Trịnh Công Sơn là một trong số ít nhân vật tạo nên sức ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống giải trí, văn hoá, tinh thần của người Việt Nam.
Bộ phim Em và Trịnh một lần nữa cho thấy sức hấp dẫn của nhạc Trịnh với công chúng hôm nay. Nhà văn Nguyễn Trương Quý – người từng nghiên cứu về lát cắt đời sống giải trí, cụ thể là âm nhạc giai đoạn 1940-1949, biên tập viên cuốn Trịnh Công Sơn – Bob Dylan: Như trăng và nguyệt? – chia sẻ góc nhìn về âm nhạc Trịnh Công Sơn ở mảng địa hạt ca từ, văn chương và sách vở.
Nhạc Trịnh tiếp cận được với giới trẻ nhờ giai điệu đơn giản, dễ hát và dễ nhớ
– Nhạc Trịnh Công Sơn được yêu thích nhiều năm qua, thậm chí có người nói “nhạc Trịnh là một tôn giáo”. Trong thời đại thay đổi chóng mặt hiện nay, theo anh nhạc Trịnh còn hấp dẫn giới trẻ, với gen Y hay gen Z? Nếu còn thì điều gì làm nên sức sống trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn?
– Trước hết, chúng ta phải làm rõ một điều khi nhắc đến nhạc Trịnh Công Sơn trong góc độ tiếp nhận của giới trẻ ở đây là nói về bản nhạc, ca từ hay về các bản thu? Tôi mạo muội cho rằng có lẽ mọi người muốn nói tới vấn đề ca từ.
Về ca từ, tôi nghĩ lời ca của Trịnh Công Sơn thuộc về một thời đại mà vai trò của việc đọc sách, văn thơ hay các tư duy triết học thẩm thấu trong ngôn ngữ đóng vai trò chủ đạo. Về mặt nào đó, chúng có vai trò của công cụ nhận thức. Ngày nay, việc tìm kiếm những nhận thức về cuộc sống với giới trẻ chịu ảnh hưởng từ Internet và các giao thức mạng xã hội, các lối diễn đạt thay đổi rất nhiều.
Nhà văn Nguyễn Trương Quý. Ảnh: NVCC. |
Tôi không phải người nghiên cứu về chất liệu âm nhạc nên chỉ xin nói một cách chủ quan dưới góc độ truyền thông văn hóa. Nhạc Trịnh Công Sơn theo tôi có lẽ lại có thể được giới trẻ tiếp cận ở khía cạnh giai điệu đơn giản, dễ hát và dễ nhớ. Ca từ mặc dù khó hiểu nhưng đem lại một cảm giác ý tại ngôn ngoại, nhiều hàm lượng văn hóa kích thích sự giải mã.
Tính chất Pop của nhạc Trịnh Công Sơn có những nét gần gũi âm nhạc quốc tế cùng thời nên có lẽ khá quan trọng để được tái khám phá, không buộc người trẻ phải vượt qua những khuôn thức hoa mỹ bàng bạc kiểu nhạc tiền chiến hay quá khu biệt bản địa như dòng nhạc trữ tình quê hương.
Cho dù các dòng ca khúc đó cũng là loại bài hát tân nhạc hình thức Tây phương (cách gọi vào thập niên 1930 để phân biệt với các bài cổ nhạc) nhưng các bài ca của Trịnh Công Sơn làm được một điều khác biệt là đem lại ấn tượng tập trung vào chủ đề thân phận con người và tình yêu, vượt qua những mất mát khổ đau vừa do chiến tranh vừa do những phiền não nội tâm, những thứ khá phổ quát ở mọi thời. Chúng có dáng vẻ suy tư của con người toàn cầu.
– Anh từng thực hiện nghiên cứu chuyên sâu về âm nhạc trong giai đoạn thập niên 1950 qua hiện tượng Đoàn Chuẩn. Anh có định nghiên cứu âm nhạc Trịnh Công Sơn gắn với đời sống văn hóa một thời không?
– Tôi cũng đã có những bước dò dẫm tìm hiểu âm nhạc Trịnh Công Sơn, bản thân lại là người có yêu thích dòng nhạc này lúc còn trẻ, thông tin về tác giả khá phong phú, song có những rào cản khiến công việc này khó thực hiện.
Bản thân nghiên cứu trước đây của tôi về âm nhạc thập niên 1950 cũng nằm trong câu chuyện bối cảnh văn hóa đô thị ở Hà Nội, liên quan nhiều đến các khái niệm về vi lịch sử (micro-history) hay gần đây là tân duy sử, thiên về khảo sát sự tác động của môi trường giải trí đô thị mà tôi có điều kiện gần gũi các tư liệu hoặc từng trải nghiệm khi gặp gỡ các nhân vật còn sống.
Còn với câu chuyện Trịnh Công Sơn, một mặt đã có nhiều người khảo cứu kỹ về ông, mặt khác cuộc đời âm nhạc của ông trải dài qua nhiều biến động lịch sử vẫn còn nhiều tranh cãi, để tìm ra được góc độ nào không trùng lặp với các nghiên cứu khác là rất khó, mặc dù chất liệu qua câu chuyện đó thuộc loại rất thú vị để tìm hiểu.
– Anh nghĩ sao về nhận định “Trịnh Công Sơn là Bob Dylan của Việt Nam”? Người đọc người nghe có thể thấy được mối liên kết như thế giữa hai vị nhạc sĩ?
– Về mặt đánh giá nhận định trên, tôi thấy đó là dấu vết của một cách tư duy lấy nhãn quan phương Tây (cụ thể là Mỹ) để dán nhãn cho các hiện tượng ở các nền văn hóa khác. Tất nhiên cách nói ấy có tác dụng giúp công chúng truyền thông phương Tây nắm bắt vấn đề nhanh chóng, phần nào khẳng định vị trí quan trọng của âm nhạc Trịnh Công Sơn trong tương quan văn hóa Việt Nam đương thời.
Về yếu tố nghiên cứu so sánh, tôi không có nhiều thông tin đủ sâu để kết luận mà mượn ý kiến của GS John C. Schafer, trong cuốn sách Trịnh Công Sơn – Bob Dylan: Như trăng và nguyệt?, rằng Trịnh Công Sơn là kết quả của một thời đại và những dấu vết của triết lý tôn giáo như đạo Phật lẫn các quan niệm triết học hiện đại phương Tây trong tư duy ảnh hưởng lên nhân sinh quan của nhạc sĩ, do đó các tác phẩm của ông có tính nguyên bản.
Sự tương đồng mà nhiều người cảm thấy có lẽ ở chính mảng những bài hát có tính chất “xuống đường”, kêu gọi chấm dứt chiến tranh và góp tiếng nói đòi hòa bình ở cả hai tác giả này. Nếu Bob Dylan có một số bài hát phản đối chiến tranh đầu thập niên 1960 (ví dụ như Blowin’ In The Wind) thì Trịnh Công Sơn có nhiều bài như thế hơn, trực diện hơn về bối cảnh và dành cho chính thế hệ của mình.
Trịnh Công Sơn – mùa tuyết Canada, 1992. Ảnh tư liệu của hoạ sĩ Đinh Cường. |
Số bài hát phản chiến của Trịnh Công Sơn, theo người bạn của ông là Bửu Ý, có 58 bài; còn theo Michiko, người đã làm luận văn cao học về nhạc phản chiến Trịnh Công Sơn ở Đại học Paris dưới sự hướng dẫn của nhà phê bình Đặng Tiến, có 69 bài bắt đầu từ giữa thập niên 1960.
Mối liên kết nếu có, theo tôi có lẽ chủ yếu ở tương đồng về sức ảnh hưởng của họ trong bối cảnh văn hóa mỗi nơi.
Những cuốn sách giúp hiểu về cuộc đời, âm nhạc Trịnh Công Sơn
– Qua bộ phim tiểu sử gần đây về Trịnh Công Sơn, theo anh liệu có nên tách bạch đời sống cá nhân của Trịnh Công Sơn với âm nhạc của ông hay không?
– Lịch sử cho thấy một điều hiển nhiên là không thể tách bạch đời sống cá nhân với sự sáng tạo của bất kỳ một tác giả nào, đặc biệt điều ấy chính xác với những tác giả sáng tác với tâm thế tự do.
Ngay những tác giả nhạc cổ điển như Beethoven, các nhà nghiên cứu cũng cho thấy những dấu vết đời sống riêng chi phối mạnh mẽ đến âm nhạc của ông, chẳng hạn việc ông bị mất thính lực mà vẫn sáng tác, thì hiển nhiên khi tìm hiểu tác phẩm không thể bỏ qua điều ấy.
Với Trịnh Công Sơn, khi ông viết rất nhiều tình khúc với những hình tượng lấy cảm hứng từ các nàng thơ có thực, song song đó là những thư từ, câu chuyện được ghi lại hay truyền tụng, rõ ràng như một loại nhật ký của nhạc sĩ.
Chúng ta có thể mượn chính lời của Trịnh Công Sơn để minh họa cho điều này: “Trong âm nhạc, phải nuôi dưỡng rất lâu một ý đồ nào đó, chẳng hạn viết về tình yêu phải nghĩ rất lâu về nó, đến một lúc nào đó nó bật ra thì viết” (trao đổi với Nguyễn Trọng, báo Người lao động cuối tuần, 1990).
– Quanh Trịnh Công Sơn có nhiều giai thoại về âm nhạc, cuộc sống, những cuộc tình. Những giai thoại này tác động ra sao tới việc thế hệ sau tiếp nhận di sản âm nhạc, cuộc đời ông?
– Trịnh Công Sơn là một trong số ít nhân vật văn hóa Việt Nam tạo ra được một quang phổ quanh tên tuổi, nên dĩ nhiên các giai thoại là một hệ quả tất yếu, liên quan đến cơ chế tiếp nhận và giải mã hình ảnh của ông từ phía công chúng. Về việc tiếp nhận di sản âm nhạc và cuộc đời nhạc sĩ, có thể chia làm ba dòng.
Thứ nhất là dòng nghiên cứu mang tính khoa học, đơn ngành hoặc liên ngành, như âm nhạc học, ngôn ngữ văn bản ca từ, truyền thông văn hóa, xã hội học, nghiên cứu sự lan truyền thông điệp qua âm nhạc…
Dòng này luôn đòi hỏi dựa trên những dữ liệu chính xác, được thực hiện bằng những phương pháp nghiên cứu tiêu chuẩn nhằm trả lời những câu hỏi có tính chuyên môn dưới góc độ học thuật.
Thứ hai là mảng phê bình nghệ thuật, sử dụng các dữ liệu đã lưu trữ lẫn các giai thoại, để tìm một cách giải mã chân dung tác giả ở góc độ văn nghệ.
Thứ ba là những dòng văn bản chân dung văn hóa có tính đại chúng, những bài viết có tính thông tấn hoặc bình luận có tính chủ quan của người viết, nôm na là có tính giải trí. Việc tiếp nhận thế nào hoàn toàn do sự chủ động của người thưởng thức, cũng như truyền thông đại chúng chọn lựa góc độ nào.
– Anh có thể giới thiệu một vài cuốn sách để bạn đọc hiểu về Trịnh Công Sơn cũng như thế hệ âm nhạc của ông?
– Các cuốn sách viết về Trịnh Công Sơn có khá nhiều và đa dạng. Có lẽ ông cũng là nhạc sĩ có nhiều sách viết về mình nhất ở Việt Nam.
Trong phạm vi hiểu biết của tôi, có lẽ tôi sẽ chọn những cuốn như: Mười khuôn mặt văn nghệ (Tạ Tỵ), trong đó có một bài về Trịnh Công Sơn; Trịnh Công Sơn – cây đàn lyre của hoàng tử bé (Hoàng Phủ Ngọc Tường), Trịnh Công Sơn – Tôi là ai, là ai… (Nhiều tác giả), Trịnh Công Sơn – Ngôn ngữ và những ám ảnh nghệ thuật (Bùi Vĩnh Phúc), Thư tình gửi một người (Trịnh Công Sơn, tập hợp 300 bức thư gửi nàng thơ Dao Ánh).
Nhà văn Nguyễn Trương Quý gợi ý một vài cuốn sách về Trịnh Công Sơn. |
Một số tác phẩm khác có thể kể đến như Paris – tiếng hát Trịnh Công Sơn (Nguyễn Quang Sáng), Trịnh Công Sơn, một nhạc sĩ thiên tài (Bửu Ý), Trịnh Công Sơn – Bob Dylan: Như trăng và nguyệt? (John C. Schafer, Cao Thị Như Quỳnh dịch).
Bạn đọc cũng có thể tìm đọc Vườn xưa – hành trình âm nhạc Trịnh Công Sơn (bút ký của nhiều tác giả), Trịnh Công Sơn – có một thời như thế (Nguyễn Đắc Xuân), Trịnh Công Sơn – một người thơ ca một cõi đi về (Nguyễn Trọng Tạo), Đằng sau những nụ cười (Khánh Ly), cùng một số bài viết của Văn Cao, Sơn Nam, Đặng Tiến, Đinh Cường, Thái Kim Lan…
Thậm chí những bài viết có thể gây tranh cãi như của Trịnh Cung cũng cung cấp những cách nhìn khác về Trịnh Công Sơn, nhưng theo tôi không làm giảm đi vị thế âm nhạc của nhạc sĩ này.