Sách du khảo “Thời thanh xuân của tân nhạc ái quốc”. Ảnh: MH. |
Theo định nghĩa trong sách, tân nhạc Việt Nam là thuật ngữ dùng để gọi những bài hát do người Việt sáng tác nhưng theo hình thức âm nhạc Tây phương. Nhằm phân biệt với cổ nhạc – các hình thức âm nhạc dân gian truyền thống nói chung, khái niệm tân nhạc xuất hiện vào thập niên 1930 và cũng như bao loại hình nghệ thuật khác, nó tạo ra một không gian văn hóa mới, để lại ảnh hưởng sâu đậm trong văn hóa đại chúng.
Tại buổi giao lưu ra mắt sách diễn ra vào chiều 4/12, nhà văn Nguyễn Trương Quý đã có những chia sẻ về phương pháp tiếp cận và tầm nhìn của một nhà văn làm nghiên cứu.
Mượn chuyện lịch sử kể chuyện văn hóa
Thời thanh xuân của tân nhạc ái quốc được nhà văn Nguyễn Trương Quý coi là cuốn khảo cứu tiếp nối công trình cách đây 5 năm của anh – Một thời Hà Nội hát. Sách tập trung nghiên cứu âm nhạc giai đoạn 1930-1950. Đó là thời đại của “những tráng sĩ ca và những diễm tình ca, là thời đại đã cho ra đời những bản hành khúc khơi dậy lòng ái quốc của người dân Việt Nam”.
Có ai thời nay nhận ra được những ca khúc bất hủ ấy là do những thanh niên tri thức chưa đầy 20 tuổi sáng tác nên. Dĩ nhiên, Nguyễn Trương Quý nhận thấy và cho rằng đó là một câu chuyện đáng nhớ, đáng kể, đáng được lưu truyền.
Với cuốn sách này, Nguyễn Trương Quý nỗ lực soi rọi những nét văn hóa đậm đặc của một thời đại, từ tầm ảnh hưởng của Cách mạng tư sản Pháp 1789 đến sự lên ngôi của chủ nghĩa dân tộc, thông qua chất keo chủ đạo: âm nhạc.
Chia sẻ về quá trình nghiên cứu, nhà văn Trương Quý cho biết việc tìm kiếm thông tin không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Mốc thời gian mà anh nghiên cứu đặt trong một thời đại nhiều nhiễu nhương. Những con người ấy đã có những lúc phải đưa ra những lựa chọn khó khăn. Và để thuyết phục hậu bối của những người ấy kể lại câu chuyện khó nói một cách đủ đầy không hề dễ.
Tác giả chia sẻ rằng ngay cả khi đã có tư liệu, anh cũng chìm ngập trong một mớ thông tin hỗn độn, khó lòng liên kết. Nhưng với niềm đam mê, ham muốn khám phá của một người nghệ sĩ, anh kiên trì làm việc với các tư liệu với mục đích đưa ra ánh sáng cái hồn văn hóa một thời, cái hồn văn hóa bị lãng quên trong các câu chuyện lịch sử.
Cái tên nổi bật mà Trương Quý tập trung “khai quật” là Lưu Hữu Phước và nhóm Hoàng Mai Lưu. Ở trang 119, nhà văn viết: “Những bài hát mang nét hoài cổ tôn vinh những chiến công tổ tiên được thể hiện qua khúc thức Tây phương đã khiến cho âm nhạc Lưu Hữu Phước thành cây cầu nối phù hợp giữa nhu cầu tôn vinh truyền thống và nét hiện đại tân thời, thậm chí đóng vai trò như phương tiện của một thứ tín ngưỡng mới, dẫn dụ người tham gia với sự thành kính tuyệt đối”.
Từ trái sang phải: PGS.TS Phạm Xuân Thạch, nhà báo Nguyễn Kiều Trinh, nhà văn Nguyễn Trương Quý, TS Mai Anh Tuấn. Ảnh: FBNV. |
Nghiên cứu khoa học trong cái nhìn lãng mạn của một nhà văn
Trong phần dẫn nhập của cuốn sách, Nguyễn Trương Quý viết: “Trong hình dung của giới nghe nhạc Việt Nam, tân nhạc thường được gắn với sự phổ biến của những bài hát lãng mạn, có giai điệu theo các bước nhảy khiêu vũ hoặc phong cách các bài hát thơ, có lời ca hoa mỹ, diễn đạt những tình tứ của một thế hệ thanh niên tân thời”.
Cũng với cái nhìn lãng mạn này, nhà văn Trương Quý tìm cách tiếp cận các câu chuyện lịch sử, cố gắng tiếp thu cái khía cạnh con người trong những dấu mốc “éo le” của quá khứ.
Nhà văn khẳng định anh không tìm cách mô tả lại diễn biến lịch sử của các sự kiện chính trị, mà đi tìm một câu chuyện văn hóa về việc các hội đoàn xã hội đã can dự vào cuộc đấu tranh giải thực và sau đó là sự chuyển hóa của chúng dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc.
Nhà văn Nguyễn Trương Quý (trái) ký tặng bạn đọc. Ảnh: FBNV. |
Bên cạnh những lời ngợi ca về phong cách tiếp cận độc đáo về lịch sử – văn hóa, có những câu hỏi đặt ra về độ lan tỏa của cuốn sách trong giới trẻ hiện đại cũng như vị trí của cuốn sách trong 20-30 năm nữa. Nhà văn Trương Quý thành thật trả lời rằng anh cũng không biết. Anh cho rằng muốn làm nghiên cứu tốt thì bản thân người nghiên cứu phải thích chủ đề nghiên cứu. “Tôi hy vọng cuốn sách của tôi sẽ là một tác động nhỏ để mở ra cánh cửa cho chúng ta bàn thêm về khảo cứu văn hóa”.
Nguyễn Trương Quý cho biết người nghệ sĩ làm việc vì sự yêu thích và ham muốn của mình trước hết. “Những nhạc sĩ xưa, họ viết nhạc ra đâu có nghĩ bài hát đó sẽ vang lên mỗi lần người Việt Nam thực hiện nghi thức chào cờ đâu?” Vì vậy, chưa cần biết 20-30 năm nữa, dư luận sẽ tiếp nhận cuốn sách như thế nào, quan trọng là kết quả của công trình nghiên cứu đã có cơ hội được đến với tay độc giả và tác giả của nó chỉ biết hy vọng.
Trong cuộc chuyển hóa của các tổ chức trước những vấn đề phân ly ý thức hệ vào thập niên 1940, Hà Nội được nhà văn mô tả như một “chiến địa văn hóa khắc nghiệt”. Nhà văn Trương Quý là người lần mò, đào bới trong chiến địa đó, để tìm ra những mảnh vụn văn hóa còn sót lại.
Nhận xét về cuốn sách, PGS.TS Phạm Xuân Thạch, Trưởng khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội, viết: “Lịch sử giống như sự song hành của những câu chuyện. Khi mà một câu chuyện này được kể và được xã hội chấp nhận thì có nguy cơ những câu chuyện khác bị quên lãng. Trong cuốn biên khảo thứ hai này về âm nhạc đại chúng, Nguyễn Trương Quý đã làm một cuộc ‘ngược dòng’ để làm sống lại một câu chuyện bị quên lãng như thế: câu chuyện về sự ra đời của tân nhạc gắn với những cao trào dân tộc chủ nghĩa trong những năm 40 của thế kỷ trước”.
Ông Phạm Xuân Thạch cho rằng nhà văn đã tái tạo được cái sinh quyển mà tân nhạc đã hình thành, đồng thời mở rộng giới hạn của mình trong việc nghiên cứu, bằng cách kiểm soát tư liệu nghiêm ngặt và không lạm dụng giai thoại. “Đọc khảo cứu của Quý là một cuộc hành trình tri thức đầy hấp dẫn, không chỉ từ những phát hiện độc đáo kết quả của sự tìm kiếm miệt mài trong khối tư liệu rất lớn”, PGS.TS nhận xét.
You must be logged in to post a comment Login