Chỉ cần nhìn vào tập đoàn điện tử Samsung, chúng ta có thể nói rằng Lee Kun Hee là một giám đốc điều hành tài ba bậc nhất trong lịch sử các doanh nghiệp ở Hàn Quốc.
Ông đạt được thành công này là do có những người đã giúp ông hình thành trong đầu tư tưởng của một giám đốc điều hành. Ông đã vận dụng những kiến thức, kinh nghiệm mà những người thầy truyền dạy để nuôi dưỡng tư tưởng ấy.
Ưu điểm của Lee Kun Hee là khả năng suy luận. Đó là khả năng dự đoán được tương lai sẽ thay đổi như thế nào và từ đó tìm ra đối sách. Người lao động Hàn Quốc có khả năng hành động tốt hơn khả năng suy luận, nói đúng hơn là họ hầu như không có khả năng này.
Còn bạn thì sao? Bạn có biết ngành nghề mà mình đang theo đuổi sẽ thay đổi thế nào sau 5, 10 năm nữa không? Nếu bạn không biết thì theo cách nói của Lee Kun Hee, bạn đang thiếu khả năng suy luận một cách nghiêm trọng.
Lee Kun Hee đã bộc bạch rằng khả năng suy luận của ông không phải là khả năng bẩm sinh mà được hình thành trong quá trình ông trải nghiệm cuộc sống.
Ông cho biết thêm ông có được khả năng đó nhờ sự dạy dỗ của người cha -ông Lee Byung Chul. Cha ông đã cố gắng dạy ông trở thành một nhà kinh doanh tài ba nhất của tập đoàn Samsung.
Nhưng điều thú vị là ông Lee Byung Chul đã dạy con bằng cách “không dạy gì cả”. Lee Kun Hee bộc bạch: “Cha tôi hay dẫn tôi đi theo khi ông làm việc. Ông yêu cầu tôi tự làm rất nhiều việc nhưng không hề giải thích cụ thể, nghĩa là ông không hề hướng dẫn kỹ lưỡng cho tôi biết cách làm từng công việc”.
Lee Kun Hee được cho là một trong những người điều hành doanh nghiệp tài ba bậc nhất Hàn Quốc. Ảnh: WeeklySeoul. |
Lee Kun Hee nói rằng lúc đầu do không hiểu phương pháp giáo dục này nên ông đã rất bực bội. Nhưng thời gian trôi qua, ông dần dần có khả năng phát hiện ra các vấn đề và cách giải quyết chúng trong môi trường kinh doanh thực tế, nghĩa là ông đã có được năng lực suy luận.
Năng lực này sau đó phát triển thành khả năng đặc biệt trong kinh doanh, đó là “khả năng hiểu rõ bản chất công việc”. Ông cũng phát hiện ra rằng “Kinh doanh là nhìn thấy được những điều người khác không nhìn thấy”.
Một câu hỏi được đặt ra là tại sao các nhân viên của tập đoàn – những người cũng đang ở trong môi trường kinh doanh và trực tiếp làm rất nhiều việc – lại không thể có được khả năng suy luận hay tư tưởng của một giám đốc điều hành như Lee Kun Hee.
Tôi cho rằng nguyên nhân có lẽ là do họ làm việc mà không suy nghĩ gì cả. Theo cách nói của Lee Kun Hee thì họ làm việc như một cái máy và không biết được bản chất cũng như mục đích của công việc. Vì không hề nghĩ rằng mình cần phải có tư tưởng của ột doanh nhân nên họ không thay đổi gì cả. Nói cách khác, họ đang sống trong một cái vòng luẩn quẩn.
Mẫu người lý tưởng của Lee Kun Hee chính là cha ông. Chỉ cần nghĩ đến cha là ông đã có thêm sức mạnh và động cơ mãnh liệt để trở thành một doanh nhân hàng đầu.
Kết quả, ông đã có thể nhận định mọi vấn đề mà mình gặp phải trong quá trình làm việc bằng cái nhìn của cha, tức cái nhìn của một giám đốc điều hành vào hàng giỏi nhất Hàn Quốc.
Điều này không phải chỉ diễn ra một vài lần, trong một vài năm mà diễn ra trong gần 20 năm.
Thêm vào đó, từ sau khi trở thành chủ tịch tập đoàn Samsung, Lee Kun Hee đã có sự thay đổi. Từ chỗ nhìn vấn đề bằng cái nhìn của cha, ông đã chuyển sang xem xét, nhận định, phân tích vấn đề và đưa ra đối sách cho hiện tại và tương lai của Samsung bằng suy nghĩ, tư tưởng của một doanh nhân hàng đầu.
Ông đã sống, suy nghĩ và làm việc như vậy trong suốt 25 năm. Do đó, việc ông trở thành một doanh nhân tầm cỡ thế giới không phải là điều khó hiểu.