Hội thảo về cơ chế gỡ bỏ nội dung vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số tại TP.HCM mới đây. |
Cả nể là tiếp tay cho vi phạm
Qua tìm hiểu, tình trạng vi phạm tác quyền phổ biến nhất hiện nay là các công ty, nhà xuất bản sử dụng ngữ liệu trong sách tham khảo mà không xin phép tác giả. Trong cuốn Đề ôn luyện kiểm tra định kỳ Tiếng Việt 5 (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 2015) do Nguyễn Thị Ly Kha chủ biên, sử dụng nhiều tác phẩm/trích đoạn của các tác giả như Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Ngọc Tư, Sương Nguyệt Minh, Lê Hà Ngân, Hoàng Trọng Muôn, Hoài Hương… mà không xin phép. Cá biệt có trường hợp của nhà thơ Trần Quốc Toàn, “được” sử dụng 6 tác phẩm (gồm thơ và truyện) nhưng chỉ đến khi phóng viên liên hệ ông mới biết.
Tương tự, trong Luyện tập làm văn 4 (Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, 2014) do GS.TS Lê Phương Nga chủ biên, sử dụng tác phẩm của các tác giả: Nguyễn Hữu Hôn, Hà Thị Bình Thanh, Hải Âu, Mai Thị Lịch… Cuốn Ôn luyện và kiểm tra Tiếng Việt lớp 3 tập 1 (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 2015) do Nguyễn Thị Ly Kha chủ biên, sử dụng nhiều ngữ liệu từ tác phẩm của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Trong cuốn Bài tập thực hành Tiếng Việt 2 tập 1 (Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, 2012) do Nguyễn Hải Mi – Trần Thị Hồng Thắm biên soạn, sử dụng bài thơ Ngày bà bị ốm của Hoàng Vân Khánh, truyện ngắn Món quà đặc biệt của Võ Mạnh Hảo. Tất cả đều không xin phép tác giả.
Dù đã lên tiếng cách đây hơn một tháng, báo chí cũng có bài phản ánh khi tác giả Ngô Bá Hòa phát hiện ra bài thơ Chiếc áo của cha xuất hiện trong cuốn sách Ngữ văn 7– Đề ôn luyện và kiểm tra do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành mà không hề xin phép. Tuy nhiên, đến lúc này, phía Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội vẫn im lặng. Còn tác giả Ngô Bá Hòa thì cho biết anh không muốn kiện tụng, vì không muốn đẩy sự việc đi xa.
Anh nói: “Thực sự thì tôi không quan trọng tiền tác quyền được bao nhiêu, nhưng ít ra tác giả phải được quyền biết, phải được thông tin rõ ràng về mục đích sử dụng tác phẩm. Nhưng tôi cũng không muốn kiện tụng vì biết là sẽ mất nhiều thời gian và đôi khi kết quả không được như mong muốn”.
Không riêng tác giả Hoài Hương và Ngô Bá Hòa mà nhiều tác giả cũng mang tâm thế cả nể, sợ phiền phức, tốn thời gian nên mặc dù phát hiện ra tác phẩm của mình bị xâm phạm, nhưng lại chọn cách im lặng. Chính sự cả nể này vô hình trung tiếp tay cho vi phạm.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mở ra rất nhiều cơ hội cũng như thách thức cho các bên trong việc sáng tạo, lưu trữ, truyền bá và đưa đến sự thụ hưởng cho công chúng trong môi trường số. Đi cùng đó là tình trạng vi phạm bản quyền trên môi trường số ngày càng trở nên nhức nhối.
Tại hội thảo về cơ chế gỡ bỏ nội dung vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số, do Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức mới đây tại TP.HCM, bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, thừa nhận: “Sự tiện lợi của môi trường số, của không gian mạng cũng khiến vấn đề vi phạm bản quyền đã và đang là bài toán ngày càng nhức nhối cho các quốc gia, không chỉ Việt Nam mà tất cả các nước trên thế giới”.
Cần sự chủ động của các tác giả
Hiện tại, riêng trong lĩnh vực xuất bản, văn chương, đã có những đơn vị đứng ra đại diện cho tác giả để bảo vệ quyền tác giả như Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC) và Hiệp hội Tác giả phi hư cấu Việt Nam (VANFA). Như vậy, nếu không am hiểu về luật, hoặc không muốn vướng vào những câu chuyện làm “mất thời gian”, thì những trung tâm này chính là giải pháp tối ưu trong thời điểm này.
Theo chia sẻ của ông Đỗ Hàn, Giám đốc Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam (trung tâm được thành lập vào năm 2004, ngay sau khi Việt Nam gia nhập Công ước Berne), đến hiện tại, trung tâm đang có trên 1.300 tác giả đăng ký ủy quyền. Đặc biệt, vào năm 2015, sau thời gian dài đấu tranh để bảo vệ bản quyền tác giả văn học cho các tác giả có tác phẩm in trong sách giáo khoa, cuối cùng, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã đồng ý trả tiền bản quyền với tổng số tiền gần 500 triệu đồng.
Năm 2017, Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam cũng thực hiện thành công việc bảo vệ quyền tác giả cho nhà văn Trần Đức Tiến, buộc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phải bồi thường cho ông số tiền 20 triệu đồng.
Ông Đỗ Hàn cho biết: “Việc ủy quyền cho Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện. Chúng tôi sẽ thay mặt tác giả để giải quyết khi xảy ra tranh chấp. Chúng tôi có biện pháp cứng thông qua việc đề xuất với Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, đề nghị không cấp mã số xuất bản cho những lần xuất bản tiếp theo, nếu các đơn vị cố tình vi phạm”.
Được thành lập vào năm 2014, đến nay Hiệp hội Tác giả phi hư cấu Việt Nam có 1.786 hội viên. Khác với Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam, Hiệp hội Tác giả phi hư cấu Việt Nam tập trung vào lĩnh vực phi hư cấu, bao gồm những người có tác phẩm là sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu khoa học, đề tài nghiên cứu, công trình nghiên cứu, báo cáo, bài báo, nhật ký, hồi ký…
“Hiệp hội ra đời để bảo vệ các tác giả viết sách phi hư cấu, ngoài quyền tác giả thì đòi hỏi những quyền lợi khác mà lâu nay gần như bị bỏ trống trong hoạt động văn hóa nghệ thuật. Tiến tới, Hiệp hội Tác giả phi hư cấu Việt Nam sẽ thành lập trung tâm bản quyền để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho hội viên trong trường hợp có tranh chấp về thực thi pháp luật quyền tác giả”, ông Đặng Thiên Sơn, Chánh văn phòng của Hiệp hội Tác giả phi hư cấu Việt Nam, cho biết.
“Bản chất của vấn đề quyền tác giả là các quyền dân sự. Các tác giả hãy dành thời gian để đầu tư, nghiên cứu, sáng tạo nên những tác phẩm mới. Việc quản lý, khai thác quyền của mình hãy dành cho các tổ chức đại diện vốn am hiểu và có các công cụ đảm bảo quyền lợi cho các tác giả. Đây cũng không phải chỉ riêng Việt Nam mà là mô hình mà các nước trên thế giới đã và đang làm”, bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, cho biết.
You must be logged in to post a comment Login