Tôi có một người bạn là ngôi sao. Ngôi sao này đã có chút tuổi tác, lúc nào cũng vô tư lự, đúng kiểu tác phong bà thím.
Đến thói quen dạo phố của chị cũng rất bà thím, thực sự là tôi không thể nào hiểu nổi. Khi đã ưng mắt thứ gì, một cái cốc hay một cái nồi, dù sản phẩm đang bày trên giá cao ba mét, bà chị cũng phải tìm mọi cách với đến sờ tận tay cho bằng được.
“Sờ mó chúng nó là để kéo dài thời gian, cho ham muốn nguội bớt để suy nghĩ xem rốt cuộc có nên mua hay không, rồi mặc cả thế nào”.
Muốn kéo dài thêm vài giây, để những thứ đang nóng được nguội bớt, chỉ cần hình thành được thói quen “sờ tận tay” kiểu này là thực hiện được ngay.
Rất nhiều người tính khí nóng nảy muốn sửa thói hổ lửa của mình, có một vài lời khuyên dành cho họ, chẳng hạn như khi cảm thấy cơn giận sắp sửa bùng nổ thì hãy đếm số, “một, hai, ba, bốn…”
Học cách “sờ cái đã” để làm nguội bớt cơn giận dữ của mình. Ảnh: Tracy J. Lee. |
Nếu bạn cũng muốn xây dựng thói quen “sờ cái đã”, có thể thử bắt tay vào luyện tập ngay lúc này.
Hãy nghĩ tới một người mà bạn ghét cay ghét đắng, liệt kê ra ba vấn đề khiến bạn ghét nhất ở họ. Không cần mô tả chi tiết tình trạng, mà chỉ cần liệt kê một cách trung dung về ba nét tính cách của họ thôi.
Ví dụ, không cần kể lể người đó “ăn mặc quê một cục”, mà hãy liệt kê là “không có khái niệm về xấu đẹp”; không cần nói rõ người đó “rất hôi”, mà hãy liệt kê là “không chú ý vệ sinh”; không cần chỉ ra người đó “làm việc lười biếng”, mà hãy liệt kê là “thiếu trách nhiệm”.
Sau khi đã liệt kê ra ba vấn đề ở họ, hãy xem thử ba vấn đề đó có liên quan tới bạn không? Nếu không liên quan, hãy bỏ qua, chỉ quan tâm tới những vấn đề có dính dáng đến mình.
Chẳng hạn như con người đáng ghét ấy “thiếu trách nhiệm”, báo hại bạn luôn phải “giơ đầu chịu báng” hoặc “thu dọn tàn cuộc” cho họ, vậy thì vấn đề của họ có liên quan mật thiết với bạn.
Động tác này chính là “sờ cái đã”, sau khi đã “sờ” xong rồi, có thể bạn vẫn ghét người đó, nhưng đã có thêm một tầng thông tin.
Bạn sẽ nhận thức được rõ hơn về nguyên nhân của sự ghét bỏ, chứ không còn là ghét một cách chung chung như trước nữa, cũng không còn tình trạng “tôi ghét hắn không thể tả”, mà đã trở thành “ghét có thể tả”!
Từ trạng thái sơ sinh không thể nói ra, chuyển sang trạng thái trưởng thành có thể nói ra, bạn đã trở thành một người tương đối bình tĩnh, cũng tương đối lí trí. Cảm tính của bạn sẽ có lí trí làm chỗ dựa.
Lần sau, khi người kia lại làm bạn nổi giận nữa, bạn đã hiểu được nguyên nhân khiến mình tức giận. Như vậy là bạn đã nhận biết được cơn giận của mình, và bước tiếp theo mới biết được làm thế nào để xử lí cơn giận, chứ không còn là nổi khùng hoặc nhẫn nhịn một cách mù mờ, làm tổn thương đến chính mình.
You must be logged in to post a comment Login