Xuyên suốt năm, nhiều tác phẩm văn học giá trị được các nhà xuất bản, công ty sách dịch và giới thiệu đến bạn đọc. Văn học dịch dường như ngày càng đa dạng khi các đơn vị làm sách bớt ngần ngại đầu tư vào các tác phẩm khó, các tác phẩm gai góc hơn.
Đơn cử, những tác phẩm như Truyện hư cấu, Aleph, Thám tử hoang dã… không phải là những tác phẩm dễ đọc, nhưng được những người yêu văn chương, giới phê bình đánh giá là những tác phẩm đáng đọc và nên đọc; hay những lát cắt cuộc đời trần trụi trên giấy của Annie Ernaux, nhờ có hiệu ứng Nobel, đã thu hút được một lượng độc giả nhất định; ngoài ra, những cái tên đang lên như Sally Rooney hay Kevin Chen cũng xứng đáng được độc giả Việt chú ý đến.
Truyện hư cấu (Jorge Luis Borges, Nguyễn An Lý dịch)
Từ lâu, Jorge Luis Borges đã là một tên tuổi lớn trên thế giới, là cây bút truyền cảm hứng cho bao thế hệ nhà văn như Gabriel Garcia Marquez, Umberto Eco hay Salman Rushdie…
Được giới thiệu đến độc giả Việt thông qua Truyện hư cấu, Borges mang đến một hành trình vào cõi huyền ảo của siêu hư cấu (metafiction). Tác phẩm kết hợp nhuần nhuyễn triết học với giả tưởng, tập hợp các câu chuyện được liên kết với nhau một cách kỳ lạ, lu mờ giữa ranh giới tiểu luận và truyện ngắn.
Theo dịch giả Nguyễn An Lý, dịch Borges là một công việc vừa hứng thú vừa nhọc nhằn, vừa phải là một phần không thể thiếu trong nghiên cứu – hoặc tìm hiểu về nghiên cứu – Borges, vừa là một sự đi trên dây mong manh giữa không diễn giải đủ và diễn giải quá đà.
Thế giới hư cấu của Truyện hư cấu nói riêng và Borges nói chung để lại một dấu ấn đậm nét giữa dòng chảy văn học mà mọi người yêu văn đều nên thử thách bản thân và dấn thân vào một lần.
Thám tử hoang dã (Roberto Bolaño, Trần Tiễn Cao Đăng dịch)
Độc giả Việt từng được tiếp xúc với 2666 đồ sộ của Roberto Bolaño nay được giới thiệu đến một tác phẩm khác không kém phần thách thức của ông – Thám tử hoang dã.
Thám tử hoang dã là bức tranh lột tả sự hiện hữu hiểm nghèo, ngây ngô, hoang dại và nực cười của nhà thơ, một giống nòi ngày càng lạc lõng giữa thế giới hiện đại.
Qua gần 600 trang sách (bản dịch tiếng Việt), nhà văn người Chile dẫn dắt độc giả theo chân những nhà thơ kiêm thám tử, truy tìm dấu vết một nhà thơ mất tích.
Đó là một cuộc truy tìm trải dài hàng năm trời, diễn ra tại ba châu lục nhưng trước hết là Mỹ Latin, miền đất mênh mông của vô vàn phức tạp, nhộn nhạo và bạo tàn nhưng cũng rất đẹp.
Một tác phẩm phức tạp về thơ ca, nghệ thuật trong thế giới hỗn mang, góp phần củng cố vị thế của Roberto Bolaño.
Cuộc đời và số phận (Vasily Grossman, Thiên Nga dịch)
Vasily Semyonovich Grossman (1905 – 1964) là phóng viên chiến trường, nhà văn người Nga gốc Do Thái. Cuộc đời Grossman gắn liền với những thăng trầm của nước Nga thời kì Xô viết, mà trung tâm là cuộc chiến tranh vệ quốc chống lại Phát xít Đức xâm lược Nga năm 1941.
Tác phẩm của Vasily Grossman đào sâu vào trận Stalingrad, trận chiến mang tính bước ngoặt trong Thế chiến Hai. Từ đó, tác giả cố gắng gợi nên tinh thần của cả một thời đại bão tố của nước Nga.
Có thể ví Cuộc đời và số phận như một bức tranh tả thực đầy chi tiết về những tầng lớp xã hội Nga và cách họ biến đổi, kháng cự cơn bão phi nhân hóa của chiến tranh.
Cuộc đời và số phận được đánh giá có tầm vóc sánh ngang với những kiệt tác như Vòng đầu địa ngục và Bác sĩ Zhivago.
Nói đi, ký ức (Vladimir Nabokov, Orkid dịch)
Nhiều nhà phê bình đánh giá nếu Vladimir Nabokov không được thế giới biết đến với Lolita, thì ông sẽ được biết đến với Nói đi, ký ức. Nhận định này phần nào đã cho thấy tầm vóc cuốn hồi ký của văn hào Nabokov.
Cuốn sách tập hợp những câu chuyện riêng lẻ xuất bản từ năm 1936 và được sửa đổi vào năm 1966. Những mẩu chuyện phần nào bật mí về cuộc đời thăng trầm và thú vị của Vladimir Nabokov.
Với thứ ngôn ngữ đẹp, phong phú và độc đáo, Nabokov đã làm sống dậy ký ức, lịch sử và cả những đớn đau của một cuộc đời kỳ lạ, cuộc đời đã định hình nên cha đẻ của Lolita, Pnin và The Real Life of Sebastian Knight…
Trái tim là thợ săn cô đơn – (Carson McCullers, Đăng Thư dịch)
Trái tim là thợ săn cô đơn được viết khi Carson McCullers mới 23 tuổi, được xem là “ước mơ của mọi nhà xuất bản” lúc bấy giờ và lập tức đưa tác giả thành truyền kỳ của nước Mỹ.
Khác với các nhà văn thành danh khác, phần lớn tác phẩm của McCullers được viết trước khi tác giả 30 tuổi.
Trái tim là thợ săn cô đơn là hành trình tự tìm hiểu nỗi cô độc của bản thân. Lấy bối cảnh ở một thị trấn miền nam thời kỳ Đại suy thoái, nhân vật chính – John Singer – là một anh chàng câm điếc, tính cách lãnh đạm.
Nhưng vì sự câm lặng thường trực ấy, Singer bỗng có sức hút mãnh liệt với những kẻ lạc lối bên lề xã hội nhưng khao khát được sẻ chia: từ ông chủ quán ăn góa bụa đến cô thiếu nữ nổi loạn, từ gã vô sản nghiện rượu đến tay bác sĩ da đen đấu tranh chống phân biệt chủng tộc…
Nước Mỹ hiện lên qua ngòi bút của Carson là sự tổng hòa của cô đơn, sợ hãi, chết chóc, điên loạn, bạo lực và khủng bố… Âm ỉ trong đó, độc giả nghe thấy được tiếng nói của một nước Mỹ khác, tiếng nói của những kẻ bên lề, khi niềm tin cuộc sống va chạm với thực tế bẽ bàng, khi mọi thứ bắt đầu sụp đổ…
Vùng đất quỷ tha ma bắt (Kevin Chen, Nguyễn Vĩnh Chi dịch)
Cuốn tiểu thuyết Đài Loan này đã tạo ra một hiện tượng nhẹ khi mới được xuất bản tại Việt Nam. Một phần do sự “chăm tương tác” của tác giả với độc giả trên mạng xã hội, một phần do nội dung đặc biệt của nó.
Câu chuyện tiểu thuyết bắt đầu vào một ngày rằm tháng bảy, tại một vùng quê nghèo miền Trung đảo Đài Loan. Sau khi mãn hạn tù vì tội giết người bạn đời đồng tính ở Đức, Trần Thiên Hoành về quê. Tại đây, cha mẹ chị cả chị hai chị ba chị tư chị năm anh trai và chính gã – thanh niên nhà họ Trần lần lượt sắm vai người kể chuyện xuyên không – thời gian, dệt nên một mạng lưới đầy mê hoặc về những bí mật gia đình và những tư tưởng mê tín ở nông thôn, phơi bày nỗi bất hạnh vụn vỡ muôn màu muôn vẻ.
Trong lần trao đổi với ZNews, tác giả Kevin Chen (Trần Tư Hoành) cho biết ông viết cuốn sách này với nguồn cảm hứng từ chính gia đình và quê hương ông. Với cuốn tiểu thuyết này, nhà văn đối mặt với chính gia đình mình, nền văn hóa của mình và đặc biệt là với “vùng đất quỷ tha ma bắt” trong tâm trí mình. Ông nói: “Với cuốn tiểu thuyết này, tôi tự thách thức bản thân mình ‘về nhà'”.
Thế giới tươi đẹp, người ở đâu (Sally Rooney, Phạm Thu Hà dịch)
Tiểu thuyết gia người Ireland sinh năm 1991 Sally Rooney thường được tôn vinh là “tác giả vĩ đại đầu tiên của thế hệ Thiên niên kỷ (Millennials)”. Ngòi bút của Rooney hướng sự quan tâm đến những mối quan hệ kỳ lạ, hoặc những mối quan hệ có vẻ kỳ lạ nhưng lại phổ biến một cách âm thầm trong giới trẻ.
Thế giới tươi đẹp, người ở đâu là cuốn tiểu thuyết thứ ba của Sally Rooney. Ngay từ thời điểm ra mắt, cuốn sách đã tạo ra một cơn sốt trong các cộng đồng đọc sách như BookTube hay BookTok trên thế giới.
Cuốn tiểu thuyết xoay quanh bốn thanh niên đối mặt với áp lực công việc và các mối quan hệ trong bối cảnh bất ổn chính trị và nỗi bất an vô định vào tương lai. Đó là tiểu thuyết gia Alice và người bạn thân Eileen – một biên tập viên tạp chí văn chương, cùng hai người tình của họ là Felix – một nhân viên nhà kho không có nhiều thành tựu – và Simon – một cố vấn chính trị đang trải qua những tháng năm tuổi trẻ không mấy yên bình.
Một lần nữa, Sally Rooney lột tả trạng thái giằng xé của nhóm bạn trẻ vừa say đắm cuộc đời vừa trăn trở đi tìm ý nghĩa cuộc sống trong một thế giới đang ngày càng xấu đi trong mắt họ. Gói gọi trong hơn ba trăm trang sách, những câu chuyện về tình yêu và tình dục được Sally Rooney kể với sự nhạy cảm và độ thấu hiểu sâu sắc đầy chân thành.
Cách tác giả, thông qua các nhân vật, chuyển đổi linh hoạt giữa cách nói trang trọng và tiếng lóng, cũng như các chủ đề toàn cầu đan xen với chủ nghĩa cá nhân tạo nên một lối viết độc đáo, làm nổi bật cách thức giao tiếp của thế hệ trẻ trong thời đại Internet.
Chuỗi tác phẩm của Annie Ernaux (Thu Phương dịch)
Sau giải Nobel Văn chương năm 2022, cái tên Annie Ernaux nhận được sự chú ý xứng đáng hơn từ độc giả Việt. Các tác phẩm của bà được săn tìm, được tái bản và được dịch, xuất bản thêm.
Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Những ngày văn học châu Âu hồi tháng 5, ba tác phẩm của bà là Một người phụ nữ, Nỗi nhục, Cơn cuồng si được giới thiệu đến độc giả. Các tác phẩm của Ernaux thường mỏng, được viết với văn phong gãy gọn, không hoa mĩ. Qua đó, bà mổ xẻ những lát cắt cuộc đời cá nhân, bóc tách các sự kiện và cho thấy một độ vang rộng, phổ quát của cả một thế hệ, một giai cấp.
TS Nguyễn Quyên đã nhận xét: “Các tác phẩm của bà đều có thể khớp được với chúng ta ở một giai đoạn nào đấy”. Nếu còn trẻ và muốn đọc một câu chuyện tình yêu say đắm, độc giả có thể tìm đọc Cơn cuồng si. Nếu muốn đọc về nỗi băn khoăn nguồn gốc của bản thân, có thể tìm đến Nỗi nhục. Muốn đọc để hiểu thêm về mối quan hệ với mẹ, có thể tìm đến Một người phụ nữ.
Tuyển tập Kawabata – Truyện ngắn (Kawabata Yasunari, Nguyễn Nam Trân dịch)
Kawabata là cái tên vốn đã quen thuộc với độc giả Việt thông qua nhiều tác phẩm ấn tượng như Xứ tuyết, Đẹp và buồn, Ngàn cánh hạc…
Tuyển tập Kawabata – Truyện ngắn là cuốn đầu trong dự án xuất bản gồm 3 tập, gồm: Tuyển tập Kawabata – Truyện ngắn; Tuyển tập Kawabata – Thư từ và hồi ức; Tuyển tập Kawabata – Truyện ngắn trong lòng bàn tay. Sách được dịch giả Nguyễn Nam Trân dành nhiều năm tâm huyết để dịch và chỉnh sửa.
Kawabata tự nhận mình được “rửa tội bằng văn học hiện đại phương Tây” và ông cũng bắt đầu văn nghiệp từ việc theo đuổi trào lưu mới của Tây phương, rồi mới trở về với truyền thống. Kawabata vận dụng nhuần nhuyễn phân tâm học và kỹ thuật dòng ý thức để đi sâu vào thế giới nội tâm của nhân vật, đồng thời nghiên cứu các giá trị thẩm mỹ Nhật Bản, điều chỉnh mối quan hệ phức tạp giữa truyền thống và hiện đại, biến nó từ đối lập sang hài hòa.
Ông đã dung hợp thành công mỹ cảm truyền thống của văn học Nhật Bản với các thủ pháp nghệ thuật đa dạng của chủ nghĩa hiện đại, thể hiện được tinh thần duy tâm nhân văn, lý trí và tình cảm của con người hiện đại, từ đó mở ra một phong cách mới và độc đáo, tạo nên “vẻ đẹp Kawabata”…
Văn chương của Kawabata Yasunari không chỉ có tính đặc thù dân tộc mà còn có ý nghĩa phổ quát. Bút pháp sáng tạo của Kawabata đã vượt ra ngoài đất nước Nhật Bản, ảnh hưởng sâu rộng trên toàn thế giới. Điều này có ý nghĩa to lớn, giống như sự khai sáng thúc đẩy mọi người nhìn nhận lại văn hóa phương Đông.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.
You must be logged in to post a comment Login