“Rất nhiều người phải nằm lại ở một nơi nào đó trong chiến trường. Còn chúng tôi, những người lính được trở về với mẹ là những người may mắn nhờ hồng phúc gia đình và nhờ có đồng đội đã hi sinh nhường chỗ cho để trở về.
Mẹ ơi, con đã về!
Không phải ai cũng được nói câu đó với mẹ sau ngày kết thúc chiến tranh. Rất nhiều người đã phải nằm lại ở một nơi nào đó trong chiến trường. Còn chúng tôi, những người lính được trở về với mẹ là những người may mắn nhờ hồng phúc gia đình và nhờ có đồng đội đã hy sinh nhường chỗ cho để trở về”.
Đây là những lời gan ruột của chính tác giả Vũ Công Chiến – một cựu chiến binh sinh ra cuối cuộc kháng chiến chống Pháp, lớn lên rồi cầm súng trong những năm đánh Mỹ. Anh và nhiều đồng đội đã may mắn trở về sau khi hoàn tất sứ mệnh của người trai thời loạn. Số phận của con người sau chiến tranh thật muôn hình muôn vẻ, hỉ nộ ái ố đủ cung bậc được khắc họa tràn đầy cảm xúc qua cuốn sách Chúng tôi thời hậu chiến.
Đây là món quà tôi được tặng từ một người bạn học thời phổ thông, và khi cầm nó lên, tôi đã đọc một mạch không ngừng nghỉ…
Mở đầu là niềm vui vỡ òa của những người lính khi nghe tin địch đầu hàng, quân ta chiến thắng ngay trên đường hành quân, ngỡ ngàng không tin nổi “chiến tranh đã kết thúc rồi sao” khi mới vài phút trước thôi họ vẫn trong tư thế sẵn sàng hy sinh.
Tiếp đến là câu chuyện “tiếu lâm” cười ra nước mắt khi đơn vị (Trung đoàn 9 – Sư đoàn 968) được giao nhiệm vụ tiễu trừ Fulro, quá trình âm thầm săn lùng những món đồ quý như khung xe đạp hay đài bán dẫn 3 băng của Nhật làm quà cho gia đình trong đợt nghỉ phép. Ly kỳ hơn là chuyện đơn vị cấp giấy giới thiệu về địa phương… lấy vợ, hóa ra kiểu lấy vợ chớp nhoáng như tập kích gói gọn trong một tháng phép lại có vẻ phù hợp với cánh lính nông thôn.
Giọng văn giản dị, chân thực, cách dẫn chuyện nhẹ nhàng của tác giả khiến độc giả tìm thấy sự đồng cảm với mỗi nhân vật.
Hóa ra con đường về nhà của người lính thời hậu chiến cũng khúc khuỷu lắm khiến họ phải bước thấp bước cao. Có quá nhiều việc để bắt đầu gây dựng cuộc sống mới, để hòa nhập với gia đình và xã hội, để phụng dưỡng cha mẹ hay thăm hỏi bạn bè. Cuộc sống của các anh sắp tới không chỉ là của riêng mình mà phải sống thêm cả phần người khác – đó hình như là món nợ sinh tử mà mỗi người lính khi bước ra khỏi cuộc chiến phải mang theo bên mình.
Không còn bom rơi pháo nổ, không còn những đêm dài hành quân mà chả biết mình có được đón thêm một buổi bình minh… và khi không khí hân hoan của ngày 30/4/1975 đã lắng xuống, hậu phương đón các anh đã khắt khe hơn nhiều. Từ chuyện giám định thương tật để làm chế độ chính sách đến việc phân biệt đối xử khi học Đại học, những án kỷ luật tàn tích thời quân ngũ đôi khi có thể “nhấn chìm” số phận một con người.
Theo lời kể của tác giả, tôi – một độc giả sinh ra trong thời bình – cứ bị cuốn theo bao câu chuyện đời thường mà thấm thía về cái cách người lính sống sau khi chiến tranh kết thúc, cách họ chiến đấu với cuộc sống mưu sinh nhọc nhằn: học làm công nhân, miệt mài xin việc, bị phá sản, âm thầm nhận khoản trợ cấp “một cục”, quay cuồng với nạn lạm phát… “Bọn lính” E9 với Dũng “đài”, Thịnh “tồ”, Kim “con”, Thái “pi tơ”… mỗi người một vòng quay số phận lúc chan chứa nước mắt, khi rộn rã tiếng cười nhưng nhất quyết không chịu gục ngã.
Tôi cũng ấn tượng với những con chữ lấp lánh niềm vui và tự hào khi tác giả Vũ Công Chiến kể về những người bạn thành đạt, hai tiến sĩ khoa học Nguyễn Quang Vinh và Hồ Tú Bảo – những người lính đã giấu thương tật của mình, chấp nhận không xếp loại thương binh để xin thi vào các trường đại học. “Họ xác định rằng cuộc đời từ khi cởi áo lính mới là lúc bắt đầu, chứ không phải sự kế tiếp của những gian lao cống hiến trong lính, để an phận hưởng chính sách đãi ngộ của nhà nước”.
Với trải nghiệm cá nhân, sau khi đọc xong Chúng tôi thời hậu chiến, tôi thêm thấm thía về sự mất mát “vô hình” của những người lính sau cuộc chiến. Nhưng vượt trên tất cả, với tinh thần bộ đội Cụ Hồ, các anh phải tìm cách hòa nhịp thật nhanh với cuộc sống đời thường. Không còn “ăn mày dĩ vãng”, ngủ quên trên chiến thắng để sống thực tế hơn. Thực tế chứ không phải thực dụng, vì thực dụng chứa cả sự bần tiện, nhỏ nhen và thủ đoạn.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.
You must be logged in to post a comment Login