Hayashi Fumiko là một trong những nhà văn tài hoa của văn chương Nhật Bản hiện đại. Những tác phẩm nổi tiếng của bà có thể kể đến tiểu thuyết Những ngày phiêu bạt (1927), tập truyện ngắn Phố tuyết và không thể thiếu Phù vân (1951).
Cuốn sách được hoàn thành chỉ hai tháng trước khi bà qua đời vì bệnh tim, để lại sự tiếc nuối khôn nguôi trong lòng độc giả vì áng văn chương đi sâu vào đời sống khổ cực của người dân Nhật Bản thời hậu chiến.
Tiểu thuyết Phù vân của nhà văn Nhật Bản Hayashi Fumiko. Ảnh: Hạnh Nguyễn. |
Hai con người vô định bỗng tìm thấy nhau
Bối cảnh câu chuyện diễn ra ở Đà Lạt mộng mơ, kể về Tomioka và Yukiko, hai con người bị số phận đưa đẩy đến Đông Dương làm việc. Chàng kỹ sư trẻ Tomioka đã lập gia đình nhưng vẫn rơi vào lưới tình với cô đồng nghiệp xinh xắn Yukiko. Thời cuộc đang hỗn loạn ngoài kia như dừng lại ngoài rừng thông, chỉ có đôi tình nhân say sưa trong mật ngọt với nhau.
Thế chiến II kết thúc, Nhật Bản thua trận rút khỏi Đông Dương, buộc đôi tình nhân phải trở về cố quốc. Nước Nhật đón họ về trong khung cảnh hoang tàn đổ nát, ngổn ngang những âu lo của một quốc gia thua trận. Tomioka vẫn phải tiếp tục mưu sinh trong khi Yukiko đắm chìm trong hoài niệm.
Cuộc sống của người Nhật sau chiến tranh phải đối mặt với con số bồi thường chiến phí khổng lồ, thất nghiệp triền miên, kinh tế suy thoái. Tomioka vốn là một con người học thức nay buộc phải bán nhà để lấy tiền kinh doanh gỗ cùng vài người bạn còn Yukiko không nơi nương tựa, phải ăn nhờ ở đậu nhà người quen rồi trong cơn túng quẫn đã trộm cắp để sống qua ngày.
Những chấn thương tâm lý mà họ phải trải qua cũng chính là vết thương mà người dân Nhật Bản phải gánh chịu. Họ trải qua muôn trùng khổ sở trở về cố hương, nhưng nước Nhật đã không còn là “nhà” của họ nữa.
Những tưởng rằng giữa nốt trầm cuộc sống như vậy, tình yêu sẽ xoa dịu hai con người khốn khổ nhưng không, Yukiko tự trói buộc mình vào lời hứa của Tomioka sẽ li hôn và cưới cô bất chấp không ít lần Tomioka khiến nàng phải tuyệt vọng cùng quẫn.
Khi tình yêu biến thành liều thuốc độc
Thay vì an ủi, họ chì chiết nhau, dày vò nhau hết lần này đến lần khác. Tomioka lộ rõ bộ mặt lạnh lùng và ích kỉ. Anh mặc kệ người vợ kết tóc Kuniko của mình cô độc trong bệnh tật ở quê nhà, gián tiếp đẩy vợ của ông chủ quán rượu, Seiko vào chỗ chết còn chồng cô phải sống trong tù tội.
Nhà văn Nhật Bản Hayashi Fumiko là một người yêu vẻ đẹp truyền thống. Ảnh: Mubi. |
Rượu chè hay những mối tình thoáng qua chỉ như lối giải thoát tạm thời cho Tomioka nhưng càng sa đà thì anh càng bế tắc. Đã có lúc anh muốn đặt dấu chấm hết cho cuộc đời của mình nhưng sự hèn nhát đã ngăn cản anh.
Cái nghèo đeo bám anh đến mức Tomioka không có nổi tiền để lo hậu sự cho vợ, phải mặt dày đến vay mượn Yukiko. Lúc này, Yukiko đang có một công việc ổn định ở giáo hội Ohinata, nhưng mù quáng làm sao nàng vẫn vứt bỏ tất cả, trộm một khoản tiền lớn cho Tomioka và bỏ trốn cùng anh tới Yakushima, một hòn đảo ngoài khơi xa.
Đó cũng chính là ẩn dụ cho việc họ đã không thể hòa nhập với cuộc sống của nước Nhật hiện tại. Và khó khăn nối tiếp khó khăn, cuộc đời họ cứ thế đan cài vào nhau đầy nghiệt ngã.
Xuyên suốt cuốn sách, không một nhân vật nào hạnh phúc ngoại trừ Tomioka và Yukiko trong những phút giây hồi tưởng về cuộc sống của họ ở Đà Lạt. Hình ảnh đôi tình nhân trong căn phòng nhếch nhác, đắm chìm trong men rượu và hy vọng được trở lại Đà Lạt khiến độc giả như cảm nhận được nỗi tuyệt vọng bủa vây và nhấn chìm họ.
Thực tại tàn khốc chẳng có gì đáng mong chờ, họ chấp nhận chút an ủi từ cơn say trong chốc lát để rồi Yukiko vẫn tiếp tục mơ về một thiên đường đã mất còn Tomioka quẩn quanh mưu sinh, anh lúc này đây không còn một người tri kỉ, như áng mây trôi lãng đãng không mục đích.
Cuốn sách là một thế giới nội tâm ảm đạm của cả Yukiko lẫn Tomioka hay đại diện cho cả tầng lớp tri thức Nhật Bản. Không có cao trào hay điểm nhấn, Fumiko chỉ đưa độc giả dõi theo cuộc đời của hai người họ, mối nghiệt duyên từ lúc Yukiko cố tình xin đến Đông Dương, rồi trở về Tokyo trong hoang tàn đổ nát, đến những lần ái ân chóng vánh, những cuộc cãi vã, những ngày tháng xa cách và cuối cùng là kết thúc.
Tác giả không cố gắng tô vẽ nước Nhật sau chiến tranh như một nơi đầy hi vọng và vinh quang. Câu chuyện chính là hiện thực, những người sống trong câu chuyện ấy, cũng chẳng biết sẽ đi về đâu.
Nguồn: https://znews.vn/ve-dep-cua-da-lat-trong-mat-nha-van-nhat-post1446970.html
You must be logged in to post a comment Login