Tinh thần võ sĩ đạo là quốc hồn quốc túy, truyền thống lâu đời của Nhật Bản. Đây được coi là một trong những nhân tố làm cho quốc gia này thành cường quốc quân sự ở châu Á cuối thế kỷ 19 và siêu cường kinh tế trong nửa sau thế kỷ 20.
Võ sĩ đạo với tính cách dân tộc Nhật
Người đầu tiên giới thiệu võ sĩ đạo ra thế giới là tiến sĩ Inazo Nitobe. Tác phẩm Võ sĩ đạo – linh hồn Nhật Bản viết bằng tiếng Anh của ông xuất bản lần đầu tại Mỹ năm 1900, lập tức gây tiếng vang lớn trên thế giới.
Cho đến nay, tác phẩm đã được dịch ra hàng chục thứ tiếng và được tái bản hơn 100 lần. Cố Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt từng nói: “Muốn hiểu người Nhật thì phải đọc sách này”, và chính ông đã mua 60 cuốn để tặng cho người quen.
Sách Võ sĩ đạo – linh hồn Nhật Bản. Ảnh MC. |
Ở Việt Nam, tác phẩm đã được dịch, xuất bản và mới đây nhất NXB Dân Trí liên kết công ty Omega Plus phát hành bản dịch của Nguyễn Hải Hoàng.
Tiến sĩ Inazo Nitobe sinh năm 1862 ở đảo Honshu, là còn trai của một gia đình Samurai. Năm 1884, ông sang Mỹ học tại đại học John Hopkins.
Năm 1904 ông được phong giáo sư tại đại học Đế quốc Kyoto. Ông mất ngày 15/10/1933. Năm 1984, chính phủ Nhật Bản in chân dung của ông trên đồng 5.000 yen.
Nhà nghiên cứu văn hóa phương Đông William Elliot Griffis (1843-1928) có dịp nhìn thấy võ sĩ đạo (với những nghi thức như trà đạo, nhu thuật…) khi sang Nhật Bản năm 1870. Trong lời giới thiệu cuốn sách, bản in tiếng Anh (viết vào tháng 5/1905), William Elliot Griffis cho biết những gì tiến sĩ Nitobe viết là chân thực.
Nitobe nắm bắt chính xác tinh hoa của võ sĩ đạo (đã trải qua lịch sử hơn nghìn năm) tồn tại trên hàng triệu đồng bào ông.
Trong cuốn sách, phần phê phán của Nitobe giúp người đọc hiểu thêm về sức mạnh và giá trị của võ sĩ đạo với tính cách dân tộc Nhật.
William Elliot Griffis cũng cho rằng muốn hiểu người Nhật trong thế kỷ 20 thì cần quay lại thời cổ xưa, tìm hiểu gốc rễ mà dân tộc này đã vùi sâu trong quá khứ.
“Tinh thần của võ sĩ đạo vẫn tồn tại dai dẳng trên những con người được nuôi dưỡng ở mảnh đất này. Nó như một chất thơm tan ra trong cốc nước, để lại vị thơm ngọt ngào”, William Elliot Griffis viết.
Nhận định trên của William Elliot Griffis hoàn toàn xác đáng bởi ngay phần đầu chương I cuốn sách, Inazo Nitobe đã viết với đại ý tương tự. Ông còn cho biết hình thái xã hội mà trong đó võ sĩ đạo sinh ra và phát triển đã biến mất từ lâu; với tư cách là sản phẩm của chế độ phong kiến đã chết, nhưng võ sĩ đạo vẫn tồn tại và vẫn chiếu rọi trên bầu trời đạo đức của người Nhật.
Đặc tính và ảnh hưởng của võ sĩ đạo
Theo Nitobe võ sĩ đạo là bộ luật bất thành văn chi phối đời sống và hành động của các nhà quý tộc Nhật Bản. Trên nhiều mặt, giới quý tộc đó tương đương với giới hiệp sĩ (chivalry) châu Âu.
Những hiệp sĩ và nhà quý tộc ấy là các samurai, tức thị vệ của các daimyo (lãnh chúa). Vì vậy, võ sĩ đạo (Bushido) là bộ luật hành xử của các samurai, tầng lớp quân nhân và quý tộc xuất hiện vào thế kỷ 12.
Giới samurai được trau dồi võ thuật, học binh pháp, luân lý, văn học, lịch sử, thư pháp. Điểm quan trọng trong giáo dục đào tạo võ sĩ samurai không phải dạy võ mà là dạy dỗ tính cách, tạo dựng khí chất của người võ sĩ.
Theo Nitobe, các samurai luôn trung thành với lãnh chúa của mình và có đặc quyền đeo 2 thanh gươm, một ngắn, một dài gọi là “daito” và “shoto”, hoặc “katana” và “wakizaki” – chúng là “linh hồn của samurai”.
Đề cập đến nguồn gốc ban đầu và sâu xa của võ sĩ đạo, Nitobe cho biết Phật giáo là yếu tố đầu tiên dẫn đến sự ra đời của võ sĩ đạo.
Tâm trạng bình thản yên tĩnh đối với số phận, lặng lẽ phục tùng những gì phải đến, không sợ hãi khi gặp hiểm nguy, coi thường tính mạng – tất cả đều là những điều Phật giáo gợi ý ban phát cho võ sĩ đạo.
Những võ sĩ samurai cuối cùng của Nhật Bản. Ảnh tư liệu. |
Bên cạnh đó, võ sĩ đạo còn phải học thiền để thấu hiểu cái tuyệt đối, siêu thoát thế sự, đạt tới sự đốn ngộ (ngộ ngay tức thì) triệt để.
Nguồn gốc thứ 2 của võ sĩ đạo còn là “Shinto” (thần đạo). Theo Nitobe, thần đạo bổ sung các lời răn mà Phật giáo không có.
Nói về đặc tính của người võ sĩ đạo Nhật Bản, Nitobe nhấn mạnh các yếu tố (đức tính) bộ khung tạo nên võ sĩ đạo, đó là: cương trực, ngay thẳng, quyết tâm, nghĩa hiệp – “nghĩa”; tinh thần dám làm dám chịu – “dũng”; lòng thương người – “nhân”; thái độ xử sự khiêm nhường và sẵn sàng giúp đỡ người khác – “lễ”.
Đi cùng “lễ” là sự thành thật và chân tình; bảo vệ sự tôn nghiêm và giá trị đặc biệt của nhân cách – “danh tiết” (danh dự và tiết tháo); phục tùng và tôn kính người trên – “trung”.
Nitobe cũng nói đến phẩm chất kiềm chế (còn gọi là khắc kỷ) của người võ sĩ, ông cho biết đây là tính cách quốc dân của người Nhật Bản.
Trong võ sĩ đạo, điều răn “dũng” đòi hỏi người võ sĩ không được kêu một tiếng nào khi gặp bất kỳ hoàn cảnh khó chịu đựng nổi, điều răn “lễ” yêu cầu không được để lộ nỗi buồn hoặc đau khổ, nhằm tôn trọng người khác. Hai lời răn ấy kết hợp lại với nhau khiến người võ sĩ có bề ngoài của người khắc kỷ.
Cao điểm của tự kiềm chế sẽ đạt được và được thể hiện một cách toàn mỹ hơn cả là tập tục tự sát (mổ bụng) và trả thù. Điều này xuất phát từ tinh thần trọng danh dự mãnh liệt của các samurai.
Nói về ảnh hưởng của võ sĩ đạo, Nitobe cho rằng hệ thống luân lý đạo đức võ sĩ đạo đã được truyền bá rộng rãi trong tầng lớp võ sĩ. Sau một thời gian phát triển nó lan truyền vào quảng đại quần chúng và thu hút những người theo nó.
Người võ sĩ trở thành nét đẹp lý tưởng cho toàn dân tộc. Mọi hoạt động và cách suy nghĩ của người Nhật bản đều thấm nhuần ảnh hưởng của võ sĩ đạo.
Tri thức và đạo đức của nước Nhật đều được hình thành dưới ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp của võ sĩ đạo.
Nitobe cũng cho rằng võ sĩ đạo có thể mất đi, nhưng ảnh hưởng của nó sẽ không biến mất khỏi đời sống.