Mantel đã thuật lại rất chi tiết những năm tháng ấu thơ trong cuốn hồi ký xuất bản năm 2003 có tiêu đề Giving up the Ghost (Từ bỏ bóng ma). Một ngày, tình nhân của mẹ bà về nhà uống trà và cứ thế không chịu rời đi. Cha bà đau khổ nhưng lặng lẽ chấp nhận dời sang phòng ngủ khác còn trống. Trong giai đoạn thời niên thiếu, bà còn phải gánh chịu nỗi buồn vì cơ thể bị chứng bệnh lạc nội mạc tử cung hành hạ.
Hình dung sức nặng cuộc đời ở tuổi đã chín
Nhà văn tin rằng thời ấu thơ của bà gắn liền với những ký ức khó phai của nhân vật Thomas Cromwell trong bộ truyện Lâu đài sói.
Những chuyện đau khổ thời thơ dại cứ treo lơ lửng trước mặt bà như làn sương mờ và bà biết rằng mình cần phải tìm cách thoát ra. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ The New Statesman năm 2021, bà bộc bạch rằng: “Viết về ai đó muốn chạy trốn quá khứ là chuyện nhỏ với tôi. Nhưng sẽ khó khăn hơn rất nhiều nếu tôi viết về ai đó có tuổi thơ hạnh phúc”.
Sách Lâu đài sói. Ảnh: N.N. |
Lâu đài sói – tác phẩm đầu trong bộ ba truyện về Thomas Cromwell – được xuất bản năm 2009 khi Mantel đã 57 tuổi. Bà từng chia sẻ lý do không thể viết tác phẩm này từ sớm hơn: “Tôi phải ở độ tuổi trung niên thì mới có thể hình dung được sức nặng cuộc đời tác động lên bản thân như thế nào. Có những thứ tưởng như từng rất quan trọng bỗng lùi về hậu cảnh, và ngược lại. Một số thứ đột nhiên nổi bật sắc nét: những câu từ bạn không bao giờ quên, hướng tia sáng đổ bóng xuống phòng”.
Đối với Mantel, quá khứ không chỉ đơn thuần là chuyện đã qua. Bà cho rằng điều khó khăn chính là tìm cách phát triển bản thân ở những nơi cho phép người ta được quyền lựa chọn, và sau đó hãy cố gắng thi hành quyền tự do này một cách thực tế và dũng cảm.
Bà chia sẻ: “Phần lớn chúng ta không thấu hiểu điều này khi chưa đến tuổi trung niên, đôi lúc ta phải trả giá mới hiểu được. Gần đây, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về việc tự do có ý nghĩa như thế nào trong cuộc đời một cá nhân”.
Mantel hiếm khi đọc lại sách mình đã viết, nhưng có lần bà cầm quyển hồi ký lên đọc lại. Bà cho rằng mình sẽ không viết khác đi, nhưng nữ nhà văn nhận thức được cuốn hồi ký đang bị thiếu mất điều gì.
“Mấy nhà xuất bản ở Mỹ cứ muốn tôi viết về những năm tháng ấu thơ, nhưng tôi bảo với họ rằng tôi không thể, tôi chưa sẵn sàng. Phải đến độ tuổi 50 tôi mới viết Giving up the Ghost, nhưng cả khi đó tôi vẫn không chắc rằng mình đã đủ điềm tĩnh đối diện với chất liệu đó chưa, thậm chí bây giờ tôi cũng không nghĩ là mình đã sẵn sàng. Tôi không biết mình có đủ khoảng cách về thời gian hay chưa”, tác giả Lâu đài sói chia sẻ.
Không rõ đến thời điểm ra đi, Hilary Mantel có từ bỏ được bóng ma trong lòng mình hay không nhưng mẹ bà thì đã lìa trần năm 2017, giã từ cuộc đời và giã từ bà.
Vào năm 2021, bà chia sẻ mẹ mình là người có tài và bà thừa hưởng tài năng của mẹ. “Tôi nghĩ rằng vẫn còn nhiều ký ức nữa mà khi nào tinh thần đủ vững vàng, tôi sẽ lại tiếp tục viết nhật ký. Nhưng… tôi thực sự phải rất cố gắng đấu tranh để tha thứ. Mọi người nói rằng tôi nên tha thứ nhưng tôi nghĩ tại sao phải tha thứ? Làm sao bạn có thể tha thứ khi ai đó chưa nói lời xin lỗi? Ở đây, tôi đang muốn nói đến cha dượng của mình”, Mantel trải lòng.
Bóng ma trong lòng Mantel và cách bà vượt qua nỗi đau
Quay lại câu chuyện thời ấu thơ của Mantel, sau một thời gian thì cha dượng và mẹ bà đã dọn khỏi nhà, dẫn Mantel đi cùng để rồi từ đó, bà không bao giờ gặp lại cha mình nữa.
Bà cảm giác rằng mọi thứ bà làm đều có thể khiến cha dượng tức giận. Nhà văn từng miêu tả rằng sự căng thẳng này luôn lơ lửng trong không khí, giống như một “hơi thở tĩnh lặng” giữa tia chớp và sấm sét.
Bà nói: “Một mặt, tôi có thể hiểu và đồng cảm với ông, nhưng đồng thời tôi cũng cảm giác rằng có những tình huống mà người lớn được nắm toàn quyền còn trẻ con thì không. Thời niên thiếu của tôi cực kỳ khổ sở… Tôi cứ mòn mỏi đếm ngày mình có thể thoát ra khỏi nhà. Vấn đề là nhà luôn ở bên trong bạn. Thật là một nơi quá đỗi quyền năng mà ta khó có thể chạy trốn”.
Sách Đến đoạn đầu đài. Ảnh: N.N. |
Chia sẻ về giai đoạn khi mẹ vừa qua đời, Mantel cho biết suốt cuộc đời mình, từ lúc được ba tuổi, bà đã nghĩ rằng mình có trách nhiệm phải làm mẹ hạnh phúc. Sau khi cha dượng qua đời, mẹ bà nói không bao giờ có thể hạnh phúc được nữa dù chỉ là trong một giờ một khắc. Việc đó khiến Mantel ở trong tâm thế mình phải nỗ lực làm việc nhiều hơn để mẹ cảm thấy cuộc sống đỡ khắc nghiệt.
“Tôi hoàn toàn gục ngã trước sự ra đi của bà. Chúng tôi thân thiết lắm. Tôi nói chuyện điện thoại với bà mỗi ngày. Tôi cảm thấy thật khó mà chấp nhận. Khi đó, tôi đang viết The Mirror and the Light (Gương và Ánh sáng). Đời sống của tôi khá đơn độc và khổ hạnh. Mùa đông sau khi bà mất, phần lớn thời gian trong ngày tôi dành ra để viết, còn lại một hai tiếng thì phân loại quần áo, những vật dụng của bà. Bà có nhiều đồ đẹp lắm, tôi đã giặt và ủi lại hết. Tôi nghĩ rằng nếu nói tôi đã bị bà ám thì cũng đúng. Tôi bảo với em trai là ‘Chị cảm thấy được khuây khỏa nhiều lắm khi dùng đồ của mẹ’”.
Lúc còn sống, mẹ Mantel rất tự hào về bà. Tuy nhiên, Mantel chia sẻ thêm: “Bà tự hào nhưng không hiểu về thế giới của tôi, về hào quang mà một tác giả thường nhận được. Bà không thể hiểu tại sao tôi không xuất hiện trên truyền hình phần lớn thời gian. Bà chỉ đọc lướt qua những tiểu thuyết tôi viết”.
Trong sự nghiệp văn chương, danh vọng đến với Mantel khá muộn. Lâu đài sói là cuốn tiểu thuyết thứ mười của bà. Trước đó, bà không có tác phẩm nào nằm trong danh sách bán chạy, không có lượng người hâm mộ hùng hậu; mọi vinh quang đều thuộc về những nhà văn nam đương thời như Martin Amis, William Boyd, Adam Mars-Jones.
Vì thế, cảm thức bất định cũng trải dài trong những trang viết của bà. Khi viết những trang đầu tiên cho Lâu đài sói, bà nhận thức được đó sẽ là tác phẩm đỉnh cao trong văn nghiệp của mình, nhưng đồng thời cũng nghĩ rằng tác phẩm này có thể không thành công khi được xuất bản.
Giải thưởng Man Booker 2009 cho Lâu đài sói và Man Booker 2012 cho phần hai của tác phẩm này là Đến đoạn đầu đài đã ghi nhận xứng đáng những nỗ lực của bà trong văn chương. Và Mantel vẫn luôn miệt mài viết đến tận những ngày cuối đời.
Lúc còn sống, bà chia sẻ rằng mình đang muốn viết một tiểu thuyết có bối cảnh diễn ra ở thế kỷ 18. Đó là tác phẩm mà nhà văn Margaret Atwood bày tỏ rằng tuy bà không biết Hilary Mantel viết gì nhưng bản thân bà sẽ luôn tiếc nuối vì không đọc được. Và có lẽ chúng ta cũng như vậy.
You must be logged in to post a comment Login