Một phần bìa sách “Our wives under the sea” của Julia Armfield. Ảnh: Picador. |
Việc ghi nhớ thực chất rất khó. Khi gặp khó khăn ghi nhớ, nhiều người thường tự trách mình, than thở về việc chúng ta đã để Internet bào mòn khả năng nhận thức của mình như thế nào.
Nhà thơ Brad Leithauser từng viết trên tờ The New Yorker như sau: “Có một sự thật chắc chắn về con người rằng chúng ta nhớ được rất ít những gì ta đã đọc. Nếu ta mở một cuốn sách đã đọc bất kỳ, ta luôn nhận ra rằng ta đã gần như quên sạch mọi thứ mà nhà văn đã kể cho chúng ta. Chia tay người kể chuyện và những lời kể, chúng ta chỉ còn lại một ấn tượng mờ nhạt; và người kể chuyện cứ thản nhiên lấy cuốn sách khỏi tay chúng ta mà bỏ đi”.
Nhưng theo bài viết của Isabel Fattal trên tạp chí The Atlantic, cuộc đấu tranh để ghi nhớ vượt ra ngoài tác động của Internet mà liên quan nhiều đến cách thức não bộ vận hành.
Từng có ý kiến cho rằng Internet đã giáng một đòn mạnh vào khả năng ghi nhớ của chúng ta vì kỹ năng đó không còn được rèn luyện nhiều nữa khi mà giờ cần gì thì người ta tìm trên Google luôn. Thực tế, vấn đề ghi nhớ tồn tại từ lâu rồi: Trong một cuộc đối thoại với Plato, Socrate cảnh báo rằng việc viết lách có thể gây đãng trí. Một nhà nghiên cứu cũng từng cho rằng viết lách giết chết trí nhớ.
Dù vậy, những gì chúng ta đánh mất về mặt trí nhớ, chúng ta thu về về mặt tiếp nhận thông tin. Những gì ta quên thực chất sẽ không mất hẳn mà chỉ nằm đâu đó trong bộ nhớ, chờ đợi một dấu hiệu thích hợp để bật lại.
Cây viết Ian Crouch cũng từng viết về vấn đề này trên The New Yorker. Ông cho rằng dù con người có bị nguyền rủa để cho phải quên đi những gì đã đọc, thì ta vẫn luôn giữ được những trải nghiệm thú vị khi đọc một cuốn sách ở một địa điểm cụ thể.
Ian Crouch chia sẻ: “Điều tôi nhớ nhất về tuyển tập truyện ngắn The magic barrel (tạm dịch: Cái thùng thần kỳ) của Malamud là ánh nắng ấm áp trong quán cà phê vào những sáng thứ sáu trước giờ học hồi tôi học trung học”.
Ông cho rằng ký ức ấy vẫn có ý nghĩa gì đó đối với ông. Việc đọc có nhiều khía cạnh, trong đó, có sự pha trộn kỳ lạ giữa suy nghĩ và cảm xúc và các cảm giác xảy ra trong một khoảnh khắc.
Trí nhớ vốn có tính thất thường như vậy. Khi nhắc đến sự lãng quên, các nhà nghiên cứu thường sử dụng những từ như “xao nhãng, nhầm lẫn, hỏng…”. Mặc những từ này có vẻ nham hiểm và có vẻ chê trách những hạn chế đáng buồn của bộ não con người, các nhà nghiên cứu cũng trấn an chúng ta rằng: “Ai cũng phải quên”; và sự lãng quên thậm chí có thể là chìa khóa của chính trí nhớ – một nhu cầu tâm lý sinh học hơn là một khiếm khuyết về mặt tính cách.
Triết gia Ralph Waldo Emerson có câu: “Tôi không nhớ nổi những cuốn sách đã đọc và cũng chẳng nhớ những bữa đã ăn, dù vậy, chúng vẫn làm nên con người tôi”.
Có lẽ, việc nhớ nội dung một cuốn sách hay không chẳng ảnh hưởng gì đến tác động của cuốn sách lên độc giả. Những cuốn tiểu thuyết ta đọc khiến ta đồng cảm hơn; những câu chuyện xây dựng sự hiểu biết của chúng ta về thế giới; những ý tưởng trong sách tương tác với những ý tưởng mới trong độc giả và từ đó, định hình suy nghĩ và hành động của người đọc.
Ian Crouch gợi ý một cách để cải thiện trí nhớ là đọc lại sách nhiều lần. Độc giả hẳn sẽ đặt ra câu hỏi rằng tại sao phải đọc lại sách trong khi có cả một mớ sách khác ở trên giá chưa được khám phá. Ian Crouch thừa nhận một phần trong ông cũng đặt ra câu hỏi tương tự. Ông cho rằng sự ngần ngại đối với việc đọc lại sách có lẽ xuất phát từ một cảm giác sai lầm khi coi việc đọc sách như một nhiệm vụ chinh phục.
Crouch cho rằng việc đọc nên được thực hiện như việc khám nghiệm tử thi, đọc để tìm hiểu xem cách một cuốn sách vận hành như thế nào. Crouch kết luận: “Đối với một độc giả hay quên như tôi, nhiệm vụ lớn lao và thú vui lớn nhất là đọc đi đọc lại một cuốn tiểu thuyết. Đến một lúc nào đó, tôi sẽ thực sự hiểu cuốn sách”.
You must be logged in to post a comment Login