“Tết ngồi nhà cho con cháu lì xì như bà, mới sướng”, cô nói, rồi nhìn đồng hồ điện tử chỗ sảnh chờ, nói “Thôi tui cúp máy à, sắp tới giờ bay”.
Nhưng giờ bay bị báo hoãn lại lần thứ hai. Sân bay quá tải trước một cuộc di cư khổng lồ. Tết mà, người người xôn xao “Về… về”. Hãng bay về hình như mới mở, hãng mà cô là mối ruột không có giờ bay như cô mong muốn.
Cô tò mò không biết máy bay của hãng này ra sao, bởi vì giá thành rẻ hơn, vé thương gia ở hãng này chỉ bằng vé phổ thông ở hãng kia, nhưng cô vẫn mua vé ở hạng phổ thông, không phải vì tiết kiệm tiền, mà ở khoang thương gia thường ít người, rủi mình đột quỵ hay đau tim gì thì người ta đâu có kịp giúp.
Giờ bay hoãn, khách trong sảnh chờ nhốn nháo gọi người thân báo lại giờ đến, chỉ cô tỉnh bơ ngồi đọc bản nhạc. “Khỏe re, không ai chờ mình ở đầu bên kia”, cô nghĩ. Nếu mà mình có con thì phải gọi tụi nó, rồi tụi nó cằn nhằn đi show chi hoài để tụi con nuôi, đi chi mà nửa đêm phải mở cửa đi đón.
Cô không có ai đón rước, càng đi nhiều chiếc va li càng nhẹ, nhấc lên mất chưa tới phân nửa một hơi thở. Cô đã nhận ra hành lý nhiều chỉ có tốn sức, từ năm bộ quần áo bây giờ cô bỏ ra hết ba bộ, bỏ luôn chiếc máy sấy tóc và nhiều thứ linh tinh ra khỏi va li.
Hành trang giờ chỉ còn những thứ thật sự cần thiết: tờ giấy ghi lịch trình, hộ chiếu, ít quần áo, đôi giày, vài viên thuốc cảm, son phấn, nước hoa. Vì ở đâu, khi thuê một khách sạn giá rẻ họ cũng đã chuẩn bị đầy đủ cho mình hết rồi: khăn tắm, lược, sữa tắm, dầu gội…
Cô về già sống trên máy bay nhiều, nếu đi show ba ngày thì hai ngày đã ở trên máy bay. Bây giờ người cô ám mùi máy bay, khó cắt nghĩa nó là mùi gì, nhựa, mùi người, hay thức ăn, nhiên liệu cháy. Có khi chưa về tới nhà thì người ta lại điện, lại nhắn mời đi nữa. Có lúc vừa mới xuống sân bay, chỉ kịp rửa mặt rồi lại lên một chiếc máy bay khác, chân tê như là máu hết đường chảy tới lui.
Nào giờ đi máy bay cô chỉ chợp mắt được một chút, nên những chuyến nối chuyến như vậy khiến mắt cô thâm quầng.
Vào những ngày gần Tết như thế này, mọi thứ càng vội vã hơn. Có nhiều người nói cô sao mà tô phấn đậm quá, chẳng qua tại mất ngủ, nên phải tô sao cho nó che đi quầng đêm quanh mắt, có mấy lúc cô thở mà cảm giác như hít bột phấn vào phổi.
Nói gì thì mùa này cũng đỡ, tất cả những địa điểm mà cô đi, đều đang là đầu xuân, nhiệt độ không quá chênh lệch. Có lần, cô đang ở mùa đông Bắc Mỹ, bay về Việt Nam gặp nắng nóng rực. Cái sự lệch giờ lệch nhiệt độ muốn đánh gục cô.
Lần rồi người ta thuê cho cô sẵn một bộ áo dài, màu đen, với những bông hoa ở dưới mép áo. Cô cảm giác nó chỉ dùng mặc trong nửa tiếng đồng hồ, chứ mặc trên hai ba tiếng thì ngứa ngáy, những sợi chỉ lởm chởm cà vào khắp thân thể.
Quần mốc, có những vết vàng lác đác trên ống, nhưng áo có thể che lại được. Họ yêu cầu cô hát bài Anh cho em mùa xuân, nhưng cô nói tuổi cô vầy mà hát nhạc kiểu đó thì ta nói mình hơi lố, như cô đang là ba mươi tuổi, rồi cô gợi ý cho họ một bài – Tôi sẽ về – rồi cô hát thử một đoạn cho họ nghe. “Tôi sẽ về khi mùa xuân đem hoa trước ngõ/ Để em gái nhỏ má thơ ngây/ tóc thôi biếng chảy vì đợi chờ”.
Anh bầu cười, cô sửa lời bộn nghen, ông nhạc sĩ chết rồi chắc cũng phải sống lại la trời. Cô nhớ hồi đó mình thuộc từng mặt chữ của bài hát, vậy mà dạo gần đây hát, mỗi đoạn cô lại sai năm sáu từ, hát bài này gần nhất là ba tuần trước, cũng sai y như vậy.
Nhẩm từ năm Kỷ Sửu, năm sinh của mình, cô nói, tính ra mình quên vậy thì cũng đúng, vì bây giờ mình đã hơn bảy mươi rồi mà. Đoạn điệp khúc bài hát đó bây giờ cô lên gần như không nổi, từ giọng riêng biệt của mình, cô lại hát hơi lên, kiểu như đang vói hái trái ở trên cao.
Bởi vậy nên chỉ thu một bài hát thôi cô mất gần một giờ đồng hồ. Cho tới sát giờ ra sân khấu cô mới hoàn thành xong bản ghi âm bài hát Tôi sẽ về.
Giờ show nhạc nào người ta cũng thu trước rồi ra hát nhép, cô muốn hát sống trên sân khấu cũng không được. Với giọng của cô giờ hát trực tiếp là quá phiêu lưu, cậu bầu sô thật thà nói vậy, một sự thật mà cô buộc phải chấp nhận.
Có thể họ mời cô hát không phải vì bây giờ cô vẫn còn hát hay, mà là vì danh tiếng của những bản nhạc thu âm mấy chục năm trước. Hồi thời vàng son, giọng cô trong, ngọt lịm, ai cũng nói giọng đường phèn.
Nhưng thời gian mà, đá còn biến thành nước, nói chi cái giọng hát của cô. Nghe lại giọng mình giữa sân khấu, rồi phát hiện ra nhiều lỗi, từ hát sai lời đến sai âm. Âm cao nhất giữa đoạn điệp khúc cô lại hát ngang với những âm khác.
Trật nhịp ở câu cuối bài hay đoạn ngâm thơ quá dài khiến chính cô cũng chán nản, nói gì tới khán giả. Họ sẽ nhận ra mình hát nhép thôi, cô nghĩ vậy khi cúi chào, chợt nhận ra tay vẫn giữ củ mic ở bụng từ đầu bài hát đến giờ.
Tới nâng micro lên miệng mà còn quên, vậy mà giọng mình vẫn oang oang mới nhục chớ, cô nghĩ vậy, xấu hổ quá chừng. Nhưng khán giả chừng như bỏ qua, Tết mà, mọi thứ đều xí xóa được hết.
Lúc về khách sạn, cô nghĩ tới chuyến bay ngày mai, tự dưng thấy mệt rụng rời. Hành lang tầng năm được chiếu sáng bởi nhiều đèn vuông treo trên nóc, khung nhựa của chúng sờn, xác thiêu thân bám một nửa ánh đèn, căn phòng thứ sáu bên tay phải là phòng của cô.
Phòng ngộp hơi, bức tranh vẽ đàn ngựa coi dũng mãnh nhưng mặt mày phờ phạc, cái tủ lạnh nằm sát góc phòng bên trong đó chứa mấy chai nước lọc và ít lon bia, nhưng nguội vì người ta không cắm điện.
Có mấy tờ tạp chí thời trang, và một số tờ báo cũ nằm trên chiếc tủ kế bên giường ngủ, bên dưới trang bìa nhàu nát là một bài báo nói về cô. Tấm hình trong bài viết cô đã để lạc mất, là tấm hình gần 50 năm trước cô chụp ở một hiệu ảnh lừng danh Sài Gòn.
Ông chủ tiệm đứng trước một cái máy ảnh bự lắm, không giống như những chiếc máy nhỏ, nằm trong lòng bàn tay như bây giờ.
Cô nghe phòng bên nói chuyện, những con chữ họ phát ra có thể chất thành núi. Phòng cách âm không tốt, cô không ngủ được, những con muỗi vo ve ở lỗ tai cô, chúng thay nhau làm đêm dài ra cùng với những cơn dập dềnh, lâng lâng bởi đi máy bay quá nhiều.
Nằm đếm những chiếc xe chạy qua lại dưới đường cũng chán, cô kéo va li xuống nhà, gọi xe ra sân bay. Chờ ở đâu cũng vậy, ra sân bay cho có hơi người.
Những ngày cuối tháng Chạp sân bay đông nghẹt người, người ta mang theo những háo hức về quê nhà. Nhìn sân bay tươi hẳn lên. Họ trang trí trên tường vách những mai những đào, mâm cỗ đầy bánh trái. Người nào cũng có vẻ vội, cô nhớ má mình hồi còn sống hay nói bây gấp gì mà như gấp Tết.
Họ thông báo chuyến bay của cô đổi cửa ra, một đám người lại rùng rùng di chuyển. Tiếng í ới hỏi nhau còn quên hành lý gì không, tiếng trẻ con khóc ré, mẹ nó dỗ dành Tết nhất vui mà sao khóc chi.
Trong lúc đứng xếp hàng chờ ra cửa, cô quay lại nhìn phía sau, thấy một ông chung chuyến bay với mình, khắp người, chỗ nào không có quần áo với vòng vàng che thì đều là những hình xăm trổ. Giọng oang oang, thằng chả còn chửi thề qua cái điện thoại bự chảng nữa. Chắc dân cho vay nặng lãi gì đây, cầu trời cho cô đừng ngồi kế chả.
Cầu được ước thấy, cô ngồi kẹp giữa hai khách da trắng. Họ không biết cô là ai, dĩ nhiên rồi. Tới người Việt giờ còn không nhận ra bà già này chính là cô ca sĩ khét tiếng hồi xưa. Lâu rồi cô không cần đội nón sụp mặt, cứ ngồi phơi ra ở phi trường không ai tới để xin phép chụp một tấm hình. Ờ, chuyện được người hâm mộ nhận ra rồi xin chụp hình lần cuối cũng phải năm năm trước, chừng như ở sân bay Changi thì phải.
Dừng nối chuyến ở Tokyo, cô vào nhà vệ sinh rửa mặt rồi ra ngồi chờ đến khi máy bay cất cánh, mười hai giờ đêm nhưng ở đây vẫn tấp nập. Phải bây giờ còn sáng thì mình ngắm cảnh chơi chơi, cô nói thầm như vậy, nhưng dù có sáng đi chăng nữa cô cũng không có sức để mà nhìn.
Bây giờ cô mới nhận ra, người Nhật khác các quốc gia châu Á khác, họ ăn Tết cổ truyền vào ngày dương lịch. Vậy nên Tết Nguyên đán ở đây không có trang hoàng gì khác, vẫn như ngày thường.
Cô thấy điện thoại mình có một cuộc gọi nhỡ sau khi tắt chế độ máy bay, cô gọi lại cho số đó.
“Cô ơi! Lúc này cô có rảnh không?”, đầu dây bên kia gấp gáp hỏi luôn sau khi bắt máy. Chắc gọi quốc tế sợ tốn tiền. “Cô rảnh”. Nói, mà sực nhớ vừa nãy mình tính đi hát chuyến này nữa thôi, nghỉ ngơi vài ba tháng để lại sức, ở trên đất để lấy hơi đất, bớt ở trên trời.
“Vậy ngày mốt cô bay qua bên chỗ của con, Melbourne, hát ha”.
Cô nhìn lại vào cuốn sổ ghi lịch trình, thấy ngày đó cũng còn trống, nói ờ để cô qua. Biết chừng nào mình mới biết từ chối người ta, cô thở dài. Cô muốn nghỉ ngơi, nhưng nằm không trong căn nhà trống trải vắng hơi người cũng làm cô ngại.
Cô không kịp hỏi thêm là lúc đó có phải hát nhạc Tết nữa không, những bài hát tưng bừng, đoàn viên, sum họp, với pháo, mai vàng, và giao thừa rộn rã. Những bài hát mà lúc cô hát, cô quên mình sẽ ăn giao thừa trên chuyến bay nào đó, một mình.
Ờ, thì đúng chuyến bay này đây, khi cô vượt Thái Bình Dương, thì ở Sài Gòn pháo hoa sẽ nhuộm trời. Ý nghĩ đó làm cô nhóng người lên kiếm người đàn ông xăm trổ, ước gì anh ta ngồi cạnh mình. Ồn ào cũng được, tục tằn cũng được, thậm chí chửi thề cũng được. Nhưng là tiếng Việt, tiếng quê hương.