Hai tập tục tự sát và trả thù của võ sĩ đạo – tiếng Nhật ban đầu là hara-kiri, và sau này là kataki-uchi. Nguồn: japo. |
Trong tác phẩm Võ sĩ đạo – linh hồn Nhật Bản viết bằng tiếng Anh xuất bản lần đầu tại Mỹ năm 1900, tiến sĩ Inazo Nitobe – người đầu tiên giới thiệu võ sĩ đạo ra thế giới – đã cho biết những tinh hoa của võ sĩ đạo (đã trải qua lịch sử hơn nghìn năm) tồn tại trên hàng triệu đồng bào ông.
Đặc tính của võ sĩ đạo Nhật Bản
Theo Nitobe võ sĩ đạo là bộ luật bất thành văn chi phối đời sống và hành động của các nhà quý tộc Nhật Bản. Trên nhiều mặt, giới quý tộc đó tương đương với giới hiệp sĩ (chivalry) châu Âu. Những hiệp sĩ và nhà quý tộc ấy là các samurai, tức thị vệ của các daimyo (lãnh chúa). Vì vậy, võ sĩ đạo (Bushido) là bộ luật hành xử của các samurai, tầng lớp quân nhân và quý tộc xuất hiện vào thế kỷ 12.
Giới samurai được trau dồi võ thuật, học binh pháp, luân lý, văn học, lịch sử, thư pháp. Điểm quan trọng trong giáo dục đào tạo võ sĩ samurai không phải dạy võ mà là dạy dỗ tính cách, tạo dựng khí chất của người võ sĩ.
Nói về đặc tính của người võ sĩ đạo Nhật Bản, Nitobe nhấn mạnh các yếu tố (đức tính) bộ khung tạo nên võ sĩ đạo, đó là: cương trực, ngay thẳng, quyết tâm, nghĩa hiệp – “nghĩa”; tinh thần dám làm dám chịu – “dũng”; lòng thương người – “nhân”; thái độ xử sự khiêm nhường và sẵn sàng giúp đỡ người khác – “lễ”.
Đi cùng “lễ” là sự thành thật và chân tình; bảo vệ sự tôn nghiêm và giá trị đặc biệt của nhân cách – “danh tiết” (danh dự và tiết tháo); phục tùng và tôn kính người trên – “trung”.
Nitobe cũng nói đến phẩm chất kiềm chế (còn gọi là khắc kỷ) của người võ sĩ, ông cho biết đây là tính cách quốc dân của người Nhật Bản.
Cao điểm của tự kiềm chế sẽ đạt được và được thể hiện một cách toàn mỹ hơn cả là tập tục tự sát (mổ bụng) và trả thù. Điều này xuất phát từ tinh thần trọng danh dự mãnh liệt của các samurai.
Tinh thần trọng danh dự mãnh liệt
Theo Nitobe hai tập tục tự sát và trả thù của võ sĩ đạo – tiếng Nhật ban đầu là hara-kiri, và sau này là kataki-uchi.
Về tự sát, phương thức mổ bụng – seppuku hoặc kappuku, thường gọi là hara-kiri là dùng dao tự phanh bụng mình. Trong suy nghĩ của người Nhật Bản, mổ bụng là cách chết cao thượng nhất. Do vậy, họ không cảm thấy khó chịu về việc mổ bụng và tuyệt nhiên không ai chê cười hoặc chán ghét cách chết ấy. Tuy hình thức chết trông khó coi, nhưng mổ bụng chứa đựng sự bình tĩnh; tinh thần hài hòa vĩ đại; ý nghĩa cao thượng cho cái chết và là tượng trưng cho cuộc sống mới.
Sách Võ sĩ đạo – Linh hồn Nhật Bản. Ảnh: M.C. |
Mổ bụng là phương thức chết được người Nhật Bản chấp nhận, không những chỉ vì nó chứa đựng tinh thần võ sĩ đạo cao quý khi người ta lựa chọn cách chết, mà nó còn liên quan đến quan niệm giải phẫu học cổ đại.
Người xưa cho rằng bụng là nơi chứa tình yêu và linh hồn con người. Vì vậy phương thức mổ bụng chính là cách khai mở nơi trú ngụ của linh hồn, để cho mọi xem nó vẫn đục hay nó trong sạch như thế nào.
Còn tinh thần võ sĩ đạo cao quý chính là tinh thần trọng danh dự mãnh liệt. Nhiều người đã tự kết liễu sinh mạng của mình vì liên quan đến danh dự. Cái chết chính là biện pháp duy nhất để võ sĩ đạo giải quyết nhiều vấn đề phức tạp. Nhiều võ sĩ có lòng danh dự mãnh liệt đều cho rằng chết tự nhiên là cái chết tầm thường, không có chí khí, không thể sánh được với cái chết có được do người ta nhiệt tâm theo đuổi.
Cũng theo Nitobe mổ bụng (seppuku) không đơn thuần là biện pháp tự sát mà còn là một tập tục về luật pháp và nghi thức lễ pháp. Là sản phẩm của thời đại phong kiến, nó là phương cách người võ sĩ dùng để nhận tội, hối lỗi, miễn bị sỉ nhục, chuộc lại tình bạn, hoặc tự chứng minh ngay thẳng.
Khi mổ bụng được dùng làm phương pháp trừng phạt về pháp luật, cách thức tiến hành cũng rất trang nghiêm. Trừ người có thái độ cực kỳ bình tĩnh và kiên định tự kiềm chế ra, không ai có thể thực thi được phương pháp tự sát rất tàn khốc này.
Hành động chứa đựng cảm giác công bằng và chính nghĩa
Đề cập đến tập tục trả thù, hoặc gọi là đòi đền mạng (đòi bồi thường mạng), Nitobe cho biết, trong quá khứ, nhiều dân tộc sử dụng phổ biến quy chế hoặc tập tục trả thù tương tự sự trả thù của người Nhật Bản, chẳng hạn tục giải quyết tay đôi, hoặc gia hình (hình phạt dùng trong gia tộc).
Theo ông, ở thời đại chưa có tòa án hình sự thì giết người không phải tội lỗi, trật tự xã hội được đảm bảo bởi hành động trả thù của người thân nạn nhân. Do vậy, hành động trả thù chứa đựng cảm giác công bằng và chính nghĩa. Máu rơi đòi máu, đầu rơi đòi đầu.
Trong võ sĩ đạo, chế độ phục thù hình thành một tòa án luân lý về sự công bằng. Nơi đây sẽ xét xử một cách công bằng những vụ việc mà pháp luật thông thường không thể nào xét xử được.
Nitobe đã lấy câu chuyện huyền thoại về 47 Samurai trả thù và tự tử tập thể như để minh chứng cho điều này.
Năm 1700, một lãnh chúa nhỏ là Asano đã bị thầy giáo của mình là Kira (một quan chức cao cấp không được Asano hối lộ đầy đủ) sỉ nhục khi đang diễn tập nghi thức tại điện Shogun ở Yedo. Asano rút kiếm đánh bị thương Kira, do đó bị coi là phạm tội và buộc phải tự tử.
47 thuộc hạ của Asano (lúc này vô chủ) đã thề trả thù cho chủ. Sau hai năm chuẩn bị họ đã giết Kira và tự nộp mình cho luật pháp và một năm sau buộc phải tự tử, dù họ được sự đồng tình của dư luận và ngay cả Shogun. Câu chuyện của 47 Samurai này được xem là bằng chứng hùng hồn nhất về tinh thần võ sĩ đạo của các samurai Nhật Bản và tinh thần đó vẫn chưa bao giờ bị mai một.
Cũng theo Nitobe, kể từ ngày Nhật Bản ban hành Bộ luật hình sự hoàn thiện, cả hai hành động mổ bụng và trả thù đều mất giá trị tồn tại của chúng. Cả nước và cả xã hội đều đề cao chính nghĩa, do đó không cần tới hành động katachi-uchi (trả thù) nữa.
You must be logged in to post a comment Login