Một trang rao bán USB sách nói trên Facebook () |
Sáng phát hành, chiều xuất hiện sách lậu
Nhiều năm trước, sách giả chỉ xuất hiện ở hình thức “in và bán lậu”, nay các đơn vị xuất bản còn phải đối phó với hình thức lan truyền sách giả trên môi trường mạng. Nếu như trước kia mọi người thường hay nói đến khái niệm “sách in lậu”, nhưng hiện nay, bên cạnh sách in thì audio book (sách nói) và e-book (sách điện tử) cũng dễ dàng bị sao chép.
Thực tế, với sự phát triển của công nghệ in ấn, có cuốn sách bán chạy vừa ra mắt buổi sáng, thì đến chiều sách giả đã được rao bán tràn lan trên thị trường. Giai đoạn dịch bệnh Covid-19 hoành hành, việc mua bán sách lậu thông qua các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội càng có cơ hội phát triển. Bên cạnh yếu tố thuận tiện, nhanh chóng thì việc giao dịch online lại vô tình tạo “đất sống” cho sản phẩm giả cũng như gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong công tác quản lý.
Không những thế, theo đại diện của Alphabooks, sách in lậu, sách giả tồn tại ở bất kỳ thị trường nào có người mua, tức là cả online lẫn offline. Trên mạng, sách giả trà trộn vào các trang web, nền tảng mạng xã hội không được quản lý chặt chẽ và được chạy quảng cáo rất mạnh.
Theo Cục An ninh chính trị nội bộ, khi quảng cáo bán sách trên kênh online như Facebook, TikTok… các đối tượng thường che giấu thông tin cá nhân. Việc giao hàng thông qua các công ty chuyển phát nhanh, che giấu địa chỉ giao sách, đăng địa chỉ giả ở các tỉnh ngoài… gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình điều tra, xác minh. Thêm nữa, các tài khoản thanh toán, đăng ký phương tiện cũng đều không dùng thông tin của các đối tượng chính…
Có thể thấy, sách lậu đã trở thành vấn nạn, song các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm được giải pháp để ngăn chặn hiệu quả. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, như: Chế tài xử phạt còn nhẹ, thiếu tính răn đe; công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật chưa cao; việc phối hợp giữa các đội liên ngành địa phương còn thiếu chặt chẽ; công tác thanh tra, kiểm tra có thời điểm chưa hiệu quả…
Là đơn vị xuất bản phẩm giáo dục bị in và tiêu thụ lậu đứng đầu về số lượng, địa bàn và mức độ thiệt hại, thống kê của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho thấy từ năm 2010-2023 đã phát hiện trên 3,3 triệu bản sách, hơn 100.000 đĩa CD và gần 41 tấn bán thành phẩm sách giáo dục bị in lậu, tàng trữ để tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành trong nước.
Đơn vị cũng đã đưa ra một số giải pháp mang tính kỹ thuật như sử dụng tem điện tử và tem công nghệ. Tem công nghệ của NXB Giáo dục Việt Nam có năm thông tin và bốn lớp bảo mật, giúp xác định được đâu là sách thật, đâu là sách giả…
Song cũng như nhiều xuất bản phẩm khác, tỷ lệ chiết khấu của các đối tượng in lậu có thể tăng lên đến trên 70% mà vẫn có lãi… nên đã đánh vào tâm lý ham rẻ của người tiêu dùng, vì thế sách lậu, sách giả vẫn còn đất sống.
Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT) điểm danh ba vi phạm bản quyền sách phổ biến trên không gian mạng, đó là: Bán các sản phẩm sách in giả, sách lậu trên các nền tảng thương mại điện tử, các mạng xã hội phổ biến; Sử dụng website, ứng dụng (app) OTT được cấp phép hoặc các website đăng ký tên miền và đặt server ở nước ngoài, các app OTT lậu được chia sẻ trên Internet, các mạng xã hội phổ biến… để cung cấp các sản phẩm sách số (đọc, nghe, nhìn); Lợi dụng công nghệ số, nhất là công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra các tác phẩm phái sinh nhưng không thực hiện theo đúng quy định về quyền tác giả, quyền liên quan.
Các vi phạm về bản quyền số ngày một nhiều, đa dạng và khó kiểm soát. Tác giả và các đơn vị xuất bản Việt Nam dù đã chủ động triển khai một số giải pháp nhưng tính đồng bộ chưa cao nên kết quả thu được rất hạn chế.
Nạn xâm phạm bản quyền trong xuất bản ngày càng báo động |
Vô tư vi phạm bản quyền sách điện tử
Việc vi phạm bản quyền với sách in, tuy tràn lan, nhưng chưa thấm vào đâu nếu so với sách điện tử, vì tính chất đa phương tiện, tinh vi và dễ dàng của nó.
Từ khoảng năm 2010, nổi lên nhiều trang mạng, diễn đàn tự tổ chức thu thập và chia sẻ e-book miễn phí hoặc có thu phí với mức giá khá rẻ. Đây là dạng phát tán file e-book trái phép, không được sự đồng ý của nhà xuất bản hay tác giả nhưng vẫn phát triển khá mạnh do nhu cầu đọc của người dùng Internet ngày càng tăng.
E-book phần lớn không có bản quyền, chỉ là một file dạng hình ảnh, thiếu các tiện ích và thông tin, nếu có sai sót thì cũng không có ai kiểm tra hay chịu trách nhiệm. Các hành vi vi phạm này dù vô tư hay cố ý đều đẩy các các NXB, doanh nghiệp kinh doanh xuất bản điện tử vào tình trạng kinh doanh không hiệu quả, thậm chí phải bù lỗ.
Theo thống kê của Alpha Books và Omega Plus, trong số hơn 1.000 đầu sách e-book của đơn vị, có đến vài trăm đầu bị xâm phạm bản quyền dưới hình thức sách điện tử đăng tải tràn lan trên các trang mạng cá nhân, chia sẻ miễn phí hoặc kinh doanh kiếm lời.
Nhiều đơn vị còn phát triển thành dạng sách nói và phát tán trên các kênh như YouTube, trang Facebook cá nhân, các diễn đàn và thậm chí cả các công ty có tư cách pháp nhân cũng ngang nhiên khai thác để kiếm lời. Ví dụ, trang yeuebook kinh doanh trái phép hàng trăm đầu ebook của Alpha Books và Omega Plus, dù đã bị cảnh báo và nhắc nhở nhiều lần, nhưng vẫn không gỡ sản phẩm vi phạm.
Nhã Nam, một trong những đơn vị phát hành mạnh và được giới trẻ yêu thích ở thị trường trong nước, trước đây cũng đã từng hào hứng phát triển mảng ebook. Những tiếp cận ban đầu còn mới mẻ, chưa kịp mở rộng, số lượng bạn đọc đến với ebook cũng chưa nhiều, nhưng gần như ngay lập tức Nhã Nam đã phải đối mặt với nạn vi phạm bản quyền. Vì vậy, mảng ebook của đơn vị đã phải tạm dừng, không thể tiếp tục triển khai.
Nhiều nhà xuất bản đã chỉ ra một trong những nguyên nhân khiến việc vi phạm bản quyền sách điện tử ngày càng nhiều và ngang nhiên hoạt động là do thiếu chế tài xử lý, khó đòi bồi thường do Luật Xuất bản vẫn chưa đưa ra các biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với ebook lậu. Có lẽ cũng chính vì vậy, năm 2023 việc ứng dụng công nghệ vào trong xuất bản mới chỉ ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ về quy mô cũng như doanh thu của loại hình sách nói khi đạt khoảng 40 triệu lượt (tăng 25% so với năm 2022), doanh thu khoảng 80 tỉ đồng…
Cùng việc nâng cao ý thức của người đọc về tôn trọng bản quyền sách; đẩy nhanh việc hoàn thiện các chế tài có tính răn đe để ngăn chặn hành vi vi phạm đối với sách điện tử… thì các NXB vẫn đang chờ đợi một hàng rào kỹ thuật bảo vệ hiệu quả để có thể có đem đến cho bạn đọc nhiều lựa chọn mới với ebook.
You must be logged in to post a comment Login