Trong một thế giới VUCA nhiều biến động (Volatility), bất định (Uncertainty), phức tạp (Complexity) và mơ hồ (Ambiguity) nhiều người đã lựa chọn quay về bên trong tìm kiếm những giá trị cốt lõi, vì muốn “ứng vạn biến” thì phải “dĩ bất biến”.
Peter Drucker – người được coi như ông tổ của ngành quản lý học hiện đại cho rằng: các nguyên tắc cơ bản và các yếu tố nền tảng trong quản lý vốn là những điều không thay đổi. Những quy chuẩn trong thể thao, công việc, quan hệ xã hội đều có thay đổi lớn theo từng thời đại, trong khi nền tảng và nguyên tắc cơ bản của quản lý lại khá ổn định. Chính trong thời đại xã hội đầy biến động, chúng ta càng cần phải nắm vững những nền tảng và nguyên tắc cơ bản này.
Trên cơ sở đó, mọi người hoàn toàn có thể hoạt động tích cực với vai trò một nhà quản lý. Cuốn sách Quy luật bất biến về lãnh đạo được gợi mở từ chính cơ sở và nguyên tắc của Peter Drucker – người mà tác giả Shunichi Yoshihara gọi là thầy, sau đó tác giả đã bổ sung cho nó nội hàm mới mang tính thời đại cho những điều bất biến.
Theo phong cách thực chiến, Shunichi Yoshihara chia Quy luật bất biến về lãnh đạo thành 5 chương: giải quyết vấn đề, giao tiếp, đào tạo cấp dưới, cho đến lý thuyết về quản lý. Cuốn sách cung cấp được một số tri thức nền như quan điểm về quản lý là người vận hành người khác thực hiện công việc, tìm ra được câu trả lời cho câu hỏi: “Làm thế nào để bản thân phát triển hơn? Làm thế nào để phát huy hiệu quả vai trò lãnh đạo?”, từ đó giúp ích cho quá trình trưởng thành và phát triển sự nghiệp quản lý của bạn.
Đó có thể là: 12 điều cần biết để giải quyết vấn đề, những phương pháp hữu dụng để giải quyết vấn đề bằng các loại biểu đồ giúp bạn minh họa một cách tường minh tất cả trên một trang giấy. Với giao tiếp là chu trình từ hiểu bản thân cho đến truyền cảm hứng cho người khác và đặc biệt là tạo động lực thúc đẩy sự phát triển đội ngũ.
Lãnh đạo luôn đồng nghĩa với là một nhà đào tạo (dù ở vai trò gián tiếp thông qua hội họp, trao đổi…) vì OJT (on job training – đào tạo trong công việc) là môi trường phát triển nhân lực hiệu quả nhất. Nếu ai quan tâm đến chủ đề này hãy chú ý đến chương 3- Đào tạo cấp dưới.
Đừng thoái thác việc đào tạo cấp dưới thường xuyên nhưng hãy để bản thân họ có không gian riêng cho việc chủ động suy nghĩ và hành động. Rất nhiều bí kíp chi tiết được chỉ ra giúp người lãnh đạo có sẵn công thức thiết lập hoạt động đào tạo nội bộ đặc biệt dễ áp dụng với nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ở góc độ đánh giá tổng quan cuốn sách Quy luật bất biến về lãnh đạo thiên về kỹ năng xây dựng và quản lý tổ chức với những nguyên tắc chung luôn đúng. Các yếu tố bất biến hay thường biến không được vạch ra quá rạch ròi, tác giả không dụng ý đẩy vấn đề xa tính ứng dụng của nó để kéo gần quản trị học với người đứng đầu tổ chức hơn.
Nguồn: https://znews.vn/quy-luat-bat-bien-ve-lanh-dao-giua-the-gioi-day-bien-dong-post1449647.html
You must be logged in to post a comment Login