Cuốn sách bao gồm những truyện ngắn được tác giả viết trong khoảng thời gian từ năm 1924 đến 1932. Tuy là những truyện ngắn nhưng cốt truyện vẫn được phát triển tương đối trọn vẹn.
Người đọc có thể nắm bắt và hình dung bối cảnh để rồi không thể rời mắt khỏi những diễn biến kịch tính, cần sự “động não” nhất định cho đến khi câu chuyện đã kết thúc.
Sách Nhân chứng buộc tội do NXB Trẻ phát hành. Ảnh: T. P. |
Khi nhân chứng buộc tội chồng mình là để… cứu anh ta?
Câu chuyện “lạ lùng” đó sẽ chẳng được tiết lộ nếu ông Mayherne – luật sư bào chữa cho người chồng, anh Leonard Vole, người bị cáo buộc giết chết một bà già lập dị giàu có – không để ý đến những thói quen.
“Thói quen đúng là những thứ lạ lùng. Người ta thường không biết mình có thói quen”.
Trực giác. Báo động đỏ. Về nhà hay không về nhà?
“Một trong ba ông. Nếu tôi là ông ta tôi sẽ không về nhà đâu. Nguy hiểm! Máu!…”
Bà đồng nói với 3 người đàn ông ngồi trước mặt: Một bác sĩ tâm lý và hai người thanh niên là bạn thân từ trong quân ngũ.
Tuy nhiên, “sự tỉnh táo khác thường của người điên” mà vị bác sĩ tâm lý này ám chỉ trước buổi gọi hồn này lại dẫn đến một kết cục hoàn toàn khác.
Trong một toa tàu bốn chỗ ngồi, người đàn ông ở góc thứ tư hóa ra lại là người biết rất rõ quá khứ chưa từng được tiết lộ của một cô gái nổi tiếng nhất nước Pháp vì chứng đa nhân cách.
Lòng tham có thể khiến con người mưu tính đủ đường, thậm chí là giết hại người thân để chiếm đoạt tài sản. S.O.S. và Đài vô tuyến chính là hai câu chuyện đi theo cốt truyện quen thuộc này.
Bí ẩn chiếc bình màu xanh hay Cuộc phiêu lưu của chàng Eastwood, thoạt đầu có vẻ là những vụ án ly kỳ liên quan đến những sự kiện bí ẩn. Tuy nhiên có thể người đọc sẽ bị đánh lừa như chính những nhân vật đã bị rơi trúng bẫy trong câu chuyện của họ vậy.
Nếu độc giả còn nhớ bài đồng dao có phần “rợn người” trong Và rồi chẳng còn ai (tên cũ: Mười người da đen nhỏ), thì lần này một luật sư hình sự cũng đã hát bài đồng sáu xu và vụ án giết người được giải quyết.
Philomel Cottage, ngôi nhà có những chú chim họa mi chỉ hót cho những cặp yêu nhau, nhưng lại có thể là “mồ chôn” của một trong hai người. Yêu nhau và cưới nhau chớp nhoáng, đôi vợ chồng chẳng biết gì về quá khứ của nhau cho đến khi ý đồ “thủ tiêu” đối phương bị phát giác, theo những cách hoàn toàn khác nhau và đầy bất ngờ.
Một thanh tra về hưu phát hiện ra danh tính thật sự của một người phụ nữ mà ông đinh ninh rằng bà ta đang có ý định sát hại chồng mình. Tuy nhiên, “kẻ sát nhân hiếm khi bằng lòng với một vụ án”, và một tai nạn chết người đã xảy ra.
Tiếng cồng thứ hai là truyện ngắn duy nhất có sự xuất hiện của nhân vật thám tử “người nhỏ thó, đầu giống quả trứng, ria mép điệu đà” Hercule Poirot.
Ông phải đối mặt với một vụ án giết người trong phòng kín, mà trước đó được kết luận là tự tử, với phương tiện gây án là một khẩu súng. Một motif khá quen thuộc với các độc giả trinh thám, nhưng những cú twist vẫn sẽ chờ đợi để khiến người đọc phải trầm trồ.
Hình ảnh trong phim chuyển thể Nhân chứng buộc tội. Ảnh: kplus. |
Sáng tạo với truyện ngắn trinh thám
Dù là những truyện ngắn, Agatha Christie vẫn chứng tỏ bà là bậc thầy trong việc thách thức những giả định và kỳ vọng của người đọc trong khi đi qua từng vụ án.
Tuy có nhiều vụ án đi đến kết thúc một cách khá chóng vánh, có thể khiến người đọc “chưng hửng” nhưng đó cũng chính là yếu tố thử thách tư duy và đem đến những trải nghiệm trinh thám mới lạ. Bên cạnh đó, những kết thúc mở chắc chắn sẽ để lại nhiều dư âm và sự phấn khích.
Thậm chí khi đã hoàn thành những dòng văn cuối cùng, người đọc vẫn sẽ tự hỏi: Liệu ai mới thực sự là người có tội? Tập truyện là một cuốn sách đáng để thử đối với những độc giả vốn lâu nay chỉ biết hoặc đã quá quen với những tiểu thuyết trinh thám dài hơi.
Đáng chú ý, truyện ngắn Nhân chứng buộc tội đã có nhiều phiên bản chuyển thể thành phim truyền hình, phim điện ảnh và kịch từ năm 1949. Trong đó, phim điện ảnh cùng tên được đạo diễn bởi Billy Wilder và ra mắt năm 1957 nhận được nhiều phản hồi tích cực nhất và các đề cử giải thưởng lớn.