nhằm đề xuất hành động kết hợp giữa quân đội và nghiệp đoàn nếu Hitler được chỉ định cầm đầu Chính phủ. Trước đó, trong cuộc nổi loạn Kapp năm 1920, một cuộc tổng đình công cũng đã giúp cứu nguy cho nền Cộng hòa sau khi Chính phủ trốn chạy khỏi thủ đô.
Trong những ngày này, Hitler đi đi lại lại trong căn phòng ở khách sạn Kaiserhof ở Quảng trường ReichskanzlerplatzA cách Phủ Thủ tướng không xa. Tuy lo lắng, nhưng ông vẫn tin chắc rằng thời khắc của mình sắp đến. Trong gần một tháng, ông bí mật đàm phán với Papen và phe Hữu bảo thủ. Ông phải dung hòa. Ông không thể lập được một Chính phủ Quốc xã thuần túy, nhưng trở thành Thủ tướng của một Chính phủ liên hiệp gồm 11 thành viên và 8 người trong số đó tuy không phải là Quốc xã, nhưng đã đồng ý với mưu đồ xóa bỏ nền Cộng hòa thì lại là chuyện có thể.
Chỉ có một kẻ ngáng đường duy nhất, chính là vị Tổng thống già nua, cứng rắn. Mới chỉ vào ngày 26 tháng 1 thôi, Tổng thống còn nói với Tướng Kurt von Hammerstein rằng ông “không hề có ý định trao cho viên hạ sĩ người Áo ấy chức Bộ trưởng Quốc phòng hay chiếc ghế Thủ tướng của nước Đức”.
Tuy thế, dưới ảnh hưởng của người con trai – Thiếu tá Oskar von Hindenburg, của Ottovon Meissner – Bí thư cho Tổng thống, của [cựu Thủ tướng] Papen và những thành viên khác trong nhóm quân sự, cuối cùng vị Tổng thống đã phải nhượng bộ. Ông đã 86 tuổi và đang lún sâu vào tình trạng lão suy. Xế chiều ngày 29 tháng 1 năm 1933, trong khi Hitler đang dùng trà và bánh cùng với Goebbels và các trợ lý khác thì Chủ tịch Nghị viện, Hermann Goering – nhân vật số Hai trong Đảng Quốc xã, thông báo rằng Hitler sẽ được cử làm Thủ tướng vào ngày hôm sau.
Gần trưa ngày 30 tháng 1 năm 1933, Hitler đi đến Phủ Thủ tướng để hội đàm với Hindenburg trong buổi gặp gỡ định mệnh đối với chính ông, đối với nước Đức và đối với toàn thế giới. Từ một cửa sổ của khách sạn Kaiserhof, Goebbels, Roehm và các thủ lĩnh Quốc xã khác âu lo dõi mắt nhìn cánh cửa của Dinh Thủ tướng nơi Lãnh tụ sắp bước ra. Goebbels nhận xét: “Chúng tôi có thể nhìn nét mặt ông ấy để biết rằng ông có thành công hay không”. Nhưng ngay cả vào lúc đó, họ vẫn không chắc chắn. “Trái tim chúng tôi như bị giằng xé giữa nghi ngờ, hy vọng, niềm vui và sự chán nản”. Goebbels đã ghi vào nhật ký của mình:
“Chúng tôi đã thất vọng quá nhiều lần nên không thể toàn tâm tin vào một phép lạ lớn lao nào”.
Nhưng sau đó, họ đã được chứng kiến một phép lạ thật sự. Con người với bộ râu kiểu danh hài Charlie Chaplin, gã thanh niên từng lông bông trên đường phố thủ đô Vienna của Áo, người lính vô danh trong Thế chiến thứ nhất, người sống vật vờ trong những ngày hậu chiến, kẻ cầm đầu cuộc bạo loạn có phần khôi hài ở một nhà hàng bia, người thậm chí còn không mang trong mình dòng máu Đức và giờ chỉ mới 43 tuổi, đã vừa được cử hành lễ tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng nước Đức.
Hitler lái xe hàng trăm mét trở về khách sạn Kaiserhof để gặp lại những phụ tá thân tín: Goebbels, Goering, Roehm và các nhân vật chỉ huy lực lượng S.A.- những người đã hỗ trợ ông trên con đường chông gai tiến đến quyền lực. Goebbels ghi chép: “Ông ấy không nói gì và tất cả chúng tôi cũng không nói gì, nhưng đôi mắt ông ấy đẫm lệ”.
Cả buổi tối ấy cho đến sau nửa khuya, hàng chục nghìn binh sĩ S.A. cuồng nhiệt của Quốc xã đã đốt đuốc diễu hành để mừng chiến thắng. Trong những đội hình có kỷ luật, họ đi qua công viên Tiergarten, qua cổng Brandenburg rồi đi xuống khu Wilhelmstrasse, với ban nhạc nổi lên những khúc quân hành cổ xưa hùng tráng theo nhịp trống như sấm dậy, cất tiếng hát theo bài hát mới của Horst Wessel cùng những bài hát lâu đời của nước Đức. Trong tiếng giày đinh rầm rập, những ngọn đuốc giơ lên cao tạo nên một con rồng lửa ngoằn ngoèo soi sáng cả phố phường, giữa tiếng hò reo của dân chúng kéo ra xem.
Từ trên một khung cửa sổ của Phủ Tổng thống, Hindenburg nhìn xuống đoàn diễu hành, lấy cây gậy gõ theo nhịp của khúc quân ca, có vẻ như mãn nguyện vì đã chọn được một Thủ tướng có thể khơi dậy toàn dân theo cách thức Đức truyền thống. Người ta không rõ ông có ý niệm nào về những chuyện sẽ xảy ra sau này hay không. Nhưng chẳng bao lâu sau, một câu chuyện, có lẽ là được ngụy tạo, đã được lan truyền ở Berlin: Giữa buổi diễu hành, Hindenburg đã quay sang một vị tướng già và nói: “Tôi không biết ta đã bắt được nhiều tù binh người Nga đến thế”.
Riêng Hitler thì đứng ở khung cửa sổ của Phủ Thủ tướng, tỏ vẻ cực kỳ phấn khích và vui sướng, nhảy nhót tới lui, liên tục giơ tay chào theo kiểu Quốc xã, cười và cười cho đến khi nước mắt lại giàn giụa.
Một người nước ngoài nhìn cuộc diễu hành đêm ấy với cảm nghĩ khác. AndréFrançois-Poncet, vị Đại sứ Pháp, viết: “Con sông lửa chảy qua trước Đại sứ quán Pháp, qua đó tôi đã nhìn thấy một luồng ánh sáng với con tim nặng trĩu chứa đầy cảm nghĩ về điềm gở”.
Lúc 3 giờ sáng đêm ấy, Goebbels trở về nhà, mệt mỏi nhưng sướng thỏa. Trước khi đi ngủ, ông ghi vào nhật ký: “Gần như là một giấc mơ… một câu chuyện cổ tích… Đế chế mới đã ra đời. 14 năm nỗ lực đã mang đến thành công. Cuộc Cách mạng Đức đã bắt đầu!”
Hitler bạo miệng tuyên bố rằng Đế chế Thứ Ba ra đời ngày 30 tháng 1 năm 1933 sẽ kéo dài 1.000 năm. Trên thực tế, chế độ này chỉ kéo dài 12 năm 4 tháng. Nhưng chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, nó đã gây ra cho toàn thế giới sự bạo lực dữ dội hơn bất cứ thời kỳ nào trước đó.
Chế độ này đã đưa người Đức lên đến đỉnh cao mà họ chưa từng trải qua trong hơn một thiên niên kỷ, biến họ thành chủ nhân của cả châu Âu, trải dài từ Đại Tây Dương đến sông Volga, từ cực Bắc xuống đến Địa Trung Hải và rồi sau đó dìm họ xuống vực sâu của sự tàn phá và tiêu điều ở cuối cuộc Thế chiến. Chế độ này đã […] gieo rắc làn sóng khủng bố lên các dân tộc khác trong những cuộc diệt chủng có chủ đích, vượt qua tầm mức của mọi chế độ hà khắc nhất từ trước đến giờ.
Nhân vật lập nên Đế chế Thứ Ba, người đã cai trị một cách tàn bạo, với sự tinh ranh khác thường, người đã dẫn dắt nước Đức lên một tầm cao chóng mặt và tụt xuống kết cục bi thảm, đúng là người có biệt tài, chỉ có điều biệt tài đó lại được áp dụng cho những mưu đồ đen tối.
Nếu không có Adolf Hitler – với cá tính như ác quỷ, ý chí sắt đá, bản năng độc đoán, tàn nhẫn lạnh lùng, một kẻ mang trong mình một khối lượng tri thức đáng kể, óc tưởng tượng vượt bậc và khả năng diệu kỳ về việc đánh giá đúng con người và tình huống – thì chắc chắn hẳn đã chẳng bao giờ có Đế chế Thứ Ba.