Tác phẩm khắc họa Medusa của Caravagio. Ảnh: Wikicommons. |
Tác giả người Pháp Marie-Henri Beyle, được nhiều người biết đến với bút danh Stendhal, là một nhà văn Pháp thế kỷ 19. Ông được biết đến với kĩ năng phân tích nhân vật sắc sảo và là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất của chủ nghĩa hiện thực, điều này được thể hiện rõ nhất qua hai tiểu thuyết nổi tiếng của ông là Đỏ và Đen (Le Rouge et le Noir, 1830) và Tu Viện thành Parma (La Chartreuse de Parme, 1839).
Cảm giác kì lạ phi thường của Stendhal
Stendhal từng làm thư ký của bộ trưởng bộ chiến tranh Pháp trong cuộc chiến tranh Pháp – Italy thời Đệ nhất Đế chế. Những năm trong quân đội, ông làm việc chủ yếu ở Italy và say mê đất nước và con người nơi đây – xứ sở mang lại cho ông nhiều cảm hứng sáng tác.
Sau Hiệp ước Fontainebleau năm 1814, khi các đồng minh đã chấm dứt quyền cai trị của Napoléon và ép nhà vua phải sống lưu vong ở đảo Elba, thì Stendhal đến Italy, định cư ở Milan. Năm 1817 ông có chuyến đi đến Florence, mục đích của chuyến đi này là một chuyến viếng thăm Vương cung thánh đường Santa Croce.
Tranh vẽ nhà văn Stendhal. Ảnh: IMDB. |
Đây là một nhà thờ dòng Phanxicô lớn nhất trên thế giới, nơi đặt lăng mộ của ba danh nhân vĩ đại trong lịch sử nhân loại: nhà triết học Niccolò Machiavelli, điêu khắc gia Michelangelo và nhà thiên văn học Galileo Galilei.
Ba con người vĩ đại đã đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của nghệ thuật và khoa học, nhưng bên cạnh đó, cuộc sống và tư tưởng của họ tác động mạnh mẽ đến chàng trai Stendhal trẻ tuổi, ảnh hưởng đến tư tưởng và nội dung của những cuốn tiểu thuyết mà anh sẽ viết ra sau này. Thế nên khi bước vào Vương cung thánh đường và tiếp cận những ngôi mộ ở bên trong, anh có một cảm giác kỳ lạ phi thường.
Stendhal đã viết lại trải nghiệm này trong Hành trình từ Milan đến Reggio: “Tôi đã có một cảm giác ngây ngất, từ ý tưởng đến Florence, gần hầm mộ của những người đàn ông vĩ đại. Đắm mình trong sự chiêm nghiệm về sự cao siêu… tôi đạt đến điểm mà người ta bắt gặp những cảm giác thiên thượng… Mọi thứ đều nói lên tâm hồn tôi một cách sống động. Tim đập nhanh, ở Berlin họ gọi là ‘thần kinh’. Sự sống dần cạn kiệt. Tôi bước đi với nỗi sợ hãi bị ngã”.
Stendhal không phải là người duy nhất trải qua phản ứng của cơ thể khi chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật. Vào năm 2019, New York Times đã dành hẳn một bài báo để khảo sát các sự cố liên quan đến sức khỏe được báo cáo bởi các bảo tàng lớn của Florence.
Stendhal cũng không phải là người đầu tiên diễn đạt kinh nghiệm của mình thành lời; từ thế kỷ thứ 3, triết gia Cassius Longinus đã mô tả một cảm giác choáng ngợp tương tự khi tiếp xúc với cái đẹp: Sự siêu phàm.
Nhưng dù sao đi nữa, những tán dương của Stendhal về vẻ đẹp của đất nước Italy, các nhà khoa học và các nhà phê bình văn hóa của Italy đã lấy luôn cái tên Stendhal để làm thuật ngữ cho hội chứng choáng ngợp trước vẻ đẹp nơi đây: Hội chứng Stendhal.
Phản ứng của cơ thể khi đối diện vẻ đẹp tuyệt mỹ
Mặc dù nghe có vẻ kỳ lạ, quan điểm nghệ thuật có thể khiến chúng ta bị bệnh về thể chất hoặc tinh thần. Dù vậy, các nhà khoa học vẫn không chắc hội chứng Stendhal này thực sự là gì.
Nhưng cũng có khái quát chung: hội chứng Stendhal được xem là phản ứng của cơ thể (về cả thể chất và tinh thần) khi đối diện với một vẻ đẹp tuyệt mỹ mà không phải đến từ tự nhiên – vẻ đẹp do con người tạo ra, chúng ta gọi nó là nghệ thuật.
Cho đến ngày nay, nhiều nghiên cứu toàn diện nhất về hội chứng Stendhal đã được thực hiện tại đất nước Italy. Vào năm 1989, bệnh viện Santa Maria Nuova ở Florence đã công bố một bản ghi tất cả 106 trường hợp cấp cứu được đưa đến bằng xe cứu thương từ các viện bảo tàng và phòng trưng bày xung quanh thành phố.
Các triệu chứng được báo cáo bao gồm từ mất phương hướng và chóng mặt, hoảng sợ, hoang tưởng, điên loạn, đến tim đập nhanh, ảo giác và quên danh tính. Người ta kết luận đây là một tình trạng tâm thần hiếm gặp do tiếp xúc với các hiện vật nghệ thuật hoặc lịch sử.
Hình ảnh trong phim The Stendhal Syndrome. |
Các nhà nghiên cứu Italy đã nhanh chóng đẩy cách giải thích hội chứng Stendhal theo hướng chủ nghĩa dân tộc. Bệnh viện Santa Maria Nuova đã liệt kê nhiều yếu tố “dễ bị tác động”, “choáng ngợp”, “đi lại căng thẳng”, “tham quan một thành như Florence”, “bị ám ảnh bởi những bóng ma vĩ đại”, “cái chết và viễn cảnh của lịch sử”. Bệnh nhân được khuyên rời khỏi Italy để đôi mắt của họ có thể điều chỉnh lại, thích nghi với sự không hoàn hảo của trần thế.
Dĩ nhiên quan điểm này gây tranh cãi vì bệnh viện cho rằng hội chứng này gắn liền với một địa điểm cụ thể. Chắc chắn nghệ thuật Phục hưng ở Italy không phải là nghệ thuật duy nhất có khả năng gợi lên những phản ứng tâm lý.
Ở Nga, nhà văn Dostoevsky, người đã thốt lên: “cái đẹp cứu rỗi thế giới.” Ông cũng từng chăm chú xem một bức tranh tôn giáo say mê đến nỗi vợ ông lo lắng ông sẽ lên cơn động kinh. Nhiều người hành hương cũng có cảm giác của người mắc hội chứng Stendhal khi họ đến thánh địa tâm linh.
Thành phố Jerusalem cũng từng phải tiếp nhận rất nhiều người mắc các vấn đề y tế không thể giải thích – được gọi là “hội chứng Jerusalem” – tình trạng cũng không khác những bảo tàng lớn nhất của Florence là mấy.
Một giả thuyết khá hợp lý, cho rằng các triệu chứng của hội chứng Stendhal thực sự là kết quả của tình trạng suy kiệt cơ thể. Đi tham quan một hoặc nhiều viện bảo tàng trong một ngày đòi hỏi một lượng lớn năng lượng, đặc biệt là khi bạn mệt mỏi, mất cân bằng hoặc mắc một bệnh lý nào đó thì càng dễ mắc phải hội chứng Stendhal hơn. Xem xét phần đa những bệnh nhân mắc hội chứng này nhập viện ở Florence thì chủ yếu là khách du lịch với lịch trình dày đặc.
Ngày nay, các nhà thẩm mỹ học và nhà khoa học thần kinh đồng ý rằng hội chứng Stendhal – không chỉ giới hạn ở vùng trung tâm của Italy, mà đấy thực sự là một trải nghiệm do khả năng đánh giá vẻ đẹp của chúng ta mang lại. Mặc dù đối tượng của cái đẹp có thể thay đổi từ người này sang người khác, sự kinh ngạc và cảm giác hồi hộp của một người say mê cái đẹp thì không có gì thay đổi.
You must be logged in to post a comment Login