Connect with us

Xuất Bản

Thời mua được sách quý như vàng

Được phát hành

,

Sau lần cho ông bạn mượn cuốn sách không trả, tôi thấy hối hận vì đã quá cả nể. Ít bữa sau tôi viết vào miếng bìa gắn lên tủ sách: “Tủ sách gia đình, xin miễn hỏi mượn”.

Sach truyen cu anh 1

Con đường sách nổi tiếng một thời.

1. Chuyện là thế này, lúc đó quãng năm 1973-1974, cuốn tiểu thuyết Đỏ và Đen của nhà văn Pháp Stendhai vừa được in ở Việt Nam. Mới hay tin phát hành, tôi đến nhà cô bạn bán sách quốc văn trên phố Tràng Tiền nhờ mua hộ cho 2 cuốn. Cô bạn chưa dám nhận lời, nhưng vẫn cho tôi hy vọng bằng câu nói nước đôi: “Em sẽ cố gắng”.

Cô Phi Long là em gái người bạn thân của tôi – thầy giáo Lê Kế. Ngày ấy cái tên Phi Long bán sách Tràng Tiền nổi lên như một hiện tượng. Cô gái có cái tên “rất Hong Kong” duyên dáng không thua kém hoa hậu, thế nên ngày nào quầy sách của cô cũng có vài chàng trai Hà thành lượn lờ, ngó nghiêng giá sách, nhưng kỳ thực chỉ để ngắm vẻ đẹp kiêu sa của cô.

Ít ngày sau thì tôi nhận được tin nhắn từ cô: “Anh lên quầy nhận truyện”. Tôi mừng khôn xiết, sáng sớm hôm sau đã có mặt ở quầy sách Tràng Tiền rất sớm. Để tránh con mắt để ý của cô nhân viên quầy sách thiếu nhi bên cạnh, tôi vờ chỉ trỏ nhờ Phi Long lấy cho xem vài đầu sách rồi trả lại. Đợi tới khi không ai nhìn, Phi Long mới chuyển cho tôi một bọc giấy thật nhanh, bên trong là 2 tập tiểu thuyết Đỏ và Đen. Đúng là đi mua sách mà như buôn bạc giả.

Advertisement

Cuốn tiểu thuyết rất dày, bìa in 2 màu với nền đỏ chữ đen. Tôi đọc ngấu nghiến từ sáng đến tối, chỉ vài ngày là hết. Có lần đến chơi nhà một người bạn cùng hội “mọt sách”, tôi khoe đã có Đỏ và Đen khiến anh ta tròn mắt kinh ngạc. Cũng cần nói thêm rằng, bộ tiểu thuyết vừa mới xuất bản một thời gian thì bị cấm phát hành, do đó lại càng hiếm, độc giả càng tò mò và hiếu kỳ. Do là bạn thân, lại cùng hội sưu tầm sách, thấy anh bạn khao khát quá, tôi không thể chối từ khi anh hỏi mượn bộ sách quý.

Thời kỳ này chiến tranh chống Mỹ, không quân Mỹ đưa B52 ra đánh phá miền Bắc rất ác liệt, dân Hà Nội phải đi sơ tán triệt để. Ngay sau khi mượn sách thì cơ quan anh bạn tôi cũng phải chuyển lên Xuân Hòa, Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phú). Đã mấy tuần anh không về nhà do cầu phà bị ách tắc, tôi thì cứ sốt hết cả ruột với 2 cuốn truyện.

Cực chẳng đã, vào một ngày chủ nhật nọ, tôi đạp xe đến cơ quan anh ở tận Xuân Hòa để lấy sách. Trông thấy tôi mồ hôi mồ kê nhễ nhại giữa cái nắng tháng 5, mặt khó đăm đăm, anh bạn cười cầu hòa: “Tớ xin lỗi, mấy tuần nay không về được vì cầu phà bị đánh phá ghê quá”. Nói đoạn, anh kéo tôi vào khu ký túc xá pha cho cốc sirô giải khát. Lúc này, tôi đã hạ hỏa và vào đề luôn: “Cho tớ xin 2 cuốn sách rồi tớ về luôn kẻo cầu phao cấm đường”.

Anh khẩn khoản giữ lại ăn cơm, nhưng tôi nhất định chối từ, điệu bộ nhấp nhổm với chiếc mũ cối đội lên đầu rồi giục anh lấy sách. “Chờ tớ chút xíu nhé” – nói xong anh xuống cầu thang rồi chạy sang khu nhà bên cạnh. Hơn nửa giờ đồng hồ vẫn không thấy bóng dáng ông bạn về, ruột tôi nóng như lửa đốt.

Lúc này mây đen đã kéo kìn kìn, trời nổi sấm chớp báo hiệu một trận mưa rào đầu mùa. Tôi đoán anh lại cho người khác mượn, giờ mới đi đòi. Cuốn sách sau cũng được bọc kỹ trao lại cho tôi, anh nở nụ cười cầu hòa còn tôi khó chịu ra mặt. Trên đường về tôi lẩm bẩm, từ nay xin cạch đến già.

Advertisement

2. Sau năm 1975, đã vài lần tôi vào TP.HCM. Người Bắc vào đây chủ yếu tìm kiếm hàng hóa mang ra để dùng hoặc bán kiếm lời, còn tôi lại lang thang tìm mua những cuốn sách cũ in từ năm 1950.

Sach truyen cu anh 2

Bìa cuốn tiểu thuyết Đỏ và Đen của nhà văn Pháp Stendhal.

Trên đường Huỳnh Thúc Kháng, các loại vật tư, thiết bị, đồ dùng đã qua sử dụng của Mỹ, Anh, Pháp… bày bán la liệt trên vỉa hè, nhiều nhất là đồ điện tử. Những cuộn băng cối xếp cao ngang đầu người, băng cassette thì trải trên sạp hàng như bán rau. Tivi, loa đài, đồ gia dụng không thiếu thứ gì.

Ở giữa cái chợ hoa mắt và sung sướng đó còn có cả mấy sạp bán sách chất cao như núi. Đủ loại, cả sách tiếng Anh, Pháp, Hán Nôm… nhiều cuốn in từ những năm 1945-1950 rất quý hiếm, có tìm cả Hà Nội cũng không kiếm được. Sách văn học dịch của các nhà văn nổi tiếng thế giới bày bán ê hề trên vỉa hè với giá rất rẻ. Ôm được một mớ, tôi còn lượn thêm mấy hiệu quốc văn mua được ít sách mới tái bản.

Chị chủ nhà nơi tôi trọ thấy khách khuân về toàn sách đóng thùng, chằng buộc kỹ lưỡng thì ngạc nhiên lắm, bảo: “Chú không mang ít hàng ra bán kiếm lời à?”. Cô con gái chị thì ngây thơ hỏi: “Chú buôn sách à?” Ra tới Hà Nội, ngoài ít bánh kẹo, bộ váy áo trẻ nhỏ, cân đường hoa mai, cân cá khô, còn hành lý của tôi toàn sách là sách. Vợ tôi cằn nhằn: “Mấy khi vào tới Sài Gòn, khi ra anh cũng phải kết hợp mua ít hàng bán kiếm lời gỡ tiền tàu xe. Đằng này toàn khuân sách chất đầy nhà…”.

Mấy chục năm trời, lần hồi tủ sách của tôi đã trên dưới nghìn đầu sách đủ chủng loại, nhưng nhiều nhất vẫn là sách văn học. Để dễ tìm, tôi chia ra từng khoang trên giá như thư viện: Ngăn đựng văn học dịch nước ngoài, ngăn chứa sách văn học trong nước, sách Trung Hoa cổ, sách tham khảo văn hóa, sách thiếu nhi…

Advertisement

Cô con gái lớn lúc đó đang tuổi tiểu học, đọc hết 2 ngăn thiếu nhi gồm những Tuyển tập truyện cổ tích Việt Nam, Nghìn lẻ một đêm, Túp lều Bác Tôm, Cánh buồm đỏ thắm… thì mò lên các ngăn trên nghiến ngấu hết tiểu thuyết trong, ngoài nước.

Một bận trưa đi làm về, mâm cơm trên bàn đã sẵn mà thấy con bé vẫn ôm cuốn sách dày, bực mình quá tôi quát: “Đọc sách no rồi không cần ăn à? Đọc vừa thôi còn tập trung vào học. Cứ mải đọc chỉ có đúp”. Mắng xong nhìn lại thấy bìa sách in chữ Số đỏ, tôi càng điên tiết, cằn nhằn vợ không quản con để đọc sách người lớn. Sau này, cô con gái của tôi đã trở thành một nhà văn, xuất bản nhiều đầu sách, có nhiều độc giả, nghĩ lại chuyện ấy tôi không khỏi ân hận.

Gần đây, tôi có ghé qua chơi nhà cô Phi Long, trong câu chuyện cũng nhắc lại việc nhờ mua 2 cuốn sách cách đây hơn nửa thế kỷ, chúng tôi rôm rả bình luận về cái thời khốn khó ấy, mua sách mà quý như vàng, phải rình rập như đi buôn thuốc phiện.

Phi Long giờ đã lên bà. Vị hôn phu của cô hoa khôi bán sách Hà thành ngày nào cũng rất xứng đôi, anh là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Rất tiếc là anh đã mất cách đây không lâu. Nhẽ thời ấy mà nhà văn yêu được cô bán sách thì còn hơn cả anh sinh viên nghèo được cô mậu dịch viên lấy làm chồng.

Nguồn: https://zingnews.vn/thoi-mua-duoc-sach-quy-nhu-vang-post1415603.html

Advertisement

Tiếp tục đọc
Quảng cáo
Nhấn vào đây để bình luận

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Xuất Bản

‘Khoác áo mới’ cho tác phẩm kinh điển

Được phát hành

,

Bởi

Thời gian gần đây, ngày càng nhiều tác phẩm kinh điển được làm mới và xuất hiện trở lại.

Điều này không chỉ minh chứng cho sức sống trường tồn của các tác phẩm, mà còn cho thấy “tầm nhìn” liên tục đổi mới của các nhà làm sách trong nước.

Các tác phẩm văn học kinh điển luôn là “kho tàng” mà mọi thế hệ từ đó tìm kiếm. Chúng có giá trị trường tồn cùng với thời gian, do vậy xứng đáng được xuất bản với nhiều hình thức khác nhau, để tiếp cận với nhiều đối tượng độc giả hơn, trong đó có cả trẻ em.

Nếu thời gian trước, các ấn phẩm có sự bắt mắt về mặt ngoại hình, cách trình bày… đều mua bản quyền từ các nhà xuất bản nước ngoài như sách tương tác, sách 3D, sách pop-up… thì giờ đây, các nhà xuất bản và công ty sách đã dần tự mình tạo ra những tác phẩm riêng, không còn phụ thuộc vào đối tác nước ngoài.

Advertisement
Tac pham kinh dien anh 1
Tác phẩm Hai vạn dặm dưới biển của nhà văn Jules Verne là một trong những tác phẩm kinh điển vừa được trở lại trong một diện mạo hoàn toàn mới, do các họa sĩ của Việt Nam thực hiện.

Một trong số đó là các cải tiến về mặt hình ảnh, trình bày cũng như sử dụng tranh minh họa. Có thể thấy rằng những tác phẩm như Alice ở xứ sở diệu kỳ, Tiếng gọi từ hoang dã hay Hai vạn dặm dưới biển… từng rất quen thuộc với nhiều thế hệ độc giả, nhưng trong thời 4.0 với sự sao nhãng cũng như ảnh hưởng từ công nghệ, thì việc làm sao để chúng trở nên cuốn hút với thế hệ trẻ cũng được đặt lên hàng đầu.

Nắm bắt được điều này, Đinh Tị Books đã cho ra mắt những cuốn sách trên với phiên bản kèm tranh minh họa cuốn hút và ấn tượng, có cải tiến thêm về mặt chất liệu, như bìa cứng, giúp tăng thêm nữa tuổi thọ sử dụng.

Không chỉ vậy, đơn vị này còn chú trọng sử dụng các hình minh họa được vẽ bởi các họa sĩ Việt Nam. Giờ đây không còn phải mua bản quyền hình ảnh từ các đơn vị nước ngoài, đội ngũ họa sĩ trong nước cũng đủ khả năng để tạo ra các ấn phẩm riêng biệt, độc đáo, có đủ sức cạnh tranh dù là thị trường ở trong hay là ngoài nước.

Đại diện Đinh Tị Books cho biết: “Sách kinh điển là những cuốn sách có giá trị to lớn về một phương diện nào đó và đã chứng minh được giá trị của mình qua thời gian. Cũng bởi vì có giá trị như vậy, sách kinh điển xứng đáng được xuất bản với nhiều hình thức khác nhau để tiếp cận nhiều đối tượng độc giả hơn. Đó là lý do chúng tôi quyết định xuất bản sách kinh điển kèm tranh minh họa”.

Nói về xu hướng này, đại diện đội ngũ họa sĩ của Đinh Tị Books cũng cho rằng khi sáng tác, họ luôn phải dành khá nhiều thời gian để nghiên cứu về bối cảnh, phong tục, văn hóa… mà các tác phẩm ra đời. Từ đó cho ra đời những tác phẩm vừa khớp với nội dung, vừa thể hiện được tinh thần của nguyên tác gốc, lại vừa phù hợp với bối cảnh lịch sử đặc trưng của dòng văn học kinh điển. Là lớp người Việt sáng tạo cho độc giả Việt, họ cố gắng gửi gắm yếu tố Việt Nam sao cho thật phù hợp nhất, mà không ôm đồm hay cố gượng ép.

Một hướng đi khác cũng rất có thể sẽ phát triển thêm trong thời gian tới là dùng các công cụ trí tuệ nhân tạo cũng như thuật toán học máy để tạo ra hình minh họa có phong cách riêng, bằng Mid Journey hoặc các chương trình tương tự. Tuy nhiên, chia sẻ về khía cạnh này, đại diện của Đinh Tị Books cho rằng “cần phải thận trọng vì các tranh cãi về vấn đề bản quyền của một sản phẩm do AI tạo ra còn chưa ngã ngũ. Do đó, tạm thời chúng tôi chưa có dự định sử dụng sản phẩm do AI tạo ra vào trong xuất bản phẩm của mình”.

Advertisement

Từ những điều trên có thể thấy rằng các nhà xuất bản và công ty sách đang rất nỗ lực để tạo ra đời sống mới cho các tác phẩm văn học kinh điển. Đây không chỉ là những sự cố gắng giúp cho tác phẩm đến đúng đối tượng độc giả, mà còn cho thấy giới xuất bản đang nắm bắt rất gần với sự chuyển dịch của trào lưu thế giới.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Từ ngày 21/4, Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Nguồn: https://zingnews.vn/khoac-ao-moi-cho-tac-pham-kinh-dien-post1426801.html

Advertisement

Tiếp tục đọc

Xuất Bản

Sách ‘cộp mác’ người nổi tiếng không hay như tôi nghĩ

Được phát hành

,

Bởi

Hiện nay, một số bạn đọc cho rằng các cuốn sách của người nổi tiếng đang được đánh giá quá cao trong khi nội dung chỉ chung chung, mơ hồ.

sach nguoi noi tieng anh 1

Chân dung cựu Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Reuters.

Đối với nhiều người nổi tiếng như Warren Buffett, Donald Trump, Steve Jobs… hay một số nhà hoạt động xã hội, doanh nhân thành đạt, ngôi sao Hollywood đều có cho mình những cuốn sách riêng.

Nhiều đầu sách hay đã được chuyển ngữ và ra mắt các độc giả tại Việt Nam. Tuy nhiên, một số bạn đọc phản ánh rằng, không phải tất cả sách của người nổi tiếng đều hay, các cuốn sách được gắn mác người nổi tiếng này không hay như những gì họ nghĩ. Nội dung trong sách hời hợt, dấu ấn của người viết thuê khá nhiều trong khi nhân vật chính chỉ có vài dòng.

Không nên đánh giá một cuốn sách qua các “nhãn dán”

Đối với những người nổi tiếng, xuất bản sách không chỉ để chia sẻ câu chuyện cuộc đời mình. Đây là cách để xây dựng thương hiệu cá nhân. Donald Trump từng kết hợp với nhiều tác giả cho ra mắt bộ sách Trump University. CEO của những công ty công nghệ hàng đầu như Steve Jobs, Bill Gates, Elon Musk cũng đã có cuốn tự truyện của riêng mình. Sách cũng là kênh truyền thông đại chúng được hướng đến bởi các ông trùm kinh doanh như Jeff Bezos, Warren Buffett… Vì vậy những đầu sách gắn mác người nổi tiếng ngày càng mở rộng.

Advertisement

Bùi Ngọc Long (23 tuổi, hiện là một nhân viên thẩm định tại Hà Nội) chia sẻ rằng bộ sách của Trump đã được Long mua với giá hơn 400.000 đồng. Long rất kỳ vọng bộ sách này có thể đem đến cho mình những hiểu biết mới, đặc biệt là kinh nghiệm trên thương trường của Donald Trump.

Khi đọc hết cuốn sách Bất động sản căn bản, Long thấy nội dung cuốn sách viết hời hợt. Thậm chí các kiến thức cơ bản về chuyên ngành bất động sản còn không có.

sach nguoi noi tieng anh 2

Bộ sách Trump University.

“Mình mua cuốn sách này vì muốn xem Donald Trump viết những gì. Ai ngờ toàn người khác viết, chỉ có vài dòng là trích lời của Donald Trump nhưng những câu nói đấy cũng chung chung, mơ hồ và thậm chí là sáo rỗng”, Long chia sẻ.

Bạn đọc này cũng cho biết các cuốn sách khác trong bộ Trump University có tiêu đề hay, lôi cuốn nhưng nó chỉ dành cho những ai hoàn toàn không biết bất kỳ một cái gì về chủ đề đưa ra trong sách. Những ai biết rồi hầu như cảm thấy bộ sách không có nhiều tác dụng.

Tình huống này không chỉ xảy ra với Long và bộ sách của Donald Trump, Nguyễn Bảo Ngọc (24 tuổi, trú tại quận 4, TP.HCM) cũng cảm thấy rất thất vọng khi tìm đọc những cuốn sách về đầu tư của doanh nhân Warren Buffett.

Advertisement

Ngọc thấy rằng có những tác giả khác, không nổi tiếng bằng cũng viết hay hơn. Đặc biệt là về lĩnh vực chứng khoán. “Mình đọc hai cuốn sách về đầu tư của Warren Buffett và mình cảm thấy người viết chưa chăm chút cho nội dung. Họ mất cả nửa cuốn sách chỉ để nói về xử lý tài chính cá nhân và một số câu hô hào trong khi không đưa ra tình huống cụ thể nào trên sàn để phân tích”, Bảo Ngọc cho biết.

Không phải cuốn sách nào cũng hay

Theo độc giả Hoàng Anh (một nhân viên ngân hàng tại Hà Nội), nếu ai đó muốn đọc sách của người nổi tiếng, đừng đánh giá toàn bộ nội dung bên trong chỉ qua những tiêu đề, đầu chương mục. Chúng được thiết kế hấp dẫn và nổi bật ngay khi nhận được cái nhìn đầu tiên của người đọc.

Bạn đọc có thể xem trước một số bài review trên mạng, hỏi một số bạn bè để xem họ đánh giá như thế nào về cuốn sách bản thân định mua. Hoàng Anh thường đề cao các cuốn sách kinh doanh, kinh tế được viết bởi học giả trong nước hơn bởi họ đưa ra các lý thuyết rõ ràng và nhận định gần với thực tiễn Việt Nam.

Tuy nhiên, không phải cuốn sách nào “cộp mác” người nổi tiếng cũng đều đáng chán hoặc hoàn toàn là lời văn của người viết thuê.

Lê Minh Anh (23 tuổi, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) đặc biệt ấn tượng với các cuốn tự truyện của một số doanh nhân đến từ xứ sở kim chi. Tiêu biểu là Chung Ju Yung (founder tập đoàn Hyundai) với tác phẩm Không bao giờ là thất bại, tất cả chỉ là thử thách và Lee Kun Hee với cuốn Những lựa chọn và chiến lược kỳ tích của Samsung.

Advertisement
sach nguoi noi tieng anh 3

Cuốn sách Không bao giờ là thất bại, tất cả chỉ là thử thách của Chung Ju Yung. Ảnh: Geta.

“Hai cuốn mình đọc đều kể về câu chuyện của các tập đoàn lớn. Mình không rõ những doanh nhân nổi tiếng này tham gia viết bao nhiêu phần trăm. Nhưng điều cốt lõi là câu chuyện trong đó rất chân thực và có nhiều chi tiết hay. Cuốn sách đưa ra các bài học về thương trường thông qua kinh nghiệm cá nhân. Mình nghĩ nó truyền cảm hứng khá nhiều đến bản thân mình hiện tại”, Minh Anh chia sẻ. Bên cạnh đó, Minh Anh nhận thấy một số cuốn tiểu sử của người nổi tiếng cũng khá thú vị. Chẳng hạn cuốn Những điều tôi biết chắc (Oprah Winfrey), Vàng Anh và Phượng Hoàng (Hoàng Thùy Linh)…

Theo các độc giả chia sẻ, việc chọn sách không nên quá tin tưởng vào những bảng xếp hạng hay độ nổi tiếng của tác giả. Mọi thứ chỉ mang tính chất tương đối để tham khảo. Độc giả nên lựa chọn các kênh thông tin cung cấp rõ ràng nội dung, có những đánh giá một cách khách quan về cuốn sách.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Từ ngày 21/4, Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Advertisement

Nguồn: https://zingnews.vn/sach-cop-mac-nguoi-noi-tieng-khong-hay-nhu-toi-nghi-post1426179.html

Tiếp tục đọc

Xuất Bản

Ý kiến trái chiều về việc ‘phạt’ học sinh đọc sách

Được phát hành

,

Bởi

Nhiều độc giả cho rằng đọc sách là việc cần phải xuất phát từ nhu cầu cá nhân, “phạt” học sinh đọc sách có thể là ý kiến hay nhưng còn nhiều khía cạnh để bàn quanh “hình phạt” này.

phat doc sach anh 1

Học sinh Trường Bùi Thị Xuân bị “phạt” bằng cách đọc sách. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Đọc sách và viết cảm nhận là một “hình phạt” mới đang được áp dụng đối với các em học sinh tại trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TP.HCM). Thay vì viết bản kiểm điểm, lao động công ích… học sinh vi phạm nội quy sẽ lựa chọn một cuốn sách trong bộ Hạt giống tâm hồn để đọc và viết một bài cảm nhận nộp lại cho giáo viên. Người đưa ra hình thức phạt này là ông Huỳnh Thanh Phú, hiệu trưởng nhà trường.

Trước thông tin trên, nhiều ý kiến tranh luận đã nổ ra. Phần đông cho rằng đây là hình phạt nhân văn. Tuy vậy, có người nêu cần phải xem xét thêm các khía cạnh của hình phạt.

Độc giả Quang Minh nêu bình luận: “Biết đâu đây lại là cơ hội để học sinh vi phạm nhiều hơn vì hình phạt này quá lỏng. Nghe có vẻ hay chứ không thiết thực”.

Advertisement

Nhà văn Tống Phước Bảo chia sẻ rằng: “Tôi không thích hình phạt này. Bởi có rất nhiều hình phạt để giáo dục các em, không cứ phải là đọc sách Đắc nhân tâm hay Hạt giống tâm hồn. Có thể giáo dục các em bằng những công việc cộng đồng như làm vệ sinh, nhổ có, thực hiện các việc cộng đồng hướng thiện theo các chương trình của đoàn trường. Sách không phải là lựa chọn duy nhất để giáo dục. Nhất là từ việc đọc đến nhận thức và hành động lại là một quá trình”.

Theo Nguyễn Quốc Vương (tác giả của cuốn Đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam, Đọc sách và con đường gian nan vạn dặm), việc phạt học sinh bằng cách đọc sách là một con dao hai lưỡi. Đặc biệt khi trẻ còn chưa hình thành nhận thức rõ ràng về cả tầm quan trọng của sách lẫn định nghĩa của cụm từ “bị kỷ luật”. Học sinh sau khi bị phạt có thể ghét, có thể yêu sách. Vì vậy biện pháp này nên áp dụng cho người lớn, những công ty, tổ chức, đoàn thể nhằm thúc đẩy văn hóa đọc lan rộng.

Nhiều giả thiết được các độc giả đưa ra. Sau một thời gian hình phạt được áp dụng, thư viện có thể sẽ bị coi là nơi kỷ luật các học sinh mắc lỗi. Nó không còn giữ nguyên tính chất là một không gian đọc.

Với “hình phạt” đọc sách, đọc xong phải viết một bài cảm nhận là các em học sinh đã hoàn thành một công việc và đưa ra được các sản phẩm. Điều này coi như một thành công của nhà trường khi học sinh đã thu hoạch kiến thức từ một cuốn sách. Đó gọi là tỷ lệ đọc thành công, độc giả cho rằng tỷ lệ này không liên quan đến tỷ lệ học sinh sẵn sàng tái phạm mắc lỗi.

Dù vậy, cũng có rất nhiều người yêu sách hưởng ứng việc đổi mới hình phạt này. Họ cho rằng đây là hình thức giáo dục sáng tạo và có ích trong bối cảnh học sinh ngày càng lười đọc.

Advertisement

Hình thức này nên được chỉnh sửa lại là cho đọc các cuốn sách học sinh yêu thích trong thư viện nhà trường chứ không ép buộc các em đọc cuốn nào cụ thể. Nhà trường nên sáng tạo hơn trong việc gửi lại bài cảm nhận trong cuốn sách, học sinh có thể sử dụng các phương tiện hỗ trợ trên mạng để hoàn thành bài viết.

“Hình phạt tiêu cực như gây đau thương sẽ khó mang lại tác dụng khuyến khích con người sửa đổi. Hình phạt mang tính chất cải tạo tư duy thì xã hội này sẽ tốt hơn. Trường THPT Bùi Thị Xuân đã tạo nên chuẩn mực mới trong việc phạt học sinh”, độc giả Lý Đông cho biết.

“Mình thích hình thức ‘phạt’ như này, nó có thể áp dụng được cả trong nhà trường lẫn gia đình”, tài khoản Nguyễn Lan Hương chia sẻ. Một bộ phận lớn người khác cũng đồng tình rằng phạt học sinh đọc sách là một cách làm rất hay, thiết thực bổ ích và nên nhân rộng.

“Nếu nhìn ở góc độ phương pháp giáo dục, phạt đọc sách lại mang tính nhân văn, đọc sách trở thành nhiệm vụ phải làm để chuộc lỗi, để bổ khuyết, khắc phục cho một hay nhiều hành vi vi phạm. Đọc sách làm cho con người ta hoàn thiện hơn, văn học là nhân học, đọc sách để làm người”, độc giả Trần Minh Tuấn chia sẻ.

Hiện hình thức này đã được áp dụng hơn một tháng nay tại trường THPT Bùi Thị Xuân. Trong lần chia sẻ mới đây nhất với Zing, hiệu trường nhà trường, ông Huỳnh Thanh Phú cho biết sẽ tiếp tục kiên trì với sự thay đổi này bởi học sinh và phụ huynh bước đầu có sự hưởng ứng tốt và chấp hành nghiêm chỉnh.

Advertisement

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Từ ngày 21/4, Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Nguồn: https://zingnews.vn/y-kien-trai-chieu-ve-viec-phat-hoc-sinh-doc-sach-post1425962.html

Advertisement
Tiếp tục đọc

Xu hướng