Sách Xuyên thấu. |
Khi những ký ức vốn ngủ yên trong tâm trí bị đánh thức, chúng bắt đầu vặn vẹo rồi luồn lách, lúc đầu có thể hơi chậm nhưng dần dà sẽ nhanh hơn, cuối cùng chúng sẽ trồi lên được trên mặt nước. Và, một khi chúng đã chạm đến bề mặt ấy, các giác quan của bạn sẽ ngừng hoạt động.
Có lẽ, đó là chuyện xảy ra với Kawashima, hoặc Chiaki, hoặc chính tôi. Tôi đã đọc Xuyên thấu một cách đầy chật vật, tốn rất nhiều ngày để đóng vào và mở ra cuốn sách này, dù tôi luôn nhận mình là một kẻ say mê thứ văn chương mà Ryu Murakami gọt giũa. Nhưng, Xuyên thấu không giống Thử vai, không giống Màu xanh trong suốt, và càng không giống tác phẩm xuất sắc của ông (với tôi) là Những đứa trẻ bị bỏ rơi trong tủ đựng đồ.
Lúc đó, tôi gần như định từ bỏ cuốn tiểu thuyết này, khi trong tôi không hình thành cảm giác “khủng hoảng” – đó là cảm giác quen thuộc của tôi khi đọc các tác phẩm khác của Ryu Murakami. Sau cùng, tôi vẫn cố gắng “bơi” tiếp, để rồi chợt nhận ra sự ướt át của Xuyên thấu.
Những ký ức đáng sợ
Cả hai nhân vật chính của câu chuyện, Kawashima và Chiaki, đều đang bị chế ngự bởi những con nòng nọc len lỏi trong tâm trí. Mỗi con nòng nọc ấy lại mang một sắc màu riêng, như cách cơn ác mộng khởi nguồn từ quá khứ đè nén và bám riết lấy hai người.
Với Kawashima, anh đã phải chịu đựng thương tổn từ mẹ ruột của mình: Bà luôn nhẫn tâm đánh đập và chửi rủa anh, rồi cũng chính bà lại vội vàng ôm lấy anh lẩm bẩm vài lời yêu thương rẻ mạt. Kawashima lớn lên bằng nỗi sợ hãi cùng sự căm ghét dành cho mẹ mình.
Nhưng, Kawashima đã đâm cái dùi đập đá với mũi nhọn hoắt vào một người phụ nữ trung niên khác – người đã bao nuôi anh khi học cấp ba. Người phụ nữ ấy hành động y hệt mẹ anh, coi anh là chỗ để xả cảm xúc, đánh đập rồi ôm ấp, níu kéo anh.
Bẵng đi một thời gian, những ký ức đáng sợ ấy chợt ùa về, trong khoảnh khắc anh ngắm nhìn đứa con mới lọt lòng của mình. Và, anh nảy lên một suy nghĩ đáng sợ; ngạc nhiên thay, suy nghĩ ấy vừa khéo với những gì anh đã trải qua trong quá khứ.
Kawashima yêu con mình, nhưng đồng thời lại muốn trải nghiệm cảm giác được “làm hại”. Anh đang lặp lại hành vi của mẹ mình, ở một mức độ nguy hiểm và đáng báo động hơn.
Với Chiaki, cô bị xâm hại tình dục khi còn học tiểu học. Cô từng thử nói chuyện này với mẹ, nhưng bà đã hoảng loạn dặn dò cô không được kể với ai khác. Chiaki chứng kiến cha mẹ cãi nhau vì mình, cha cô trách cứ ngược lại cô, còn mẹ cô bắt đầu tránh mặt cô.
Chiaki nhỏ bé đã tưởng mình làm sai, bởi chỉ có làm sai thì mẹ mới ghẻ lạnh cô như vậy… Chiaki lớn lên bằng suy nghĩ kỳ lạ đó, cô trở thành gái mại dâm. Nhưng, cô không còn cảm nhận được khoái cảm khi làm tình, cô bị ám ảnh bởi cặp mắt nhìn mình từ góc phòng.
Để đưa mình thoát khỏi sự ám ảnh luôn bám riết ấy, Chiaki lựa chọn tự đầy đọa mình: Cô cắt tay, rạch chân, đâm xuyên từng thớ thịt, hay bấm khuyên vào núm vú – chỗ nhạy cảm nhất, cũng là chỗ gần nhất với bản thể thật sự bên trong cô. Sẽ không ai cứu cô, họ đều xa lánh cô, giống mẹ vậy…
Sự vô cảm của xã hội
Một sự nhớp nhúa khác trong tác phẩm này nằm ở sự vô cảm, thờ ơ, dửng dưng của xã hội. Rất nhiều người có chức quyền từng thấy dấu hiệu lạ ở Kawashima hay Chiaki, nhưng họ lại lựa chọn không can thiệp.
Cách bác sĩ ậm ừ cho qua với câu trả lời đầy lỗ hổng của Chiaki, cách Kawashima thoát khỏi các cáo buộc giết người, cho đến cách nhân viên khách sạn vòng vo hòng giới thiệu dịch vụ mãi dâm… Tất cả chúng thể hiện rất rõ thực trạng đạo mạo giả dối của xã hội, và Ryu Murakami còn lặp lại chủ đề này ở toàn bộ các sáng tác khác của ông.
Murakami không giấu giếm, không dựng chuyện, cũng không nói dối điều gì. Đạo đức của ông thể hiện qua cách ông viết. Với cách làm của ông, bạn hoặc phải chú tâm… hoặc phải chạy trốn. Ông đâm xuyên qua lớp mặt nạ đạo mạo giả dối của xã hội, đem những vết sẹo lồi lõm, xấu xí, ghê tởm ra bóc trần trước ánh sáng.
Chúng bị buộc phải lu mờ đi sắc xám nhờ nhợ đang quấn quanh mình, để rồi bị phanh phui, bị xuyên thấu, bị lên án một cách dữ dội nhất.
Ông buộc cái xã hội vốn quen với sự giả tạo; với sự quan tâm quá mức đến ánh nhìn của người khác; với sự che đậy, giấu mình, lẩn tránh khỏi cái xấu; với sự thờ ơ, lạnh nhạt, chỉ biết giữ lấy mình – phải thẳng thắn đối diện với hậu quả cùng từng cơn ác mộng bị nhào nặn bởi chính xã hội này.
Ngay cả cách viết của Ryu Murakami ở Xuyên Thấu cũng nhớp nhúa. Thay vì miêu tả các cảnh làm tình đê mê như Thử vai, ông dùng những từ ngữ thô tục và trần trụi nhất.
Thay vì phân luồng suy nghĩ nhân vật rõ ràng như Ba đêm trước giao thừa, ông để hai mạch chảy của Kawashima và Chiaki chồng chéo lên nhau, đôi lúc ta sẽ bị loạn – nhưng, sự rối loạn đó lại là điều ông nhắm đến, bởi hai nhân vật chính và xã hội cũng đang rối loạn hệt vậy.
Vậy nên, kể cả khi Xuyên thấu kết thúc bằng một dấu hỏi lớn – như một biện pháp tu từ để làm bật lên giá trị hiện thực và giá trị nghệ thuật của tác phẩm – tôi vẫn không thỏa mãn như lúc đọc lời kết bỏ ngỏ ở Thử vai hay lá thư Ryu gửi Lily trong Màu xanh trong suốt.
Tác phẩm này, vẫn với giọng văn bình thản và dửng dưng quen thuộc, nhưng lại thiếu đi một cốt truyện hoàn toàn thuyết phục.
Trở lại với trải nghiệm đọc Xuyên thấu của tôi, tôi nghĩ mình đã kỳ vọng quá nhiều sau khi đọc ba tác phẩm kể trên của ông trước.
Xuyên thấu giống một chiếc bánh với lớp kem tươi được tái sử dụng từ những chiếc bánh khác vậy. Có điều, đó vẫn là một tiểu thuyết đáng đọc. Bởi ông luôn tạo ra một xã hội trông bình thường ở bên ngoài, nhưng một khi đào sâu hơn, bạn sẽ thấy xã hội ấy đầy rẫy vấn đề nhức nhối.
Bài viết của độc giả có bút danh Thế Giới Bình Thường, gửi từ hòm thư mai…[email protected].
Nguồn: https://zingnews.vn/su-nhop-nhua-cua-mot-xa-hoi-vo-cam-post1433641.html
You must be logged in to post a comment Login